Di sản của Eszter (Chương 18,19,20)

Maira Sandor

XVIII

Bấy giờ, nội dung thư không làm tôi quan tâm lắm; tôi biết khả năng viết thư của Lajos. Nhưng tôi vẫn xem kỹ những chiếc phong bì. Trên cả ba phong bì đều có ghi tên và địa chỉ người nhận là tôi bằng chữ viết tay của Lajos. Ngày tháng trên con dấu bưu điện chứng tỏ rằng những bức thư đã được gửi cách đây hai mươi hai năm, trước ngày cưới của Vilma và Lajos một tuần. Một điều chắc chắn, tôi chưa bao giờ nhận được chúng. Ai đó đã lấy cắp. Ăn cắp những bức thư không phải là việc khó: Vilma vẫn luôn nhận thư, với sự tò mò kỳ lạ và tư cách người giữ chìa khóa hòm thư. Tôi xem xét kỹ lưỡng các phong bì rồi ném chúng lên mặt tủ, cạnh bức chân dung Vilma. 

– Em không muốn đọc? – Lajos hỏi.

– Không, – tôi nói. – Để làm gì? Em tin, trong thư là những gì anh vừa nói. Không có ý nghĩa gì đáng kể. Lajos – tôi nói, gần như vui với điều chuẩn bị nói ra, – anh biết nói dối bằng cả thực tế nữa.

– Em chưa từng nhận những lá thư này à? – Lajos hỏi bình thản, vẻ như hoàn toàn không bận tâm đến những lời buộc tội của tôi.

– Chưa bao giờ.

– Ai đã lấy trộm các bức thư của anh? 

– Ai đã lấy trộm? Vilma. Còn ai khác? Ai quan tâm?

– Tất nhiên rồi, – anh nói. – Người khác không thể lấy trộm được.

Lajos bước tới chiếc tủ, chăm chú soi qua soi lại con dấu và ngày tháng trên thư; sau đó anh cúi xuống nhìn tấm ảnh của Vilma, điếu xì gà trong tay anh tỏa ra những vòng khói dày đặc, trên môi anh hiện ra một nụ cười vui vẻ và dò hỏi; anh trầm ngâm nhìn bức ảnh, tựa hồ như không có tôi trong phòng, anh lắc đầu và huýt sáo khe khẽ, tiếng huýt sáo tán thưởng của một tên trộm khi khen ngợi chiến công của tên trộm khác. Anh đứng như thế, hai chân hơi giạng ra, một tay thọc trong túi áo khoác, một tay cầm điếu xì gà tỏa khói một cách sành sỏi và mãn nguyện.

– Khá đấy, – anh nói, rồi quay lại đứng đối diện cách tôi một bước chân, – nhưng vậy thì em muốn gì ở anh? Anh có tội gì? Những món nợ của anh? Thiếu sót lớn lao của anh? Anh nói dối những chuyện gì? Chỉ những thứ vụn vặt. Nhưng từng có lúc, – anh chỉ tay vào các bức thư, – anh không nói dối, anh đã chìa tay ra, bởi vì anh chao đảo, như một diễn viên xiếc ngất xỉu giữa lúc múa trên dây. Lúc đó em đã không cứu giúp. Không ai đưa tay cho anh. Vậy thì anh phải tiếp tục nhảy múa, bởi vì ở cái tuổi ba lăm, người ta không muốn bị rơi xuống… Em cũng biết anh không phải là người có tình cảm ủy mị khác biệt gì hơn, anh cũng không nặng đam mê. Cái làm anh quan tâm, là cuộc sống… những cơ hội… như em nói vừa nãy, những cuộc chơi… Anh không, không bao giờ là người đàn ông có thể vì một phụ nữ, vì một tình cảm đắm đuối đem tất cả đặt lên sòng bạc… Cũng không phải một nỗi đam mê không thể kháng cự được nào đó đã cuốn trôi anh đến bên em, giờ đây anh có thể nói với em như vậy. Em thấy đấy, anh không muốn em phải rơi nước mắt, anh không cần em phải mủi lòng. Như thế sẽ thành trò cười mà thôi. Anh đến không phải để van xin. Mà để đòi hỏi. Em hiểu chứ?… – Lajos nhẹ nhàng hỏi bằng một giọng nghiêm túc và thân tình.

– Để đòi hỏi? – tôi thì thầm. – Hay nhỉ. Vậy anh đòi hỏi đi.

