Di sản của Eszter (Chương 12,13,14)
Maira Sandor
XII
Riêng sự hiện diện của người đàn bà xa lạ khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Đó là một người trung niên và có vẻ đơn giản, khó có thể trở thành người tình của Lajos. Sau một khoảng thời gian, tôi mới biết cậu thanh niên mặc áo khoác da, người bước xuống đầu tiên từ chiếc xe ô tô màu đỏ, lúng búng vài lời giới thiệu lịch sự trong miệng, rồi sau đó không chuyện trò với bất kì ai cả – trong suốt thời gian ở đây, cậu ta chỉ chăm lo dỗ dành con chó có bộ mặt sư tử – là con trai của người đàn bà này. Trong hành vi của cậu ta có chút gì như muốn chống đối mọi sự thỏa hiệp. Mái tóc cậu ta vàng óng, loăn xoăn, gần như lấp lánh ánh bạc; khuôn mặt nhẵn nhụi, đôi lông mày nhàn nhạt gần như lẫn vào màu da sáng trắng; còn đôi mắt thì chớp liên tục. Một lúc sau cậu ta đeo chiếc kính dâm xanh thẫm lên và hoàn toàn biến mất sau hai mắt kính tối sầm này. Mãi đến tối tôi mới biết đó là vị hôn phu của Eva; và người đàn bà, vốn có dòng dõi quý tộc, trong lúc trò chuyện luôn đệm thứ tiếng Pháp sai trọng âm, đã nhiều năm đảm đương việc nội trợ cho Lajos. Trong mấy giờ gặp gỡ đầu tiên khá lộn xộn, tôi chưa biết hết được những điều này.
Người đàn bà, mà đám trẻ gọi là Olga, có vẻ không được tự nhiên cho lắm và hơi buồn phiền – sau khi làm quen, bà không cố vồn vã với chúng tôi mà im lặng ngồi bên bàn điểm tâm, xoay nghịch chiếc ô và nhìn vào đĩa của mình. Có lẽ đây là một người ưa phiêu lưu mạo hiểm, cảm giác ban đầu của tôi là thế. Nhưng sau đó, tôi phát hiện ra con người này đã quá mệt mỏi và rầu rĩ, không còn nhiều niềm tin nữa trong chuyến phiêu lưu của mình và sẵn sàng từ bỏ tất cả để trở về với những công việc nhẹ nhàng như thêu thùa, đan lát gì đó. Thỉnh thoảng bà nở nụ cười chua chát để lộ hàm răng thô và ố vàng. Cuối cùng, khi chúng tôi ngồi đối diện nhau, tôi không biết mình cần phải nói gì. Hai người nhìn nhau dò xét. Đầu tiên còn mỉm cười, nhưng sau đó chúng tôi soi mói nhau bằng ánh mắt lạnh lùng và ngờ vực kín đáo. Một đám mây thơm ngọt thoang thoảng quanh quần áo và mái tóc của bà.
– Eszter thân mến, – người đàn bà nói nhẹ nhàng.
Nhưng tôi đáp lại bà ta thật lớn tiếng:
– Thưa bà.
Rồi tôi bật cười về mình. Trước giờ ăn trưa, ngôi nhà bồng bềnh lay động trong ánh ngày hư ảo. Những cánh cửa liên tục mở ra đóng vào. Lajos lấy trong hộp ra một con rùa và cho nó biểu diễn. Con rùa nghe được nhạc, khi anh huýt sáo, nó duỗi cái cổ xấu xí và đều đặn đánh nhịp. Lajos nâng niu đem nó theo như một báu vật, một món phụ tùng làm bằng chứng hùng hồn cho tài thuần dưỡng động vật của anh. Trò diễn của con rùa hết sức thành công. Ai nấy hào hứng vây quanh nó, kể cả bác Endre với vẻ hiếu kỳ lộ rõ.
Sau đó, Lajos phân phát quà cho mọi người: đồng hồ đeo tay dành cho Laci, một cuốn thơ bìa da, có vẻ là sách hiếm xuất bản ở Pháp dành cho Nunu – cuốn sách được làm đẹp thêm bởi một dòng chữ đề kiểu cách, bất chấp Nunu không hiểu lấy một chữ tiếng Pháp bẻ đôi! – những điếu xì gà ngoại quốc đắt tiền cho Tibor và Endre, và một chiếc khăn quàng vai bằng lụa tím nặng trĩu dành cho tôi. Không khí hồi hộp bao trùm ngôi nhà và khi lên đến đỉnh điểm, nó sôi lên sùng sục. Trước hàng rào, đám người lạ và những kẻ tò mò tụ tập thì thào; vì vậy chúng tôi kéo nhau vào trong các phòng. Khắp nhà thơm lừng mùi thức ăn nóng sốt tràn ngập không khí hội hè, toát lên cái gì đó như dấu ấn của vĩnh cửu từ sự rộn ràng háo hức của khoảnh khắc, tiếng khăn trải bàn loạt soạt, tiếng cánh cửa mở ra đóng vào cót két, tiếng bát đĩa lách cách chạm nhau, tiếng trò chuyện rì rầm, tiếng cười giòn giã của khách khứa, cứ như thể cuộc sống lúc nào cũng chỉ là âm nhạc và niềm vui tưng bừng. Trong bầu không khí ấy, người đàn bà xa lạ ngồi xuống một góc phòng và cất giọng đều đều.
Bà kể đã làm quen với Lajos tám năm về trước, từ dạo bỏ chồng. Cậu con trai của bà là nhân viên công sở; bà không nói chính xác công sở gì và ở đâu. Trước đây, tôi chưa bao giờ tiếp cận gần hơn với những người như bà hoặc cậu con trai bà. Thỉnh thoảng, trên những tấm bưu ảnh tôi từng thấy những con người trẻ trung tân tiến ăn diện, hoặc khiêu vũ trong các khách sạn, hoặc lái máy bay, hoặc cưỡi môtô đi đâu đó với những cô gái trẻ kề bên, váy áo tung bay. Tôi vẫn biết, có tồn tại trên đời một thứ tuổi trẻ khác, loại tuổi trẻ đích thực. Còn gã trai này chỉ là hình ảnh biến dạng của những kỷ niệm còn đâu đó trong tôi, một kiểu người xa lạ và nhiễu sự mà tôi không hiểu rõ. Tôi chỉ biết là họ cách biệt với tôi. Khi đã vượt qua thời kỳ bối rối và ngây thơ, tôi biết tôi không bao giờ có con đường dẫn tôi đến gần họ, những kẻ phóng môtô và khiêu vũ trong các khách sạn đó, những kẻ sống vượt ra ngoài những thỏa hiệp với cuộc đời kiểu như tôi do cha mẹ tôi truyền lại. Con người cậu ta có vẻ gì đó không ăn nhập với đời thường, cứ như thể bước ra từ một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, hoặc chính xác hơn, như người hùng từ những cuốn trinh thám, – tôi nghĩ. Cậu ta ít nói; nhưng khi cần lên tiếng thì thường ngước lên trần nhà và nói năng lưu loát, thốt lên từng từ ngân nga như hát. Cậu ta cũng có cái vẻ rầu rĩ như bà mẹ, rầu rĩ và tẻ nhạt. Tôi chưa bao giờ biết người ta lại có thể trở nên xa lạ một cách khích động và xấc xược như thế. Cậu ta không hút thuốc, không uống rượu. Cổ tay trái cậu ta đeo một chiếc lắc vàng mỏng mảnh, đôi lúc, sau khi vung tay như thể định đánh ai, cậu ta lại chỉnh nó nằm lại đúng chỗ. Tôi được biết, cậu ta mới ngoài ba mươi, giữ chân thư ký ở đâu đó trong văn phòng một chính đảng; nhưng khi cậu ta gỡ cặp mắt kính xanh thẫm ra và lướt ánh mắt lơ đãng lên đồ đạc trong phòng và những ô cửa sổ, thì nom có vẻ còn già hơn cả Lajos.
– Tại sao mi lại quan tâm đến họ nhỉ! – tôi băn khoăn. Nhưng tôi cũng nhận thấy cậu đang dõi theo những người khác. Ngay cả cái tên nhạt nhẽo và thông thường của cậu ta cũng khiến tôi không thiện cảm: Béla. Đối với những tên gọi, trong tôi luôn dấy lên mạnh mẽ một gợi nhắc gì đó, đồng tình hoặc phản đối. Một ấn tượng ban đầu không có tính khách quan. Nhưng những cảm xúc ban đầu như vậy quyết định mối quan hệ của chúng ta, thiện cảm hay không thiện cảm với thế giới bên ngoài. Tôi không thể quan tâm nhiều hơn đến cậu ta vì bà mẹ đã bám riết tôi suốt thời gian trước bữa ăn trưa. Bà ta kể lể về cuộc đời của mình mà không chờ hỏi. Cái tiểu sử cuộc đời này là bản cáo trạng có một không hai, kể tội đàn ông lẫn đàn bà, cả tình nhân lẫn họ hàng, những ông chồng và lũ con, kêu gào đòi sức mạnh quyền năng của Chúa và loài người phải tái lập công bằng. Bản cáo trạng được bà thể hiện bằng giọng đều đều và những câu nói rõ ràng lưu loát, như một đứa trẻ trả bài đang tuôn ra những thứ đã thuộc nằm lòng. Mọi người đã lừa dối bà, rắp tâm phá hoại cuộc đời của bà và cuối cùng đều từ bỏ bà mà đi: đại khái là tôi hiểu được bấy nhiêu từ toàn bộ tràng độc thoại của bà ta. Thỉnh thoảng tôi thoáng rùng mình, như thể đang trò chuyện cùng một kẻ điên khùng. Sau đó và chuyển chủ đề sang Lajos mà không có một lời báo trước nào. Bằng giọng bộc bạch, mỉa mai. Tôi không chịu được cái giọng này. Tôi nhục nhã cảm thấy Lajos đang cùng đồng bọn đột nhập vào cuộc sống của tôi; và con người, rốt cuộc cũng có một đẳng cấp nào đó chứ. Tôi đứng dậy, tay cầm tấm khăn tím, món quà của Lajos:
– Chúng ta không quen biết nhau, – tôi bảo. – Có lẽ là không nên nói những chuyện này.
– Ồ, – người đàn bà dửng dưng và bình thản, – chúng ta sẽ có nhiều thời gian để nói về chuyện này. Rồi chúng ta sẽ quen biết nhau, Eszter thân mến ạ.
Bà ta châm thuốc hút, thở ra một làn khói dài và điềm nhiên nhìn tôi đăm đăm qua màn khói như một người đã sắp xếp đâu ra đấy, đã quyết định xong xuôi mọi chuyện, biết rõ điều mà tôi không biết mảy may và tôi không biết làm gì khác ngoài việc cứ thế mà tuân theo sự sắp đặt đó.
XIII
Tôi cần phải ghi lại đây ba cuộc nói chuyện. Buổi chiều hôm đó, tất cả những sự kiện đã xảy ra là: Eva, Lajos và “người của chính quyền” được mời đến, Endre, luân phiên nhau mở cửa bước vào phòng tôi. Sau bữa trưa, mọi người tản đi khắp nơi. Lajos đi nằm nghỉ với cái vẻ tự nhiên như một kẻ đang ở nhà mình, không muốn thay đổi những thói quen cố hữu. Gabor và đám khách lạ lên ôtô thăm di tích thành cổ, thành phố và nhà thờ; mãi đến lúc hoàng hôn mới quay về. Eva, ngay sau bữa trưa, vào phòng tôi. Chúng tôi đứng cạnh nhau trước cửa sổ, tôi ôm đầu Eva bằng cả hai tay và nhìn cô hồi lâu. Đôi mắt màu thanh thiên, trong suốt của Eva bình thản chịu đựng cái nhìn của tôi.
– Dì phải giúp con, dì Eszter ạ, – cuối cùng cô nói. – Chỉ có dì mới giúp được thôi.
Giọng cô ngọt ngào, hơi ngân nga, như một đứa bé lớp vỡ lòng. Eva đã cao ngang vai tôi. Tôi choàng tay ôm Eva, nhưng sau đó, cảm thấy cảnh tượng này quá sướt mướt, nên tôi mừng khi ngay lập tức Eva ý tứ gỡ hai cánh tay tôi ra, cô bước đến bên cạnh chiếc tủ có nhiều ngăn kéo, châm thuốc hút, ho nhẹ vài tiếng, rồi như người vừa thoát khỏi một tình huống không thể gọi là chân tình gì cho lắm, cô đưa mắt bâng quơ giữa những đồ vật và khung ảnh bày trên giá. Cái giá này là phần trên cùng của chiếc tủ nhiều ngăn, đối với tôi là một thứ linh thiêng, tựa như bàn thờ của người Trung Quốc, chỗ người ta kính cẩn tưởng nhớ tổ tiên. Theo một hàng dài, mọi người nhìn lại tôi, những người tôi yêu thương, và liên quan đến cuộc đời tôi. Tôi bước đến bên Eva và dõi theo tia mắt cô.
– Đây là mẹ, – cô nói nhỏ, rạng rỡ. – Mẹ đẹp quá. Có lẽ là ảnh chụp lúc mẹ trẻ hơn con bây giờ.
Trong bức ảnh, Vilma mười tám tuổi nhìn chúng tôi; nom chị bầu bĩnh trong bộ váy viền đăngten màu trắng theo mốt thời đó, chân đi đôi giày cao cổ màu đen, mái tóc buông dài, chải ép vào trán và uốn thành nhiều lọn loăn xoăn, tay ôm hoa và cầm một chiếc quạt. Tấm ảnh toát ra một vẻ nghiêm trang, gò bó và không tự nhiên. Chỉ có đôi mắt màu xám với ánh nhìn thắc mắc tiết lộ một Vilma hờn dỗi và đam mê sau này.
– Con còn nhớ mẹ không? – tôi hỏi, và cảm thấy giọng nói của mình ngập ngừng.
– Con không nhớ rõ lắm, – Eva trả lời, – một lần có ai đó bước vào căn phòng tối, cúi xuống với con, và từ người đó tỏa ra một hương thơm ấm áp quen thuộc. Tất cả ký ức chỉ có chừng đó. Hồi mẹ con mất, con mới ba tuổi.
– Ba tuổi rưỡi, – tôi bối rối nói.
– Vâng. Nhưng thật sự con chỉ nhớ mỗi dì. Dì luôn sửa cái gì đó trên người con: quần áo hay mái tóc của con, dì thường xuyên đi lại trong phòng, làm việc luôn tay luôn chân. Sau đó dì cũng biến mất. Tại sao dì lại bỏ đi, dì Eszter?
– Con nghe đây, – tôi nói, – Nghe đây, Eva, con chưa hiểu được.
– Chưa?… – Eva hỏi và cất tiếng cười chậm rãi, như cố tình kéo dài, điệu đàng, tô điểm cho những lời nói của cô vẻ cực kì quan trọng và tự tin. – Eszter, dì vẫn chơi trò đóng vai từ mẫu đấy à? Dì thân yêu của con, – cô nói, giọng hào hứng, tự nhiên và hơi có chút thương hại. Rồi bằng một động tác của người lớn, cô ôm hai vai tôi dìu tới cái trường kỷ và đặt tôi ngồi xuống.
Chúng tôi nhìn nhau, như hai người đàn bà hoặc đã biết quá rõ, hoặc còn đang đoán mơ hồ những điều thầm kín của nhau. Tự dưng tôi cảm thấy bồn chồn. Con gái của Vilma! – tôi nghĩ. – Con gái của Vilma và Lajos. Mặt tôi nóng ran, cảm giác ghen tị trỗi dậy trong lòng khiến tôi choáng váng và kinh hãi, với những âm thanh gào thét. Tôi không muốn dập tắt chúng. Nó cũng như con mình! – cái âm thanh đó kêu lên. – Nó cũng như con mình, như ý nghĩa của cuộc đời mình. Vì sao nó trở về? – Tôi cúi đầu, rồi lúng túng ấp mặt vào hai bàn tay. Cảm giác trong khoảnh khắc ấy khiến tôi không xấu hổ bởi cử chỉ này. Tôi biết, tôi đang để lộ nỗi đau sâu kín của mình cho một kẻ đang nhìn tôi, quan sát nỗi hổ thẹn và day dứt của tôi một cách không thương xót. Và cái cô thiếu nữ này, như là đứa con gái tôi, đã không cởi trói cho tôi, không cứu thoát tôi khỏi cái tình thế tội nghiệp này. Sau giây lát mà tôi tưởng như kéo dài vô tận, tôi lại nghe thấy giọng nói già dặn, khác lạ, tự tin và vô cảm của Eva vang lên.
– Dì Eszter, lẽ ra dì không nên bỏ đi. Chắc hẳn sống với cha con không hề dễ dàng. Nhưng dì phải biết một điều là chỉ có dì mới giúp được cha con. Rồi còn chúng con, Gabor và con nữa chứ. Dì đã thản nhiên phó mặc chúng con cho số phận. Tại sao dì lại làm vậy?
Và khi tôi im lặng, cô bình thản nói:
– Dì làm vậy để trả thù. Tại sao dì nhìn con như thế? Dì độc ác và hành động vì thù hận. Dì là người đàn bà duy nhất có quyền lực với cha con. Dì là người duy nhất cha con yêu thương. Không, dì Eszter ạ, điều này con cũng biết, và biết rõ ít nhất là như dì và cha con. Cái gì đã xảy ra giữa hai người? Con đã suy nghĩ nhiều về điều này. Con có nhiều thời gian để suy nghĩ suốt một thời trẻ thơ đằng đẵng. Cái thời thơ trẻ ấy, dì có thể tin nó chẳng có gì đặc biệt tươi sáng. Dì có biết các chi tiết không? Con sẵn sàng kể ra cho dì. Con đến đây là để kể cho dì. Và cuối cùng thì con xin dì hãy giúp đỡ. Con nghĩ dì mắc nợ chúng con bấy nhiêu.
– Bằng tất cả, – tôi nói, – dì sẽ giúp các con bằng tất cả những gì dì có.
Tôi ngồi thẳng người. Thời khắc nặng nề đã trôi qua.
– Con nghe đây, Eva, – tôi nói, giọng bình tĩnh trở lại, – Cha con là một người đặc biệt, là một người tài ba. Nhưng tất cả những gì hiện giờ chúng ta đang nói tới có thể đã phai mờ trong trí nhớ của cha con. Con cần phải biết rằng cha con rất chóng quên. Con cũng đừng nghĩ là dì đổ tội cho cha con. Cha con không có tội. Cha con vốn dĩ đã là như thế…
– Con biết, – Eva nói. – Cha con không quan tâm đến thực tại. Ông là thi sĩ.
– Đúng vậy, – tôi đáp lời, và cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong lòng. – Có thể cha con là thi sĩ. Hiện thực bị xóa nhòa trong tâm trí của cha con. Vì vậy không nên tin vào những gì cha con nói… cha con nhớ sai. Giai đoạn mà con nói đến là quãng thời gian nặng nề nhất, đầy rắc rối và nhiều đau đớn mà đôi khi gần như không thể chịu đựng được trong cuộc đời của dì. Con nói trả thù! Nghĩa là thế nào? Ai bảo con vậy? Con không hiểu gì cả. Tất cả những gì cha con có thể nói được về cái thời ấy chỉ là sự ngụy biện, một sự ngụy biện mập mờ. Còn dì thì nhớ tất cả những gì có thực. Thực tế hoàn toàn khác. Dì chẳng nợ nần gì ai cả.
– Nhưng con có đọc các bức thư, – Eva nói thẳng, không úp mở nữa.
Tôi nín lặng. Chúng tôi nhìn nhau.
– Thư nào? – tôi kinh ngạc.
– Dì Eszter, các lá thư, – cô nói, giọng sôi nổi hẳn lên. – Các lá thư của cha con, cả thảy ba lá mà cha con gửi cho dì dạo đó. Dì biết đấy, hồi cha con thường xuyên lui tới căn nhà này, khi cha con để ý dì, van xin dì bỏ lại tất cả để cùng nhau trốn đi, bởi vì cha con không thể chịu đựng được, không chịu đựng nổi bản thân và tính cách con người ông ngoại, cha cũng không chịu nổi Vilma, người mạnh mẽ hơn ông và là người thù ghét dì, dì Eszter ạ… bởi vì mẹ con căm thù dì… Tại sao? Bởi vì dì trẻ trung hơn? Hay xinh đẹp hơn, chân chính hơn? Chỉ có dì mới trả lời được mà thôi.
– Con nói gì, Eva? – tôi gần như hét lên. Tôi giật giật cánh tay Eva, – Những bức thư nào? Con mộng mị gì thế?
Eva gỡ tay tôi ra, rồi đưa bàn tay thiếu nữ mềm mại lên miết vầng trán, mắt mở to nhìn tôi:
– Tại sao dì lại chối cãi? – Eva hỏi, giọng rắn rỏi và lạnh tanh.
– Dì không bao giờ phải chối cãi điều gì cả. – tôi trả lời.
Eva nhún vai.
– Con đã đọc, – cô nói và khoanh tay lại, như một người thẩm tra. – Các bức thư luôn nằm trong tủ áo của mẹ con, nơi dì đã cất giấu chúng… dì biết mà, trong cái hộp gỗ hoa hồng… con đã tìm thấy chúng cách đây ba năm.
Tôi cảm thấy mặt mình tái dần, máu rần rật chảy xuống từ trong óc.
– Con nói đi, – tôi yêu cầu. – Con muốn nghĩ gì thì tùy, cứ việc nghĩ rằng dì là người dối trá. Nhưng nói cho dì biết về những lá thư đi.
– Con thật không hiểu, – Eva ngạc nhiên, giọng linh hoạt hẳn lên. – Con đang nói về ba lá thư mà cha con viết cho dì trong thời gian cha mẹ con đính hôn với nhau, cha con van lạy dì hãy giải thoát cho ông khỏi cái cảnh tù tội tình cảm này, bởi vì cha con chỉ yêu thương mỗi mình dì. Bức thư cuối cùng viết vào đêm trước hôm cưới. Con đã đối chiếu những thời điểm với nhau. Đây là bức thư trong đó cha con viết rằng ông không thể nói trực tiếp với dì, vì ông quá yếu đuối và tự xấu hổ trước mẹ con. Con nghĩ cha con chưa bao giờ viết một lá thư chân thành như thế. Cha con viết, ông cảm thấy bị tổn thương và giày vò, chỉ còn tin cậy vào mỗi dì, chỉ có dì là người khiến ông lấy lại được lòng tự trọng và sự bình tâm. Ông muốn hai người cùng nhau trốn đi, dì đừng quan tâm đến điều gì hết, mà hãy cùng nhau trốn ra nước ngoài, ông hoàn toàn phó thác số phận của mình cho sự định đoạt của dì. Một lá thư vô cùng hoang mang. Dì Eszter, không lý nào dì không còn nhớ gì cả. Có phải vậy không, dì Eszter? Hay vì một lý do nào đó mà dì không muốn nói chuyện với con về những bức thư… như thể là dì đau khổ vì mẹ con, hoặc xấu hổ trước con. Con hiểu ra tất cả khi đọc những bức thư đó, vài năm gần đây con đã nhìn cha con với con mắt hoàn toàn khác. Cũng đã là đủ, khi một người nào đó, một lần trong cuộc đời mình muốn trở nên mạnh mẽ và tử tế. Cha con không có lỗi khi không thực hiện được điều này. Tại sao dì không trả lời?
– Dì phải trả lời cha con điều gì chứ? – tôi hỏi lại bằng cái giọng lãnh đạm và thản nhiên như không, như một kẻ đang tự thú nhận sự dối trá của mình và như thể sự thực là tôi có biết về những lá thư.
– Trả lời?… Lạy Chúa. Trong bất cứ trường hợp nào lẽ ra nên trả lời. Nên trả lời những bức thư như thế. Con người ta chỉ nhận được một lần duy nhất những bức thư như thế trong đời. Cha con viết, ông sẽ đợi thư trả lời của dì tới sáng. Khi dì không trả lời, cha con nghĩ dì không đủ sức mạnh để hành động… và cha con không thể làm gì khác, ông phải ở lại đây và cưới mẹ con làm vợ. Cha con đã không thể nói tất cả những điều này với dì. Cha con sợ dì không tin vì ông đã nói dối quá nhiều. Con không thể biết hết những gì đã xảy ra giữa cha con và dì… con cũng không có quyền hỏi. Nhưng dì đã không trả lời các bức thư, và mọi việc hỏng mất một cách tồi tệ, dì Eszter, dì đừng giận… giờ đây, khi mọi việc đã đến hồi kết của nó, con nghĩ dì cũng là một trong những kẻ đã làm mọi việc phải xảy ra như thế.
– Cha con viết những bức thư này khi nào?
– Vào tuần trước hôn lễ.
– Gửi đi đâu?
– Đi đâu? Đến đây, cha con gửi về nhà, cho dì. Dì sống ở đây, với mẹ.
– Con tìm thấy những bức thư trong cái hộp gỗ hoa hồng?
– Vâng. Trong một cái hộp. Trong tủ áo của mẹ.
– Ai có chìa khóa tủ nữa?
– Chỉ có dì và cha thôi.
Tôi có thể trả lời gì đây? Tôi buông cánh tay Eva, đứng dậy và bước đến trước cái tủ nhiều ngăn kéo, tôi nâng tấm ảnh của Vilma lên cao và nhìn hồi lâu. Đã lâu rồi tôi mới lại cầm trong tay tấm ảnh này. Tôi ngắm đôi mắt và vầng trán thân quen của chị, nhưng chúng xa lạ một cách đáng sợ, và tôi chợt hiểu ra tất cả.
XIV
Chị Vilma căm thù tôi. Eva nói đúng: giữa hai chúng tôi leo lét một nỗi căm ghét mông muội, thứ cảm xúc không tên và tăm tối, mà ý nghĩa của nó đã mất đi cùng năm tháng. Không thể nói rõ ràng như trong một bản cáo trạng, vì sao lại có sự thù ghét này – và tôi cũng không tìm lý do để chấm dứt cảm xúc ấy! – không thể nói chính xác chị đã làm gì xúc phạm đến tôi còn tôi đã đáp trả như thế nào, nhưng chúng tôi cứ hành hạ nhau như thế. Chị luôn mạnh mẽ hơn, ngay cả trong sự thù địch. Nếu được hỏi, tại sao thù ghét tôi quá mức như vậy, chị sẽ nghiến răng kể ra vô số tội lỗi và giảng giải không biết bao nhiêu lý do; nhưng tất cả đều không lý giải nổi. Chúng tôi chẳng cần biết đến lý do. Chỉ tồn tại nỗi căm tức, nóng bỏng và đậm đặc, trào dâng ngập ngụa và lấn át mọi tình cảm con người, khi Vilma từ giã cõi đời, những cảm xúc mãnh liệt đó cũng không mất đi.
Tôi đưa tấm ảnh lên gần đôi mắt cận thị và nhìn chăm chú. Người chết vẫn đầy sức mạnh! – tôi bất lực nghĩ. Trong khoảnh khắc, Vilma như hồi sinh và bằng những cung cách chỉ thuộc về kẻ chết, can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi một cách bí ẩn. Người chết, tuy đã bị vùi sâu dưới lòng đất, giữa xiềng xích hóa học của sự phân hủy, một ngày nào đó lại hiện lên và hành động. Phải chăng đây là ngày của Vilma, ngày hôm nay! – tôi nghĩ. Trong óc tôi hiện lên hình ảnh buổi chiều hôm Vilma hấp hối, khi chỉ trong vài giây phút, chị nhận ra được cảnh tượng xung quanh, khi đó tôi đang khóc trước giường chị, chờ đợi một lời của chị, một lời tha thứ, lời vĩnh biệt và hòa giải, rồi đột nhiên tôi hiểu, thậm chí bên ngưỡng cửa cái chết tôi cũng không tha thứ cho chị, và trong cơn mê chết chóc, chị cũng không rũ bỏ mọi tội lỗi cho tôi. Tôi ôm mặt khóc. Còn chị nói: “Em sẽ còn nghĩ đến chị!” Chị nói, đã mê sảng mất rồi. Chị tha thứ cho tôi! – tôi nghĩ trong niềm hy vọng. Nhưng sâu xa trong lòng, tôi lại nghe thấy mình thốt lên: “Chị đã đe dọa tôi.” Rồi chị ra đi. Sau tang lễ, tôi ở lại trong ngôi nhà này nhiều tháng trời. Không thể để những đứa trẻ bơ vơ, Lajos đã ra nước ngoài và lưu lại một thời gian dài. Tôi sống trong ngôi nhà trống rỗng và chờ đợi một điều gì đó.
Nhưng chiếc tủ của Vilma, nơi Eva sau này tìm thấy những lá thư, tôi không bao giờ mở ra. Giả sử có ai hỏi, tại sao, có lẽ tôi sẽ trả lời mình không có quyền lục lọi bí mật của người đã khuất. Trên thực tế, tôi nhát gan, tôi sợ những gì có trong chiếc tủ này, sợ những kỷ niệm của Vilma. Bởi vì lúc đó, bằng sự ra đi của mình và đơn phương chấm dứt cuộc đối thoại tay đôi như thế, cuộc tranh cãi đam mê và dường như vĩnh cửu của hai chúng tôi, Vilma tựa hồ trong chốc lát đã khóa vào vòng ngăn cấm đặc biệt tất cả những kỷ niệm chung, những mục đích và tình cảm chung, đã có trong cuộc đời của chúng tôi. Sau khi chôn cất Vilma, Lajos ra nước ngoài và tôi tiếp tục sống cùng với những đứa trẻ tại ngôi nhà này, nơi tất cả mọi thứ không là của tôi, nhưng về phương diện nào đó lại là những thứ tôi bị lấy mất, nơi mọi đồ dùng như thể đã bị con dấu của một viên thừa sai bí ẩn đóng lên – thời gian đó, chúng tôi mới chỉ nhận thức được sự hiện diện như vậy của viên thừa sai bí ẩn, còn muộn hơn sau đó, một gã thừa sai thực thụ, con người của ngày thường và có thật mới xộc vào nhà chúng tôi với những tờ hóa đơn vay nợ của Lajos! – nơi tôi sống nhưng không dám đụng vào bất cứ thứ gì, một cách thực sự theo nghĩa đồ sở hữu, và là nơi tôi nuôi nấng những đứa trẻ như người mẹ nuôi một cách thiếu tự tin. Mọi thứ trong căn nhà như mang một vẻ thù địch, trong vòng cấm đoán, và trên tất cả là một cái gì đó bí ẩn, đối kháng, cái xác định ý nghĩa sâu xa hơn ý nghĩa “của anh–của tôi” trên trần gian này. Nơi đây vĩnh viễn không còn gì là của tôi. Vilma đã lấy đi, đã phá hủy và ngăn cấm tất cả những gì tôi mong muốn, khát khao. Những người đã chết chế ngự chúng tôi bằng quyền lực cùng sự độc đoán của họ. Tôi chịu đựng điều này một thời gian. Tôi chờ đợi Lajos, chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra.
Lajos hiếm khi viết về những chuyến đi ngoại quốc của mình, cùng lắm anh chỉ gửi bưu ảnh. Lúc đó anh lại đóng kịch; đối với anh đây là những “khoảnh khắc lớn lao”, khoảnh khắc định mệnh cần phải diễn trong trang phục hóa trang tuyệt diệu và bằng những động tác vĩ đại. Trang phục hóa trang là đám tang chị tôi, còn động tác vĩ đại là chuyến đi ngoại quốc. Anh lên đường như một kẻ không chịu nổi đau thương, đang chạy trốn khỏi những kỷ niệm.
Trên thực tế, tôi cho rằng, anh đã sống ung dung ở những thành phố ngoại quốc. Anh chăm chút cho những mối quan hệ kinh doanh, anh “chôn mình vào công việc” như anh nói, còn những lúc khác, thỉnh thoảng anh đi tham quan viện bảo tàng hay đến thư viện, nhưng phần lớn thời gian anh ngồi ngâm nga trong những quán cà phê và chăm sóc những mối quan hệ dễ chịu. Lajos là một tâm hồn linh động, tôi nghĩ như vậy. Nhưng trong những tháng ngày chờ đợi anh, tôi đã hiểu ra rằng không thể chung sống cùng anh, trong bản chất con người và trong những việc làm của anh thiếu thứ chất kết dính để xây dựng nên những mối quan hệ con người. Những giọt nước mắt của anh là thật, nhưng chúng không làm tan đi những gì gọi là kỷ niệm hay nỗi đau trong anh; Lajos luôn vui hoặc buồn bằng tất cả nhưng cảm xúc chuẩn bị sẵn, nhưng thực ra anh không cảm thấy gì. Trong tất cả những điều này, có một cái gì đó tàn bạo. Bốn tháng sau Lajos quay về, nhưng tôi không đợi anh; tôi trở về quê nhà bốn ngày trước hôm anh về, và gửi bọn trẻ cho một người phụ nữ tin cẩn. Tôi viết một lá thư cho Lajos, nói rằng mình không muốn đóng vai trò một bà mẹ nuôi gượng ép, không muốn biết những việc làm của anh, không muốn nhìn thấy anh. Anh không trả lời những lá thư này của tôi. Những tuần đầu tiên, không, cả cái năm đầu tiên đó tôi đã ngóng chờ thư anh; muộn hơn, tôi hiểu ra cái thế giới mà cả hai chúng tôi sống trong đó đã tan thành từng mảnh. Rồi tôi không chờ đợi nữa.
Khi Eva nói về những lá thư bí ẩn bằng giọng nóng nảy và trách móc, tôi chợt nhớ tới chiếc hộp gỗ hoa hồng. Chiếc hộp này, thực ra là của tôi; Lajos tặng tôi nhân ngày sinh nhật thứ mười sáu, nhưng Vilma đã xin tôi. Quả thật tôi không muốn. Thời gian đó, tôi chưa hiểu tính cách con người Lajos, chưa có cảm xúc về anh. Vilma thì nài nỉ mãi, cuối cùng, tuy do dự đôi chút nhưng không có gì khó khăn đặc biệt, tôi đã cho chị; có thể vì tôi chán những lời nài nỉ của chị. Vilma luôn luôn xin tất cả những đồ vật mà tôi đã mó tay vào: những bộ quần áo, những quyển sách, quyển vở ghi nhạc, tất cả những gì mà chị thấy là quý hóa hay quan trọng đối với tôi. Chị xin chiếc hộp gỗ hoa hồng này cũng như vậy. Tôi từ chối một thời gian, nhưng sau đó tôi mệt mỏi và đã cho chị; tôi phải cho chị, một cách đơn giản, vì chị mạnh hơn tôi. Sau này, khi tôi hình dung điều gì đó về Lajos và bản thân mình, về những mối quan hệ thực sự của hai chúng tôi, tôi hoang mang đòi lại chiếc hộp; nhưng Vilma nói dối là đã đánh mất ở đâu đó. Chiếc hộp gỗ nhỏ nhắn lót lụa đỏ luôn tỏa hương thơm ngát này là quà tặng duy nhất trong đời tôi nhận từ Lajos. Còn chiếc nhẫn, tôi không bao giờ cho đó là quà tặng đích thực. Chiếc hộp đã biến mất khỏi cuộc đời tôi. Giờ đây nó lại xuất hiện sau bao nhiêu thập kỷ, trong câu chuyện của Eva, với ý nghĩa lạ thường, đựng ba lá thư của Lajos mà trong đó anh van nài tôi hãy cùng anh trốn đi, bỏ lại đám cưới và tôi hãy cứu lấy anh. Tôi đặt lại tấm ảnh vào chỗ cũ:
– Các con muốn gì? – tôi hỏi và dựa mình vào tủ.