Anna Karenina (Quyển 1- Chương 1-5)

Anna Karenina

Leo Tostoy

Quyển 1: Chương 1

Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau,
nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng.

Trong gia đình Oblonxki, mọi việc đều rối bét. Bà vợ khám phá ra việc chồng tằng tịu với cô nữ gia sư người Pháp dạy trẻ trước đây và nói thẳng với chồng là mình không thể sống chung với ông nữa. Sự tình kéo dài từ hai hôm nay khiến cho cả vợ chồng, con cái và kẻ ăn người làm trong nhà đều cảm thấy khổ tâm. Tất cả đều thấy hai người chẳng còn lý do gì để ăn ở cùng nhau nữa và mối dây ràng buộc họ bây giờ còn lỏng lẻo hơn cả cái quan hệ giữa những người tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Bà vợ không buồn bước ra khỏi phòng; ông chồng vắng nhà đã hai hôm; con cái tha thẩn khắp nhà như bị bỏ rơi; chị vú nuôi người Anh cãi nhau với bà quản gia, đã viết thư nhờ một cô bạn thân tìm cho chỗ làm khác; anh đầu bếp ra đi vào bữa ăn tối qua; cô phụ bếp và anh xà ích thì đòi tính tiền công xá.

Ba hôm sau cuộc cãi lộn, công tước Xtepan Arcaditr Oblonxki tức Xtiva 5 – như người ta thường gọi trong giới thượng lưu – thức giấc vào giờ thường lệ, nghĩa là tám giờ sáng, không phải trong phòng ngủ của vợ, mà trên chiếc đi văng bọc da ở phòng làm việc của mình. Ông trở nghiêng cái thân hình nặng nề và phì nộn trên lò xo đi văng như muốn ngủ lại, vòng hai tay ôm lấy gối và áp má vào; rồi bỗng nhiên ông nhỏm lên, ngồi dậy và mở choàng mắt.

“ừ… ừ… thế nào nhỉ? Ông ta nghĩ ngợi, cố nhớ lại giấc mơ vừa qua.

Thế nào nhỉ? à, Alabin thết tiệc ở Darmoxtat; không, không phải Darmoxtat 6 mà là cái quái gì My Mỹ kia. Đúng rồi: Darmoxtat ở Mỹ.

Alabin thết tiệc trên bàn thuỷ tinh và… những bàn đó hát bài Kho vàng của tôi 7 và một khúc ca khác du dương hơn. Có cả những bình pha lê nhỏ mà lại là đàn bà”.

Cặp mắt Xtepan Arcaditr bỗng ánh lên vui thích, và ông say sưa mơ mộng, môi nở một nụ cười. “ồ, khoái thật, khoái ghê. Trong giấc mơ ấy, còn ối chuyện tuyệt thú, mà chẳng thể diễn đạt bằng lời cũng như bằng ý; và khi đã thức dậy là không còn biết xác định nó ra sao nữa”. Rồi, bỗng thấy tia sáng chiếu xiên qua từ sau tấm màn cửa bằng dạ, ông vội đặt chân xuống đất, quờ tìm đôi dép da cừu thêu kim tuyến, món quà vợ mừng nhân dịp sinh nhật ông năm ngoái; sau đó, theo cái thói quen từ chín năm nay, ông cứ nằm nguyên, với tay về phía vẫn treo chiếc áo ngủ. Lúc dó ông mới sực nhớ ra tại sao và thế nào mà mình lại không nằm trong phòng vợ; nụ cười vụt biến khỏi môi và ông cau mày.

Ông nhớ lại mọi việc đã xảy ra, miệng lẩm bẩm: “à! Chậc! Chậc!…” Và trong trí tưởng tượng của ông, lại diễn ra tất cả các chi tiết xung đột với vợ, cái thế bí không lối thoát và lỗi lầm của chính ông, nó giày vò dữ dội hơn mọi điều khác.

Ông nghĩ bụng: “Không, Doli sẽ chẳng tha thứ cho mình đâu, Doli không thể tha thứ cho mình được. Và điều ghê gớm hơn hết là chính mình gây ra tất cả; tất cả đều do mình, vậy mà thực không phải lỗi tại mình. Tất cả tấn bi kịch là ở đó”. Ông vừa than vãn tuyệt vọng “ối chao”, vừa nhớ lại những chi tiết khổ tâm nhất về cuộc cãi lộn.

Chính cái phút đầu tiên là phút khó chịu nhất: vừa đi xem hát về, dáng vui vẻ và hể hả, tay cầm một trái lê to làm quà cho vợ, ông không thấy vợ ở phòng khách; ông ngạc nhiên vì sang phòng làm việc cũng không thấy; sau cùng, ông gặp vợ ở phòng ngủ, tay cầm lá thư đốn mạt đã làm vỡ lở hết mọi chuyện.

Cô nàng Doli 7 suốt đời ưu tư và bận rộn, mà ông vẫn cho chẳng có gì là sắc sảo, lúc đó đang ngồi yên không nhúc nhích với lá thư trong tay và nhìn ông vừa kinh tởm, tuyệt vọng, vừa giận dữ.

– Cái này là cái gì? Cái gì? – bà chìa mảnh giấy hỏi chồng.

Điều làm Xtepan Arcaditr khổ tâm hơn cả mỗi khi nhớ lại cảnh đó – mà ông cứ nhớ lại luôn mới tệ chứ – không phải bản thân câu chuyện mà chính là cái cung cách ông trả lời vợ. Lúc đó ông lâm vào cái tình thế vẫn thường xảy đến với những người bỗng dưng vướng vào một chuyện xấu xa. Ông không biết đường sửa soạn một bộ mặt hợp với hoàn cảnh sau khi tội lỗi đã bị lộ. Đáng lẽ phải làm ra bộ tức giận, chối phắt, hay thanh minh, xin lỗi, cùng nữa là cứ dửng dưng (cách nào cũng vẫn tốt hơn) thì ông lại tươi cười, thản nhiên dễ dãi và lúc ấy vẻ mặt ông thật ngây ngô. Sắc diện đó là vô tình, hoàn toàn vô tình thôi (Xtepan Arcaditr vốn thích sinh lý học nên cho đó là “phản xạ não”).

Ông không thể tha thứ cho mình về cái cười đần độn ấy. Vừa thoáng thấy nụ cười đó, Doli giật bắn người như bị một cơn đau giày vò thể xác. Không nén nổi cơn giận, bà tuôn ra những lời gay gắt và bỏ chạy khỏi phòng. Từ đó, bà nhất định không nhìn mặt chồng nữa.

“Chính cái cười ngây ngô là nguyên nhân của mọi chuyện – Xtepan Arcaditr nghĩ bụng – Nhưng biết làm thế nào? Làm thế nào đây?”, ông nhắc đi nhắc lại một cách tuyệt vọng. Và vẫn không tìm ra câu trả lời.

Chương 2

Xtepan Arcaditr vốn thật thà với mình. Ông không thể dối lòng đến mức tin rằng ông đã hối hận về hành động của mình. Một người đàn ông băm tư tuổi, bảnh bao, đầy dục tình như ông, không thể hối hận vì đã thôi không yêu vợ, một bà mẹ bảy con nuôi được năm và chỉ kém mình có một tuổi. Ông chỉ tiếc đã không biết giấu vợ cho khéo hơn. Nhưng ông cũng nhìn rõ tất cả tầm nghiêm trọng của tình hình. Ông thương Doli, thương các con và thương cả bản thân mình nữa. Nếu đoán trước được tin đó sẽ làm vợ xúc động đến thế, có lẽ ông đã biết che đậy sự phụ bạc khéo hơn. Tuy không bao giờ suy nghĩ cụ thể về chuyện đó, ông vẫn láng máng thấy rằng bà vợ đã đoán biết ông bạc tình từ lâu, nhưng đành nhắm mắt làm ngơ đấy thôi. Thậm chí ông còn cho rằng cái người đàn bà tàn tạ, luống tuổi, hết thời xuân sắc ấy, người đàn bà chẳng có đức tính gì nổi bật và chỉ còn là bà mẹ tốt trong gia đình, đáng lý phải biết ăn ở cho rộng lượng hơn thì mới hợp lẽ công bằng. Thế mà sự việc lại xảy ra khác hẳn.

“Ôi phiền quá! Phiền quá! Xtepan Arcaditr cứ nhắc đi nhắc lại mãi mà vẫn chẳng tìm ra giải pháp. Trước đây mọi việc đều êm thấm, hai vợ chồng sống cuộc đời tươi đẹp biết bao! Doli hài lòng, sung sướng với lũ trẻ, mình không hề làm phiền Doli chút nào, mình để Doli tuỳ ý trông nom nhà cửa. Kể cũng đáng tiếc là cô ta trước kia lại là cô giáo dạy con mình, kể cũng hèn hạ tầm thường. Nhưng sao lại có cô gia sư đẹp đến thế kia chứ! (Ông nhớ lại rõ ràng cặp mắt đen láy, tinh quái và nụ cười của cô Rolland 1. Tuy nhiên, cả thời gian cô ta ở nhà mình, mình có dám giở trò gì đâu. ác nhất là cô ta lại… Thật cứ như cố tình ấy! Chao! Nhưng biết làm thế nào? Làm thế nào đây?” Chẳng có giải đáp nào khác, ngoài câu trả lời chung cho mọi vấn đề phức tạp và nan giải: đành lần lữa cho qua ngày, đành quên đi thôi. Không thể tìm được quên lãng trong giấc ngủ, và nếu có thì cũng phải đến đêm; cũng không thể quay lại với điệu nhạc, lời ca của những phụ – nữ – bình – pha – lê được nữa; âu là cứ ru mình vào giấc mộng đời cho khuây khoả.

“Rồi sau sẽ hay”, Xtepan Arcaditr nghĩ bụng. Ông đứng dậy, xỏ tay vào chiếc áo ngủ màu xám lót lụa xanh nhạt, thắt dây lưng, và hít một hơi dài căng lồng ngực vạm vỡ, rồi lại gần cửa sổ, đôi chân chữ bát bước đi thoăn thoắt, nhẹ nhàng, trái hẳn với tấm thân phì nộn, kéo rèm cửa lên và lắc chuông rầm rĩ. Người hầu phòng Matvei, một lão bộc thân tín, lập tức bước vào, tay cầm quần áo, đôi ủng và một bức điện tín. Theo sau là anh thợ cạo với túi đồ.

– Có giấy tờ gì của toà án không? – Xtepan Arcaditr hỏi, cầm lấy bức điện và ngồi xuống trước gương.

– ở trên bàn ấy ạ, – Matvei trả lời, liếc nhìn chủ bằng cặp mắt dò hỏi và đầy vẻ thông cảm; – đợi một lát, – bác nói tiếp, mỉm cười ranh mãnh.

– Lão chủ hiệu xe thuê vừa cho người tới đấy ạ.

Xtepan Arcaditr không trả lời và chỉ đưa mắt nhìn Matvei trong gương, cái nhìn họ trao đổi chứng tỏ họ hiểu nhau biết chừng nào.

Xtepan như muốn hỏi: “Tại sao bác lại nói với tôi điều đó? Bác thừa hiểu sự tình ra sao rồi còn gì?”.

Matvei thọc tay vào túi áo dài chẽn, dạng chân ra, và chẳng nói chẳng rằng đưa ánh mắt thân ái nhìn chủ, trên môi thoáng một nụ cười. Bác nói:

– Tôi đã bảo họ chủ nhật hãy tới và từ nay đến hôm đó, đừng làm phiền ông vô ích.

Câu nói rõ ràng được chuẩn bị từ trước.

Xtepan Arcaditr biết Matvei nói giỡn và muốn ông chú ý đến bác.

Ông mở bức điện tin ra đọc, mặc nhiên chỉnh lại trong đầu những chữ sai chính tả thường thấy ở các bức điện, vẻ mặt bỗng sáng lên:

– Matvei này, mai cô Anna Arcadievna đến đấy, ông nói, tạm ngăn bàn tay bóng nhẫy, mũm mĩm của anh thợ cạo đương rẽ một đường hồng hồng giữa hai chòm râu má dài loăn xoăn của ông.

– Đội ơn Chúa! – Matvei thốt lên và câu trả lời tỏ ra bác cũng hiểu rõ như chủ tầm quan trọng của việc này: – Anna Arcadievna, cô em gái thân yêu của Xtepan Arcaditr, có thể giúp hai vợ chồng làm lành với nhau.

Matvei hỏi:

– Cô đến một mình hay cùng đi với chồng kia ạ?

Xtepan Arcaditr không thể trả lời vì anh thợ cạo đã nắm lấy môi trên ông; ông bèn giơ một ngón tay lên. Matvei gật đầu một cái trong gương.

– Có một mình thôi ạ. Vậy có phải sửa soạn căn buồng trên gác không?

– Báo tin đó cho Daria Alecxandrovna biết đã, rồi bà bảo sao thì làm vậy.

– Báo cho Daria Alecxandrovna? – Matvei hỏi lại, vẻ nghi ngại.

– Phải. Này, mang cho bà xem bức điện; bà bảo gì phải nhớ nói lại với tôi đấy.

“Ông định thăm dò đây”, Matvei hiểu ngầm như vậy, nhưng bác chỉ nói gọn lỏn:

– Thưa ông vâng ạ.

Xtepan Arcaditr rửa mặt, chải đầu xong và sắp mặc quần áo thì Matvei chậm rãi quay lại, đôi ủng khẽ kêu cót két, tay vẫn cầm bức điện. Lúc đó anh thợ cạo đi rồi.

– Daria Alecxandrovna dặn tôi thưa với ông là bà sắp đi. Bà bảo:

“Ông ấy (tức là ông đấy ạ), ông ấy muốn làm thế nào thì làm”. – Và Matvei, hai tay đút túi, đầu nghiêng sang bên, đăm đăm nhìn chủ, chỉ có đôi mắt là nhấp nháy cười.

Xtepan Arcaditr nín lặng. Rồi một nụ cười hiền hậu, hơi thiểu não, hiện trên khuôn mặt đẹp của ông.

– Làm thế nào bây giờ, Matvei? – ông hất hàm nói.

– Không sao cả, ông chủ ạ, rồi sẽ ổn thôi, – Matvei trả lời.

– Có chắc không?

– Thưa ông, chắc chứ ạ.

– Bác chắc thế thật à? Ai đó? – Xtepan Arcaditr nghe thấy tiếng áo phụ nữ sột soạt sau cửa, liền hỏi.

– Thưa ông, tôi đấy ạ.

Một giọng rắn rỏi và dễ nghe đáp lại; rồi khuôn mặt nghiêm nghị, rỗ hoa của bác bảo mẫu Matriona Filimonovna hiện ra ở khung cửa.

– Có chuyện gì đấy, Matriona? – Xtepan Arcaditr bước về phía bác ta, hỏi.

Mặc dầu Xtepan Arcaditr hoàn toàn có lỗi với vợ và chính ông cũng biết vậy, nhưng hầu như mọi người trong nhà, kể cả bác bảo mẫu là người thân tín nhất của Daria Alecxandrovna, vẫn bênh ông.

– Có chuyện gì vậy? – ông hỏi, giọng rầu rĩ.

– Thưa ông, ông nên đến xin lỗi bà lần nữa đi. Chúa sẽ phù hộ cho ông. Bà đang đau khổ, trông thương tâm lắm; còn trong nhà thì mọi việc đều rối bời. Ông phải biết thương các em chứ. Ông hãy đến xin lỗi bà đi. Chẳng có cách nào khác đâu! Gây đổ vỡ thì phải…

– Nhưng bà chẳng tiếp tôi đâu…

– Như vậy chẳng gì ông cũng làm hết bổn phận. Chúa lòng lành vô cùng! Ông cầu nguyện đi, ông chủ ạ, ông hãy cầu nguyện đi!

– Thôi được. Nào! – Xtepan Arcaditr nói, mặt bỗng đỏ dừ. Ông quay lại bảo Matvei: “Bác giúp tôi mặc quần áo”, và ông cởi áo ngủ, dáng kiên quyết.

Matvei thổi thổi những hạt bụi vô hình, chìa sẵn cho chủ chiếc sơ mi hồ bột và hỉ hả ra mặt, choàng áo lên cái thân hình trau chuốt của Xtepan Arcaditr.

Mặc quần áo xong, Xtepan Arcaditr bơm nước hoa, cài khuy tay áo, quen tay bỏ luôn vào túi chiếc ví, hộp thuốc lá, bao diêm và chiếc đồng hồ quả quýt có dây chuyền kép đính đồ trang sức, rũ khăn tay, rồi, cảm thấy sạch sẽ, thơm tho, thoải mái và khoan khoái thể xác, mặc dù đang ở trong tâm trạng phiền muộn, ông đi thẳng sang phòng ăn, bước chân hơi run rẩy, nơi món cà phê sáng và thư từ, giấy má đã chờ sẵn.

Ông đọc thư. Có một bức thư làm ông rất khó chịu: đó là thư của một thương gia đang muốn mua khu rừng trong trang trại của vợ ông. Nhất thiết phải bán khu rừng đó rồi; nhưng vấn đề chưa thể đặt ra trước khi vợ chồng hòa thuận trở lại. Điều bực mình nhất là việc dàn hòa này lại dính đến chuyện tiền nong. Ông khó chịu với ý nghĩ là trường hợp đó có thể làm ông mất thể diện: tìm cách làm lành với vợ để bán trôi khu rừng.

Đọc xong tập thư, Xtepan Arcaditr kéo đống giấy má để trên bàn lại, giở nhanh hai tập hồ sơ, lấy chiếc bút chì to đánh dấu vài chỗ rồi gạt tất cả sang bên, rót cà phê uống; ông vừa điểm tâm vừa giở tờ báo buổi sáng còn ướt mực và bắt đầu đọc.

Xtepan Arcaditr thường ngày đọc tờ báo của phái tự do, cũng không lấy gì làm tân tiến lắm, thuộc cái khuynh hướng mà đa số đang theo. Và mặc dầu chẳng quan tâm đặc biệt gì đến khoa học, nghệ thuật cũng như chính trị, ông vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm của đa số và của tờ báo về tất cả những vấn đề đó, và chỉ thay đổi ý kiến khi đa số cũng thay đổi, hoặc, nói đúng hơn, ông chẳng thay đổi gì hết: chính những quan điểm tự thay đổi lúc nào không biết.

Xtepan Arcaditr không hề lựa chọn khuynh hướng cũng như quan điểm; tự chúng tìm đến ông; ông chẳng mất công lựa chọn gì hơn chọn mũ chọn áo: người ta ăn vận thế nào, ông làm theo như vậy. Nhưng sống trong một xã hội mà mọi người đứng tuổi đều phải có một hoạt động trí tuệ nào đó, việc có chính kiến đối với ông, cũng cần như đội mũ. Sở dĩ ông ưng khuynh hướng tự do hơn khuynh hướng bảo thủ mà một số đông trong giới ông đang theo, đó không phải vì ông thấy nó phải chăng hơn, mà bởi nó phù hợp với lối sống của ông hơn. Phe tự do nói ở nước Nga, mọi sự đều bí bét: quả vậy, Xtepan Arcaditr nợ đìa ra và luôn luôn túng tiền. Phe tự do nói hôn nhân là tục lệ lỗi thời, cần phải cải cách: thực tế, cuộc sống vợ chồng chẳng đem lại hứng thú gì lắm cho Xtepan Arcaditr, buộc ông phải dối trá, che đậy, và điều đó trái hẳn với bản chất ông. Phe tự do nói, hay đúng hơn, ngụ ý rằng tôn giáo chỉ là một trở lực kìm bước đám người vô học trong dân chúng: thì đấy, Xtepan Arcaditr có bao giờ chịu đựng nổi một buổi lễ chầu, dù ngắn nhất, mà không rấm rứt ở bắp chân; ông không tài nào hiểu được ý nghĩa của tất cả những bài thuyết giáo hãi hùng và khoa trương về thế giới bên kia, trong khi người ta vẫn có thể vui chơi thoả thích ở ngay cái thế giới này. Ngoài ra, Xtepan Arcaditr, vốn thích bông đùa, thường rất khoái trá mỗi khi có dịp châm chọc những người yên phận rằng: nếu ta hãnh diện vì dòng giống thì lẽ nào chỉ dừng lại ở thời Ruritr 2 và không chịu công nhận ông tổ đầu tiên là… con khỉ. Cho nên, khuynh hướng tự do đã trở thành thói quen của Xtepan Arcaditr, và ông yêu thích tờ báo của mình như điếu xì gà sau bữa ăn trưa, nó toả một màn sương nhẹ lâng trong đầu.

Ông đọc xã luận, bài báo giải thích là thời buổi này, thật hoài công mà đi la lối rằng chủ nghĩa cấp tiến đang đe doạ nuốt chửng mọi yếu tố bảo thủ; rằng chính phủ sắp sửa bắt buộc phải ra tay bóp nghẹt con mãng xà tinh cách mạng; trái lại “theo ý chúng tôi, nguy cơ không do con mãng xà tinh cách mạng tưởng tượng gây ra, mà chính là tại các yếu tố tồn cổ đã ngoan cố kìm hãm đà tiến bộ”, v.v… Ông cũng đọc lướt bài báo thứ hai bàn về vấn đề tài chính, trong đó người ta dẫn ra nào là Bentham 3 nào là Min 4 và xỏ ngọt Bộ Tài chính vài cú. Vốn sắc sảo minh mẫn, ông hiểu ngay ý nghĩa của từng lời ám chỉ: xuất phát từ đâu, nhằm vào ai và được tung ra nhân việc gì, ông đều hiểu hết và cũng như mọi lần điều đó đem lại cho ông ít nhiều thú vị.

Nhưng bữa nay, niềm thích thú bị giảm đi khi ông nhớ tới lời khuyên của Matriona Filimonovna và tình trạng rối bời trong gia đình; báo còn loan tin bá tước Boxt đi Vixbadell, tin thị trường không còn món tóc bạc, tin có người muốn bán xe ngựa nhẹ và tin một thanh niên tìm việc làm; nhưng những tin tức đó không mang lại cho ông niềm thoả mãn bình thản và nhạo đời như mọi lần trước.

Đọc báo xong, và uống cạn tách cà phê thứ hai với chiếc bánh mì trắng nhỏ quệt bơ, ông đứng dậy, rũ những mẩu bánh vụn vãi trên áo gi lê và ưỡn bộ ngực nở nang, mỉm cười khoan khoái, không phải vì ông thấy tâm hồn có gì đặc biệt thanh thản… mà là do thức ăn đã tiêu hóa tốt.

Nụ cười rạng rỡ làm ông sực nhớ lại tất cả, và ông đâm ra tư lự.

Có tiếng hai đứa trẻ đằng sau cửa (Xtepan Arcaditr nhận ra tiếng Grisa, con trai út, và Tania, con gái lớn của ông). Chúng vừa đánh rơi một vật gì.

– Chị đã bảo em đừng có để hành khách lên mái, – con bé la lên bằng tiếng Anh. – Bây giờ thì phải nhặt lên nào!

Xtepan Arcaditr nghĩ bụng: “Nhà cửa lung tung, trẻ con bị bỏ mặc chẳng ai trông nom”. Và ông lại gần cửa, lên tiếng gọi hai con. Chúng bỏ chiếc hộp dùng làm tàu hoả và chạy lại với bố.

Tania, con gái cưng của Xtepan Arcaditr, mạnh dạn bước vào, quàng tay ôm lấy cổ bố vừa đánh đu vừa cười như mọi lần, khoan khoái hít hít mùi nước hoa quen thuộc toả ra từ hai chòm râu má của bố. Sau khi hôn bộ mặt bố đỏ bự vì phải cúi xuống và ngời ngợi trìu mến, đứa bé buông tay ra định chạy, nhưng ông bố giữ con lại.

– Mẹ đang làm gì? – ông vừa hỏi vừa vuốt ve cái cổ mảnh dẻ của con gái. Rồi quay sang mỉm cười với thằng con trai út: Chào chú!

Ông không thấy yêu con trai bằng con gái và luôn luôn gắng không để lộ điều đó; nhưng thằng bé thừa biết và không buồn đáp lại cái cười gượng của bố.

– Mẹ ấy à? Mẹ dậy rồi ạ, – con bé trả lời.

Xtepan Arcaditr buông một tiếng thở dài. Ông nghĩ: “Thế ra, cả đêm nàng không ngủ”.

– Mẹ có vui không?

Con bé thừa biết bố mẹ đã cãi nhau, mẹ nó không thể vui được, bố hẳn phải hiểu rõ, nhưng định đóng kịch nên vờ hỏi giỡn như vậy. Nó đỏ mặt thay cho bố. Xtepan Arcaditr chợt hiểu ngay và cũng đỏ mặt.

– Con chả biết, – nó nói. – Mẹ bảo chúng con không phải học nữa mà đi với cô Hal đến nhà bà.

– Vậy thì đi đi thôi, Tania bé bỏng của ba. à, khoan đã – ông giữ con lại lần nữa, vuốt ve bàn tay nhỏ xíu mềm mại của nó…

Ông cầm hộp kẹo để trên lò sưởi từ hôm qua, chọn lấy hai cái con bé thích nhất: một kẹo sôcôla, một kẹo mứt hoa quả và đưa cho con.

Con bé giơ chiếc kẹo sôcôla và hỏi:

– Cái này cho Grisa phải không ba?

– ừ, ừ.

Và vuốt ve lần cuối chiếc vai nhỏ nhắn của con gái xong, ông hôn vào cổ, vào chân tóc rồi cho nó đi ra.

– Xe đánh ra ngoài rồi đấy ạ, – Matvei vào báo và nói tiếp: – có một bà đến kêu việc.

– Bà ta đến lâu chưa? – Xtepan Arcaditr hỏi.

– Độ nửa giờ rồi.

– Đã bao lần tôi dặn bác phải báo ngay kia mà.

– Thì tôi cũng phải để ông dùng xong cà phê đã chứ, – Matvei nói, giọng lủng bủng và thân mật khiến ông không còn bụng nào mà giận được.

– Thôi cho người ta vào nhanh lên, – Oblonxki cau mày nói.

Người đó là vợ viên đại uý tham mưu Klinin, đến nhờ vả một việc không thể giải quyết được và phi lý nữa; nhưng Xtepan Arcaditr, theo thói quen, vẫn mời bà ta ngồi và chăm chú nghe từ đầu đến cuối không hề ngắt lời, chỉ vẽ cụ thể nên xử sự thế nào, nên đến cầu cạnh ai, và viết hẳn một lá thư bằng lối chữ khoáng đạt, đẹp và rõ ràng của ông, giới thiệu đến người có thể giúp đỡ bà ta được. Sau khi đưa tiễn vợ viên đại uý, Xtepan Arcaditr bèn cầm mũ và dừng lại tự hỏi xem có quên gì không. Ông chỉ quên mỗi một điều mà ông ước ao quên đi được là… vợ ông.

“à, phải!”, ông cúi đầu và bộ mặt đẹp bỗng đượm buồn. Ông tự hỏi:

“Ta nên đến gặp, hay không nên đến?” Một tiếng nói từ trong lòng bảo ông có đến gặp cũng vô ích, rút cục chỉ đi đến chỗ giả dối thôi, không thể chắp nối lại tình nghĩa vợ chồng nữa rồi, bởi vì không ai có thể trả lại cho Doli cái xuân sắc quyến rũ thuở xưa, cũng như không thể biến ông thành lão già bất lực được. Làm thế chỉ đưa đến giả tạo và dối trá: mà giả tạo và dối trá thì trái hẳn với bản chất ông.

“Tuy nhiên trước sau, vẫn phải một lần, không thể cứ thế này mãi được!”, ông tự bảo, gắng động viên mình mạnh hơn. Ông thẳng người lên, lấy điếu thuốc lá, châm lửa hút, kéo hai hơi, rồi vứt điếu thuốc vào chiếc vỏ xà cừ dùng làm gạt tàn, đi nhanh qua phòng khách và mở cửa phòng vợ.

Chương 3

Daria Alecxandrovna, mình khoác áo choàng, mái tóc xưa kia đẹp và dày nay đã lưa thưa, tết bím vắt ra sau gáy, đang đứng trước tủ quần áo mở toang và lục lọi lựa chọn; xung quanh bề bộn những đồ dùng. Má bà hóp lại và khuôn mặt gầy càng làm nổi bật cặp mắt to sợ sệt. Nghe thấy tiếng chồng, bà dừng tay và nhìn ra cửa, cố làm ra vẻ nghiêm khắc và khinh bỉ nhưng vô hiệu. Bà cảm thấy sợ chồng, sợ cuộc gặp gỡ này. Bà đang thử làm cái điều bà đã thử hàng chục lần trong ba hôm nay là thu xếp quần áo của các con và của mình để gửi về nhà mẹ đẻ. Cả lần này nữa, bà cũng không thể quyết định dứt khoát; nhưng cũng như lần trước, bà lại tự nhủ không thể cứ thế này mãi, thể nào mình cũng phải làm một cái gì: trừng phạt anh ta, làm anh ta phải xấu hổ, trả thù về nỗi đau đớn anh ta đã gây ra cho mình, dù chỉ phần nào thôi. Bà cứ nhắc đi nhắc lại trong bụng là mình sẽ bỏ chồng, nhưng lại cảm thấy không thể được; không thể được vì bà không thể từ bỏ thói quen coi anh ta là chồng và yêu thương anh ta.

Hơn nữa, bà hiểu rằng nếu như ở đây, trong nhà mình, bà nuôi năm đứa con cũng đã thấy vất vả, thì ở chốn kia, nơi bà định đến với chúng, hẳn còn cực hơn nữa. Trong ba ngày hôm nay, đứa bé nhất đã ốm vì bị cho ăn canh thiu, còn ba đứa kia hôm qua suýt phải nhịn ăn chiều. Bà cảm thấy không thể bỏ đi được; nhưng bà cứ tự dối mình và vẫn tiếp tục nhặt nhạnh quần áo và giả bộ như sắp bỏ đi.

Thoáng thấy chồng, bà thọc hai tay vào một ngăn tủ như đang tìm vật gì đó và mãi đến khi chồng đã tới sát bên cạnh, bà mới thèm ngoảnh lại nhìn ông ta một cái. Nhưng mặc dầu muốn tỏ ra nghiêm nghị và kiên quyết, mặt bà chỉ lộ vẻ bối rối và đau đớn.

– Doli! – Oblonxki nói, giọng dịu dàng và rụt rè.

Ông ta rụt đầu lại, cố nặn ra một bộ mặt qụy lụy và thiểu não, song người ông lại roi rói tươi tắn và khỏe mạnh. Doli ướm nhìn nhanh người đàn ông ngời ngợi vẻ tươi tắn và khỏe mạnh đó. “Phải, anh ta đang sung sướng và mãn nguyện, bà nghĩ bụng… còn như mình đây! Cả đến cái tính hồn hậu của anh ta mà mọi người đều quý mến và ca tụng, mình cũng thấy ghê tởm: mình căm ghét lòng tốt của anh ta!” – Môi bà bặm lại và bộ mặt tái nhợt, tức tối, rúm ró.

– Ông muốn gì? – bà hỏi nhanh, giọng khàn khàn khác thường.

– Doli! – ông nhắc lại, giọng run run. – Hôm nay, Anna đến.

– Thế thì can gì đến tôi? Tôi không thể tiếp cô ấy được! – bà nói to.

– Dù sao cũng nên tiếp, Doli…

– Ông đi ra đi, ra đi! – Doli hét lên, không nhìn chồng, dường như tiếng kêu bật ra từ một nỗi đau thể xác.

Xtepan Arcaditr hồi nãy có thể bình tĩnh khi nghĩ đến vợ, hy vọng mọi sự rồi sẽ “ổn” theo cách nói của Matvei, ông có thể điềm nhiên đọc báo và uống cà phê; nhưng khi trông thấy bộ mặt đầy vẻ tiều tụy và đau khổ, khi nghe thấy giọng nói nhẫn nhục và tuyệt vọng, ông đâm nghẹn ngào, cổ họng se lại và rơm rớm nước mắt.

– Lạy Chúa! Tôi đã làm gì nên tội, Doli! Nhân danh Chúa!… – Ông không nói tiếp được nữa; một tiếng nấc nghẹn lại trong cổ.

Bà đóng sập tủ thật mạnh và nhìn chồng.

– Doli, tôi biết nói gì đây? … Chỉ một điều thôi: mình hãy tha thứ cho tôi… Mình nghĩ lại xem, chín năm trời ăn ở với nhau, lẽ nào không thể chuộc lại một phút, một phút…

Doli đưa mắt nhìn xuống và chờ đợi điều chồng sắp nói, dường như bà đang van xin chồng giải mối nghi ngờ cho mình bằng cách này hay cách khác.

– Một phút mê muội… – Oblonxki nói nốt câu và định tiếp tục, nhưng vừa nghe thấy câu đó, môi Doli bỗng mím lại như bị một cơn đau thể xác hành hạ và những bắp thịt ở má phải bà lại co rúm lại.

– Ông ra đi, ông ra khỏi đây đi! – bà rít lên the thé. – Đừng có nhắc lại với tôi những chuyện mê muội và đốn mạt của ông nữa.

Bà định ra khỏi phòng nhưng bỗng lảo đảo và phải níu vào thành chiếc ghế tựa. Mặt Oblonxki đỏ bừng, môi phồng lên, mắt đẫm lệ.

– Doli! – Lần này, ông ta vừa nói vừa nức nở. – Vì lòng yêu kính Chúa, mình hãy nghĩ đến các con, chúng nó, chúng nó vô tội! Chính tôi là kẻ gây nên tội, mình hãy trừng phạt tôi, mình hãy bảo tôi phải chuộc lỗi như thế nào. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi đã gây nên tội, tôi không còn biết tìm chữ gì để nói với mình rằng tội tôi nặng như thế nào. Nhưng xin mình hãy tha thứ cho tôi, Doli!

Bà ngồi xuống. Oblonxki lắng nghe nhịp thở nặng nề, hổn hển của vợ và thấy thương vợ vô cùng. Nhiều lần bà định nói nhưng không thốt nên lời. Ông vẫn chờ đợi.

– Anh nhớ đến các con là để nô đùa với chúng, còn tôi đây, tôi lo cho chúng và tôi biết rằng bây giờ đời chúng thế là bỏ đi, – bà nói. Rõ ràng đây là một trong những câu bà thầm nhắc đi nhắc lại từ ba hôm nay.

Bà đã gọi chồng bằng: “anh”, Oblonxki đưa mắt nhìn vợ tỏ vẻ biết ơn và định cầm lấy tay bà, nhưng bà ghê tởm né ra.

– Tôi nghĩ đến các con và tôi sẽ làm mọi việc trên đời để cứu chúng; nhưng chính bản thân tôi cũng không biết làm thế nào là hợp lẽ hơn:

để chúng xa rời hẳn bố hay ở lại với một người trụy lạc… phải, một người trụy lạc… Nào, ông hãy nói cho tôi nghe xem là sau… cái chuyện vừa xảy ra, chúng ta còn có thể chung sống với nhau được không? Có thể được không? Ông hãy nói tôi nghe, có thể được không?

– bà cất cao giọng nhắc lại, – khi mà chồng tôi, người cha của các con tôi lại đi tằng tịu với con bé dạy trẻ.

– Nhưng làm thế nào? Làm thế nào đây? – Oblonxki nói với giọng rầu rĩ, chính ông cũng không hiểu mình nói gì và đầu mỗi lúc một cúi gằm xuống.

– Đối với tôi, ông là một vật gớm ghiếc, tởm lợm! – bà nổi nóng hét lên. – Nước mắt ông chỉ là nước lã! Ông chẳng bao giờ yêu gì tôi, ông là người không có tim, chứ cao quý cái nỗi gì! Ông làm tôi phát tởm, đối với tôi, ông chỉ là người dưng nước lã, phải, chỉ là người dưng nước lã mà thôi! – Bà chua xót thốt lên cái tiếng người dưng nước lã, cái tiếng kinh khủng biết bao đối với bà.

Oblonxki nhìn vợ, vẻ hằn học trên mặt bà khiến ông sợ hãi và sửng sốt. Ông không hiểu chính việc ông tỏ ra thương hại vợ đã làm bà tức giận. Doli thấy rõ chồng chỉ thương hại chứ không hề yêu mình. “Phải, cô ta căm ghét mình. Cô ta sẽ không tha thứ cho mình đâu”, Oblonxki thầm nghĩ.

– Thật đáng sợ, đáng sợ! – ông nói.

Giữa lúc ấy ở phòng bên, một đứa nhỏ, hẳn vừa bị ngã, khóc oà lên.

Daria Alecxandrovna lắng tai nghe và nét mặt đột nhiên dịu đi.

Bà định thần lại một lúc, như do dự, tự hỏi xem mình đang ở đâu, rồi đứng phắt dậy và đi ra cửa.

“Tuy nhiên nàng vẫn yêu con mình, Oblonxki nghĩ bụng, nhận thấy nét mặt vợ biến đổi khi nghe tiếng đứa bé khóc… con của tôi; vậy thì làm sao nàng lại đang tâm ghét bỏ mình được?” – Doli, cho tôi nói câu nữa thôi, – ông vừa nói vừa chạy theo vợ.

– Nếu ông đi theo tôi, tôi sẽ gọi bọn người làm, gọi bọn trẻ đến! Cho tất cả chúng nó biết ông là đồ thô bỉ! Tôi đi khỏi đây bây giờ cho ông ở lại với nhân tình của ông.

Bà bước ra, đóng sập cửa lại.

Xtepan Arcaditr thở dài, thấm mồ hôi trên mặt và lặng lẽ bước ra cửa.

“Matvei bảo mọi việc rồi sẽ ổn, nhưng ổn là ổn thế nào chứ? Mình thấy chả chắc gì. Ôi thật là tai hại! Mà sao cô ta lại ăn nói thô tục đến thế! Oblonxki nghĩ thầm, nhớ lại những lời vợ tru tréo, những tiếng “thô bỉ” và “nhân tình”, khéo mà bọn gái hầu phòng nghe thấy mất thôi! Thật là thô tục ghê gớm!” Xtepan Arcaditr đứng lại một mình trong giây lát, lau nước mắt, thở dài và dướn thẳng người, đi ra khỏi phòng.

Hôm đó là thứ sáu; trong phòng ăn, bác thợ đồng hồ người Đức đang lên dây chiếc đồng hồ quả lắc. Xtepan Arcaditr sực nhớ tới câu ông nói bỡn con người rất đúng giờ giấc này: “Anh chàng người Đức này đã được lên dây cót đời mình để làm nghề lên dây cót đồng hồ” và ông mỉm cười. Xtepan Arcaditr vốn thích những chữ ý nhị. “Có thể là chuyện đó sẽ “ổn” thực; cái từ ấy hay đấy, ta sẽ dùng lại nó”.

– Matvei! – Ông gọi, – bác với Maria hãy sửa soạn mọi thứ ở phòng khách cho cô Anna Arcadievna nhé, – ông nói với bác hầu phòng vừa xuất hiện.

– Thưa ông, vâng ạ.

Xtepan Arcaditr mặc áo choàng lông và bước ra thềm cửa.

– Ông không ăn chiều ở nhà ạ? – Matvei vừa tiễn chủ vừa hỏi.

– Còn tuỳ xem. Này, tiền chi các khoản đây, – Oblonxki nói, rút trong ví ra mười rúp. – Có đủ không?

– Đủ hay không, thì cũng phải bằng lòng vậy thôi, – Matvei nói, đóng cửa xe và bước lên bậc thềm.

Trong khi ấy, Daria Alecxandrovna dỗ con nín xong, nghe thấy tiếng bánh xe ngựa lăn, biết chồng đã đi rồi và quay về buồng mình.

Đó là nơi ẩn náu duy nhất: cứ động ra khỏi đấy, là những lo lắng về chuyện nhà cửa lại bủa vây lấy bà. Ngay cả vừa nãy, trong quãng thời gian ngắn ngủi bà sang buồng lũ trẻ, chị vú nuôi người Anh và bác Matriona Filimonovna cũng đã hỏi bà về bao việc không thể trì hoãn được, và chỉ có bà mới trả lời nổi: mặc quần áo gì cho trẻ con để dẫn đi chơi? Cho chúng uống sữa có được không? Liệu có phải tìm anh bếp khác không?

– Trời! Để tôi yên! – bà bảo họ, và trở về phòng ngủ, bà lại ngồi vào chỗ cũ lúc nói chuyện với chồng; hai bàn tay ngón gầy nhẳng, nhẫn đeo đã lỏng tuột, ép chặt vào nhau, bà ôn lại từ đầu đến cuối cuộc nói chuyện giữa hai người hồi nãy.

Chàng đi rồi! Nhưng chàng đã cắt đứt với con kia ra sao? Liệu chàng còn tìm gặp nó nữa chăng? Tại sao mình lại không hỏi chàng điều đó nhỉ? Không, không, hai chúng mình không thể nào cùng chung sống với nhau được nữa. Dù có ở cùng nhà, mình và anh ta sẽ vẫn là người dưng nước lã với nhau. Mãi mãi! Người dưng nước lã! Bà cứ một mực nhay đi nhay lại cái tiếng phũ phàng đó. Tuy nhiên trước kia, ta yêu chàng biết mấy, lạy Chúa, trước kia ta yêu chàng nhường nào!… Xưa ta yêu chàng nhường nào! Và bây giờ, phải chăng ta không yêu chàng? Hay có khi ta còn yêu chàng hơn trước nữa cũng nên? Điều đáng sợ nhất là…”, bà bắt đầu ngẫm nghĩ, nhưng không có thì giờ nghĩ nốt vì Matriona Filimonovna đã ló đầu qua khung cửa.

– Xin bà cho tìm em trai tôi vậy, – Matriona nói, – ít ra nó cũng có thể nấu bữa chiều hầu bà, kẻo lại giống như hôm qua và các em sẽ phải nhịn ăn mãi đến tận sáu giờ mất thôi.

– Được, tôi sẽ sai làm ngay bây giờ. Có người đi lấy sữa tươi chưa?

Thế là Daria Alecxandrovna lại lao đầu vào những lo lắng thường ngày và dìm nỗi phiền muộn vào đó trong chốc lát.

Chương 4

Xtepan Arcaditr trước đây học khá vì ông vốn thông minh; nhưng tính lười nhác và nông nổi khiến ông tốt nghiệp trong số những người đội sổ. Tuy nhiên, mặc dầu sống phóng túng, thứ bậc kém và trẻ tuổi, Oblonxki vẫn giữ một chức vị kha khá và lương nhiều: ông là chánh án một toà án ở Moxcva. Oblonxki có được chức vụ đó là nhờ ông chồng cô em Anna tức Alecxei Alecxadrovitr Carenin, một trong những quan chức quan trọng nhất của Bộ trực tiếp chỉ đạo Toà án đó; nhưng ví bằng không có Carenin, thì hàng trăm người khác, anh chị em họ, bà con, chú bác cũng có thể kiếm cho ông cái địa vị đó hoặc một địa vị khác tương tự, với số lương sáu nghìn rúp cần thiết cho ông sinh sống, vì mặc dầu có cái gia sản của vợ, ông làm ăn vẫn cứ lẹt đẹt.

Kể có tới nửa Moxcva và Peterburg là chỗ thân thuộc và bè bạn của Xtepan Arcaditr. Ông vốn sinh trong giới những người có quyền lực trên thế gian này. Một phần ba các chính khách của thế hệ trước là bạn bè của ông thân sinh ra Oblonxki và biết ông từ hồi còn ẵm ngửa; cái phần ba thứ hai vào loại cậu cậu tớ tớ với ông và quan hệ của ông đối với cái phần ba thứ ba cũng rất tốt; những người phân phối của cải trên đời, dưới hình thức việc làm, trang trại, nhượng địa, v.v… tất cả đều là bạn bè của ông và chả lẽ lại bỏ rơi người thân. Cho nên Oblonxki chẳng phải chật vật gì cũng vẫn kiếm được một chỗ làm nhiều bổng lộc; ông chỉ việc đừng có khước từ cái gì, đừng ganh tị mà cũng đừng gây sự với ai, đừng tỏ ra hay động lòng, mà điều này lại chính là cái xu hướng hồn hậu bẩm sinh của ông. Hẳn ông sẽ coi là chuyện kỳ khôi nếu người ta từ chối không cho ông cái địa vị và số lương ông đang cần, vả chăng ông có yêu cầu điều gì khác thường đâu, chỉ đơn giản là cái mà những người vào lứa tuổi ông đều có thể đạt được, và ông hoàn toàn có khả năng làm tròn loại công việc đó như ai khác.

Tất cả những người quen biết Xtepan Arcaditr mến ông không phải chỉ vì tính nết tốt, sự hoạt bát và lòng trung thực hiển nhiên của ông. Cái bề ngoài quyến rũ, cặp mắt sáng long lanh, đôi lông mày và mớ tóc đen nhánh, nước da tươi tắn của ông có sức hấp dẫn thể chất với tất cả những ai gặp ông, khiến họ thấy khoái hoạt hẳn lên. “A, Xtiva! Oblonxki! Anh ta kia kìa!”, họ reo lên và hầu như bao giờ cũng nở một nụ cười rạng rỡ mỗi khi trông thấy ông. Và cho dù cuộc trò chuyện chẳng mang lại điều gì đặc biệt thích thú, người ta vẫn không kém hoan hỉ khi gặp lại ông ngày hôm sau và hôm sau nữa.

Giữ địa vị chánh án trong một toà án ở Moxcva từ hai năm nay, Xtepan Arcaditr đã chiếm được lòng quý mến và vì nể của các bạn đồng sự, cấp dưới và cấp trên, của mọi người có quan hệ công việc với ông. Những đức tính đã đem lại cho ông cái uy tín rộng khắp ấy là:

thứ nhất, thái độ khoan dung rất mực đối với mọi người, dựa trên ý thức về những khuyết điểm của bản thân; thứ hai, một đầu óc tự do tuyệt đối, không phải thứ chủ nghĩa tự do người ta thường huyênh hoang với ông trên báo chí, mà là thứ chủ nghĩa tự do sẵn có từ trong máu, nó giúp ông đối xử với mọi người nhất loại như nhau không phân biệt địa vị và hoàn cảnh; thứ ba, và đây là điểm quan trọng nhất, thái độ hoàn toàn dửng dưng với nghề nghiệp, nó giữ cho ông khỏi say mê hoặc phạm điều vụng dại.

Đến toà án, Xtepan Arcaditr đi về phòng làm việc, theo sau là gã lính hầu khúm núm mang cặp hồ sơ; ở đó, ông mặc quần áo quan toà rồi bước vào phòng nghị án. Những vị bồi thẩm và lục sự đứng dậy hết và vui vẻ, kính cẩn chào. Như thường lệ, Xtepan Arcaditr bước nhanh đến chỗ mình, bắt tay các thẩm phán và ngồi xuống. Ông nói đùa, trò chuyện với họ trong giới hạn nghiêm ngặt của thủ tục và khai mạc phiên họp. Không ai duy trì đúng mức hơn ông cái chừng mực giữa sự phóng túng, giản dị với giọng trịnh trọng cần thiết phải giữ để thừa hành nghề nghiệp một cách thoải mái. Người thư ký mang giấy má đến, vui vẻ và kính cẩn như tất cả những ai làm dưới quyền Xtepan Arcaditr, và nói bằng cái giọng thân mật, phóng túng mà Oblonxki đã khơi mào:

– Cuối cùng, toà án tỉnh Penđa đã cung cấp tình hình cho chúng ta. Đây, xin trình ngài những tài liệu ấy…

– A! Ông đã có tình hình rồi đấy ư? – Xtepan Arcaditr nói, luồn ngón tay vào giữa những tờ giấy. – Vậy thì, thưa quý vị…

Phiên họp bắt đầu.

“Nếu họ biết, – Oblonxki nghĩ thầm, đầu nghiêng nghiêng trịnh trọng trong khi nghe đọc bản tường trình, – nếu họ biết trước đây nửa tiếng đồng hồ, ông chánh án của họ đã mang bộ mặt con nít phạm lỗi như thế nào!”. Và đôi mắt ông cười. Buổi họp phải tiếp tục luôn một mạch đến tận hai giờ; đến hai giờ, sẽ tạm nghỉ họp để ăn trưa.

Khoảng gần hai giờ, cánh cửa kính cao của phòng thường mở toang và một người bước vào. Tất cả các vị thẩm phán, ngồi dưới chân dung đức vua, sau tấm gương của công lý, đều quay nhìn phía cửa ra vào, khoái chí vì cơ hội giải trí đó; nhưng người mõ toà đã tống ngay kẻ vừa đột nhập kia ra và đóng cửa lại.

Khi bản tường trình được đọc xong, Xtepan Arcaditr vươn vai, và theo cái chủ nghĩa tự do đương thời, hút thuốc lá ngay giữa phòng nghị án trước khi trở về phòng làm việc. Hai ông bạn đồng sự, vị lão thành Nikitin và nhà quý tộc của nghị viện Grinevitr, cùng ra với ông.

– Sau bữa ăn, chúng ta còn đủ thì giờ làm nốt, – Xtepan Arcaditr nói.

– Nhất định rồi! – Nikitin trả lời.

– Thằng cha Fomill ấy ắt hẳn là một tên lưu manh khét tiếng. – Grinevitr nói về một trong những nhân vật có dính líu đến vụ án họ đang thẩm xét.

Xtepan Arcaditr cau mày, có ý muốn để mọi người ngầm hiểu là không nên phát biểu một lời phán xét trước như thế và không trả lời gì.

– Lúc nãy ai vừa vào đấy? – ông hỏi người mõ toà.

– Bẩm quan lớn, có một người không được phép mà vẫn cứ lén vào, lúc chúng tôi vừa quay lưng đi. Hắn hỏi quan lớn. Chúng tôi đã bảo hắn phải chờ cho đến khi bãi toà.

– Vậy hắn đâu?

– Tôi chắc hẳn ra ngoài phòng chờ, hắn vừa đi bách bộ ở đây. Hắn kia rồi, – người mõ toà vừa nói vừa chỉ một người đàn ông vạm vỡ, vai rộng, râu quăn, đang chạy phăng phăng lên chiếc cầu thang bằng đá mòn nhẵn, chiếc mũ da cừu vẫn đội nguyên trên đầu. Một viên chức toà án đang đi xuống, dáng giảo hoạt, tay cắp cặp, nhìn đôi chân của người trai trẻ ra vẻ bất bình và đưa mắt dò hỏi Oblonxki.

Xtepan Arcaditr dừng lại ở bậc thang thứ nhất. Trên cổ áo thêu của bộ đồng phục, nét mặt hớn hở của ông sáng ngời lên khi nhận ra người vừa tới.

– Chính hắn! Levin đây rồi! – ông nói, vừa mỉm cười thân ái vừa giễu cợt, vừa nhìn Levin đang bước tới. – Cậu không sợ phải đến tìm mình trong cái hang hùm này ư? – Xtepan Arcaditr nói, không chỉ bắt tay mà còn ôm hôn Levin. – Cậu đến đây đã lâu chưa?

– Mình vừa mới tới và mình muốn gặp cậu quá, Levin trả lời, nhìn quanh có vẻ rụt rè, vừa bực dọc vừa lo ngại.

– Về phòng làm việc của mình đi, – Xtepan Arcaditr nói, vốn biết cái tính rụt rè vừa tự phụ vừa đa nghi của bạn; và ông nắm lấy cánh tay Levin kéo đi như kiểu dẫn dắt chàng qua những bước hiểm nghèo.

Xtepan Arcaditr mình mình cậu cậu với hầu hết những người quen: từ ông già sáu mươi đến chàng trai hai mươi, từ đào kép đến bộ trưởng, từ thương gia đến tướng lĩnh… thành thử đa số những người ông thường mình mình cậu cậu là thuộc hai đầu bậc thang xã hội và hẳn họ sẽ rất kinh ngạc nếu được biết nhờ Oblonxki mà họ có cái gì tương đồng với nhau. Ông xưng hô mình mình cậu cậu với tất cả những ai cùng ông uống rượu sâm banh, mà ông thì cạn cốc sâm banh với khắp thiên hạ; cho nên, trước mặt những người dưới quyền, khi gặp một trong những người xấu hổ vì bị mình mình cậu cậu – ông thường gọi đùa một số lớn bạn bè như thế – với sự tế nhị sẵn có, ông luôn biết tránh cho cấp dưới khỏi có cảm giác khó chịu. Levin không phải là một người xấu hổ vì bị mình mình cậu cậu, nhưng tự nhiên Oblonxki cảm thấy Levin cho rằng có lẽ ông không nên phô trương sự thân mật giữa hai người trước mặt cấp dưới, vì vậy ông vội vàng đưa Levin về phòng làm việc.

Levin gần trạc tuổi với Oblonxki và sở dĩ chàng mình mình cậu cậu với ông, đó không phải chỉ đơn thuần vì họ đã cùng uống sâm banh với nhau. Họ chơi với nhau từ hồi nhỏ. Mặc dầu khác biệt về tính tình và sở thích, họ yêu thương nhau như hai người bạn gắn bó từ lúc ấu thơ thường yêu nhau. Nhưng, như thường xảy ra giữa những người đã chọn những lĩnh vực hoạt động khác nhau, tuy về lý lẽ người nọ vẫn tán thành hoạt động của người kia, song thâm tâm lại miệt thị nó. Người nào cũng nghĩ cuộc đời mình đang sống mới là cuộc đời chân chính duy nhất còn cuộc đời bạn mình đang sống chỉ là… ảo giác. Oblonxki không thể kìm được nụ cười châm biếm nhẹ nhàng khi trông thấy Levin. Biết bao lần ông thấy Levin, từ nông thôn ra, nơi chàng đang làm “một việc gì” (Xtepan Arcaditr không biết đích xác đó là việc gì và tuyệt nhiên không quan tâm đến chuyện ấy). Levin đến Moxcva bao giờ cũng nháo nhác, vội vã, hơi rụt rè và bực dọc về tính rụt rè đó, nhiều khi mang theo những quan điểm hoàn toàn mới và bất ngờ về mọi sự. Xtepan Arcaditr thường cười bạn về điều đó và lấy thế làm vui thích. Về phía mình, Levin cũng coi thường cuộc sống thị thành và nghề nghiệp của bạn mà chàng coi là trò đùa và thường đưa ra chế giễu. Chỉ khác một điều là Oblonxki xử sự như tất cả mọi người, cười một cách tự tin và dễ dãi, còn Levin thì nghi ngờ chính bản thân mình và đôi khi thường cười gượng.

– Bọn mình chờ cậu đã lâu, – Xtepan Arcaditr nói, khi vào đến phòng làm việc và buông tay bạn, như để tỏ ra không còn gì nguy hiểm nữa. – Mình rất sung sướng được gặp cậu, – ông nói tiếp – Cậu có khỏe không? Hiện đang làm gì? Cậu đến lúc nào vậy?

Levin lặng thinh, nhìn bộ mặt lạ lẫm của hai bạn đồng sự với Oblonxki và nhất là bàn tay anh chàng Grinevitr sang trọng, ngón búp măng trắng muốt, móng dài vàng vàng và cong cong ở đầu, cùng những cái cúc to tướng lấp lánh ở cổ tay áo; đôi bàn tay đó dường như thu hút tất cả sự chú ý của chàng và khiến tâm trí chàng mất cả thoải mái. Oblonxki nhận ra điều đó ngay và mỉm cười.

– à phải, cho phép tôi giới thiệu các ngài với nhau, – ông nói. Các bạn đồng sự của tôi: Filip Ivanovitr Nikitin, Misen Xtanixlavitr Grinevitr, và quay lại phía Levin: một quan cai trị tỉnh nhỏ, con người mới của hội đồng tự trị địa phương, một lực sĩ một tay nhấc nổi năm pút 1, một nhà chăn nuôi và một nhà săn bắn, ông bạn Conxtantin Dimitrievitr Levin của tôi, em trai Xergei Ivanovitr Coznusev.

– Rất hân hạnh, – ông già nhỏ bé nói.

– Tôi đã có vinh dự được biết lệnh huynh Xergei Ivanovitr, Grinevitr nói, chìa bàn tay thanh tú để móng dài ra.

Levin sa sầm mặt; chàng lạnh lùng bắt tay Grinevitr và lập tức quay về phía Oblonxki. Mặc dầu rất mến phục ông anh cùng mẹ khác cha, nhà văn nổi tiếng khắp nước Nga, chàng không chịu được khi người ta nói với mình không phải như nói với Conxtantin Levin mà là với em trai nhà văn Coznưsev trứ danh.

– Không, tôi không ở trong hội đồng nữa đâu. Tôi đã xích mích với tất cả mọi người và không đến dự các phiên họp nữa, – chàng quay lại nói với Oblonxki.

– Thế là chuyện chẳng đi đến đâu cả! – Oblonxki mỉm cười nói. – Nhưng đầu đuôi thế nào? Tại sao vậy?

– Chuyện dài lắm. Mình sẽ kể cho cậu nghe sau, – Levin nói thế, nhưng chàng lại kể ngay tức khắc. – Nói vắn tắt là mình tin chắc không thể nào làm việc với hội đồng được, – chàng nói với giọng của kẻ vừa bị lăng nhục. – Một mặt, đó là một thứ đồ chơi: người ta vui chơi ở nghị viện; vậy mà mình thì chả còn non trẻ, cũng chưa đến nỗi già nua gì để vui thú với những thứ đồ chơi, và mặt khác (chàng ngần ngừ), đó là một thứ phe cánh 2 ở tỉnh nhỏ nhằm mục đích kiếm tiền.

Trước kia, có chế độ bảo hộ, có toà án, bây giờ thì là hội động tự trị, ở đây người ta không ăn hối lộ, nhưng lại kiếm được những khoản bổng lộc không phải do công sức làm ra, – chàng hăm hở nói, như thể trong số những người đứng đấy có ai định bác bỏ ý kiến của mình.

– Chà! Chà! Mình thấy cậu đang ở một giai đoạn mới đấy, cậu hướng về phe bảo thủ mất rồi, – Xtepan Arcaditr nói với Levin. – Ta sẽ trở lại chuyện đó sau.

– Phải, đúng vậy. Nhưng mình cần gặp cậu, – Levin nói, hằn học nhìn đôi bàn tay của Grinevitr.

Xtepan Arcaditr thoáng mỉm cười.

– Thế nào, dạo nọ cậu bảo là sẽ không vận âu phục nữa kia mà! – ông vừa nói vừa ngắm nghía bộ đồ mới của bạn, rõ ràng vừa ở một cửa hàng may người Pháp ra. – Quả đúng vậy: một giai đoạn mới…

Levin đột nhiên đỏ mặt, không phải như kiểu người lớn tuổi, chỉ hời hợt bên ngoài, tự mình không hay, mà như một chú bé cảm thấy tính nhút nhát làm cho mình đâm lố bịch, và do đó, lại càng đỏ mặt hơn, tựa hồ sắp phát khóc. Thật khổ tâm khi nhận thấy trên bộ mặt thông minh và trai tráng ấy một vẻ quá con nít như vậy, đến nỗi Oblonxki phải quay nhìn đi chỗ khác.

– Phải, vậy chúng ta có thể gặp nhau ở đâu? Mình có chuyện nhất thiết phải nói với cậu, – Levin nói.

Oblonxki ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ.

– Mình đề nghị với cậu thế này: đến hiệu Gurin ăn trưa, ta sẽ có thể trò chuyện được. Mình còn rỗi cho đến ba giờ.

– Không, – Levin đáp sau một lúc suy nghĩ. – Mình còn phải đi đằng này.

– Vậy thì ta ăn chiều với nhau nhé.

– Ăn chiều ư? Nhưng câu chuyện mình nói với cậu chả có gì đặc biệt đâu: chỉ hai câu thôi; ta sẽ nói chuyện sau vậy.

– Được, cậu nói hai câu của cậu cho mình nghe đi, rồi đến bữa chiều ta sẽ bàn thêm.

– Thế này nhá, – Levin nói. – Vả lại, cũng chả có gì đặc biệt đâu.

Mặt chàng đột nhiên cau lại, do phải cố vượt lên thói nhút nhát.

– Gia đình Serbatxki hiện làm gì? Không có gì thay đổi chứ? – chàng hỏi.

Xtepan Arcaditr từ lâu đã biết Levin mê cô em vợ mình là Kitti 1 nên thoáng mỉm cười và cặp mắt ông vụt long lanh vui thích.

– Quả là cậu đã nói với mình có hai câu thật, nhưng mình không thể trả lời cậu vắn tắt như thế được, bởi vì… Xin lỗi cậu một lát…

Viên thư ký bước vào, với cái vẻ thân tình kính cẩn, và cái ý thức khiêm tốn chung của mọi người thư ký tự biết mình thạo công việc hơn hẳn thủ trưởng; anh ta mang giấy tờ đến cho Oblonxki và dùng hình thức câu hỏi để giải thích cho ông một chỗ khó xử. Xtepan Arcaditr không đợi anh ta nói hết, thân mật đặt tay lên tay áo viên thư ký.

– Không, ông cứ làm như tôi đã dặn, – ông nói, mỉm cười để làm nhẹ bớt lời phán đó, và sau khi cắt nghĩa tóm tắt ý kiến của mình về vấn đề ấy, ông đẩy chồng giấy ra và bảo: – ông cứ làm như thế cho, ông Zacari Nikititr ạ.

Viên thư ký ngượng ngập, rút lui. Trong khi họ nói chuyện, Levin đã hoàn toàn bình tĩnh lại; chàng vẫn đứng tỳ khuỷu tay vào chiếc ghế tựa, và nét mặt lộ vẻ chăm chú mỉa mai.

– Mình không hiểu, mình không hiểu, – chàng nói.

– Cậu không hiểu cái gì? – Oblonxki mỉm cười vui vẻ hỏi và lấy ra một điếu thuốc lá. Ông chờ Levin thốt ra một điều gì kỳ cục.

– Nhưng mình không hiểu các cậu làm cái gì thế, – Levin nhún vai nói. – Làm sao mà cậu có thể làm việc đó nghiêm túc được nhỉ?

– Tại sao?

– Vì… cậu chả có việc gì phải làm cả.

– Cậu tưởng thế chứ, tụi mình đang bù đầu vì công việc đấy.

– Toàn chuyện giấy tờ cả thôi; nhưng cậu có khiếu về mặt ấy đấy, – Levin nói thêm.

– Nghĩa là cậu cho rằng mình còn thiếu một cái gì phải không?

– Có thể, – Levin nói. – Nhưng dù sao mình vẫn thán phục cái điệu bộ trịnh trọng của cậu và hãnh diện có được người bạn là một nhân vật quan trọng đến thế. Với lại cậu chưa trả lời câu hỏi của mình, – chàng nói tiếp, gắng tự chủ để nhìn thẳng vào mắt Oblonxki.

– Được, được, không chóng thì chầy thế nào rồi cũng đến lượt cậu cho mà xem. Chừng nào cậu còn có ba ngàn mẫu trong quận Karazino, bắp thịt còn rắn chắc như bây giờ và tươi tắn như một em bé gái mười hai tuổi, thì mọi việc đều êm đẹp, nhưng cả cậu nữa, rồi cậu cũng đến như bọn mình thôi. Còn điều cậu hỏi mình, thì chẳng có gì thay đổi cả, nhưng có điều đáng tiếc là cậu bẵng đi quá lâu không đến chơi đằng ấy.

– Tại sao, – Levin sợ hãi hỏi.

– Bởi vì… – Oblonxki đáp. – Ta sẽ nói chuyện đó sau. Cậu về đây có việc gì?

– Điều đó ta cũng sẽ nói chuyện sau, – Levin nói, mặt đỏ dừ lên.

– Được, mình hiểu rồi, – Xtepan Arcaditr nói. – Cậu ạ, lẽ ra mình định mời cậu về nhà kia đấy, nhưng vợ mình lại hơi mệt. Nếu cậu muốn gặp họ, chắc chắn là từ bốn giờ đến năm giờ thế nào họ cũng có mặt ở vườn thú đấy, Kitti vẫn trượt băng tại đó. Cậu cứ đến đấy, mình sẽ tới tìm cậu và ta sẽ cùng đi ăn chiều với nhau.

– Tốt lắm, vậy thì lát nữa nhé.

– Coi chừng đấy, mình biết cậu lắm: cậu có thể quên phắt đi hoặc đùng đùng trở về nông thôn! – Xtepan Arcaditr cười, nói to với Levin.

– Không, nhất định mình sẽ đến.

Và Levin rời khỏi phòng làm việc, đúng lúc bước ra khỏi cửa chàng mới sực nhớ là đã quên không chào các bạn đồng sự của Oblonxki.

– Ông ấy có vẻ cương nghị lắm, – Grinevitr nói, khi Levin đi khỏi.

– Phải, ông bạn thân mến ạ, – Xtepan Arcaditr gật đầu nói, – đó là một anh chàng sung sướng! Ba nghìn mẫu ở quận Karazino! Trước mặt cậu ta có tất cả, con người mới tươi tắn làm sao! Thật không giống như chúng ta đây…

– Ông thì cũng chả có gì phải phàn nàn, ông Xtepan Arcaditr ạ.

– Có chứ, mọi việc đều lung tung beng, – Xtepan Arcaditr vừa nói vừa thở dài.

Chương 5

Khi Oblonxki hỏi chàng đến Moxcva có việc gì, Levin đỏ mặt rồi lại tự giận mình vì đã đỏ mặt, bởi lẽ chàng không thể trả lời: “Mình đến xin cưới cô em vợ cậu đấy”. Vậy mà, chàng ra đây chỉ vì cái việc duy nhất ấy.

Hai gia đình Levin và Serbatxki, hai gia đình quý phái lâu đời ở Moxcva luôn đi lại thân thiết với nhau. Mối quan hệ đó càng thêm khăng khít trong những năm Levin đi học. Chàng chuẩn bị thi và vào trường Đại học cùng một lúc với hoàng thân trẻ tuổi Serbatxki, anh của Doli và Kitti . Thời kỳ đó, Levin rất năng lui tới nhà Serbatxki và mê tất cả nhà. Kể ra thì cũng thật kỳ dị, nhưng quả là Conxtantin Levin phải lòng tất cả gia đình, và đặc biệt là phái nữ trong nhà Serbatxki.

Levin không còn giữ được kỷ niệm nào về mẹ mình, và chàng chỉ có một người chị, thành thử chính ở nhà Serbatxki, chàng đã làm quen với cái môi trường phong nhã và học thức của những gia đình quý phái lâu đời, mà vì bố mẹ mất sớm, chàng không được hưởng. Tất cả những người trong gia đình ấy, và chủ yếu là phái nữ, đối với chàng, dường như có một vầng hào quang thơ mộng và huyền bí bao quanh, chẳng những chàng không hề nhìn thấy ở họ một khuyết điểm nào, ngược lại, chính là để có ánh hào quang thơ mộng đó mà chàng gán cho họ những hoài bão cao cả nhất và tất cả những gì toàn thiện toàn mỹ có thể có trên đời. Tại sao ba cô tiểu thư trẻ măng kia cứ phải xen kẽ một ngày nói tiếng Pháp rồi lại một ngày nói tiếng Anh?

Tại sao vào những giờ nào đó, các cô cứ thay nhau ngồi vào dương cầm, tiếng đàn vẳng lên mãi tận phòng anh trai, nơi tốp thanh niên đang học tập? Tại sao các giáo sư dạy văn học Pháp, âm nhạc, hội họa và khiêu vũ cứ diễu đi diễu lại trong nhà? Tại sao, cứ đúng vào một giờ cố định, ba tiểu thư lại mặc áo choàng xatanh (Doli mặc một cái dài lê thê, Natalia một cái dài vừa và Kitti một cái ngắn tũn lộ cả đôi chân thon lẳn đi tất đỏ căng) cùng cô Linong 1 đi xe ngựa đến tận đại lộ Tve? Tại sao các tiểu thư cứ phải dạo chơi trên đại lộ Tve dưới sự hộ tống của tên hầu đeo phù hiệu vàng óng trên mũ? Tất cả những điều đó, chàng đều không hiểu nổi, cũng như phần lớn sự kiện xảy ra trong thế giới huyền bí của họ, nhưng chàng biết chắc tất cả những gì xảy ra ở đó đều tuyệt diệu và đúng là chàng đã mê cái không khí huyền bí đang bao quanh họ.

Trong những năm ở trường Đại học, chàng suýt phải lòng cô chị cả Doli, nhưng người ta đã sớm gả cô cho Oblonxki. Thế là chàng bắt đầu mê cô em. Chàng lờ mờ cảm thấy mình phải mê một trong mấy chị em mà không thể xác định dứt khoát là cô nào. Nhưng lại đến lượt Natalia, ngay sau khi xuất hiện trong giới thượng lưu, đã lấy luôn nhà ngoại giao Lvop. Khi Levin rời khỏi trường Đại học thì Kitti hãy còn là một cô bé. Chàng Serbatxki trẻ tuổi gia nhập hải quân, đã bị chết đuối ở biển Ban Tích, và sự lui tới giữa Levin với gia đình Serbatxki thưa dần, mặc dầu tình bạn của chàng đối với Oblonxki vẫn thân thiết. Nhưng vào đầu mùa đông năm nay, sau một năm ở nông thôn, khi Levin đến Moxcva và gặp lại gia đình Serbatxki, chàng chợt hiểu duyên số đã định mình phải yêu người nào trong ba chị em.

Cứ xét bề ngoài thì đối với chàng, chẳng có gì đơn giản hơn việc hỏi quận chúa Serbatxki làm vợ: ba mươi hai tuổi, con nhà gia thế, nói cho đúng là giàu có, xem ra rất có thể người ta sẽ coi chàng là một đám tốt. Nhưng Levin yêu Kitti và đối với chàng, Kitti dường như hoàn hảo hết sức về mọi phương diện, một con người vượt hẳn lên trên mọi sự ngẫu nhiên, còn bản thân chàng thì tự coi mình chẳng ra gì và quá ư phàm tục, đến nỗi ngay cả trong ý nghĩ, chàng cũng không sao hình dung nổi mọi người và bản thân Kitti lại có thể coi chàng là xứng đôi với nàng được.

Sau khi sống ở Moxcva hai tháng như trong giấc mộng, hầu như ngày nào cũng gặp Kitti trong giới xã giao, nơi chàng đến để tìm gặp nàng, bỗng nhiên Levin cả quyết là chuyện không thể thành được và trở về trang trại. Chàng tin chắc cha mẹ nàng đánh giá mình chưa đủ điều kiện là chàng rể xứng với Kitti kiều diễm, và chính Kitti cũng không thể nào yêu chàng. Dưới mắt cha mẹ Kitti, chàng không có công việc thường xuyên và dứt khoát nào cả, chẳng có địa vị gì trong giới thượng lưu, trong khi các bạn bè, vào lúc chàng đã ba mươi hai tuổi đầu, người là đại tá cận vệ, người là giáo sư, kẻ là giám đốc ngân hàng hay giám đốc hoả xa, hoặc chánh án như Oblonxki; còn chàng (chàng biết rất rõ những điều người ta có thể nghĩ về mình), chàng chỉ là anh điền chủ, nuôi bò cái, săn chim dẽ, xây nhà dựng cửa; vậy chàng chỉ là kẻ bất tài, không làm gì nên thân và trước mắt xã hội, chẳng kiếm được công việc gì khác ngoài những chuyện dành cho bọn vô tích sự.

Bản thân Kitti, huyền bí và xinh đẹp, làm sao có thể yêu một anh con trai xấu như vậy (chàng tự cho là xấu trai), nhất là lại thô sơ và tầm thường đến thế. Hơn nữa, những quan hệ cũ giữa chàng với Kitti (những quan hệ giữa một người lớn hẳn hoi với một cô bé, hậu quả tình bạn giữa chàng với anh trai Kitti ), đối với chàng, hình như cũng là một trở ngại khác cho mối tình. Một gã thanh niên trung thực, mã người chẳng có gì là ưa nhìn (chàng tự xét mình như thế), có thể khiến người ta muốn đánh bạn – chàng nghĩ bụng – nhưng muốn được yêu như chàng đã yêu Kitti, thì cần phải điển trai và nhất là phải…

độc đáo.

Chàng từng nghe nói phụ nữ thường hay yêu những anh đàn ông xấu xí và kém cỏi, nhưng chàng không tin vì chàng cứ suy từ bụng mình thì biết, chàng chỉ có thể yêu một người đàn bà đẹp, huyền bí và độc đáo.

Tuy nhiên, sau hai tháng sống một mình ở nông thôn, chàng xác định rõ lối sống đó không còn là một cám dỗ tương tự như hồi còn trẻ măng, cảm giác đó không để chàng yên ổn lấy một phút, chàng sẽ không thể sống nổi nếu chưa được biết đích xác liệu nàng có thể trở thành vợ mình hay không, nỗi tuyệt vọng của chàng mới chỉ là do tưởng tượng thôi và chưa có gì chứng tỏ chàng sẽ bị từ chối. Thế là chàng đáp xe lửa đi Moxcva với quyết tâm sẽ tỏ tình và sẽ cưới nàng nếu được đồng ý. Hoặc là… nhưng chàng không dám nghĩ đến những điều sẽ xảy đến với mình, nếu bị cự tuyệt.

 

 

Leave a comment