– Đúng, – anh nói. – Anh sẽ đòi hỏi. Lẽ đương nhiên là anh không đòi hỏi gì từ phía em về mặt pháp luật và trên giấy tờ. Nhưng cũng có một loại luật pháp khác. Có lẽ em chưa biết đến, nhưng đây là lúc em cần phải biết rằng, bên cạnh pháp luật đạo đức, tồn tại một pháp luật khác, cũng đầy quyền lực như thế, cũng có giá trị như thế… anh phải nói như thế nào nhỉ… Em đoán ra chưa? Con người, thông thường không chịu nổi ý thức này. Em cần phải biết, không chỉ từ ngữ, lời thề và sự hứa hẹn ràng buộc con người lại với nhau, ngay cả tình cảm, mối thân tình cũng không quyết định được một quan hệ chân chính. Có một điều gì khác, một định luật nào đó, mạnh mẽ và khắt khe hơn quy định rõ ràng người này hay người kia có liên quan với người khác… như những kẻ tòng phạm. Cái định luật này đã quy định anh có liên quan với em. Anh biết định luật này. Hai mươi năm trước đây. Khi anh gặp em là anh biết đến nó. Chẳng có lý do gì để anh phải khiêm tốn lúc này, anh chắc rằng, Eszter ạ, giữa hai chúng ta, anh là người có tính cách mạnh mẽ hơn. Dĩ nhiên, không phải là “nhân cách hơn” trong cái nghĩa mà những cuốn sách đạo đức rêu rao. Nhưng cũng vẫn là anh, gã đàn ông đang lảo đảo, tên phản bội, kẻ bỏ trốn, anh là người, từ trong thâm tâm và bằng tất cả ý muốn, thủy chung với cái định luật thứ hai kia, cái định luật không có dấu vết trong sách vở và trong các bản dự luật nhưng lại là một định luật đích thực. Một định luật khắt khe… Em nghe đây. Định luật này của thế gian quy định rằng: sự việc, một khi đã bắt đầu thì cần phải kết thúc. Chẳng phải là cái gì vui sướng cả đâu. Không có cái gì đến đúng lúc, cuộc sống không cho chúng ta cái gì cả, khi mà chúng ta đã chuẩn bị xong. Sự hỗn loạn này, sự muộn màng này thật đau đớn trong một thời gian dài. Chúng ta ngỡ rằng ai đó đang đùa giỡn với chúng ta. Nhưng một ngày, chúng ta nhận ra, có một trật tự và một hệ thống tuyệt vời nằm trong tất cả… hai con người không thể gặp nhau sớm hơn một ngày, khi mọi điều kiện cho cuộc hội ngộ chưa chín muồi… Họ nắm bắt được, không phải bằng ý thích và niềm đam mê mà từ trong thâm tâm, giống như cuộc gặp của các vì tinh tú tuân theo những quy tắc không thể cưỡng lại của định luật thiên văn, trong không gian và thời gian vô tận, với độ chính xác gần như tuyệt đối; cái khoảnh khắc của vô tận không gian và hàng tỷ năm thời gian, chính là khoảnh khắc của họ. Anh không tin vào những cuộc gặp gỡ vô tình. Anh là đàn ông và anh quen biết nhiều phụ nữ… xin lỗi em, nhưng anh cần phải nói về chuyện này… anh quen biết những người phụ nữ xinh đẹp và sôi nổi, anh quen biết cả những người đàn bà mà trong họ tựa hồ hơi thở của quỷ sứ đang lởn vởn, anh cũng thấy những thiếu phụ tận Siberi đeo đuổi một gã đàn ông trong tuyết trắng giá lạnh, anh cũng từng gặp những lệnh bà cao cả, những người đã cứu giúp anh và trong thời gian ngắn, họ xua tan cái bầu không khí cô đơn quá độ của cuộc sống. Đúng vậy, anh đã quen biết tất cả họ, – anh nói khe khẽ, như một người đang hồi tưởng.

Sau đó, khi anh im lặng, tôi gượng gạo nói:

– Em vui là có một ngày anh vẫn đến với em, và khoe những mối quan hệ của anh.

Nhưng ngay lập tức tôi hối hận vì đã thốt ra những lời ấy; chúng chẳng ăn nhập với con người tôi, cũng không ăn nhập với những gì Lajos vừa nói. Anh bình thản nhìn tôi và lơ đãng cất tiếng:

– Anh phải làm gì, nếu anh cứ chờ đợi em mãi, – anh nói, gần như thân tình, không lên giọng, một cách lịch sự và nhún nhường.

– Anh phải làm gì? – anh lên giọng, – và em vớt vát được gì với lời tuyên bố muộn màng này mà cả nội dung và ý nghĩa đạo đức của nó đã không tồn tại nữa với tuổi đời của chúng ta? Không nên nói ra những điều như vậy. Những phép tắc đạo đức có giá trị gì mấy không, khi mà cần phải nói chuyện về thực tại! Eszter, em thấy đấy, cuộc hội ngộ gần như gây xúc động một cách bí ẩn hơn cuộc gặp gỡ đầu tiên… Anh biết điều này đã từ lâu. Gặp lại người mà ta thương yêu, nó chẳng giống như lén lút quay lại “hiện trường” bởi cái áp lực không thể chống cự lại, như trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nói ư?… Anh chỉ thương yêu em trong cuộc đời mình, không phải với một thứ nhu cầu khắt khe nào đó và cũng không được trước sau như một, anh biết… Rồi đã xảy ra một cái gì đó, không chỉ là sự cố với những bức thư mà Vilma đã lấy trộm. Không chỉ riêng điều này. Em đã không thực sự muốn tình yêu này. Em đừng chống chế! Yêu một người nào đó thôi không đủ. Mà cần yêu một cách dũng cảm. Cần phải yêu, để làm sao cảm giác vụng trộm hay ý định chống phá, hay luật pháp của thánh thần hay của trần gian, cũng không ngăn cản được tình yêu ấy. Chúng ta đã không dũng cảm yêu nhau… Đấy là sự thật. Và là lỗi ở em, vì sự dũng cảm của đàn ông trong tình yêu là một việc nực cười. Đây là việc của bọn em, những người đàn bà, tình yêu… Bọn em chỉ lớn lao trong tình yêu. Ở đây, em đã thất bại tại đâu đó, và tất cả những gì có thể có trong đời, trách nhiệm, định mệnh, ý nghĩa cuộc sống, đều thất bại theo em. Không thể nói đàn ông phải phù hợp với một tình yêu. Hãy biết yêu một cách dũng cảm. Nhưng em đã phạm phải một điều xấu nhất mà một người đàn bà có thể mắc phải, em đã tự ái, bỏ chạy. Bây giờ em đã tin rồi chứ?

