Dưới ánh sao thu – Umder the autumn star (XXX,XXXI,XXXII)

Knut Hamsun

XXX

Chúng tôi không nhận được chỉ thị nào đặc biệt, mà chỉ làm theo cách chúng tôi nghĩ là tốt nhất, cưa những cây khô ngọn, và vào chiều tối ngài Lensmand bảo việc đó rất đúng. Nhưng ông sẽ đích thân chỉ cho chúng tôi vào hôm sau. Tôi sớm nhận ra rằng công việc ở đây sẽ không kéo dài tới lễ Giáng sinh. Với thời tiết hiện tại và mặt đất như thế này, sương giá về đêm và không có tuyết, chúng tôi cưa được khá nhiều mỗi ngày, và không có gì cản trở công việc; bản thân ngài Lensmand nghĩ rằng chúng tôi thông minh như quỷ sứ trong việc đốn cây, haha! Làm việc với ông cụ này khá dễ chịu; ông thường tới chỗ chúng tôi trong rừng, chuyện gẫu và nói đùa, và vì tôi không bao giờ đùa lại, ông xem tôi là một gã khờ khạo, không ngờ gì nữa, nhưng là một tay làm được việc. Lúc này ông bắt đầu cử tôi chạy công việc vặt, với những lá thư gửi tới và lấy từ bưu điện. Ở chỗ này không có trẻ con, không cả thanh niên trừ những cô hầu và một trong những người làm công, vì thế buổi tối qua khá chậm. Để giết thì giờ, tôi tìm một ít thiếc và a-xít và hàn lại một số nồi ấm cũ trong bếp. Nhưng việc đó sớm xong xuôi. Thế nên một tối nọ tôi bắt tay viết lá thư sau: “Giá như tôi ở nơi cô đang ở, tôi sẽ làm việc cho cả hai.” Hôm sau tôi phải tới bưu điện gửi thư cho ngài Lensmand; tôi mang theo lá thư và gửi nó đi. Tôi thấy rất khó chịu. Ngoài ra, trông lá thư thật vụng về, vì tôi đã lấy giấy của ngài Lensmand, và phải dán cả một dải tem dọc theo bì thư để che lại chỗ in tên của ông. Tôi tự hỏi nàng sẽ nói gì khi nhận được nó. Không có tên hay bất cứ địa chỉ nào trên lá thư. Cứ thế, chúng tôi làm việc trong rừng, tôi và người kia, trò chuyện về công việc nhỏ nhặt của chúng tôi, làm với cả quả tim và tâm hồn, và rất hòa hợp với nhau. Nhiều ngày trôi qua; thật xui xẻo, tôi đã có thể nhìn thấy điểm kết thúc công việc của chúng tôi ngay trước mặt, nhưng tôi hơi hy vọng ngài Lensmand có thể tìm ra một việc khác cho tôi làm khi việc đốn gỗ đã xong. Tôi không muốn cất bước lang lang tiếp trước lễ Giáng sinh. Thế rồi một hôm tôi lại tới bưu điện, và có một lá thư gửi cho tôi. Tôi không thể hiểu vì sao lá thư đó gửi cho tôi, và tôi đứng, bối rối lật đi lật lại nó; nhưng người ở bưu điện giờ đã biết tôi, ông ta xem lại phong bì và bảo phải, đúng là tên của tôi, và nhờ ngài Lensmand chuyển giúp. Đột nhiên tôi nảy ra một ý, và tôi tóm lấy lá thư. Phải, nó gửi cho tôi, tôi quên mất… phải, dĩ nhiên… Và tôi vội vã đi ra đường, lỗ tai lùng bùng suốt thời gian đó, mở lá thư ra và đọc: “Skriv ikke til mig – ” (Đừng viết cho tôi.) Không tên, không địa chỉ, nhưng rất rõ ràng và đáng yêu. Từ đầu tiên được gạch dưới. Tôi không biết đã về nhà bằng cách nào. Tôi nhớ tôi đã ngồi trên một tảng đá ven đường, đọc lá thư và cất nó vào túi, và bước đi cho tới khi gặp một hòn đá khác và lặp lại việc đó lần nữa. Skriv ikke. Nhưng – có phải câu đó có nghĩa là tôi có thể tới và có lẽ sẽ nói chuyện với nàng? Lá thư nhỏ nhắn, xinh xắn ấy, và những ký tự thanh tú, uyển chuyển. Hai tay nàng đã cầm giữ nó, đôi mắt nàng đã đặt lên nó, hơi thở nàng đã chạm vào nó. Và cuối câu là một dấu gạch ngang. Có cả một trời ý nghĩa trong cái dấu đó. Tôi về nhà, giao lại thư từ của ngài Lensmand, và đi vào rừng. Tôi mơ màng cả buổi. Người bạn của tôi, không ngờ gì nữa, hẳn phải thấy rằng tôi là một con người không thể hiểu nổi, khi thấy tôi cứ đọc đi đọc lại lá thư, rồi cất nó vào cùng với số tiền. Nàng thật tuyệt vời khi tìm ra tôi! Hẳn nàng đã giơ cái phong bì lên trước ánh đèn, không ngờ gì nữa, và đọc được tên của ngài Lensmand dưới những con tem; sau đó nghiêng mái đầu xinh đẹp sang một bên, hơi khép mắt và nghĩ trong một thoáng: hiện giờ anh ấy đang làm việc cho ngài Lensmand ở Hersæt. Chiều hôm đó, khi chúng tôi trở về nhà, ngài Lensmand bước ra và nói này nói nọ với chúng tôi, rồi hỏi: “Có phải anh đã nói anh từng làm việc cho Đại úy Falkenberg ở Øvrebø không? “Phải.” “Tôi thấy ông ta đã phát minh được một cái máy.” “Một cái máy?” “Một cái cưa tinh xảo để cưa cây. Nó có trong báo.” Tôi giật mình khi nghe thấy thế. Chắc không phải ông ta đã phát minh ra cái cưa tinh xảo của tôi đấy chứ? “Hẳn đã có sự hiểu lầm,” tôi nói. “Đại úy không phải là người phát minh ra nó.” “Ồ, không phải sao?” “Không phải. Nhưng tôi đã để lại cái cưa ở chỗ ông ta.” Và tôi kể cho ngài nghe Lensmand mọi chuyện. Ông đi vào để lấy tờ báo, và cả hai chúng tôi đọc những gì nó ghi: “Phát minh mới… Phóng viên tại chỗ của chúng tôi… Có tầm quan trọng to lớn đối với những ông chủ đất rừng… Nguyên tắc cấu tạo như sau:…” “Anh không định nói đó là phát minh của anh đấy chứ?” “Có, nó là của tôi.” “Và ông đại úy đang cố đánh cắp nó? Sao, đây là một vụ hay ho, một vụ khá hay ho. Cứ giao nó cho tôi. Có ai trông thấy anh đang chế tạo vật đó không?” “Có, tất cả mọi người làm của ông ấy ở đó đều thấy.” “Thượng đế cứu giúp tôi nếu đây không phải là vụ việc khó nhai nhất mà tôi nghe được trong một thời gian dài. Ăn cắp phát minh của một người khác! Và còn số tiền nữa… sao, nó có thể mang tới cho anh một triệu đồng!” Tôi buộc phải thú nhận tôi không thể hiểu được ông đại úy. “Vậy hả? Haha, nhưng tôi hiểu! Tôi không làm Lensmand suốt từ bấy tới nay mà không vì việc gì. Không, tôi ngờ rằng ông ta không giàu như ông ta vờ vĩnh. Tốt, tôi sẽ gửi cho ông ta một lá thư, chỉ khoảng một dòng – anh nói sao về việc đó? Hahaha! Cứ để đó cho tôi.” Nhưng tới đây tôi bắt đầu thấy khó chịu. Ngài Lensmand quá thô bạo ngay tức khắc, rất có thể Đại úy không có lỗi gì trong chuyện này, có thể tự thân gã phóng viên đã phạm sai lầm. Tôi cầu xin ngài Lensmand để cho tôi tự tay viết lá thư. “Và đồng ý chia lợi với cái tên lưu manh đó? Không bao giờ! Anh cứ giao mọi việc cho tôi. Và, dù sao đi nữa, nếu anh tự viết, anh không thể đặt vấn đề một cách đúng đắn như cách của tôi.” Nhưng tôi cố thuyết phục cho tới khi cuối cùng ông đồng ý rằng tôi nên viết lá thư đầu tiên, và sau đó ông sẽ xử lý việc đó. Tôi lại lấy một ít giấy của ngài Lensmand. Tối hôm đó tôi không viết trọn lá thư; đó là một ngày kích động, và tâm trí tôi rối bời. Tôi suy nghĩ và tính toán; vì Fruen, tôi sẽ không viết thẳng cho Đại úy và gây nên nỗi buồn cho nàng; không, tôi sẽ gửi một dòng cho anh bạn của tôi, Lars Falkenberg, bảo gã để mắt tới cái máy giùm. Đêm đó cái xác lại tới tìm tôi – cái bà cụ bất hạnh đó, trong bộ đồ liệm của mình, đã không chịu để cho tôi yên ổn về việc cái móng tay cái của bà ta. Tôi đã trải qua một quá trình xúc động dài trong cả ngày hôm đó, vì thế đêm nay bà ta lại tới. Tê cóng vì khủng khiếp, tôi nhìn thấy bà ta lướt tới, dừng lại ở giữa phòng và chìa thẳng bàn tay ra. Người bạn đốn gỗ của tôi nằm trên cái giường sát tường, và tôi thấy nhẹ nhõm lạ lùng khi nghe anh ta cũng nằm rên rỉ và trở trăn; với bất cứ giá nào, hai chúng tôi cùng chia mối nguy hiểm. Tôi lắc đầu để nói rằng tôi đã chôn cái móng ở một chốn yên bình, và không thể làm gì hơn nữa. Nhưng cái xác vẫn đứng yên ở đó. Tôi xin lỗi bà ta; nhưng rồi, đột ngột, tôi bị xâm chiếm bởi một cảm giác bực mình; tôi nổi cơn thịnh nộ, và nói thẳng với bà ta rằng tôi không dính dáng gì tới chuyện vớ vẩn của bà ta nữa. Tôi đã mượn cái móng đó trong tình thế bắt buộc, nhưng tôi đã làm tất cả những gì có thể từ nhiều tháng trước, và đã chôn lại nó… Khi nghe thấy thế, bà ta lướt ngang qua gối tôi, cố lẻn ra phía sau tôi. Tôi bật dậy và hét lên. “Gì vậy?” người đàn ông nằm ở giường bên hỏi. Tôi dụi mắt và đáp rằng tôi đã nằm mơ, chỉ thế thôi. “Người vừa mới vào là ai vậy?” anh ta hỏi. “Tôi không biết. Bộ có ai ở đây sao?” “Tôi đã nhìn thấy có ai đó đi vào…”

XXXI

Vài ngày sau, tôi ngồi xuống một cách bình tĩnh và kiêu hãnh, viết thư cho Falkenberg.Tôi có để lại một cái cưa ở Øvrebø, tôi viết; một ngày nào đó, nó có thể là một vật hữu ích cho những người chủ đất rừng, và tôi đề nghị sẽ tới lấy nó đi trong một thời gian ngắn. Xin để mắt tới nó và trông chừng để nó không bị hư hỏng. Vâng, tôi viết như thế với một văn phong lịch sự. Đó là cách thức có phẩm giá nhất. Và vì Falkenberg, dĩ nhiên, sẽ nhắc tới nó trong nhà bếp, và có lẽ còn khoe lá thư với mọi người, nó phải có tính chất tế nhị. Nhưng nó không chỉ tế nhị mà thôi; tôi ấn định một ngày cụ thể, để làm cho nó có tính chất nghiêm túc: tôi sẽ tới lấy cái máy vào hôm Thứ hai, 11 tháng 12. Tôi nghĩ bụng: đấy, thế mới rõ ràng và dễ nghe; nếu cái máy không có ở đó vào hôm Thứ hai, sao chứ, vậy thì đã xảy ra chuyện gì đó. Tôi tự tay mang lá thư tới bưu điện, và dán một loạt tem ngang qua phong bì giống lần trước… Trạng thái mê ly đẹp đẽ vẫn còn đọng lại trong tôi. Tôi đã nhận được lá thư dễ thương nhất trần đời; nó nằm đây, trong túi áo của tôi; nó được gửi tới cho tôi. Skriv ikke. Không, thật sự, nhưng tôi có thể tới. Và còn một dấu gạch ngang ở cuối thư nữa. Ở bất cứ giá nào cũng không hề có một sự nhầm lẫn về cái từ gạch dưới đó: nó nhằm dụng ý nhấn mạnh toàn bộ lá thư như một mệnh lệnh chẳng hạn? Các quý cô luôn luôn thích gạch dưới mọi loại từ, đặt những dấu gạch ngang ở nơi này, nơi khác, mọi nơi. Nhưng nàng thì không; không, nàng thì không! Chỉ vài hôm nữa công việc ở nhà ngài Lensmand sẽ kết thúc; nó rất phù hợp, mọi thứ hoạt động tốt đẹp; tôi sẽ có mặt ởØvrebø vào ngày 11. Và có lẽ thời điểm đó không hề quá sớm một phút nào. Nếu Đại úy thật sự có bất kỳ ý định nào về cái máy của tôi, cần thiết phải hành động ngay lập tức. Phải chăng một kẻ xa lạ muốn đánh cắp một triệu kiếm được vô cùng khó nhọc của tôi? Không phải tôi đã vất vả vì nó hay sao? Tôi gần như bắt đầu hối tiếc về lá thư lịch sự gửi cho Falkenberg; lẽ ra tôi nên viết gay gắt hơn; giờ có lẽ ông ta sẽ tưởng là tôi quá nhu nhược, không thể vùng lên phản kháng. Sao, thậm chí ông ta còn có thể nảy ra ý định tìm nhân chứng chống lại tôi, và bảo rằng tôi không hề phát minh ra cái máy! Hoho, ông chủ Falkenberg, cứ thử coi! Trước hết, chuyện đó sẽ khiến ông trả giá bằng sự cứu chuộc vĩnh viễn; và nếu như thế chưa đủ, tôi sẽ kiện ông về tội khai man trước bạn và người bảo trợ của tôi, ngài Lensmand. Và ông biết điều đó có nghĩa là gì. “Dĩ nhiên là anh phải đi,” ngài Lensmand bảo khi tôi nói với ông về việc đó. “Và hãy về đây cùng với cái máy của anh. Anh phải quan tâm tới lợi ích của mình, tất nhiên; nó có thể là một vấn đề đáng kể.” Chuyến tới bưu điện ngày hôm sau mang tới một tin tức làm tình huống thay đổi trong khoảnh khắc; có một lá thư từ chính Đại úy Falkenberg đăng trên báo, nói rằng do một sự hiểu lầm nên phóng viên đã phát biểu rằng cái máy cưa mới là phát minh của ông. Thiết bị này được thiết kế bởi một người đàn ông từng làm việc ở trang trại của ông vào thời gian trước. Còn về giá trị của nó, ông không bày tỏ bất kỳ ý kiến nào. – Đại úy Captain Falkenberg. Ngài Lensmand và tôi nhìn nhau. “Này, giờ anh sẽ nói gì?” ông hỏi. “Với bất cứ giá nào, ông Đại úy vô tội.” “Thế à! Anh biết tôi nghĩ sao không?” Im lặng. Ngài Lensmand thủ vai Lensmand từ đầu tới cuối, dò tìm manh mối của những kế hoạch và mưu đồ. “Ông ta không vô tội,” ông nói. “Thật thế ư?” “À, tôi đã thấy kiểu này trước đó. Đang co mình thủ thế, chỉ có vậy thôi. Lá thư của anh khiến cho ông ta cảnh giác. Haha!” Tới lúc này, tôi phải thú nhận với ngài Lensmand rằng tôi không hề viết thư cho Đại úy mà chỉ đơn giản gửi một tin nhắn cho một trong những người làm công ở Øvrebø; và thậm chí lá thư vẫn chưa thể tới đó, vâng, khi xét tới việc nó mới vừa được gửi đi đêm hôm trước. Câu này khiến ngài Lensmand tịt ngòi, và ông ta thôi dò tìm manh mối các thứ. Mặt khác, dường như giờ đây ông ta hướng tới việc ngờ vực rằng cỗ máy đó thật ra có chút giá trị nào không. “Hoàn toàn có khả năng cái máy không tốt chút nào,” ông nói. Nhưng rồi ông tử tế nói thêm: “Ý tôi là, có thể cần kiểm tra lại và cải tiến nó. Chính anh cũng từng thấy người ta luôn thay đổi những thứ như tàu chiến và máy bay ra sao. Anh vẫn quyết định đi đấy chứ?” Không có thêm lời nào về việc tôi quay trở lại đây và mang theo cỗ máy. Nhưng ngài Lensmand đã viết cho tôi một thư giới thiệu rất tốt. Ông sẽ vui mừng được giữ tôi lại lâu hơn, nó ghi, nhưng công việc đã bị cắt ngang vì những lý do cá nhân của riêng tôi ở một nơi khác… Vào buổi sáng, khi tôi chuẩn bị lên đường, một thiếu nữ đứng trong sân để chờ tôi bước ra. Đó là Olga. Đã bao giờ có một đứa trẻ như thế chưa nhỉ? Hẳn cô bé đã đi bộ từ nửa đêm để tới đây sớm thế. Và nó đứng đó, trong cái váy ngắn màu xanh trời và cái áo khoác. “Cháu đấy hả, Olga? Cháu đi đâu vậy?” Nó đã đến để gặp tôi. Làm sao nó biết tôi ở đây? Nó đã hỏi thăm về tôi và tìm ra nơi tôi ở. Và xin phép hỏi có thật là nó có quyền giữ cái máy may không? Nhưng dĩ nhiên không thể có điều đó… Phải, cái may may đúng là của nó; không phải tôi đã đổi lấy bức tranh của nó đấy sao? Cái máy may hoạt động tốt không? Vâng, nó hoạt động tốt. Chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều; tôi muốn nó đi trước khi ngài Lensmand bước ra và bắt đầu đặt câu hỏi. “Nào, chạy về nhà đi, cô bé; cháu còn phải đi cả một chặng đường dài đó.” Olga đưa bàn tay cho tôi – nó hoàn toàn lọt thỏm trong bàn tay của tôi, và cô bé để nó nằm đó bao lâu tùy ý của tôi. Sau đó nó cám ơn tôi và vui vẻ lê bước trở về. Đôi bàn chân của nó cứ lóng nga lóng ngóng trông thật ngộ.

XXXII

Tôi đã đi gần tới đích. Chiều Chủ nhật, tôi nằm trong một cái lều gác rừng cách không xa Øvrebø, để có mặt ở đó vào sáng sớm Thứ hai. Mọi người sẽ thức giấc lúc chín giờ, sau đó chắc chắn là tôi có đủ may mắn để gặp người tôi tìm kiếm. Tôi ngày càng nóng ruột kinh khủng và cứ hình dung ra những điều xấu. Tôi đã viết một lá thư mềm mỏng cho Falkenberg, không dùng từ nào gay gắt, nhưng nói cho cùng có thể Đại úy bị xúc phạm do cách tôi xác định ngày như thế; cho ông ta bấy nhiêu đó thời gian… Giá mà tôi chưa từng viết gì hết! Trong lúc đi về phía ngôi nhà, tôi ngày càng khom xuống thấp, thu người bé lại, dù thật sự tôi không làm điều gì sai trái. Tôi quẹo khỏi đường cái và đi vòng để tới những tòa nhà phụ trước – và tôi bắt gặp Falkenberg ở đó. Gã đang cọ rửa cỗ xe ngựa. Chúng tôi chào hỏi nhau, và lại là bằng hữu tốt như trước. Có phải gã sắp ra ngoài với cỗ xe không? Không, vừa mới trở về đêm trước. Đã đi ra nhà ga. Vậy ai là người đi xa? Fruen. Fruen sao? Phải, Fruen. Im lặng. Thật thế ư? Fruen đi đâu? Đến thị trấn ở một thời gian. Im lặng. Cái gã người lạ đó đã tới đây viết bài cho báo về cái máy của anh,” Falkenberg nói. “Cả Đại úy cũng đi vắng hả?” “Không, Đại úy ở nhà. Anh nên nhìn thấy nét mặt ông ta khi thư của anh tới.” Tôi bảo Falkenberg đi lên căn gác xép cũ. Tôi vẫn còn hai chai rượu vang trong ba lô. Tôi lôi chúng ra và chúng tôi cùng bắt đầu chén chú chén anh; chà, hai chai rượu này tôi đã mang tới mang lui, dặm này sang dặm khác, và phải rất cẩn thận với chúng, giờ chúng rất có ích cho tôi. Nếu không có chúng Falkenberg sẽ không bao giờ nói quá nhiều. “Câu chuyện về Đại úy và lá thư của tôi là sao? Ông ta có nhìn thấy nó không?” “Ờ, chuyện bắt đầu thế này,” Falkenberg nói. “Fruen đang ở trong bếp khi tôi bước vào với lá thư. Nàng hỏi, “Lá thư với đầy tem trên đó là gì thế?” Tôi mở nó ra, và bảo anh đã gửi tới để báo rằng anh sẽ đến vào ngày 11.” “Nàng đã nói gì?” “Nàng không nói thêm câu nào. À có, nàng hỏi lần nữa, ‘Anh ta đến vào ngày 11 hả?’ Và tôi đáp phải, đúng thế.” “Và vài hôm sau anh được lệnh đánh xe đưa nàng tới nhà ga?” “Sao, vâng, hẳn phải vài ngày. Ờ, khi đó tôi nghĩ, nếu Fruen biết về vụ lá thư, chắc chắn là Đại úy cũng biết. Anh có biết ông ta đã nói gì khi tôi mang nó vào không?” Tôi không trả lời câu hỏi này, nhưng suy nghĩ mãi. Hẳn phải có chuyện gì đó sau tất cả những điều này. Phải chăng nàng đang trốn tránh tôi? Điên khùng! Đại úy Phu nhân ở Øvrebø không thể nào trốn tránh một trong những người làm công của mình. Nhưng toàn bộ vụ này có vẻ lạ lùng. Tôi đã luôn mong mỏi rằng nàng muốn tôi tới đây để nói chuyện với nàng, vì tôi đã bị cấm không được viết. Falkenberg nói tiếp, hơi bối rối: “Ờ, tôi đưa lá thư của anh cho Đại úy, dù anh không bảo tôi làm chuyện đó. Có tai hại gì không?” “Không có gì quan trọng. Ông ta nói gì?” “‘Phải, hãy trông chừng cái máy đi,’ ông ta nói và nhăn mặt. “Phòng khi có người tới đánh cắp nó,’ ông ta nói.” “Vậy là giờ Đại úy đang giận tôi sao?” “Không, tôi không nghĩ vậy. Từ hôm đó tôi không nghe gì thêm về chuyện này.” Nói cho cùng, về Đại úy thì không có gì quan trọng mấy. Khi Falkenberg đã nốc khá nhiều rượu, tôi hỏi gã có biết Fruen ở nơi nào trong thị trấn không. Không, nhưng có lẽ Emma biết. Chúng tôi kéo Emma tới, mời cô ta uống, nói nhiều chuyện vớ vẩn, và dần dà đi vòng tới trọng tâm; cuối cùng hỏi một cách tế nhị. Không, Emma không biết địa chỉ, nhưng Fruen đã đi để mua sắm cho lễ Giáng sinh, và nàng đi với Frøken Elisabeth ở nhà ông mục sư, thế nên ở đó hẳn là họ biết địa chỉ. Nhân tiện, tôi muốn có nó để làm gì? Ờ, chỉ là vì tôi đang có một cây trâm nạm vàng, và muốn hỏi xem bà ta có định mua nó hay không. “Cho tôi xem nào.” May là tôi có thể cho cô ta xem cây trâm; nó là một món đồ cũ xinh xắn; tôi đã mua nó từ một trong số các cô hầu ở Hersæt. “Fruen sẽ không mua đâu,” Emma nói. “Chính tôi cũng không mua.” “Không nếu cô chịu trả giá với tôi, Emma ạ, sao nhỉ?” Và tôi lại gượng gạo pha trò một câu. Emma đi khỏi. Tôi cố khai thác Falkenberg lần nữa. Đôi khi Falkenberg khá nhạy bén trong việc thấu hiểu mọi người. Gã có còn hát cho Fruen nghe không? Ôi Trời, không; chuyện đó đã kết thúc. Falkenberg ước gì gã không hề làm việc ở đây; chốn này không có gì khác ngoài rắc rối và khốn khổ. Rắc rối và khốn khổ ư? Họ không phải là bạn của nhau sao, Đại úy và phu nhân của ông ta? Ồ, phải, họ là bạn. Vẫn hệt như cách cũ. Thứ bảy trước nàng đã khóc lóc cả ngày. “Nếu thế thì thật buồn cười,” tôi nói, “khi họ rất chính trực và quan tâm tới nhau.” Và tôi quan sát để xem Falkenberg nói gì về chuyện đó. “Ờ, nhưng họ luôn mệt mỏi,” Falkenberg nói với giọng miền Valdres. “Và nàng cũng xuống sắc nhiều. Trong thời gian anh đi, nàng xanh xao gầy guộc hẳn.” Tôi ngồi trong căn gác xép vài giờ, để mắt trông chừng tòa nhà chính từ cửa sổ, nhưng Đại úy không xuất hiện. Vì sao ông không ra ngoài? Chờ thêm nữa chỉ là việc vô vọng; tôi sẽ phải đi mà không nói lời xin lỗi với Đại úy. Tôi có thể tìm ra đủ lý lẽ tốt; tôi có thể đỗ lỗi cho bài báo đầu tiên và bảo rằng nó đã khiến tôi rối trí trong một khoảnh khắc – và trong đó có chút sự thật. Phải, tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là cột ràng cái máy thành một bó, cố sức nhét nó vào cái ba lô, và lại lên đường cho những chuyến lang thang. Emma lấy trộm một ít thức ăn cho tôi trước khi tôi đi. Lần này là một chặng đường dài khác; đầu tiên là tới nhà ông mục sư – dù chặng đó hơi chệch đường chút ít – sau đó là tới nhà ga. Một đợt tuyết nhỏ đang rơi, khiến việc đi bộ khá nặng nề; và còn hơn thế nữa, tôi không thể thư thả, mà phải cố gắng đi nhanh hết sức. Các quý cô chỉ ở thị trấn để mua đồ cho lễ Giáng sinh, và họ đã đi trước tôi khá lâu. Chiều hôm sau tôi tới nhà ông mục sư. Tôi đã tính rằng tốt nhất là nói chuyện với Fruen. “Tôi đang trên đường vào thị trấn,” tôi nói với bà. “Và tôi đã mang theo cái máy này; tôi có thể để lại đây món nặng nhất trong thời gian đó không?” “Anh đang vào thị trấn à?” Fruen nói. “Nhưng chắc anh sẽ ở đây tới mai chứ, phải không?” “Không, rất cám ơn. Mai tôi phải có mặt ở thị trấn.” Fruen suy nghĩ giây lát rồi nói. “Elisabeth đang ở thị trấn. Anh có thể mang cho nó một gói đồ – một món mà nó quên mang theo.” Việc đó sẽ mang tới cho tôi cái địa chỉ, tôi nghĩ thầm. “Nhưng tôi phải chuẩn bị nó trước đã.” “Vậy nếu Frøken Elisabeth đã đi trước khi tôi tới thì sao?” “Ồ, không, nó đi với Fru Falkenberg, và họ sẽ ở đó suốt tuần.” Đây đúng là một tin lớn, tin vui. Giờ tôi đã có cả địa chỉ lẫn thời gian. Fruen đứng liếc mắt nhìn tôi, rồi nói: “Tốt, vậy anh sẽ ở lại đêm phải không? Anh thấy đó, tôi phải chuẩn bị một thứ trước đã…” Tôi được bố trí cho một phòng trong tòa nhà chính, vì trời quá lạnh để có thể ngủ trong kho thóc. Và đêm đó, khi tất cả người nhà đã đi ngủ, mọi thứ đã lắng yên, Fruen tới phòng tôi với gói đồ và bảo: “Xin thứ lỗi vì tôi tới quá muộn. Nhưng tôi nghĩ anh có thể đi vào sớm ngày mai trước khi tôi thức dậy.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: