Di sản của Eszter (Chương 15,16,17)
Maira Sandor
XV
– Dì Eszter à, – Eva nói, có vẻ hơi bối rối và cô lại châm thuốc hút. – Cha con rồi sẽ nói. Con nghĩ, cha con nói đúng. Dì biết đấy, sau bao nhiêu chuyện đã xảy ra từ khi dì bỏ chúng con; bao nhiêu là chuyện, và không phải lúc nào cũng vui vẻ. Thời gian đầu, con không còn nhớ nữa. Sau đó chúng con vào trường học và tiếp theo là một cuộc sống náo động. Năm nào chúng con cũng chuyển nhà đi nơi khác, thay đổi trường học, tìm bà bảo mẫu mới. Những bà bảo mẫu… ôi, Chúa ơi… dì cũng biết, cha con không phải là người kỹ tính. Phần đông họ bỏ trốn, và đánh cắp đi vài đồ vật của gia đình, hoặc chúng con phải chạy trốn họ, bỏ lại đồ đạc, của nải trong những căn hộ đi thuê. Một thời, khi con mười hai tuổi thì phải, chúng con phải trú ngụ trong các căn phòng khách sạn; cuộc sống lúc đó kể cũng thú vị. Người bồi bàn chính thường cho chúng con quần áo, anh chàng điều khiển thang máy thì dạy chúng con học bài, cha con bỏ đi luôn, thỉnh thoảng vài ba ngày mới về, chúng con được những người đàn bà dọn phòng trông coi và dạy bảo. Đôi khi, liên tục nhiều ngày, chúng con ăn cua bể trừ bữa trong những căn phòng khách sạn; rồi sau đó nhiều bữa, chúng con lại chẳng có gì. Cha con rất thích ăn cua bể. Chúng con lớn lên như thế đó. Những đứa trẻ khác thì lớn lên bằng sữa chua, hay bằng bột dinh dưỡng… Tuy vậy, phần lớn thời gian, chúng con vẫn tiêu khiển một cách vui vẻ. Chỉ khi thu nhập của cha con khấm khá hơn cả nhà mới quay về với cuộc sống thành thị, chúng con thuê nhà ở, cuộc sống bắt đầu nề nếp, cha con khởi sự một công việc làm ăn gì đó, con đã run sợ mọi nghề kinh doanh của cha trong suốt thời thơ ấu của con – những lúc như thế, chúng con nuối tiếc cái thời sống ở khách sạn, vì ngay cả trong cuộc sống thành thị, chúng con cũng vẫn sống như một gia đình du thủ du thực giữa cánh đồng hoang. Cha con, dì biết đấy, ông không phải là người thành thị. Không, dì đừng phản đối con; con có lẽ hiểu cha nhiều hơn dì. Trong con người cha con không có nỗi lưu luyến với đồ dùng, thỉnh thoảng con còn cho rằng, nếu có phải chịu cảnh màn trời chiếu đất thì điều đó cũng không quan trọng đối với cha con. Trong con người ông có một chút gì đấy của dân chài thợ săn: sáng sớm đã sẵn sàng trên lưng ngựa – cha con luôn có ôtô, cả những khi khó khăn nhất và đa số là ông tự lái – rồi bắt đầu cuộc hành trình ở những miền hoang dã hay rừng rú mà cha con xem chẳng khác nào thành thị, ông đánh hơi, mai phục, hạ một con lợn rừng trăm ký, mang về nhà, làm thịt, và xẻ cho mỗi người một miếng; nhưng sau đó, chừng nào chiến lợi phẩm vẫn còn, nhiều ngày hoặc nhiều tuần, ông không quan tâm đến cái gì khác… Thực ra, đây là điều mà chúng con yêu thích ở cha; dì cũng vậy, dì Eszter ạ. Cha con có thể vứt đi một chiếc đàn dương cầm, hay một chỗ làm tử tế như quẳng một chiếc găng tay rách vào thùng rác; cha con không coi trọng những đồ vật và những giá trị, dì biết không. Điều này, đàn bà chúng ta không thể hiểu nổi… Con đã học được nhiều điều từ cha; nhưng bí mật thật sự của cha con, sự phong trần này, cái tự do phóng khoáng bên trong của ông, con không bao giờ có thể học được. Cha con không gắn bó thực sự với cái gì. Ông chỉ quan tâm tới sự hiểm nghèo; sự hiểm nghèo đó chính là cuộc sống… Thượng đế biết rõ và thấu hiểu điều này… Cha con cần sự hiểm nghèo, giữa cuộc sống và con người, cha cần cuộc sống mà không cần biết đến sự thỏa hiệp, vâng, cha con hăm hở đập nát và quẳng đi mọi thỏa hiệp. Dì không hiểu được điều này, khi mà…? Vậy là dì không cảm nhận được? Con thì đã cảm nhận được ngay từ hồi bé rằng chúng con triền miên là dân du mục, là bộ lạc di cư, chúng con thỉnh thoảng đến những miền đầy nguy hiểm, đôi khi đi qua những cánh đồng cỏ, cha con mang cung đi phía trước, thám thính, nghe ngóng, chú ý đến những dấu hiệu khác lạ, rồi bất thình lình trở nên linh hoạt, chỉ thấy ông rất tỉnh táo và đã sẵn sàng… ở đâu đó, một bầy voi đến gần nguồn suối và cha nâng cây cung của ông trong bụi rậm. Dì cười con đấy à?
– Không, – tôi nói, cảm thấy cổ họng mình khô khốc. – Con cứ nói. Dì không cười con đâu.
– Dì biết đấy, đàn ông mà, – Eva nói, giờ đây bằng một giọng khôn ngoan và dạy đời, với tiếng thở dài nhè nhẹ.
Tôi bật cười. Nhưng lấy lại một nét mặt nghiêm nghị ngay. Tôi phải thừa nhận rằng Eva, con gái của Vilma, một đứa trẻ, mà tôi có thể dễ dàng nói chuyện với giọng điệu của một người lớn từng trải biết cái gì đó về những người đàn ông, dù thế nào đi nữa cô biết nhiều và chắc chắn hơn tôi, người thậm chí có thể là mẹ cô. Tôi tự thấy ngượng vì tiếng cười này.
– Vâng, vâng, – cô nói, mở to đôi mắt xanh thơ ngây, nghiêm túc. – Những người đàn ông. Có những người đàn ông như vậy. Những người không bị gia đình, đồ đạc, của cải ràng buộc. Những người này, đôi lúc có thể là dân chài hay một gã thợ săn. Cha con thỉnh thoảng đi đâu vài tháng trời. Những khi đó, chúng con sống trong các tu viện, giữa các nữ tu hiền hậu, họ lo lắng tắm rửa sạch sẽ chúng con như thể họ vừa nhặt được chúng con bên lề đường, như thể tất cả rêu mốc của cả cánh rừng nguyên sinh bám đầy tóc chúng con, cứ như trước giờ chúng con toàn sống chung với lũ khỉ vậy. Dì biết không, bởi thế mà tuổi thơ của chúng con đầy màu sắc và phong phú… Con không than vãn đâu. Ồ, dì đừng nghĩ là con than vãn gì về cha con. Con yêu quý cha con và đối với con, có lẽ điều quý giá nhất là cha con đã trở về sau hàng tháng trời phiêu bạt với vẻ bơ phờ, kiệt quệ, như đã trải qua cuộc đụng độ với cả bầy thú dữ. Những khi đó, mọi chuyện thật tốt đẹp trong một khoảng thời gian khá lâu. Những buổi sáng Chủ nhật, cha dẫn chúng con đến viện bảo tàng, sau đó đi ăn kem và bánh ngọt, rồi vào rạp chiếu bóng. Cha đòi kiểm tra sách vở của chúng con, hai mí mắt thâm quầng, vẻ mặt nghiêm trang, cha dạy dỗ chúng con, rồi một lát sau đã thấy ông ngủ thiếp đi… Buồn cười thật: cha con là một nhà sư phạm, dì có thể tưởng tượng được không!
– Ừ, – tôi nói. – Tội nghiệp.
Nhưng tôi cũng không biết tôi xót xa ai hơn, những đứa trẻ, hay Lajos – và Eva cũng không hỏi. Có vẻ như Eva đang chìm đắm trong dòng hồi ức xa xăm. Cô nói tiếp bằng một giọng thân ái và xa lạ:
– Thực ra chúng con sống cũng không thiếu thốn gì. Cho tới cái ngày bà ta xuất hiện.
– Đó là ai vậy? – tôi cố hỏi với giọng nhỏ nhẹ và thờ ơ.
Eva nhún vai:
– Định mệnh, – cô nhếch môi nói với vẻ chế giễu. – Dì biết đấy, một người đàn bà, đến vào lúc cần thiết. Vào giây phút cuối cùng…
– Giây phút cuối cùng nào? – tôi hỏi, vẫn cảm thấy cổ họng mình khô cháy.
– Cái giây phút mà tuổi già bắt đầu tìm đến với cha con. Khi người thợ săn chợt nhận ra đôi mắt ông đã hết tinh tường, và đôi tay ông bắt đầu run rẩy. Cái ngày cha run sợ.
– Run sợ cái gì?
– Trước sự già cỗi. Trước chính ông. Dì Eszter ơi, không có điều gì buồn thảm hơn khi một người như cha bắt đầu già đi. Lúc đó, bất kỳ ai nếu muốn đều có thể hạ gục cha.
– Bà ta đã làm gì cha con?
Chúng tôi thì thầm như hai kẻ đồng lõa.
– Bà ta có quyền lực đối với cha con.
Sau đó cô nói tiếp:
– Chúng con nợ tiền bà ấy. Dì có nghe nói con sẽ lấy anh ta làm chồng chưa?
– Lấy con trai bà ta?
– Vâng.
– Con có yêu anh ta không?
– Không.
– Tại sao con lại chấp nhận?
– Con phải cứu cha.
– Bà ta biết gì về cha con?
– Một chuyện xấu xa nào đó. Bà ta nắm ngân phiếu.
– Con yêu người khác à?
Eva im lặng. Cô nhìn những móng tay phủ sơn hồng của mình. Rồi nói khẽ, khôn ngoan và chín chắn:
– Con yêu quý cha con. Trên đời này, chỉ có hai chúng ta là yêu thương cha con: dì và con, dì Eszter ạ. Còn Gabor, anh ấy khác.
– Con không muốn lấy anh ta?
– Gabor điềm tĩnh hơn con rất nhiều, – Eva lảng tránh nói. – Anh ấy thu mình như câm điếc vậy. Anh ấy không muốn nghe gì, và cứ như không thấy những gì đang xảy ra xung quanh mình. Đó là một cách tự vệ.
– Có hay không, người mà con yêu? – tôi hỏi và bước lại gần Eva. – Hừm, giá có thể dàn xếp được mọi chuyện… bằng cách nào đó… không dễ dàng… dì đã trở nên túng bấn, Eva, con cần phải biết Nunu, bác Laci và dì là những người nghèo khổ… Nhưng có thể dì biết một ai đó, người có thể giúp đỡ.
– Ôi, dì có thể cứu được, – Eva nói một cách chắc chắn và thản nhiên, vẫn với cái giọng lành lạnh. Nhưng giờ đây, đã một lúc khá lâu, cô không nhìn vào mắt tôi nữa. Eva quay lưng về phía cửa sổ, tôi không nhìn thấy mặt cô. Sau bữa trưa, bầu trời trở nên mù mịt và bên trên khu vườn, trước cửa sổ, những đám mây lớn xám xịt trong tiết tháng Chín đang ùn ùn kéo đến. Căn phòng tràn ngập một thứ ánh sáng nửa mờ nửa tỏ. Tôi bước tới gần cửa sổ, và khép một cánh cửa chớp lại như sợ rằng trong khung cảnh tĩnh mịch nặng nề của khu vườn trước khi cơn giông kéo đến, có ai đó nghe được cuộc trò chuyện.
– Con cần phải nói, – tôi lên tiếng, và tôi bắt đầu cảm thấy cái nhịp đập đặc biệt của trái tim mà đã lâu lắm rồi tôi không cảm thấy, cái nhịp đập có lẽ giống như lúc mẹ tôi mất. – Nếu có người mà con yêu, nếu quả thực con muốn trốn khỏi những con người này… con và cha con… Nếu có thể giúp bằng tiền… Ngay bây giờ, con hãy nói đi.
– Con cho rằng, dì Eszter ạ, – Eva nói bằng cái giọng ngây thơ vô tội của một cô học trò, mắt nhìn xuống đất, – tiền, ý con muốn nói không thể cứu giúp chúng con chỉ bằng tiền. Mà cần cả dì nữa. Nhưng cha con không hiểu điều này, – cô nói nhanh, gần như sợ hãi.
– Về điều gì?
– Về điều này… cái điều con vừa nói.
– Con muốn gì nào? – tôi nóng ruột hỏi, giọng hơi lớn.
– Con muốn cứu cha con, – Eva nói, giọng quả quyết.
– Khỏi những người này?
– Vâng.
– Thế còn con?
– Nếu có thể.
– Con không yêu anh ta?
– Không.
– Con muốn trốn đi?
–Vâng.
– Đi đâu?
– Ra nước ngoài. Thật xa.
– Có ai đó đang chờ con?
– Vâng.
– Ừ, – tôi nói, và thở phào nhẹ nhõm; rồi kiệt sức ngồi xuống. Tôi áp bàn tay lên trái tim. Tôi lại cảm thấy chóng mặt, tôi luôn cảm thấy như thế những khi rời bỏ cái thế giới đầy suy tưởng và chờ đợi mông lung của mình để đối mặt với thực tại. Thực tại thật đơn giản! Eva yêu một người, muốn lấy người đó làm chồng, muốn được sống với người tình yêu đích thực. Và tôi phải giúp đỡ cô ấy. Đúng, bằng tất cả những gì tôi có.
– Dì có thể làm được gì?
– Cha con sẽ nói cho dì biết, – Eva ngắc ngứ như thể xấu hổ vì phải nói ra điều này. – Cha con đã có kế hoạch rồi… con cho rằng họ đã có kế hoạch. Lát nữa dì sẽ được nghe, dì Eszter ạ. Đây là việc của cha và dì. Nhưng dì có thể giúp riêng cho con nếu dì muốn. Ở đây có một thứ thuộc về con. Như con biết, đó là… Xin lỗi dì, dì thấy không, con đang đỏ mặt. Nói chuyện này ra thật khó.
– Dì không hiểu, – tôi nói, thấy bàn tay mình lạnh dần. – Con đang nghĩ đến cái gì vậy?
– Con cần tiền, dì Eszter ạ, – giọng Eva trở nên khản đặc và sống sượng, gần như công kích. – Con cần tiền để thoát khỏi họ.
– Ừ, phải rồi, – tôi lúng túng. – Tiền… Dì có thể lo được một khoản tiền nhỏ. Dì nghĩ Nunu cũng vậy… Có thể dì sẽ nói chuyện với chú Tibor. Nhưng Eva, – tôi nói như người vừa tỉnh giấc, vỡ mộng và bất lực, – dì e là, số tiền dì lo được sẽ quá ít.
– Con không cần tiền của dì, – Eva bướng bỉnh nói, giọng lạnh băng. – Con không cần đến những gì không phải của con. Con chỉ cần thứ mẹ con để lại cho con.
Eva đột ngột nhìn vào mắt tôi, nóng bỏng và đòi hỏi:
– Cha con nói dì gìn giữ vật thừa hưởng của con. Con chỉ còn thứ đó từ mẹ của con. Dì Eszter, hãy trả lại cho con chiếc nhẫn. Ngay bây giờ. Chiếc nhẫn, dì nghe không?
– Chiếc nhẫn, ừ, – tôi nói.
Eva đứng trước tôi với tư thế như sắp sửa tấn công, làm tôi phải lùi lại một bước. Một cách vô tình, tôi đứng ngay trước cái tủ có cất chiếc nhẫn. Lẽ ra, tôi chỉ cần quay lưng, với tay kéo ngăn kéo, và đưa trả chiếc nhẫn mà cô con gái của Vilma đòi lại với cái giọng chứa đựng bao nhiêu lòng thù hận này. Nhưng tôi bất lực đứng đó, hai tay khoanh trước ngực, và quyết tâm giữ kín bí mật tồi tệ của Lajos.
– Cha con nói chuyện về chiếc nhẫn từ bao giờ? – tôi hỏi.
– Tuần trước, – Eva nhún vai. – Khi con được biết là chúng con sẽ đến đây.
– Cha con cũng biết về giá trị của nó chứ?
– Vâng. Một lần cha đã đem đi xem. Trước khi mẹ con mất… Trước khi đưa cho dì, họ đã đánh giá.
– Thế nó đáng giá bao nhiêu? – tôi bình tĩnh hỏi.
– Nhiều lắm, – Eva nói, giọng khản đặc kỳ lạ. – Hàng nghìn đồng. Có thể tới chục nghìn.
– Ừ, – tôi nói.
Rồi tôi nói tiếp, kinh ngạc, vì mình có thể bình tĩnh và gần như cao ngạo như thế:
– Hừm, chiếc nhẫn, con ơi, con không thể nhận được.
– Nó không còn? – Eva hỏi và nhìn khắp người tôi. Rồi cô hỏi tiếp, giọng nhỏ hơn: – Không còn, hay dì không muốn đưa?
– Dì không trả lời câu hỏi này, – tôi nói và nhìn vào khoảng không. Đúng lúc đó, tôi cảm thấy Lajos đi vào phòng, không một tiếng động, như anh vẫn vậy bằng những bước chân nhẹ nhàng, như đang diễn xuất, rồi anh dừng lại ở đâu đó, gần chúng tôi.
– Eva, con ra khỏi đây ngay, – Lajos lên tiếng. – Cha cần nói chuyện với dì Eszter.
Tôi không liếc ra sau lưng. Một hồi lâu, Eva nhìn tôi dò xét, trong giây lát ánh mắt xám đục làm tôi nhớ đến Vilma, rồi cô sẽ chậm chạp rời phòng, đến cửa cô ngoái lại, sau đó nhún vai rồi đi thẳng với những bước chân thoăn thoắt và dằn dỗi. Nhưng Eva khép cửa nhẹ nhàng như một người đang suy tư lưỡng lự. Chúng tôi đứng hồi lâu, không nhìn nhau. Sau đó tôi quay người lại, đây là lần đầu tiên, sau mười lăm năm – tôi một mình đối diện với Lajos.
XVI
Anh mỉm cười nhìn tôi, nụ cười lạ lùng, hiền lành. Như đang nói: “Ồ, không có gì ghê gớm lắm đâu!” Có lẽ anh sẽ không làm tôi bất ngờ, nếu lúc này anh xoa xoa hai tay vào nhau với cái vẻ mãn nguyện của một lái buôn vừa làm một chuyến hời to đang quay quần với gia đình, và trong bầu không khí hoan hỉ đó, đang suy tính về những chuyến buôn mới nhiều hứa hẹn và lời lãi hơn. Không hề có chút xấu hổ hay ngượng ngùng trên gương mặt anh. Anh vui vẻ và rạng rỡ như một đứa trẻ.
– Anh đã đánh một giấc ngon lành, Eszter ạ, – anh hài lòng nói. – Như một kẻ rốt cuộc đã về đến nhà mình.
Khi thấy tôi không lên tiếng, anh lại gần khoác vòng cánh tay tôi, dẫn đến một chiếc ghế bành và lịch sự dìu tôi ngồi xuống.
– Giờ thì anh mới có thể ngắm em, – anh dịu dàng. – Em chẳng thay đổi gì. Thời gian dừng lại trong căn nhà này.
Sự im lặng của tôi hoàn toàn không làm anh bận lòng. Anh đi quanh, nhìn những tấm ảnh, thỉnh thoảng, với một động tác nghệ sĩ rẻ tiền, anh đưa tay vuốt bờm tóc chớm bạc và thưa thớt của mình. Anh vô tư đi lại trong căn phòng, như một người trước đây – hai mươi hai năm trước – phải rời khỏi nơi này một thời gian ngắn, vì người ta gọi đến một nơi nào đó; nhưng bây giờ người đó đã trở lại, và một cách hơi đãng trí, trao đổi vài ba câu chuyện, chủ yếu cho phải phép. Anh nhấc một chiếc ly Valence cổ lên khỏi bàn, thích thú ngắm nghía.
– Cha tặng em chiếc ly này nhân ngày sinh nhật? Anh còn nhớ, – anh nói giọng hòa nhã.
– Anh bán chiếc nhẫn khi nào? – tôi hỏi.
– Chiếc nhẫn?
Anh nhìn lên trần nhà, vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Môi mấp máy, như đang suy tính.
– Anh cũng không nhớ nữa, – sau đó anh niềm nở nói.
– Thôi đi, Lajos, – tôi động viên, – anh nhớ lại đi. Nó sẽ hiện lên trong đầu anh.
– Chiếc nhẫn, chiếc nhẫn, – anh thân mật nói, và lắc lắc đầu như đang chiều chuộng thói đồng bóng vô nghĩa, – à ra vậy, anh bán chiếc nhẫn khi nào nhỉ? Anh nghĩ, vài tuần trước khi Vilma mất. Em biết đấy, khi ấy cần rất nhiều tiền… Các bác sĩ, đời sống chung… Đúng thế, trong năm ấy thì phải.
Rồi anh mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt trong trẻo.
– Nhưng này, Eszter, – anh nói, – tại sao em lại quan tâm đến chiếc nhẫn?
– Sau đó anh đã đưa cho tôi bản sao chiếc nhẫn. Anh nhớ chứ? – tôi hỏi và bước lại gần Lajos.
– Anh đã đưa cho em? – anh máy móc nói; và vô tình lùi lại một bước. – Có thể. Đúng anh đã đưa cho em à?
Anh vẫn mỉm cười, nhưng hơi mất tự tin. Tôi lại gần tủ, mở ra và tìm chiếc nhẫn bằng những động tác dứt khoát.
– Bây giờ anh vẫn không nhớ sao? – tôi hỏi và đưa cho anh chiếc nhẫn.
– Không, – anh nói nhỏ. – Giờ thì anh nhớ.
– Anh đã bán chiếc nhẫn, – tôi nói; vô tình tôi cũng hạ giọng giống như đang nói chuyện gì đó xấu hổ và cần phải giữ kín trước người khác, hoặc thậm chí trước cả Thượng đế nữa, – rồi khi chúng ta từ đám tang trở về, với vẻ hào phóng, anh đưa cho tôi chiếc nhẫn như di vật của Vilma, như một tài sản đáng giá duy nhất của gia đình, như một thứ gì đó mà chỉ có tôi xứng đáng được nhận. Tôi hơi ngạc nhiên. Và cũng đã phản đối, chắc anh còn nhớ? Nhưng sau đó tôi chấp nhận và hứa sẽ cất đi để sau này đưa cho Eva, khi con bé trưởng thành và cần đến nó. Giờ anh cũng không nhớ à?
– Như vậy, em đã hứa điều đó? – Lajos nhẹ nhàng hỏi. – Thế thì em hãy đưa cho Eva bây giờ đi, nếu con nó có hỏi, – anh thản nhiên. Anh bắt đầu dạo quanh căn phòng và châm thuốc hút.
– Tuần trước anh nói với Eva là tôi giữ chiếc nhẫn cho nó. Eva cần tiền, nó muốn bán. Khi nó bán sẽ lộ ra chuyện cái nhẫn là giả mạo. Tất nhiên, người làm giả chỉ có thể là tôi. Anh cố tình muốn vậy, – tôi nói, giọng khản đặc.
– Tại sao? – anh hỏi thẳng, không rào đón, với vẻ ngạc nhiên thực sự. – Chỉ là em? Người khác cũng có thể. Chẳng hạn Vilma.
Chúng tôi im lặng.
– Đâu là giới hạn của anh, Lajos? – tôi hỏi.
Lajos chớp chớp mắt, nhìn điếu thuốc:
– Em hỏi kiểu gì thế? Giới hạn nào? – anh lưỡng lự hỏi.
– Giới hạn nào ư? – tôi nhắc lại. – Tôi hình dung là mỗi người đều có một giới hạn nào đó của lương tâm, xấu tốt gì cũng có mức độ. Đại loại, tất cả những gì có khả năng tồn tại giữa người và người, đều có mức độ. Nhưng anh không có giới hạn cho riêng mình.
– Đấy chỉ là từ ngữ. – anh nói, phẩy tay chán nản. – Giới hạn, khả năng. Tốt và xấu. Đấy chỉ là những từ ngữ, Eszter ạ.
– Em có nghĩ, – anh tiếp tục, – rằng phần lớn những việc làm của chúng ta đều vô nghĩa, vô bổ? Người ta làm một việc gì đó, cả những lúc chẳng lợi lộc gì, cũng không có được niềm vui. Nếu em nhìn lại trong cuộc sống, em sẽ thấy, mình đã làm nhiều điều chẳng qua chỉ vì em có thể làm.
– Điều này hơi cao xa so với tôi. – tôi chán nản lên tiếng.
– Thôi mà. Nó chỉ bất tiện, Eszter ạ. Về cuối đời, con người ta trở nên mệt mỏi ghê gớm bởi những thứ gọi là thiết thực. Anh luôn thích những hành vi không lý giải được.
– Nhưng chiếc nhẫn… – tôi lại bắt đầu bằng giọng bướng bỉnh.
– Chiếc nhẫn, chiếc nhẫn! – Lajos nóng nảy nói. – Em đừng lôi chiếc nhẫn ra nữa! Anh nói với Eva là em giữ chiếc nhẫn? Có thể. Vì sao anh nói? Bởi vì lúc đó, cần phải nói như vậy, đơn giản nhất và có ý nghĩa nhất. Em cứ nhắc đi nhắc lại chiếc nhẫn, còn Laci thì những tấm ngân phiếu… Bọn em muốn gì? Tất cả đã qua, không còn nữa. Cuộc sống đã xóa bỏ mọi thứ. Không thể sống mãi dưới bản cáo trạng được. Ai vô tội, ai toàn năng từ trong lương tâm như em nói, để có quyền truy lùng người khác suốt đời nào? Ngay luật pháp cũng cho phép sự hết hiệu lực. Chỉ có bọn em là không muốn biết đến mà thôi.
– Anh không nghĩ, anh là người không công bằng? – tôi hỏi, khẽ hơn.
– Có thể, – Lajos nói, giọng đã dịu đi. – Giới hạn! Giới hạn lương tâm! Nhưng cuộc sống lại không có giới hạn. Em hãy hiểu cho anh. Có thể là anh đã nói điều gì đó với Eva, có thể là anh đã sai lầm, ngày hôm qua hay mười năm trước với tiền bạc hay với những chiếc nhẫn, hay với những lời nói. Anh không bao giờ giới hạn hành vi của mình. Con người ta, cuối cùng cũng chỉ chịu trách nhiệm về những gì mà anh ta dự tính, mà anh ta muốn. Con người chỉ chịu trách nhiệm về những ý định của mình… Hành vi, là cái gì? Luôn luôn là một sự bất ngờ tùy hứng. Con người đứng đó và nhìn, rồi bất thần anh ta hành động. Nhưng ý định, Eszter ạ, ý định là có tội. Ý định của anh bao giờ cũng trong sáng, – Lajos nói, giọng hoàn toàn mãn nguyện.
– Vâng, – tôi lưỡng lự nói. – Có thể ý định của anh là trong sáng.
– Anh biết, – anh nói, giọng ôn hòa hơn, hơi tự ái, – anh không hợp với thế giới. Mọi người muốn gì ở anh? Năm mươi sáu tuổi đầu, anh phải thay đổi? Anh chỉ muốn tốt cho mọi người. Nhưng những khả năng tốt đẹp lại hạn hẹp trên thế gian này. Phải tô hồng cuộc sống, nếu không không thể chịu đựng nổi. Vì thế mà anh đã nói với Eva về chiếc nhẫn, những gì mà anh đã nói. Điều này trong lúc đó làm nó yên lòng. Vì thế mà anh đã nói với Laci mười năm trước rằng anh sẽ thanh toán nợ nần, khi anh biết anh không bao giờ trả được, vì thế mà anh đã nói nhiều điều này điều nọ với mọi người, và lúc đó, khi anh buột miệng nói ra những lời khích lệ hay vừa tai, anh đã biết là mình không bao giờ giữ lời hứa. Cũng vì thế mà anh đã nói với Vilma, rằng anh yêu cô ấy.
– Vì sao anh nói? – tôi hỏi, và ngạc nhiên là giọng mình bình tĩnh và dửng dưng làm sao.
– Bởi vì cô ấy muốn nghe những lời như vậy, – anh thản nhiên trả lời. – Bởi vì như Vilma hiến dâng cả cuộc đời mình, để anh phải nói ra điều này cho cô ấy. Và bởi vì em đã không ngăn anh nói.
– Em? – tôi nói, giọng khản đặc, một sự bối rối kì lạ dâng lên nghẹn cổ. – Em có thể làm được gì?
– Tất cả, Eszter ạ, – anh nói giọng ngây thơ, gần như trẻ con, giọng nói của người xưa, thời thanh niên trẻ trung. – Tất cả. Vì sao em không trả lời các bức thư của anh? Vì sao sau này em cũng không nói gì khi em có thể? Vì sao em để quên các bức thư, khi em bỏ anh mà đi? Eva đã tìm thấy các bức thư.
Lajos bước lại gần và ghé sát xuống tôi.
– Anh nhìn thấy những bức thư ấy? – tôi hỏi.
– Anh nhìn thấy…? Anh không hiểu, Eszter. Anh viết những bức thư ấy.
Giọng anh khiến tôi có cảm giác đây dường như là lần đầu tiên trong đời, anh không nói dối.
XVII
– Bây giờ, hãy để anh nói với em một điều, – Lajos nói. Anh ngả người dựa vào tủ, lấy thuốc ra châm rồi ném que diêm vào cái hộp đựng danh thiếp. – Có một điều gì đó đã xảy ra giữa chúng ta, không thể dàn xếp bằng im lặng được nữa. Suốt cuộc đời, người ta im lặng về điều quan trọng nhất. Đôi khi, tưởng như chết dần chết mòn trong sự im lặng này. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn có cơ hội nói ra… và những lúc như thế, không thể, không nên tiếp tục im lặng. Anh nghĩ rằng sự im lặng kiểu đó có thể cũng là tội lỗi, Kinh Thánh có nhắc đến đấy. Đôi khi có những sự giả dối tồn tại rất lâu cho đến khi người ta nhận ra. Em hãy ngồi xuống đây, ngồi xuống đi nào, Eszter. Em hãy nghe anh nói. Không, anh xin lỗi, giờ là lúc anh muốn là kẻ vạch tội và nói lời phán quyết. Từ trước đến nay, em là người kết án. Nào, ngồi xuống đi em.
Anh nói nhã nhặn, nhưng giọng gần như ép buộc.
– Như thế, xin mời, – anh nói, và kéo ghế cho tôi. – Eszter, em xem, hai mươi năm trời chúng ta hoàn toàn nói chuyện đâu đâu. Sự việc không đơn thuần như thế. Em đổ lên đầu anh bao nhiêu tội lỗi – em và những người khác – và những tội lỗi đó, đáng tiếc quả là có thật. Em nói về chiếc nhẫn và sự dối trá, về những lời hứa mà anh không giữ đúng, về những tấm ngân phiếu mà anh không thanh toán được. Cũng có điều khác, Eszter ạ. Cũng có điều xấu hơn. Biết tất cả là không cần thiết… anh không biện hộ cho anh đâu… nhưng những chi tiết này không quyết định được thân phận của anh. Anh luôn là người yếu đuối. Anh mong mỏi làm được một cái gì đấy trên cái thế gian này, anh nghĩ, anh không phải là người không có năng khiếu. Nhưng năng khiếu, ý định, tất cả những điều này quá ít. Bây giờ anh biết rằng, quá ít. Nhưng đối với việc tạo lập, cần cái gì đó khác nữa… Một sức mạnh hay một kỷ luật đặc biệt nào đó, hoặc cả hai, và anh nghĩ đó chính là cái mà người ta thường gọi là cá tính… Và khả năng, hay cái đức tính này không có trong anh. Đây thật là một sự ngớ ngẩn. Giống như một nhạc công tuy biết rõ thứ âm nhạc anh ta đang chơi, nhưng lại không nghe thấy những âm thanh. Khi anh được tiếp xúc gần với em, anh vẫn chưa nhận biết được chính xác điều này, như bây giờ anh đang nói cho em… anh cũng chưa biết được rằng cá tính dành cho anh chính là em. Em có hiểu?
– Không, – tôi nói thành thật.
Một cách nào đó, tôi không ngạc nhiên về những điều Lajos nói, mà về giọng của anh, cách nói chuyện của anh. Tôi chưa bao giờ nghe anh nói kiểu đó. Anh nói chuyện như một người có điều gì… không, tôi không thể định tính được giọng nói này. Anh nói chuyện như một người nhìn thấy điều gì đó, một sự thật, hay một khám phá, và đang đi theo cái hướng tốt nhất chưa thể tiết lộ nhưng đã tiếp cận với ảo ảnh đã hình dung, và cố vật lộn để hét lên những ấn tượng của mình cho thế giới biết. Anh nói chuyện như một người đang cảm thấy cái gì đó. Tôi không quen nghe giọng điệu này ở Lajos. Không nói năng gì, tôi chăm chú nghe anh.
– Thật đơn giản làm sao, – anh nói. – Em sẽ hiểu ngay thôi. Em là, lẽ ra đã là điều thiếu vắng trong anh: một cá tính. Người ta biết rõ rằng con người không có cá tính, hoặc có nhưng không hoàn hảo, về mặt ý nghĩa đạo đức, là một người què quặt. Có những người như vậy. Nói chung như vậy cũng là hoàn hảo, chỉ thiếu một cánh tay hay một ống chân. Những con người này, khi có được cánh tay hay cái chân giả, sẽ trở nên hữu dụng, và có ích cho đời. Em đừng giận vì sự so sánh, em lẽ ra đã là tay hay chân giả cho anh… Một cánh tay hay cái chân giả của đạo đức. Hy vọng rằng anh không xúc phạm em? – anh hỏi, và cúi xuống nhìn tôi.
– Không, – tôi nói, – em không tin, anh Lajos ạ. Cá tính không thể thay thế được. Không thể mang đạo đức từ người này sang người khác bằng cách cấy trồng nhân tạo được. Đấy chỉ là lý thuyết. Anh đừng giận.
– Không chỉ là lý thuyết. Đạo đức, em thấy đấy, không phải là thứ được di truyền, mà là thứ người ta tiếp nhận được. Con người không sinh ra đã có đạo đức. Đạo đức của thú dữ, hoặc của đứa trẻ, không giống đạo đức của ngài chánh án thành Vienna hay Amsterdam. Con người thu lượm được đạo đức của họ trong cuộc đời, giống như thu lượm phong cách, văn hóa của họ. – Lajos giảng giải rành rẽ, như một đức cha. – Có những người có được tính cách dễ dàng hơn, đúng vậy, có những thiên tài–tính cách, giống như có những thiên tài thơ ca, những nhà soạn nhạc vĩ đại. Em cũng là một thiên tài–tính cách như vậy. Eszter ạ; đừng, đừng phản đối! Anh đã cảm nhận điều này ở em. Anh điếc đặc trong những vấn đề đạo đức, gần như là một kẻ mù chữ. Vì thế anh chạy trốn đến bên em; anh nghĩ, chủ yếu là vì thế.
– Em không tin, – tôi bướng bỉnh– Nhưng giả sử có như vậy đi, anh Lajos ạ, anh không thể mong cầu một người nào đó hãy chăm bẵm suốt cuộc đời mình những sinh linh bất hoàn hảo về mặt đạo đức. Một người đàn bà không thể là bà vú nuôi kiệt quệ của đạo đức suốt đời được.
– Một người đàn bà, một người đàn bà, – Lajos nói và phẩy tay. – Anh đang nói về em, Eszter ạ. Về em. – anh lịch sự nói nhanh.
– Một người đàn bà, – tôi nói và cảm thấy máu dồn lên mặt. – Em biết là anh đang nói về em. Đối với em, đã quá đủ việc suốt cả cuộc đời hãy là tấm gương mẫu mực cho một bụng dạ giả dối nào đó. Xin anh hiểu cho. Lúc này em nói ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa … nhưng có thể anh nói đúng, không thể im lặng suốt đời được. Em không tin vào những lý thuyết của anh nhưng em tin vào thực tế, anh Lajos ạ. Thực tế là anh đã lừa dối em; ngày xưa, người ta sẽ nói một cách mỹ miều là như này: “anh đã đánh bạc với tôi.” Anh là một tay cờ bạc quái lạ… mà thay vì dùng quân bài, anh đã dùng những đam mê và những con người để đánh. Em là một con đầm trong các ván bài của anh. Rồi anh đứng dậy bỏ đi… vì sao? Vì anh đã chán. Anh bỏ đi, chỉ vì anh chán. Đó là sự thật. Cái sự thật tàn khốc và phi đạo đức. Có thể ném đi một người đàn bà như ném một que diêm vì người ta say mê mãnh liệt, vì bản chất của người ta như thế, vì người ta không thể trói mình vào một người đàn bà, vì người ta muốn leo lên cao, vì tất cả mọi người và mọi thứ là công cụ đối với người ta. Em có thể hiểu… Hành động đó là xấu xa, nhưng còn có chút gì đó có tính người. Nhưng vì lơ đãng mà vứt bỏ một con người… thế này tồi tệ hơn. Không thể tha thứ vì đó là sự bất lương. Anh đã hiểu chưa?
– Nhưng anh đã gọi em. Eszter, – anh hạ giọng gần như thì thầm. – Em không nhớ ư? Ừ, thì anh là kẻ yếu đuối. Nhưng rồi anh đã tỉnh ngộ trong giây phút cuối cùng, anh đã nhận ra chỉ có em mới cứu giúp được anh; anh đã gọi và van xin em; em không nhớ những bức thư của anh à?
– Em không biết những bức thư nào cả, – tôi nói và sợ hãi vì nghe cái giọng the thé chưa từng thấy của mình, gần như là chói tai. –Tất cả là dối trá. Những lá thư dối trá, cũng như chiếc nhẫn, như tất cả những gì anh đã nói và hứa hẹn với em. Em không biết về những bức thư, cũng không tin vào chúng. Mới đây, Eva có cho em hay là nó tìm thấy những bức thư gì gì đó… trong cái hộp gỗ hoa hồng… làm sao em biết được, đâu là sự thật? Em không tin anh! Em không tin cả Eva nữa! Em cũng không tin vào quá khứ. Tất cả là giả dối, là sự thông đồng cấu kết với nhau, là màn kịch được dựng sẵn với những đạo cụ, thư từ và những lời hứa hẹn mà trước đây chưa nói ra bao giờ. Em đã không đến nhà hát nữa rồi, anh Lajos ạ. Mười lăm năm nay, em không đến nhà hát, cũng chẳng đi đâu. Em chỉ biết hiện thực, anh hiểu không? – Hiện thực! Hãy nhìn em! Đây là hiện thực! Hãy nhìn vào mắt em! Em đã già. Cuộc đời thế là hết, như anh nói khi nãy, thật cảm động và kệch cỡm làm sao. Đúng, thế là hết, và anh là nguyên nhân làm cuộc đời trôi đi như thế, một cách trống rỗng, giả dối. Anh là nguyên nhân khiến em còn lại một mình, như một cô gái già cả đời hà tiện tình cảm để về già chỉ quanh quẩn với lũ mèo và chó. Anh cũng biết, em không bao giờ hà tiện tình cảm, chỉ bo bo cho mình, chẳng giữ đến cả mèo lẫn chó cho riêng em…
– Đúng, – anh thẳng thắn nói, đầu cúi xuống như người có tội. – Điều đó thật sự nguy hại.
– Nguy hại, – một cách vô tình, tôi cũng hạ giọng nói, rồi im lặng. Chưa bao giờ tôi nói chuyện một thôi một hồi, dồn dập và say sưa như thế. Giờ đây tôi đã cạn hơi.
– Vậy thì chúng ta hãy thôi đi, – tôi nói. Tôi chợt cảm thấy yếu đuối. Tôi không muốn khóc; tôi ngồi thẳng, hai tay khoanh trước ngực, nhưng mặt tôi trắng bệch, đến nỗi Lajos lo lắng hỏi:
– Em có cần một cốc nước không? Để anh gọi ai đó?
– Anh đừng gọi ai cả, – tôi nói. – Không quan trọng. Như vậy là em không còn khỏe nữa. Anh Lajos ạ, chừng nào người ta còn nghi ngờ lời nói hay tình cảm của ai đó, thì bấy giờ chỉ có thể xây dựng được một cuộc đời hoặc một mối quan hệ trên cái nền móng lỏng lẻo mà thôi. Cái nền móng đó có thể là “đầm lầy”, như người ta thường gọi, có thể là “bãi cát”. Anh biết không, cái anh xây dựng nên, một ngày nào đó sẽ sụp đổ… tuy nhiên, trong sự cố gắng ấy, có cái gì đó hiện thực, mang tính nhân sinh và định mệnh. Nhưng ai bị định mệnh trừng phạt bằng cách trao cho cái nền móng như con người anh, thì số phận của người đó đen tối hơn tất cả mọi thứ trên đời, vì một ngày nào đó, người ấy nhận ra, mình đã xây dựng tất cả trong khoảng không, trong hư vô. Những người khác dối trá vì bản tính của họ là như thế, hoặc vì phải tuân theo những lợi ích cá nhân, hoặc vì hoàn cảnh tức thời buộc phải thế. Nhưng anh thì nói dối, như mưa rơi; anh biết nói dối bằng những giọt nước mắt, bằng những việc làm. Điều này có thể rất khó khăn. Đôi khi em nghĩ, anh như một thiên tài… Thiên tài dối trá. Anh nhìn vào mắt em, hoặc chạm vào người em, rồi nước mắt anh rỏ, và em cảm thấy tay anh run, nhưng em biết là anh giả dối, anh luôn giả dối, ngay từ đầu. Cả đời anh là sự dối trá. Em cũng không tin vào cái chết của anh, đó cũng là sự dối trá. Vâng, anh là một thiên tài.
– Đây, – Lajos bình thản. – Dù thế nào đi nữa, anh có mang theo đây những bức thư cho em. Chính anh đã viết cho em. Chúng đây.
Và bằng một động tác tự mãn, không cầu kỳ, Lajos lấy mấy lá thư trong túi áo khoác của anh đưa cho tôi.