– Điều này có ý nghĩa gì? Có ý nghĩa gì, nếu em tin, hoặc nói rằng em đã bình tâm lại rồi? Có ý nghĩa gì cơ chứ? – tôi hỏi, giọng nói của tôi thật xa lạ, nghe như giọng ai đó từ phòng bên vọng sang.

– Chính vì thế mà anh quay trở lại đây,– Lajos hạ giọng, vì trong phòng cũng đã sẩm tối và một cách vô tình chúng tôi nói chuyện khẽ khàng hơn, như thể mọi thứ, từ đồ vật đến những lời nói của chúng tôi cũng trở nên mờ tối cùng với ánh sáng nhập nhoạng trong phòng. – Anh muốn em phải biết, không có cái gì có thể tự ý kết thúc, có thể bỏ dở giữa chừng, giữa những con người với nhau… Không thể! – anh nói, và bật cười hài lòng. Anh vui vẻ xoa tay, như một tay cờ bạc đột nhiên nhận ra mình đã thắng ván bài tưởng nắm chắc phần thua trong sự kinh ngạc và vui mừng khôn xiết. – Em có liên quan đến anh, cả lúc này, khi mà thời gian và khoảng cách đã xóa đi tất cả những gì từng được gây dựng giữa hai chúng ta. Bây giờ thì em đã hiểu? Em là người chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã xảy ra với anh trong cuộc đời, giống như anh cũng chịu trách nhiệm do em và vì em… theo cách của anh…đúng vậy, theo cách của một người đàn ông. Một lúc nào đó, em cần phải hiểu được điều này. Em cần phải đến với anh, với gia đình anh. Chúng ta mang theo Nunu nữa. Em nghe đây, Eszter, em phải tin anh lần này. Anh có lợi gì, nếu anh nói sai sự thật, sự thật cuối cùng, sự thật đúng như cái chết?… Thời gian đã thiêu rụi mọi giả dối nơi chúng ta. Những gì còn lại, đó là sự thật. Rằng em liên quan đến anh, cho dù em chạy trốn, cho dù anh vẫn là người như anh đã từng… Đúng, anh không tin là con người thay đổi… Em có liên quan đến anh, cả khi em biết, anh không thay đổi, anh vẫn là con người như xưa, gã đàn ông nguy hiểm và không thể tin được. Em không thể phủ nhận điều này. Em ngẩng đầu lên nào, hãy nhìn vào mắt anh… Tại sao em cúi đầu xuống như thế? Khoan, để anh thắp cái đèn này lên… Ở đây vẫn chưa có điện à?… Em xem kìa, trời đã tối mịt rồi.

Lajos bước lại gần cửa sổ, anh nhìn ra ngoài và đưa tay khép những cánh cửa liếp. Nhưng anh không thắp ngọn đèn trên bàn lên. Anh hỏi trong bóng tối:

– Tại sao em không nhìn anh đây?

Và khi thấy tôi không trả lời, từ xa, trong khoảng sáng mờ ảo, Lajos nói:

– Nếu em nghĩ là em hoàn toàn đúng, tại sao em không nhìn anh? Anh không có một thứ uy quyền gì đối với em. Anh không có một thứ quyền gì cả. Thế mà em cũng không làm gì được để chống lại anh. Em có thể đuổi anh đi hoặc không thể làm gì để chống lại anh. Em có thể buộc tội anh trong khi em biết rằng anh vô tội trước một người duy nhất, kẻ đó chính là em. Cuối cùng, vẫn có ngày anh trở về cùng em… Em vẫn còn tin vào những ngôn từ kiểu như niềm kiêu hãnh ư? Giữa những kẻ bị định mệnh trói buộc vào nhau, không có niềm kiêu hãnh. Đến với anh. Chúng ta sẽ dàn xếp tất cả. Cái gì sẽ tới? Chúng ta đang sống. Có lẽ, cuộc đời còn dành điều gì đó cho chúng ta. Rồi chúng ta sẽ sống lặng im. Thế giới đã quên anh. Ở đó, em sẽ sống cùng anh, với gia đình của anh. Không thể nào khác được, – anh cao giọng, giận dỗi như một người cuối cùng đã hiểu và nhận ra điều gì đó rất đơn giản, rõ như ban ngày và thật xấu hổ nếu còn đem ra tranh cãi. – Anh không đòi hỏi ở em điều gì khác, ngoài việc một lần, lần cuối cùng trong đời, em hãy trung thành với cái mệnh lệnh, mà cũng chính là ý nghĩa và nội dung của cuộc đời em.

Bây giờ, tôi không còn nhìn thấy rõ Lajos ở trong bóng tối nữa. 

– Em đã hiểu anh chưa? – anh hỏi từ xa, rất khẽ. Tiếng nói như từ dĩ vãng vọng về.

– Vâng, – tôi đáp, như một phản xạ trong mơ.

