Dưới ánh sao thu -Under the autumn star (XXXIII, XXXIV)
Knut Hamsun
XXXIII
Vậy là một lần nữa tôi lại ở đây, trong sự chen chúc và ồn ào của một thành phố, với những tờ nhật trình và những thị dân. Tôi đã cách xa tất cả mọi thứ này nhiều tháng, và thấy nó không có gì vui thú. Tôi dành ra một buổi sáng để thu xếp mọi thứ; mua sắm ít quần áo, rồi bắt tay vào việc tìm kiếm Frøken Elisabeth theo địa chỉ của nàng. Nàng đang ở với vài người bà con. Và giờ đây tôi có đủ may mắn để gặp người kia hay chăng? Tôi bồn chồn như một cậu con trai. Hai bàn tay tôi quá thô thiển đối với những chiếc găng tay, và tôi tháo chúng ra; rồi khi bước lên thềm tôi nhận thấy hai bàn tay của tôi không hợp lắm với bộ đồ đang mặc, nên lại đeo găng tay vào. Rồi tôi nhấn chuông. “Frøken Elisabeth? Vâng, xin ông vui lòng chờ một chút.” Frøken Elisabeth bước ra. “Goddag (Chào buổi sáng). Anh muốn nói chuyện với… Ồ, anh đấy à? Tôi đã mang tới một gói đồ từ mẹ nàng. Værsaagod. (Xin mời đi trước.) Nàng xé cái gói và nhìn vào trong. “Ổ, không ngờ Mama lại nghĩ tới thứ đó. Cặp kính để xem opera. Chúng tôi đã tới nhà hát rồi… Lúc đầu tôi không nhận ra anh.” “Thật thế sao! Đâu có lâu mấy từ khi…” “Không, nhưng… nói cho tôi biết xem anh có muốn hỏi thăm về ai khác không? Haha.” “Có,” tôi đáp. “Chà, chị ấy không ở đây. Tôi chỉ ở đây với mấy người bà con. Không, chị ấy ở Victoria.” “Tốt, cái gói là cho cô,” tôi nói, cố che giấu nỗi thất vọng. “Chờ chút đã. Tôi sắp đi ra ngoài; chúng ta có thể cùng đi.” Frøken Elisabeth mặc thêm áo ngoài, cất tiếng gọi qua một cánh cửa để nói rằng nàng sẽ không đi lâu và sẽ đi với tôi. Chúng tôi đón một cỗ xe ngựa và tới một quán cà phê yên tĩnh. Frøken Elisabeth nói rằng phải, nàng thích tới những quán cà phê. Nhưng quán này thì không thú vị cho lắm. Nàng thích tới chỗ khác chăng? “Vâng, tới khách sạn Grand.” Tôi ngần ngừ; việc này không an toàn mấy. Tôi đã đi xa khá lâu, và nếu chúng tôi gặp bất kỳ người quen biết nào, có thể tôi phải nói chuyện với họ. Nhưng Frøkenen nhất quyết tới Grand. Nàng đã có vài hôm thực hành ở thủ đô, và đã có được khá nhiều tự tin. Nhưng trước đây tôi đã rất thích nàng. Chúng tôi lại ngồi xe tới Grand. Trời đang ngã về chiều. Frøkenen chọn chỗ ngồi ở bàn sáng nhất, cả người tỏa ra niềm vui rạng rỡ. Tôi gọi ít rượu vang. “Hiện giờ anh mặc đồ thật là đẹp,” nàng nói, với một tràng cười. “Tôi không thể bước vào đây đàng hoàng trong bộ đồ lao động.” “Không, dĩ nhiên không. Nhưng, nói thật tình, cái áo blu đó… tôi nói với anh những gì tôi nghĩ có được không?” “Vâng, cứ nói.” “Cái áo blu hợp với anh hơn.” Đấy! Quỷ sứ tới mà lấy đi những bộ đồ thành thị! Tôi ngồi đó, đầu óc tràn ngập những điều khác, và không quan tâm tới kiểu trò chuyện này. “Cô ở lại thị trấn lâu không?” “Tới chừng nào Lovise còn ở. Chúng tôi đã mua sắm xong. Không, tôi xin lỗi; tất cả đều quá ngắn.” Sau đó nàng lại trở nên vui vẻ và vừa cười vừa hỏi: “Anh có thích sống với chúng tôi ở vùng nông thôn không?” “Thích. Đó là một thời gian vui thú.” “Và anh sẽ sớm trở lại chứ? Haha.” Có vẻ như nàng đang trêu cợt tôi. Đang cố, dĩ nhiên, tỏ ra nàng nhìn thấu qua tôi: rằng tôi đã không chơi đùa – đã đóng khá tốt vai trò của một người làm công miền thôn dã. Nàng thật quá sức trẻ con! Tôi có thể dạy cho nhiều người làm công biết việc của họ, và có không chỉ một công việc làm ăn ở mấy đầu ngón tay. Dù trong tiếng gọi thật sự của mình, tôi cố xoay xở để đạt tới giấc mơ kế tiếp đẹp nhất trong mọi giấc mơ… “Tôi sẽ đề nghị Papa đóng lên cột một tấm thông báo vào mùa xuân tới, ghi rằng anh sẵn lòng đặt ống nước các thứ nhé?” Nàng nhắm mắt lại và bật cười – nàng cười thật vui vẻ. Tôi bị giằng xé vì phấn khích, và sự vui vẻ của nàng khiến tôi đau đớn, dù tất cả mọi thứ khá vui. Tôi đưa mắt liếc quanh, cố thu người lại; đây đó có một người quen gật đầu chào tôi, và tôi đáp lại; mọi thứ dường như rất xa xăm đối với tôi. Tôi đang ngồi với một cô gái đáng yêu và điều đó khiến mọi người chú ý chúng tôi. “Hình như anh biết những người này?” “Phải, một hai người trong số đó. Cô có đi chơi chỗ nào trong thị trấn không?” “Ồ, có, rất nhiều. Tôi có hai người em trai họ hàng ở đây, và còn có bạn của họ nữa.” “Anh chàng Erik tội nghiệp, ở chốn thôn quê ngoài kia,” tôi nói đùa. “Ồ, anh với chàng Erik trẻ tuổi của anh. Không, có một người ở thị trấn này; anh ta tên Bewer. Nhưng hiện giờ tôi không chơi với anh ta.” “Ồ, việc đó sẽ không kéo dài.” “Anh nghĩ thế à? Thật sự tôi khá nghiêm túc về việc này. Tôi nghĩ có thể tối nay anh ta sẽ tới đây.” “Cô phải chỉ anh ta cho tôi nếu anh ta tới.” “Tôi đã nghĩ, khi chúng ta ngồi xe tới đây, rằng anh và tôi có thể ngồi đây với nhau, anh biết đó, và chọc cho anh ta nổi máu ghen.” “Đúng, vậy chúng ta sẽ làm thế.” “Vâng, nhưng… Không, anh phải trẻ hơn một chút mới được. Ý tôi là…” Tôi miễn cưỡng cười to. Ồ, chúng tôi sẽ xoay xở ổn thôi. Đừng coi thường những gã già chúng tôi, những gã quá lứa lỡ thì chúng tôi, đôi khi chúng tôi có thể cực kỳ hữu ích. “Chỉ có điều tốt hơn cô nên để tôi ngồi trên cái trường kỷ bên cạnh cô, để anh ta không thể thấy tôi bị hói ở sau gáy.” Chà, nhưng khó mà tiến hành cuộc chuyển hóa nguy hiểm tới tuổi già theo bất kỳ cách thức lặng lẽ và đẹp mắt nào. Có một sự miễn cưỡng, một vở kịch đầy nỗ lực ngớ ngẩn và những điệu bộ nhăn nhó, trận đấu chống lại những ai trẻ tuổi hơn chúng ta, và sự ghen tị. “Frøken….” Lúc này tôi hỏinàng với trọn vẹn trái tim của mình. “Frøken, cô có thể gọi cho Fru Falkenberg và mời cô ta tới đây được không?” Nàng suy nghĩ một lúc. “Vâng, chúng ta sẽ đi,” nàng nói với vẻ rộng lượng. Chúng tôi đi tới buồng điện thoại, gọi tới khách sạn Victoria: Fruen ở đó. “Chị đấy phải không, Lovise? Chị không bao giờ đoán nổi em đang đi với ai đâu? Chị có tới được không? Ồ, tốt. Bọn em ở Grand. Không, giờ em không thể nói với chị được. Vâng, dĩ nhiên là một người đàn ông – chỉ có điều hiện giờ anh ta là một quý ông – em sẽ không nói đó là ai đâu. Chị có tới không? Sao, chị vừa mới bảo sẽ tới mà! Có ai đó hả? Vâng, được, cứ làm theo ý chị, dĩ nhiên, nhưng em nghĩ… Vâng, anh ta đang đứng đây. Chị đang vội hả…” Frøken Elisabeth gác máy và nói ngắn gọn: “Chị ấy phải tới gặp vài người bạn.” Chúng tôi quay lại bàn và gọi thêm rượu vang; tôi cố tỏ ra vui vẻ, và đề nghị gọi sâm-panh. Vâng, cám ơn. Và sau đó, khi chúng tôi đang ngồi đó, Frøkenen đột ngột nói: “Ồ, Bewer kia rồi! Tôi rất mừng vì chúng ta đang uống sâm-panh.” Nhưng tôi chỉ có một ý tưởng trong đầu, và lúc này đang được yêu cầu trình diễn những gì tôi có thể, vờ quyến rũ tiểu thư trẻ tuổi này vì lợi ích cuối cùng của một kẻ khác, tôi thấy mình đang nghĩ một đàng nói một nẻo. Dĩ nhiên điều này sẽ dẫn tới tai họa. Tôi không thể gạt cuộc nói chuyện điện thoại đó ra khỏi đầu; hẳn nàng đã có một ý nghĩ nào đó – đã nhận ra kẻ đang đợi nàng ở đây chính là tôi. Nhưng tôi đã làm gì chứ? Vì sao tôi bị đột ngột tống cổ khỏi Øvrebø, và Falkenberg chiếm chỗ của tôi? Hoàn toàn có khả năng Đại úy và vợ ông không luôn luôn là những người bạn tốt của nhau, nhưng Đại úy đã đánh hơi thấy sự nguy hiểm khi tôi có mặt ở đó, và muốn giúp cho vợ mình ít nhất không rơi vào nỗi nhục như thế. Và hiện giờ, nàng ở đây, cảm thấy hổ thẹn vì tôi đã làm việc ở chỗ của nàng, vì nàng đã dùng tôi làm người đánh xe, và đã hai lần chia sẻ thức ăn với tôi trên đường. Và nàng còn xấu hổ vì tôi không còn trẻ nữa… “Thế này không được đâu,” Frøken Elisabeth nói. Vì thế tôi cố trấn tĩnh lại, và bắt đầu nói đủ loại chuyện ngốc nghếch để làm cho nàng cười. Tôi uống khá nhiều và việc đó có ích; cuối cùng, có vẻ như nàng thật sự tưởng rằng tôi đang thỏa hiệp với nàng là vì chính nàng. Nàng tò mò nhìn tôi. “Không, thật sự, anh có nghĩ là tôi đẹp không?” “Ồ, xin cô đấy – cô không hiểu sao? – Tôi đang nói về Fru Falkenberg.” “Suỵt!” Frøken Elisabeth nói. “Dĩ nhiên đó là Fru Falkenberg; tôi biết rất rõ điều đó, nhưng anh không cần phải nói vậy… Tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta đang bắt đầu gây được ấn tượng với anh ta ở đằng kia. Chúng ta cứ tiếp tục như đang làm, và tỏ ra quan tâm.” Vậy là nói cho cùng nàng không nghĩ rằng tôi đang cố vì chính mình. Dù sao, tôi đã quá già đối với loại cung cách này. Quỷ sứ bắt nó đi, vâng, dĩ nhiên. “Nhưng anh không thể có đựợc Fru Falkenberg,” nàng nói, bắt đầu lần nữa. “Đó chỉ là chuyện vô vọng.” “Không, tôi không thể có được nàng. Cả với cô cũng vậy.” “Anh lại nói về Fru Falkenberg nữa đấy à?” “Không lần này là với cô.” Im lặng. “Anh có biết tôi đã yêu anh không? Phải, khi tôi còn ở nhà.” “Việc này thật là thú vị,” tôi nói, rời khỏi chiếc trường kỷ. “Ồ, chúng ta sẽ nắm được Bewer, đừng lo.” “Vâng, chỉ là tưởng tượng, tôi từng tới nghĩa trang để gặp anh vào những buổi tối. Nhưng anh, con người ngốc nghếch, anh chẳng nhìn thấy gì hết.” “Hiện giờ cô đang nói về Bewer, dĩ nhiên,” tôi nói. “Không, hoàn toàn là sự thật đấy. Và hôm nọ khi anh đang đào khoai trên đồng tôi đã tới. Tôi không tới để gặp anh chàng Eric, không hề.” “Chỉ nghĩ rằng lẽ ra đó là tôi,” tôi đáp, tỏ vẻ u buồn. “Vâng, dĩ nhiên anh nghĩ điều đó thật lạ lùng. Nhưng thật sự, anh biết đó, những người sống ở thôn quê cũng phải có ai đó để ưa thích.” “Fru Falkenberg có nói giống vậy không?” “Fru Falkenberg? Không, chị ấy bảo chị ấy không ưa thích bất cứ người nào, chỉ chơi đàn dương cầm và các thứ đại loại. Nhưng tôi đang nói về chính mình. Anh có biết tôi có lần tôi đã làm gì không? Không, thật sự, tôi không thể nói với anh chuyện đó. Anh có muốn biết hay không?” “Vâng, nói cho tôi nghe đi.” “Tốt… vì, nói cho cùng, tôi chỉ là một đứa trẻ con khi so với anh, vì thế việc này không quan trọng. Đó là khi anh đang ngủ ở kho thóc; một hôm tôi tới đó và xếp đặt ngay ngắn mấy tấm chăn của anh, và dọn một cái giường đàng hoàng.” “Cô đã làm chuyện đó sao,” tôi bật thốt, hoàn toàn chân thật, quên hẳn vai diễn của mình. “Anh nên nhìn thấy tôi lẻn vào. Hahaha!” Nhưng nàng thiếu nữ này chưa đủ tài đóng kịch, nàng thay đổi sắc mặt với thú nhận nho nhỏ của mình, và bật cười gượng gạo để che đậy sự bối rối. Tôi cố giúp nàng bình thản lại, và nói: “Cô biết đó, cô đúng là một người nhân hậu. Fru Falkenberg sẽ không bao giờ làm một điều như thế.” “Không; nhưng vì chị ấy lớn tuổi hơn. Anh nghĩ chúng tôi cùng tuổi à?” “Fru Falkenberg có nói là cô ta không muốn ưa thích bất cứ người nào không?” “Có. Ồ, không… phiền quá, tôi không biết. Fru Falkenberg đã kết hôn, dĩ nhiên; chị ấy không nói bất cứ điều gì. Giờ hãy nói chuyện về tôi trở lại chút đi… Vâng, và anh có nhớ cái lần chúng ta tới cửa tiệm mua đồ, anh biết đó? Tôi đã đi càng lúc càng chậm để cho anh đuổi kịp…” “Phải, cô thật tốt bụng. Và giờ tôi sẽ làm một điều để đáp trả lại cô.” Tôi đứng lên, bước qua chỗ anh chàng Bewer trẻ tuổi đang ngồi, và hỏi cậu ta có phiền không khi tới ngồi cùng bàn với chúng tôi. Tôi đưa cậu ta về; Frøken Elisabeth đỏ bừng mặt khi cậu ta tới. Sau đó tôi nói với hai người trẻ tuổi đó, chúc họ gắn bó với nhau, khi xong việc, tôi sực nhớ ra còn có một việc phải làm, và phải đi ngay lập tức. “Tôi rất tiếc phải đi ngay bây giờ. Frøken Elisabeth, tôi e là cô đã khiến cho tôi choáng váng, khiến tôi hoàn toàn bị chuốc bùa mê; nhưng tôi nhận ra rằng việc đó chỉ là chuyện vô vọng. Nhân tiện, đây là một điều tuyệt vời đối với tôi…”
XXXIV
Tôi lê bước tới đường Raadhusgaten, và đứng một hồi cạnh trạm xe ngựa, quan sát lối vào khách sạn Victoria. Nhưng dĩ nhiên nàng đã ra ngoài thăm mấy người bạn. Tôi nhắm mắt đưa chân vào khách sạn, nói chuyện với người gác cửa. Phải, Fruen đang ở trong phòng số 12, tầng một. Vậy bà ta không ra ngoài thăm bạn sao? Không. Có phải bà ta chỉ ra ngoài chốc lát không? Fruen không hề nói thế. Tôi lại bước ra đường; những người đánh xe vung vẫy những tấm da phủ chân, mời mọc tôi hạ cố. Tôi chọn một cỗ xe và trèo vào. “Tới đâu ạ?” “Cứ ở yên tại chỗ. Tôi thuê anh theo giờ.” Những gã đánh xe đi quanh xì xào, kẻ bàn thế này, người tán thế kia: ông ta đang theo dõi khách sạn; ra ngoài để bắt ghen vợ ông ta đang hẹn hò với một thương gia đi du lịch nào đó. Phải, tôi đang theo dõi chỗ này. Có ánh đèn trong một hai căn phòng, và đột nhiên tôi chợt nghĩ ra rằng có thể nàng đang đứng ở một ô cửa sổ và trông thấy tôi. “Chờ chút,” tôi nói với người đánh xe, và lại đi vào khách sạn. “Phòng số 12 ở đâu?” “Tầng một.” “Nhìn ra đường Raadhusgaten phải không?” “Vâng.” “Vậy đó phải là em gái của tôi,” tôi nói, bịa đặt đôi điều để chuồn qua người gác cửa. Tôi đi lên cầu thang, và để không cho mình có cơ hội quay lại, tôi gõ cửa ngay khoảnh khắc tôi nhìn thấy con số. Không trả lời. Tôi gõ lần nữa. “Có phải hầu phòng không?” từ trong phát ra một giọng nói. Tôi không thể đáp phải; giọng tôi sẽ phản bội tôi. Tôi thử xoay nắm cửa – cửa đã bị khóa. Có lẽ nàng e rằng tôi có thể tới; có thể nàng đã nhìn thấy tôi ở bên ngoài. “Không, đây không phải là người hầu phòng,” tôi nói, và tôi có thể nghe những từ run rẩy một cách lạ lùng ra sao. Sau đó tôi đứng lắng nghe hồi lâu; tôi có thể nghe tiếng ai đó di chuyển bên trong, nhưng cửa vẫn đóng. Rồi có hai hồi chuông ngắn từ một trong những căn phòng dưới sảnh. Hẳn đó là nàng, tôi tự nhủ; nàng đang cảm thấy khó chịu, và đã ấn chuông gọi người hầu phòng. Tôi bước xa khỏi cửa, để tránh bất kỳ sự lúng túng nào cho nàng, và, khi người hầu phòng tới, tôi bước ngang qua như thể đang đi xuống thang. Lúc ấy người hầu phòng nói, “Phải, hầu phòng đây,” và cửa mở. “Không, không,” người hầu phòng nói; “chỉ có một quý ông đang xuống thang.” Tôi nghĩ tới việc lấy một phòng ở khách sạn, nhưng ý tưởng này khiến tôi khó chịu; nàng không phải là một bà vợ bỏ trốn để hẹn hò với những thương gia đi du lịch. Khi xuống tới dưới, tôi nhận xét với người gác cửa rằng hình như Fruen đang nằm nghỉ. Sau đó tôi bước ra ngoài và lại chui vào xe. Thời gian trôi qua, cả một giờ; người đánh xe muốn biết tôi có thấy lạnh không? Ờ, có, chút xíu. Tôi đang chờ ai đó hay sao? Phải… Anh ta đưa cho tôi tấm chăn cất trong thùng xe, và tôi boa cho anh ta tiền đủ để mua một ly rượu vì sự chu đáo đó. Thời gian tiếp tục trôi; giờ này sang giờ khác. Lúc này những người đánh xe trò chuyện không chút úp mở, nói thẳng với nhau rằng tôi đang khiến cho lũ ngựa lạnh cóng cho tới chết. Không, việc này không hay ho chút nào. Tôi trả tiền cho người đánh xe, trở về nhà, và viết lá thư sau: “Cô không cho phép tôi viết cho cô; cô có cho phép tôi được gặp cô lần nữa hay không? Tôi sẽ ghé thăm cô ở khách sạn lúc năm giờ chiều mai.” Tôi có nên xác định một thời điểm sớm hơn? Nhưng ánh sáng buổi sáng quá tỏ; nếu tôi xúc động và miệng tôi bị co giật, có thể trông tôi sẽ rất đáng sợ. Tôi mang lá thư tới khách sạn rồi lại trở về nhà. Một đêm dài – ôi, những giờ đó mới dài làm sao! Khi tôi nên ngủ, thả lỏng thân người và nghỉ ngơi thư giãn, tôi lại không thể. Ngày lên, và tôi ngồi dậy. Sau một hồi lang thang qua những con phố, tôi lại trở về nhà, và ngủ. Nhiều giờ trôi qua. Khi thức giấc và tỉnh táo trở lại, tôi vội vàng nôn nóng tới buồng điện thoại để hỏi xem Fruen có đi chưa. Chưa, Fruen chưa đi. Tạ ơn Trời, hình như nàng không muốn lẫn tránh tôi; hẳn nàng đã nhận được thư của tôi từ lâu. Không; tôi đã ghé vào một giờ gây lúng túng vào chiều hôm trước, chỉ thế thôi. Tôi ăn một chút gì đó, nằm xuống, và lại ngủ. Khi tôi thức trời đã xế. Tôi lại lảo đảo bước vào buồng điện thoại và gọi như lần trước. Không, Fruen chưa đi. Nhưng hành lý của bà ấy đã sắp xếp xong. Bà ấy sẽ ra ngoài ngay bây giờ. Tôi chuẩn bị ngay tức khắc, và vội vã vòng qua đường Raadhusgaten để đứng canh chừng. Trong khoảng nửa giờ tôi nhìn thấy một số người vào ra, nhưng không có người tôi tìm kiếm. Giờ đã là năm giờ, tôi đi vào và nói với người gác cửa. Fruen đã đi. Đã đi rồi? “Có phải ông đã gọi không? Bà ấy ra đúng lúc đó và lấy các thứ hành lý. Nhưng ở đây tôi có một lá thư.” Tôi nhận lá thư, không mở nó ra, mà chỉ hỏi giờ tàu chạy. “Tàu chạy lúc 4 giờ 45,” người gác cửa nói, nhìn vào đồng hồ đeo tay. “Giờ là năm giờ.” Tôi đã vất đi nửa giờ khi đứng canh ở bên ngoài. Tôi ngồi xuống một bậc thềm, nhìn chòng chọc vào sàn nhà. Người gác cửa tiếp tục nói. Hẳn anh ta đã biết rõ đó không phải là em gái của tôi. “Tôi đã nói với Fruen có một quý ông vừa gọi tới. Nhưng bà ta chỉ nói bà ta không có thì giờ, và nhờ tôi đưa cho ông lá thư này.” “Khi cô ấy đi có một tiểu thư khác đi cùng hay không?” “Không.” Tôi đứng dậy và bước ra ngoài. Trên phố, tôi mở thư ra và đọc: “Anh đừng theo đuổi tôi nữa—” Tôi thờ ơ cất lá thư vào túi. Nó không làm cho tôi ngạc nhiên, không tạo ra ấn tượng gì mới mẻ. Hoàn toàn mang tính chất đàn bà, những từ vội vã, viết trong cơn bốc đồng, với đường gạch dưới và một dấu gạch ngang… Rồi tôi chợt nghĩ ra việc đi sang địa chỉ của Frøken Elisabeth; vẫn còn một tia hy vọng. Tôi nghe tiếng chuông cửa reo bên trong nhà khi ấn chuông, và đứng lắng nghe như thể đang ở trong một sa mạc hoang vu. Frøken Elisabeth đã đi trước đó một giờ. Sau đó là rượu vang, và rồi whisly. Và rồi whisky vô tận. Và suốt hai mươi mốt ngày rượu chè be bét, trong thời gian đó một tấm màn buông xuống và giấu đi ý thức trần gian của tôi. Trong tình trạng này, một ngày nọ tôi chợt nảy ra ý nghĩ gửi một vật tới một ngôi nhà nhỏ ở miền quê. Nó là một cái gương soi, có khung mạ vàng rực rỡ. Và nó được gửi tới một bé gái, tên là Olga, một tạo vật ngọt ngào, gợi niềm thương cảm, như một chú bê non. Phải, vì tôi vẫn chưa hồi phục khỏi cơn suy nhược thần kinh. Cái cưa đang nằm trong phòng tôi. Nhưng tôi không thể lắp nó lại, vì các bộ phận bằng gỗ to nặng nhất tôi đã bỏ lại tại nhà ông mục sư ở vùng quê. Giờ nó không quan trọng gì mấy, tình yêu của tôi đối với vật đó đã lụi tàn. Những người bạn mắc chứng suy nhược thần kinh của tôi, hãy tin tôi, loại người như chúng ta thật vô dụng với tư cách là những con người, và thậm chí chúng ta không có ích gì cho bất cứ loài thú vật nào. Tôi cho là một ngày nào đó tôi sẽ chán ngán tình trạng vô tri vô giác này, lại lên đường ra đi và sống trên một hòn đảo thêm lần nữa. Chú thích [1] Đồ quỷ sứ! Quyền năng của quỷ! (Từ đây trở đi, những từ in nghiêng là chữ Na Uy hoặc chữ Pháp, theo bản tiếng Anh. [2] Rượu mạnh. [3] Tạm biệt. [4] Thiếu nữ, tiểu thư. [5] Phu nhân. [6] Erik Pontoppidan là một tác giả Đan Mạch, giám mục, sử gia kiêm nhà khảo cổ (1698 – 1764). [7] Ngàn lần cảm ơn phu nhân, bà thật tốt bụng. [8] Đây này. [9] Trái tim tôi đã sẵn sàng. [10] Ôi trời. [11] Cảm ơn vì món rượu vang Skjænken. [12] Forakte, nghĩa đen là khinh khi. Rõ ràng từ này bị cô gái sử dụng sai, thật ra cô ta định nói là “làm hỏng”, mục đích của tác giả là tạo ấn tượng về sự “tội nghiệp” đầy cảm động, giống như chi tiết những ngón tay dính thuốc nhuộm cũng như những điệu bộ và thái độ bối rối của cô ta sẽ được đề cập sau đây. [13] Viên chức hành chánh cấp xã thời bấy giờ ở Na Uy. HẾT.