Trong khoảnh khắc này, một cảm giác tê lịm kỳ lạ dần lan tỏa khắp thân thể tôi, cái cảm giác mà một người mộng du có thể cảm thấy khi bắt đầu cuộc dạo chơi nguy hiểm; tôi hiểu tất cả những điều xảy ra xung quanh, hiểu ra ý nghĩa của tất cả những hành vi và lời nói của mình, tôi nhìn rõ những con người xung quanh tôi và cả những gì bị che khuất đi dưới cái vẻ ngoài khéo léo và những thói quen của họ; đồng thời tôi biết rằng, trong cơn mộng chập chờn tỉnh thức đó, tôi vẫn đang hành động một cách rõ ràng và sáng suốt. Tâm trí tôi thanh thản, gần như sảng khoái. Tôi cảm thấy trong mình nhẹ nhõm hẳn, mọi nỗi ưu tư, sầu não tan biến đi đâu hết. Dù sao, tôi đã hiểu một điều gì đó trong giây phút này: vượt qua những lời nói của Lajos, có một điều mạnh mẽ hơn , thông minh hơn và đầy quyền uy hơn tất cả những gì Lajos đã làm hay dự định làm để hại tôi. Tất nhiên, tôi không tin lời nào của anh… nhưng sự hoài nghi này làm tôi khuây khỏa. Trong lúc Lajos nói, tôi hiểu ra điều gì đó, và có lẽ tôi đã không thể diễn đạt bằng những ngôn từ chặt chẽ, ý nghĩa của sự thật giản đơn và êm đềm này. Lajos, đương nhiên là lúc này anh vẫn nói dối… tôi không biết ở đâu và trong cái gì cụ thể, nhưng anh đang nói dối. Có lẽ anh nói dối không chỉ bằng lời lẽ và cảm xúc mà cả bằng thực thể là anh, Lajos. Anh không thể làm khác được, ngay lúc này cũng như trước đây. Bỗng dưng, tôi nhận thấy mình đang cười phá lên; tôi bật cười, không phải một cách “chế giễu”, mà thật lòng và sảng khoái. Lajos không thể hiểu tại sao tôi cười.

– Em cười gì vậy? – anh nghi ngại hỏi.

– Không có gì, – tôi đáp. – Anh nói tiếp đi.

– Em đồng ý chứ?

– Vâng, – tôi trả lời. – Chuyện gì? À, vâng, em đồng ý, – tôi nói nhanh.

– Thế thì tốt, – Lajos nói. – Vậy thì… Eszter, em nghe đây, em không được nghĩ rằng một điều gì đó có thể xảy ra để chống lại hay làm hại em. Cần phải thu xếp mọi việc một cách đơn giản và chính đáng. Em đi với gia đình anh. Cả Nunu nữa… có thể không phải ngay lập tức… mà muộn hơn. Eva sẽ đi lấy chồng. Cần phải chuộc lại Eva, – anh hạ giọng, như đang nói với kẻ đồng lõa. – Cả anh nữa… Em vẫn chưa hiểu được… Nhưng em tin anh chứ? – Lajos phân vân hỏi nhỏ.

– Anh cứ nói đi, – tôi nhỏ nhẹ trả lời anh, cũng bằng giọng đồng lõa. – Dĩ nhiên là em tin anh.

– Chỉ có điều này là quan trọng, – anh hài lòng lẩm bẩm.

– Em đừng nghĩ, – Lajos nói, to tiếng hơn, – anh lạm dụng lòng tin của em. Anh không muốn em quyết định khi có anh ở đây. Để anh gọi Endre. Endre là bạn của gia đình. Là người nhà nước, là công chứng viên. Em hãy ký trước mặt anh ấy, – anh phấn khích nói.

– Ký cái gì?– tôi thì thào hỏi, theo kiểu của một kẻ thông đồng đã ưng thuận thực hiện phi vụ, và chỉ hỏi thêm về chi tiết mà thôi.

– Văn bản này, – Lajos nói. – Văn bản mà nhờ nó chúng ta sẽ thu xếp được mọi việc, để em có thể đến với anh và sống ở đó…

– Với anh? – tôi hỏi lại.

– Với gia đình anh, – anh nói, giọng anh càng có vẻ đắn đo hơn. – Với gia đình anh… Ở gần gia đình anh.

– Khoan đã, – tôi nói. – Trước khi anh ra gọi bác Endre… và em ký… Có lẽ, anh nên nói điều này rõ hơn … Anh muốn nói, em hãy bỏ lại đây tất cả và đi theo anh. Điều này em hiểu. Rồi sau đó, là gì ? Em phải sống ở đâu, ở gần anh…

– Anh nghĩ rằng, – Lajos chậm rãi nói một cách thong thả và chung chung, – ở gần gia đình anh. Căn hộ của gia đình anh, đáng tiếc, không tiện cho em… Nhưng có một khu nhà gần đấy, nơi các mệnh phụ… Hết sức gần. Và chúng ta sẽ thường xuyên gặp nhau, – anh nói với giọng đầy thiện cảm, khích lệ.

– Một kiểu nhà tế bần nào đó, đúng không?… tôi điềm nhiên hỏi.

– Nhà tế bần!– anh phật ý. – Từ với ngữ! Anh nói, đó là khu nhà, nơi các mệnh phụ thực thụ sống ở đó… Như em và Nunu.

– Như em và Nunu, – tôi tiếp.

Lajos còn đợi một lúc. Sau đó anh lại gần bàn, móc hộp diêm trong túi ra, và châm đèn lên một cách lóng ngóng.

– Em nghĩ kĩ đi, – Lajos nói. – Em hãy suy nghĩ, Eszter ạ. Anh sẽ bảo Endre đến. Em hãy cân nhắc kỹ càng. Và đọc hết cái văn bản này rồi hẵng ký. Hãy đọc kỹ.

Anh lôi trong túi áo khoác ra một tờ giấy gập làm tư, đặt lên bàn bằng một động tác giản dị. Lajos nhìn tôi lần nữa, với nụ cười thân thiện và khích lệ, anh hơi cúi mình, rồi với những bước chân trẻ trung, nhanh nhẹn anh đi ra khỏi phòng.

XIX

Mấy phút trôi qua, Endre bước đến chỗ tôi và tôi đã ký vào một văn bản kiểu như hợp đồng ủy quyền cho Lajos bán ngôi nhà và khu vườn. Đây là một bản hợp đồng nghiêm chỉnh, đầy rẫy thuật ngữ pháp luật và được viết với một kỹ năng mang vẻ khoa trương, mỹ miều, như những lá chúc thư và hợp đồng hôn nhân. Lajos gọi là “hợp đồng đôi bên”. Một bên là tôi, bên kia là Lajos, người để đánh đổi quyền sở hữu căn nhà và khu vườn, phải có trách nhiệm chăm lo cho Nunu và tôi “đến cuối đời trong những điều kiện phù hợp”. Những điều kiện của sự “chăm lo” này không được liệt kê rõ ràng trong văn bản.

– Lajos đã nói tất cả với tôi, – Endre nói khi chúng tôi ngồi xuống đối diện nhau bên chiếc bàn tròn. – Eszter ạ, tôi có trách nhiệm phải cảnh báo em rằng Lajos là một con người đê tiện.

– Vâng, – tôi nói.

– Trách nhiệm của tôi là phải cảnh báo rằng cái dự định và ý đồ mà anh ta dùng để đánh lừa các em là nguy hại, dù Lajos có làm đúng theo những điều kiện hợp đồng. Các em, Eszter thân mến ạ, nhờ công lao của Nunu và nhờ vào khu vườn đã có được cuộc sống ở đây, tuy eo hẹp một chút nhưng bình yên. Dự định của Lajos dưới con mắt của một người xa lạ thì có thể là một cái gì đó mang tình người… Nhưng tôi không tin vào tình người của Lajos. Tôi biết rõ con người anh ta hai mươi năm nay rồi. Một con người như thế, một tính cách như vậy, như Lajos, không thể thay đổi.

– Không, – tôi nói, – anh ấy cũng nói là anh ấy không thay đổi.

– Anh ta cũng nói thế? – Endre hỏi. Bác gỡ cặp mục kỉnh, chớp chớp đôi mắt cận thị nhìn tôi. Bác có vẻ bối rối. – Anh ta nói gì cũng thế thôi. Bây giờ anh ta thật lòng chứ? Thật lòng thực sự? Chẳng có nghĩa lý gì. Tôi đã từng trải qua những tình huống thật lòng với Lajos. Hai mươi năm trước nếu em còn nhớ, Eszter… Tôi đã im lặng suốt hai mươi năm. Nhưng giờ là lúc tôi phải nói ra. Hai mươi năm trước khi Gabor, cha của em, Eszter thân mến ạ… xin em thứ lỗi, ông là bạn tốt của tôi, người anh em tử tế của tôi… như vậy, hai mươi năm trước khi cha em từ trần, và tôi, một người bạn và một công chứng viên, có nhiệm vụ cay đắng là thu xếp của cải thừa hưởng của em, lúc đó đã phát hiện ra, Lajos đã làm giả những tấm ngân phiếu ký tên ông cụ. Em có biết chuyện này không? 

– Tôi có nghe loáng thoáng, – tôi nói. – Mọi người có nhắc đến chuyện gì đó… Nhưng không thể chứng minh được.

– Chính là vì không chứng minh được, – Endre nói, tay lau lau mắt kính. Tôi chưa bao giờ thấy bác ấy lúng túng như thế. – Trong tập giấy thừa kế, chúng tôi tìm thấy bằng chứng về việc Lajos đã làm giả những tấm ngân phiếu. Nếu hồi đó chúng tôi không thu xếp công việc… Eszter thân mến, thì ngôi nhà và khu vườn này đã không còn nữa. Bây giờ tôi có thể nói toạc móng heo. Không dễ dàng gì… Bấy nhiêu là đủ, lúc đó tôi đã trải qua những tình huống thật lòng với Lajos. Tôi còn nhớ như in cảnh tượng đó; những cảnh tượng thuộc loại như thế không thể quên được dù sau cả một cuộc đời dằng dặc. Tôi xin nhắc lại, Lajos là một con người đê tiện. Tôi là kẻ duy nhất trong số chúng ta không bị thủ đoạn của Lajos mê hoặc. Lajos biết điều này, anh ta biết rõ… Anh ta sợ tôi. Giờ đây, khi anh ta xâm nhập vào ngôi nhà này, theo nhiều dấu hiệu, anh ta tìm cách cướp đi tất cả những gì còn lại, phá tan cuộc sống bình yên của em và Nunu, phá tan cái hòn đảo nhỏ nghèo nàn này, nơi em và Nunu trú ngụ sau vụ đắm thuyền. Trách nhiệm của tôi là phải cảnh báo em. Đúng là bây giờ Lajos lừa đảo thận trọng hơn. Không bằng các tấm ngân phiếu. Có vẻ như anh ta đã bị dồn vào tình thế chó ở chân tường, không còn cách nào khác đành phải quay lại đây, với cớ là chia tay, nhưng lại tìm cách cướp đi tất cả những gì còn lại… Nếu em giao tặng ngôi nhà và khu vườn, sau này người ta không thể làm gì được anh ta về mặt pháp luật. Không ai làm gì được anh ta. Chỉ tôi… nếu em muốn.

– Bác có thể làm gì được anh ấy? – tôi ngạc nhiên hỏi.

Endre cúi đầu nhìn đôi giày cao cổ cài khuy của mình.

– Hừm, tôi… – bác bối rối, trông có vẻ rất ngượng nghịu. – Em cần phải biết, hồi đó tôi đã nhẹ dạ và đã cứu thoát Lajos. Tôi đã cứu anh ta khỏi ngồi tù. Bằng cách nào? Cũng không còn quan trọng nữa. Hồi đó, đã phải đền trả các tấm ngân phiếu để em và mọi người có thể ở lại trong ngôi nhà… Không phải tôi muốn cứu Lajos. Để cứu anh ta, chỉ cần thanh toán các tấm ngân phiếu là đủ. Rồi em và mọi người sẽ được sống bình an và yên ổn. Mà tôi đã thả Lajos chạy thoát. Nhưng những tấm ngân phiếu giả, tất cả những tang vật lừa đảo thì tôi đem cất đi và giữ kín. Đến nay, tất cả đã hết hiệu lực trước pháp luật. Nhưng Lajos biết, số phận anh ta ở trong tay tôi kể cả khi pháp luật đã để anh ta tuột khỏi móng vuốt của mình. Vậy nên Eszter thân mến, tôi đề nghị em hãy ủy nhiệm cho tôi được nói chuyện với Lajos, tôi phải trả lại anh ta cái… hừm, cái văn bản này… Và tống khứ tất cả những kẻ lạ ra khỏi nơi đây. Họ sẽ đi khỏi, nếu tôi muốn thế. Em hãy tin đi, – Endre bình tĩnh nói.

– Tôi tin, – tôi nói.

– Vậy thì… – Endre nói một cách quả quyết và bắt đầu cử động.

– Tôi tin, – tôi nói nhanh, với nhịp thở đứt quãng. Tôi cảm thấy Endre không thể hiểu được điều này, bác không thể cam chịu, không bao giờ bác hiểu được một cách thực sự. – Và tôi rất cảm ơn bác… Chỉ bây giờ tôi mới hiểu và tôi cũng không biết phải cảm ơn bác thế nào. Nhưng như vậy là tất cả những gì còn lại sau khi cha tôi mất, đều là nhờ ơn bác, bác Endre thân mến? Nếu không có bác hồi đó, hai mươi năm trước… thì ngôi nhà và khu vườn này đã không còn, không còn gì cả. Và mọi việc sẽ diễn ra khác hẳn, cả cuộc đời của tôi nữa… Tôi sẽ sống ở nơi khác, một nơi xa lạ… Có phải vậy không?

– Không hoàn toàn như thế, – bác bối rối nói. – Và không phải chỉ có tôi, một mình… Bây giờ tôi đã có thể nói. Hồi đó Tibor cấm tôi. Anh ấy cũng giúp đỡ. Như một người bạn của cụ Gabor, anh ấy thật tình và vui lòng giúp đỡ. Tất cả chúng tôi mắc nợ bấy nhiêu, – Endre nói nhỏ, nét mặc bác khổ sở và lúng túng.

– Ồ, Tibor… – tôi nói, và áy náy bật cười.

– Người ta cứ sống, – tôi nói nhanh, – mà không biết gì cả. Không biết rằng có một điều gì đó rất tồi tệ, và cũng không biết rằng cùng lúc, đã xảy ra một điều gì đó tốt đẹp. Không thể cảm ơn hết được điều tốt đẹp ấy. Nhưng điều khó khăn hơn…

– Là đuổi cổ Lajos khỏi đây?… Endre nghiêm chỉnh hỏi.

– Đuổi Lajos đi… – tôi máy móc nhắc lại. – Vâng, bây giờ sẽ khó khăn đây. Lát nữa anh ấy sẽ đi khỏi đây, cùng những đứa trẻ và những người xa lạ kia… Không lâu nữa họ sẽ khởi hành, họ muốn lên đường khi trời vẫn sáng. Lajos đi khỏi đây. Nhưng ngôi nhà và khu vườn… ừ, phải, tôi đã giao toàn bộ cho anh ấy. Tôi đã ký văn bản này… và tôi đề nghị bác, bác Endre ạ, hãy nói với Lajos là anh ấy phải có trách nhiệm chăm lo Nunu sau này. Anh ấy phải hữa. Không, lời hứa của anh ấy chẳng có giá trị, bác nói đúng… Phải bằng cách nào đấy viết ra cho chắc chắn về mặt luật pháp… trên giấy trắng mực đen, có công chứng đàng hoàng… Anh ấy phải dùng một khoản tiền từ số tiền bán nhà để mua cổ phiểu đứng tên Nunu. Nunu không cần nhiều đâu. Việc này có làm được không bác?…

– Được, – Endre nói. – Có thể làm được tất cả. Nhưng còn em, Eszter, em thì sao?

– Vâng, với tôi thì sao đây, – tôi nói, – Chính là về việc này. Lajos có đề nghị tôi hãy rời khỏi đây và đến sống gần anh ấy… Không phải là với anh ấy… Anh ấy cũng không nói chính xác là như thế nào. Nhưng việc này cũng không quan trọng, – tôi nói nhanh khi thấy Endre rầu rĩ nhìn tôi, bác giơ tay muốn ngăn lời tôi. – Tôi muốn giải thích cho bác và Tibor biết, bác Endre à, cả cho Laci nữa, mọi người đã thật tốt bụng với chúng tôi… Với Nunu thì tôi không cần giải thích, Nunu hiểu được… Bà là người duy nhất, mà có lẽ đầu tiên hiểu được là hai mươi năm trước, tất cả mọi việc đã cần phải làm chính xác như ngày hôm nay. Nunu có lẽ hiểu được. Tôi nghĩ, chỉ có phụ nữ mới thực sự hiểu điều này, những người phụ nữ không còn trẻ nữa và không chờ đợi điều gì từ cuộc sống… Như Nunu và tôi.

– Tôi không hiểu, – Endre thiểu não nói.

– Tôi cũng không muốn bác phải hiểu, – tôi nói, và tôi cầm lấy tay bác, hoặc chạm đầu ngón tay vào khuôn mặt râu ria già nua và âu lo của bác, một khuôn mặt đàn ông buồn rầu và thông minh, con người không bao giờ tìm cách sấn sổ đến gần tôi, nhưng lại giúp tôi có được một cuộc sống lương thiện, xứng đáng với nhân phẩm con người trong hai mươi mấy năm qua. – Bác là một người, bác Endre, một người đàn ông tuyệt vời và đích thực, lúc nào cũng cố gắng tuân thủ đúng những gì mà pháp luật, tập tục hay lí trí đã khôn ngoan chỉ rõ. Nhưng đàn bà chúng tôi không thể thông thái và rành rẽ ở mọi lúc như thế được… giờ đây tôi đã hiểu rằng đó không phải là công việc của chúng tôi. Nếu hai mươi năm trước, tôi là kẻ khôn ngoan và chân tình thực sự thì một đêm, tôi đã trốn khỏi ngôi nhà này cũng Lajos, chồng chưa cưới của chị tôi, kẻ đã làm giả ngân phiếu, gã đàn ông dối trá nổi tiếng, cặn bã của nhân loại, như Nunu, người thích dùng những từ ngữ mạnh mẽ hay gọi. Tôi lẽ ra phải làm điều này, nếu tôi dũng cảm, khôn ngoan, và chân tình, hai mươi năm trước… Điều gì đáng lẽ sẽ xảy ra? Tôi không biết. Có thể không có gì tươi sáng hay tốt lành đặc biệt. Nhưng lúc đó, ít ra tôi đã tuân theo một định luật hay điều răn mạnh mẽ hơn những định luật của đời và của lý trí… Giờ thì bác đã hiểu phải không? Vì tôi đã hiểu… Tôi đã hiểu, nên tôi giao ngôi nhà và khu vườn này cho Lajos và Eva, vì tôi nợ họ bấy nhiêu… Tôi nợ họ tất cả những gì còn lại của tôi… Rồi sau này, điều gì đó sẽ đến.

– Em sẽ đi khỏi đây? – Endre hỏi nhỏ.

– Tôi không biết, – tôi nói; và tự nhiên tôi mệt lả. – Tôi vẫn không biết, theo trình tự như thế, cái gì sẽ đến với tôi. Chỉ muốn rằng bác hãy đưa cái văn bản này cho Lajos… vâng, tôi đã ký… còn bác, bác Endre, bác hãy ghi vào cái văn bản này một điều khoản gì đó chắc chắn và đúng luật lệ về cái khoản tiền ít ỏi dành riêng cho Nunu, để nó đừng mất đi trong tay Lajos. Bác hứa chứ?

Nhưng Endre không trả lời câu hỏi của tôi. Bác cầm hợp đồng lên, bằng hai ngón tay, như cầm một đồ vật dơ bẩn và khả nghi.

– Hừm, vâng, – Endre nói nhỏ. – Điều này, đương nhiên tôi chưa biết. 

Tôi nắm tay bác, nhưng lập tức buông ra: 

– Xin bác thứ lỗi, – tôi nói, – nhưng không ai hỏi tôi về chuyện này, ròng rã hai mươi năm trời. Bác không hỏi, cả Tibor nữa… Và có lẽ, chính tôi cũng không biết một cách chắc chắn. Lajos nói đúng, bác Endre à, anh ấy nói rằng trên đời tồn tại một định luật vô hình nào đó, và con người ta rốt cuộc cũng phải kết thúc cái điều đã bắt đầu một khi nào đó… Bằng cách nào đó có thể…. Và giờ đây, chúng ta đang làm cái việc kết thúc đó, – tôi nói, rồi đứng dậy.

– Phải, – Endre nói , tờ văn bản cầm trên tay, đầu cúi xuống. – Có lẽ tôi nói cũng hơi thừa, rằng giả sử em có nghĩ lại… bây giờ hoặc trong tương lai… Chúng tôi luôn có ở đây, Tibor và tôi.

– Điều này có lẽ bác chẳng cần phải nói ra, – tôi nói; và mỉm cười với bác.

XX

Gần nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng những bước chân của Nunu; Nunu bước chậm rãi trên các bậc cầu thang gỗ ọp ẹp, khô mục, từng ba bậc một, Nunu dừng lại nghỉ và đằng hắng nhẹ một tiếng. Cũng như đêm qua, vào giờ này, Nunu dừng lại trên bậc cửa, với cây nến chập chờn trong tay. Vẫn trong bộ đồ màu đen trang trọng duy nhất mặc lúc ban ngày mà có lẽ Nunu không có thời gian để thay.

– Con chưa ngủ, – bà nói và ngồi xuống giường bên cạnh tôi; Nunu để cây giá nến lên bàn.

– Con có biết là họ mang đi cả những lọ mứt?

– Không, – tôi nói; rồi ngồi dậy trên giường, và bắt đầu bật cười.

– Chỉ những lọ mứt đào thôi, – Nunu lãnh đạm thông báo. – Cả hai mươi lọ. Eva, cháu nó xin. Cả những bông thược dược còn lại ngoài vườn nữa, họ cũng lấy đi. Chẳng sao. Giá còn thì đến giữa tuần chúng sẽ nở rộ.

– Ai lấy những bông thược dược? – tôi hỏi.

– Người đàn bà.

Nunu đằng hắng, bà khoanh tay ngồi thẳng, bình thản và tự chủ, như bà vẫn xử sự mọi lúc. Tôi cầm lấy bàn tay không lạnh, cũng không nóng của Nunu.

– Để kệ họ lấy đi, Nunu à, – tôi nói.

– Tất nhiên rồi, – Nunu cũng nói. – Họ cứ việc, con à. Nếu không thể khác được.

– Con không xuống được để cùng ăn tối, – tôi còn nói thêm, và siết tay Nunu nài nỉ. – Nunu đừng giận. Họ không ngạc nhiên à?

– Không. Họ chỉ không nói gì. Ta nghĩ họ không ngạc nhiên.

Chúng tôi nhìn lưỡi lửa nến chập chờn. Tôi cảm thấy lạnh.

– Nunu yêu quý, – tôi yêu cầu. – Nunu hãy đóng hộ con những cánh cửa sổ. Và ở kia, trên giá tủ có ba lá thư. Xin Nunu vui lòng mang lại đây cho con.

Nunu chậm rãi đi ngang phòng, thi thoảng bóng bà phình lớn trên tường. Nunu đóng những tấm cửa liếp, cầm mấy lá thư đến rồi đắp lại chăn cho tôi và ngồi xuống bên mép giường, hai tay khoanh vào nhau với vẻ trang nghiêm trong bộ quần áo ngày lễ, cứ như đang trong một lễ hội cuộc đời kì dị nào đó… một lễ hội khác thường, không phải đám cưới, cũng chẳng phải đám tang. Nunu cứ ngồi như thế và im lặng.

– Nunu hiểu? – tôi hỏi.

– Ta hiểu, ta hiểu, con ạ, – Nunu nói và ôm lấy tôi.

 Chúng tôi ngồi như vậy, và chờ cho ngọn nến cháy tàn, hoặc chờ những cơn gió lùa rít quanh ngôi nhà từ lúc nửa đêm rung giật cây cối trong vườn thôi đừng thổi nữa, hoặc chờ chóng đến bình minh; tự tôi cũng không biết chúng tôi chờ đợi điều gì. Tôi rùng mình.

– Con mệt đấy, – Nunu nói và đắp lại chăn.

– Vâng, – tôi nói. – Con cảm thấy rất mệt. Nunu biết không, tất cả thật là nhiều đối với con. Con muốn ngủ. Nunu quý mến, đọc cho con ba lá thư này đi.

Nunu lấy chiếc kính lão từ trong túi áo choàng, và chăm chú xem những bức thư.

– Lajos viết, – Nunu nói.

– Nunu nhận ra chữ viết của anh ấy à?

– Ừ, con mới nhận?

– Mới.

– Lajos viết khi nào?

– Hai mươi năm trước.

– Do lỗi của bưu điện hay sao mà đến bây giờ con mới nhận được?… – Nunu tò mò và giận dỗi hỏi.

– Không, không phải do lỗi của bưu điện, – và tôi mỉm cười.

– Thế do lỗi của ai?

– Của Vilma.

– Cô ta đã lấy trộm?…

– Vâng.

– Ra vậy, – Nunu nói và thở dài. – Người hãy yên nghỉ. Ta chưa bao giờ yêu quý cô ấy.

Nunu chỉnh lại gọng kính trên sống mũi, và nghiêng người về phía ngọn nến, và bắt đầu đọc một trong ba bức thư với giọng khẽ khàng như tiếng hát của cô nữ sinh:

– “Người yêu trăm quý ngàn thương duy nhất trên đời của anh, – Nunu đọc, – cuộc đời đang đùa vui một cách kì diệu với chúng ta. Anh không có niềm hy vọng nào khác ngoài việc đi tìm, và cuối cùng đã gặp em trong đời…”

Nunu ngừng đọc, lấy tay đẩy gọng kính lên trán, rồi với đôi mắt long lanh những giọt nước mắt xúc động vì thán phục thực sự, bà quay về phía tôi:

– Anh ấy biết viết những bức thư mới tuyệt diệu làm sao!

– Vâng, – tôi nói. – Nunu đọc tiếp đi. Anh ấy là người có khiếu viết thư mà.

Nhưng ngọn gió cuối tháng Chín, cho đến lúc này vẫn quỷ quyệt gầm rít quanh nhà, giờ đây như thể mang tin báo về từ một nơi nào đó, giật tung cánh cửa sổ khiến những tấm rèm bay phần phật, chạm vào và làm dịch chuyển các đồ vật quanh phòng. Rồi gió thổi ngọn nến tắt phụt. Cảnh đó in rõ trong tâm trí tôi, sau đó tôi mơ màng thấy Nunu khép những cánh cửa lại, rồi ngủ thiếp đi

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: