Tình yêu sau cùng (Chương 9-10)

Pearl Buck

Chương 9

Tối nay Lê Ni về rồi, nó lẩm bẩm:- Đáng lẽ mẹ chẳng nên nói cả một lúc cho nàng biết một lần như thế.- Mẹ có nói hết đâu?Lê Ni nói như nghẹt thở:- Nàng đâm ra suy nghĩ khi nàng biết tại sao con có vẻ khác người.Tôi những muốn ôm con vào lòng, nhưng làm như vậy chắc nó giận dữ. Tốt hơn là bảo nó sự thật:- Con phải tập hứng chịu cái bản chất của mình. Con có một phần dòng giống Trung Hoa. Con sẽ không bao giờ sung sướng một khi con không hãnh diện về mình.Tôi hôn vào má Lê Ni. Gia đình A Lệ không thể hợp với con tôi. Nó cần phải hiểu như vậy. Nỗi buồn sẽ qua đi, rồi con tôi sẽ gặp người đàn bà vừa ý có thể giao phó cả cuộc đời sau này.*Nhân việc này lại tự hỏi vì sao tôi lại lấy Diên Tôn? Còn nhớ một buổi sáng mùa xuân trong niên học cuối ở đại học, tay ôm sách tôi đi vội vã đến giờ học triết lý. Tôi đến chậm vì lơ đãng ngắm cảnh đẹp vạn vật vào mùa này, khi tôi trông thấy Diên Tôn chạy xuống các bậc phòng học mà tôi sắp vào, với một dáng điệu thật đẹp. Làm sao tôi quên được ánh mặt trời lóng lánh trên mớ tóc đen, cặp mắt huyền sắc sảo, làn da ngà mịn màng của chàng? Chúng tôi không trao đổi một lời nào, chỉ nhìn nhau, mà cũng đã quyết định cho đời tôi rồi. Tôi muốn biết tên chàng, nói cho chàng rõ, chàng đã là của tôi.Không phải một ngày, một tuần, cả một tháng trời tôi ngây ngất về sắc đẹp khác thường của chàng. Muốn được nói với chàng, tôi thu xếp giờ học để cùng ra trường một lần với chàng. Chàng rất rụt rè, nhưng cũng không rời được tôi. Một buổi kia, tôi mời chàng về nhà. Tôi đã yêu thương chàng thật rồi!Sau cùng chàng cũng tỏ tình yêu với tôi. Ôi! Mới dài làm sao, trước khi chàng quyết định, ba tháng, có lẽ đến bốn tháng! Tôi tưởng như chàng không bao giờ dám thổ lộ nữa.- Tôi không biết nếu em có thể coi tôi như một người bạn được không?Chàng đưa lưỡi liếm cặp môi khô.Tôi cười, nói quả quyết, lòng tràn ngập sung sướng:- Cố nhiên, cố nhiên là được.Sau ngày cưới, khi tôi hỏi tại sao ngày hôm đó chàng bối rối thế, chàng ngập ngừng trả lời:- À! Chỉ vì… anh nghĩ không bao giờ… yêu được một thiếu nữ Mỹ.Tôi trêu đùa chàng:- Thật sao? Vậy anh lấy ai, nếu không phải em?Chàng trả lời nghiêm nghị:- Anh vẫn nghĩ sẽ lấy một người Tàu. Đó là nguyện vọng của mẹ anh.Đó là điều chàng nói với tôi đã lâu lắm rồi. Nay tôi ngắm chân dung của mẹ chàng. Không phải là một khuôn mặt lạnh lùng. Trong đáy mắt trầm lặng của một thiếu phụ Trung Hoa, tôi cảm thấy cả một tâm tình nồng nhiệt. Chúng tôi có thể là cặp bạn thân thiết, nếu không vậy bà coi tôi là kẻ thù ngay. Sự quyết định là ở bà. Tôi chưa bao giờ nghĩ sai lầm về người đàn bà Tàu, ngay đối với thiếu nữ trẻ đang tươi đẹp như hoa. Người đàn bà Tàu là người nhiều nghị lực nhất.Mặc dù phục tùng bề ngoài, họ chưa dễ bao giờ chịu nhượng bộ. Sự dũng cảm đó đã từ ngàn xưa di truyền lại, sức mạnh của những kẻ bị bỏ rơi. Ở Trung Hoa, chỉ có con trai được hoan hỉ tiếp nhận trong xã hội. Chúng được nuông chiều, bảo vệ, thương yêu. Còn con gái bó buộc phải chấp nhận tình trạng lép vế qua đời này sang đời nọ, nên họ quen chỉ nghĩ đến mình trước tiên.Tôi bỏ tấm hình vào ngăn khoá lại, nhưng nó vẫn ám ảnh tôi. Ngày hôm nay là thứ bảy, ông cụ và tôi ngồi đối diện ăn bữa sáng, vì Lê Ni đi câu cá. Tôi không thể yên, lại khơi câu chuyện về bà mẹ của Diên Tôn:- Thưa ông, chắc ông còn nhớ đã nói chuyện với con về mẹ của Diên Tôn bữa nọ? Con muốn ông nói rõ cho con biết thêm.Ông ăn từ tốn, dùng đôi đũa như mỗi lần tôi mời ông ăn cơm. Rồi đặt đũa xuống, ông nói:- Con muốn biết thế nào nữa?- Con có bức ảnh của bà để trên lầu.Ông tái mặt:- Tại sao có?- Trong một tạp chí.Tôi không thể thú thật với ông là do Diên Tôn gửi cho.- Con mang cho ta xem.Tôi chạy lên lầu lấy chiếc ảnh và đem xuống đặt trước mặt ông. Ông cụ nói từ tốn:- Phải rồi, ta nhận ra bà. Có thay đổi.- Trước bà thế nào?- Khi ta vén chiếc khăn choàng mặt cô dâu, ta thấy bà thật đẹp.- Thưa ông đúng thế ạ?- Nhưng sau đó, ta không thấy chắc chắn nữa. Bà nhìn ta với bộ mặt khác lạ.- Tại sao vậy?- Ta cũng không hề hỏi bà. Chúng ta không thân thiết với nhau lắm để tiện hỏi chuyện đó.Ông cầm đũa và tiếp tục ăn. Tôi tự hỏi xưa kia người thiếu phụ Trung Hoa này có yêu ông không, và trước sự lạnh nhạt của ông, bà có ý lấy lại đứa con không? Còn ai nói cho tôi biết được nữa?*Tối nay, vầng trăng soi sáng đỉnh núi và cả thung lũng chìm đắm trong bóng đêm. Những viên đá sỏi trên đường lóng lánh như bạc, tôi nhận thấy ngay sau đó hai bóng người quàng vai nhau đi chậm chạp dưới bóng các cây lớn, Lê Ni và A Lệ. hai người đi xa dần và biến mất trong rừng phong.Một sự thay đổi đã diễn ra trong tháng này với tuần trăng mới. Lê Ni trở nên trầm lặng, luôn luôn nó vội vã, không phải vì công việc nhưng vì một nỗi nóng nẩy trong lòng. Nó đi đi lại lại không nói năng gì, khi thoáng gặp mắt tôi đăm đăm nhìn thì nó lại quay ngay đi.Tối qua tôi nấn ná ở ngoài hiên quá nửa đêm chưa vào. Gió mát tôi choàng khăn len đỏ lên đầu. Lúc đó tôi trông thấy Lê Ni trèo lên sườn núi thật lanh lẹn. Trong bóng tối, hình dáng của nó rõ ra người lớn rồi, cao và khoẻ mạnh. Nó trông thấy tôi, đáng lẽ tìm gặp tôi trên hiên nhà, thì nó lại tiến thẳng về phía cửa bếp. Tôi không thể ngăn gọi nó:- Lê Ni!Nó ngừng lại, tay cầm nắm cửa:- Vâng.- Con hãy lại đây.Không nói lời nào, nó yên lặng đi lại phía tôi.Nó hỏi:- Mẹ ngủ muộn thế?- Ta đợi con.Tiếng nói của nó nay rõ ra giọng người lớn:- Mẹ không cần phải đợi con.- Mẹ không thể ngủ được khi không biết con hiện ở đâu.- Rồi mẹ sẽ quen đi.Tôi hơi bực mình tuy biết Lê Ni nói có lý, nhưng tôi không thể im lặng mãi.- Mẹ biết tối nào con cũng đi với A Lệ, và mẹ không sao mến nàng được.Đó là lần đầu tiên nói rõ cho nó biết, tôi không mến thương người con gái nó bắt đầu yêu. Nếu Diên Tôn ở gần, ít nhất tôi có thể thảo luận và nghe ý kiến chàng.- Lê Ni, con ngồi đây. Chưa lấy gì làm muộn, mẹ có ít lời nói với con.Nó ngồi trên bức tường thấp ngoài hiên, lưng quay về phía mặt trăng, nó ở trong bóng tối, còn tôi trông ra ánh sáng.- Chính là ta không ưa A Lệ. Nàng cũng như bao thiếu nữ khác, xinh xắn, dễ thương nhưng nông nổi. Nàng sẽ làm cho người đàn ông không nhiều ước vọng sung sướng, cũng như nàng chỉ có chút ít tình yêu và hạnh phúc đó sẽ được trả lại vì hai người bù đắp cho nhau. Nhưng Lê Ni, đối với con, phải cả một bể tình một nguồn nước sôi nổi không bao giờ khô cạn, phải cần một người đàn bà với tấm lòng sâu xa, tình thương yêu tràn ngập. Một khi con tìm thấy người đó, con hãy tin mẹ, không còn bao giờ mẹ chờ đợi con về nữa.- A Lệ nói mẹ ghen tị với cô ấy!- Vì nàng biết không phải là người hợp với con và cũng thừa hiểu mẹ rõ điều này.Đến lúc trao đổi lời không sao cứu vãn được và trên bờ vực thẳm nên tôi cố trấn tĩnh:- Nếu mẹ chú ý đến việc con yêu một người đàn bà có thể làm cho con hết sức sung sướng, chẳng qua cũng vì mẹ nghĩ đến diễm phúc mẹ đã được hưởng với cha con. Trước sau mẹ chỉ yêu cha con, và cha con cũng vậy. Mẹ biết như vậy chẳng hợp thời lúc này. Ngày nay, người ta tưởng rằng phải thí nghiệm với tình yêu. Điều đó quả đúng với người nông nổi. Nhưng không thể hợp với người có tấm lòng yêu thương sâu sắc thì thật hiếm. Cha con và mẹ là còn loại người này. Tình yêu ư? Chúng ta càng hoàn toàn hơn nữa, vì từ trước chúng ta chưa trao đổi cho một ai. Mẹ quả quyết với con điều đó là đúng.Lúc này tôi mới thấy không cho Lê Ni xem bức thư dấu trong ngăn kéo là phải. Mặc dù ý nghĩa của lá thư, tôi biết Diên Tôn chỉ yêu mãi mãi có tôi. Nhưng Lê Ni hiểu sao được, và sau đây cũng chẳng bao giờ hiểu, nếu nó không tìm được người bạn trăm năm xứng đáng.Nó nói một lời khá tàn nhẫn:- Như vậy tại sao cha con không còn viết thư cho mẹ nữa?- Điều đó có gì lạ. Cha con chắc còn phải có lý lẽ riêng, không liên hệ đến con và đến mẹ. Trong đời này, người thương yêu nhau thường bị chia ly. Nhưng như vậy không thể để mối tình tiêu tan được. Cần phải chờ đợi và không ngừng yêu thương mới được.Chính cho bản thân tôi và cho cả Lê Ni, tôi giảng bài luân lý này.Nó đứng dậy ôm chầm lấy tôi.- Mẹ đừng giận con. Mẹ hiểu nhầm A Lệ. Nàng xứng đáng mẹ ạ. Nhưng dù sao, con không phải là cha con, và nàng không phải là mẹ, mỗi người phải sống cuộc đời riêng của mình.Như vậy còn biết nói sao?- Chào mẹ.- Chào con.Tôi nghe thấy tiếng chân con tôi bước mạnh trên cầu thang, từ bếp dẫn lên phòng nó. Mùa hạ năm nay, Lê Ni đã rời ở sát phòng tôi, từ ngày chúng tôi trở về đây, để sang căn phòng ở ngay trên bếp. Tôi biết tại sao, như thế nó có thể đi qua lại không phải qua trước cửa phòng tôi để được tự nhiên hơn. Nếu A Lệ là thiếu nữ tôi hằng mơ ước cho nó, điều đó không có gì quan hệ. Chao ôi! Còn người mẹ nào có thể cứu vãn con mình được! Họ chỉ còn biết dò xét, đợi chờ, nắm chặt thất vọng. Tin chắc con tôi không hiểu, khi tôi nói đến mối tình đằm thắm sâu xa. Tôi thương A Lệ vì con tôi đòi hỏi quá nhiều mà nàng không bù lại được. nàng sẽ đau đớn không đáp lại được tình yêu khẩn thiết để chiều đầu óc nàng và không làm vừa lòng được người mình yêu. Chính A Lệ là người đáng thương. Phải cứu vãn Lê Ni, cố nhiên rồi, nhưng cũng phải che chở nàng nữa.

Chương 10

Sáng nay Lê Ni vui vẻ. Nó tưởng đã giải quyết xong vấn đề giữa chúng tôi, và cảm thấy phấn khởi. Từ ở trên lầu xuống, dáng điệu hăng hái vui lên, hôn má tôi rồi ngồi vào bàn ăn sáng.Nó nói, giọng trong trẻo và mạnh dạn:- Con cần phải phát quang các bụi rậm trên vườn cây. Bác Mạch có thể giúp con một tay sau khi dọn xong vựa thóc được không?- Mẹ nghĩ chắc là được.Nó có vẻ bận rộn, còn tôi bận rửa bát đĩa và dọn dẹp nhà cửa. Lê Ni bảo tôi nên mua một chiếc máy rửa bát đĩa, nhưng tôi không muốn. Tôi ưa thích khoảng khắc yên tĩnh di dưỡng tinh thần này sau những bữa ăn, khi bàn tay nhúng vào nước ấm với bọt xà phòng và để mắt lơ đãng ngắm cảnh trí ngoài khung cửa sổ. Vả nữa, tôi yêu mến bộ bát đĩa của tôi. Có nhiều thứ tôi mang ở Bắc Kinh về, còn ra là của mẹ tôi để lại, dùng từ hồi còn bé. Tôi không sao hiểu được có người đàn bà thường than phiền về nhà cửa, chồng con họ. Đó là bổn phận hàng ngày của chúng ta, phải yêu mến công việc đó. Tôi không ưa thích những sự mới lạ. Cần phải có thời gian mới quen được với chúng và người ta cũng chẳng nên thay đổi đồ cũ làm gì. Một chiếc đĩa vỡ hoặc mất cũng làm mất đi một mẩu đời của mình.Chẳng hạn như sáng nay, tôi bỏ ra chồng bát sứ Tàu men xanh và vàng. Chao ôi! Rửa chiếc bát của tôi không may tôi đánh vỡ, vỡ làm ngàn mảnh trong chậu. Không ngăn được giọt lệ cứ rơi. Tôi nhặt mảnh vụn đem chôn vùi dưới gốc cây táo già gần cửa ra vào.Khi tôi trở vào bếp, ông cụ đang đợi bữa ăn. Ông già đi nhiều và trở lại tuổi thơ. Tôi choàng khăn lên cổ ông, nhưng ông cũng chẳng buồn cầm chiếc thìa, tôi phải súc cho ông ăn. Ông ăn yên lặng, kiên nhẫn, mắt nhìn trong khoảng trống không.Ăn xong bát cơm, ông bảo tôi:- Thôi ta đi ngủ đây.- Cha nên ra ngoài trời một lúc.Ông lắc đầu nên tôi phải dỗ dành:- Ông có nhớ nhiều cụ già ở Bắc Kinh ngồi tựa lưng vào tường hứng nắng không? Họ không đi nằm ngay sau bữa ăn sáng. Họ yêu chuộng mặt trời. Buổi nay trời êm ả, không có gió.Ông ngoan ngoãn đứng dậy và tôi quàng chiếc khăn vào cổ ông cụ, tôi cầm tay dẫn ông ra ngoài hiên, đặt ngồi trên chiếc ghế dài kê sát tường. Ông ngồi yên lặng ở đấy, mắt nhắm lại như người ngủ và tôi quên hẳn ông ngồi ở đấy.Buổi trưa, tôi ngượng ngùng chạy vội ra ngoài và thấy ông thở hổn hển dưới ánh nắng, mặt đỏ bừng, mắt oán giận:- Thế bây giờ ta đi nằm được chưa?- Vâng, được rồi, sau khi cha ăn quả trứng với cơm và uống chén trà đã.Ông không phản đối, ăn bát cơm và khoan khoái uống chén trà Tàu. Sau đó tôi dẫn ông vào giường và ông ngủ ngay. Mặt trời và thoáng khí đã làm ông dễ chịu hơn, nhưng tại sao tôi lại lãng quên ông được? Thật tôi quá ích kỷ chỉ nghĩ riêng đến con mình!Vậy mà vừa làm công việc dọn dẹp nhà cửa, tôi suy nghĩ và những ý nghĩ của tôi rạng tỏ ra. Không còn lúc nào suy tưởng hay hơn lúc này. Hoạt động về thân thể làm máu huyết lưu thông và trí óc bừng dậy…Tôi phải tìm gặp mẹ của A Lệ mới được.*Khi tôi đẩy cổng hàng rào tôi thấy bà Vũ ngồi dưới hiên. Ngôi nhà tầm thường, nhưng mỹ miều với bức tường màu trắng, cánh cửa màu xanh và các thửa vườn hoa cách biệt nhau bằng nhiều con đường nhỏ.Bà Vũ đang đan đăng ten. Bà đứng dậy khi tôi tới bậc thềm.Bà vào tuổi trung niên, thân tròn trĩnh, khuôn mặt tròn và dễ thương, đó là một người đàn bà có thể gặp bất cứ ở đâu, dưới tất cả các mái hiên trên cõi đời này, một người đàn bà đảm đang, hơi chút rụt rè.Bà nói vẻ cảm động:- Xin mời bà vào.- Tôi là bà Mạc Lê ở trên sườn đồi gần đây.- Tôi biết cậu Lê Ni con trai bà. Xin mời bà vào. Ở trong nhà dễ chịu hơn. Buổi nay họ quấy rầy quá, tôi sửa soạn sắp vào nhà.Tôi theo bà vào một hành lang hẹp, giải thảm đỏ, ở đầu hành lang có thang dẫn lên gác. Về phía mặt, tôi thấy phòng ăn và bên trái là phòng khách hơi rộng, đủ tiện nghi, như chào đón khách. Một vài tờ tạp chí xếp trên một chiếc bàn thấp, gần chiếc đi văng, nhưng tôi chẳng thấy có quyển sách nào. Làm sao Lê Ni sống được trong một gia đình không có sách vở.Bà Vũ nói:- Xin mời bà ngồi trên ghế này. Đó là chiếc ghế của chồng tôi đủ tiện nghi nhất.Cặp mắt màu xám lóng lánh, bà nhìn thật dễ thương. Tôi ngồi xuống ghế nhập đề ngay:- Chắc bà rõ Lê Ni và A Lệ gặp nhau luôn. Tôi muốn biết bà nghĩ sao về việc này. Cả hai còn trẻ quá…Khuôn mặt ngây thơ của bà bỗng trở nên băn khoăn. A Lệ trông xinh hơn mẹ, có giống bà là ở thân hình tròn trĩnh, còn những đường nét rắn rỏi có lẽ giống bố.- Quả vậy, chúng còn trẻ cả. Nhà tôi và tôi rất băn khoăn. Cố nhiên chúng tôi muốn A Lệ được tự do quyết định. Nhưng mãi sang năm cháu mới học hết trung học. Và tôi không muốn cháu bỏ dở học hành.Tôi kêu lên:- Trời ơi! Không được! Về phần Lê Ni cũng sắp vào đại học. Sau đó cháu sẽ qua Châu u vài năm và có lẽ sang Trung Hoa không chừng, vì hiện nay cha cháu đang ở đấy.Vẻ sợ hãi hiện trên nét mặt của bà bạn láng giềng mới của tôi.- Ở Trung Hoa? Nhưng ai đến đó được, thưa bà có đúng vậy không?- Vâng, trong lúc này thì đúng. Nhưng tôi mong có thể một ngày kia Lê Ni đến gặp cha cháu, khi tình hình khá hơn.- Ông thân cháu Lê Ni là… người Trung Hoa sao?Bà Vũ nói câu này giọng buồn thảm.- Không, hoặc ít nhất cũng không phải thế. Cha chồng tôi, ông nội của Lê Ni là người Mỹ. HIện ông đang ở với chúng tôi. Chồng tôi là khoa trưởng một trường đại học lớn bên Trung Hoa. Chồng tôi cho rằng vì bổn phận nên phải ở lại.Sự thật cần phải tỏ rõ thêm và tôi nói tiếp:- Bà xem mẹ chồng của tôi là người Trung Hoa mà.Bà Vũ kêu lên:- Thật sao? Vì thế khi biết Lê Ni… chúng tôi lại tưởng cháu lai giòng máu Ấn Độ.- Thế Lê Ni không nói gì với A Lệ à?- Không. Tôi chắc là không.- Như vậy tôi rất hài lòng nói để bà rõ. Tốt hơn là bà nên biết trước khi quá muộn.- Tôi tin như vậy.Hai bàn tay tròn trĩnh của bà nắm chặt trên đầu gối. Bà ngẩng mặt lên vừa gặp mặt tôi. Bà nói:- Bà bạn đáng thương của tôi. Phải là một điều đáng sợ hãi cho bà, có phải vậy không?- Có gì? Lê Ni sao?- Không, tất cả câu chuyện của bà là lấy một người ở tận cùng thế giới bên kia. Đó là một người Trung Hoa.- Chồng tôi là người Mỹ. Bà mẹ chồng tôi khai sinh cho con ở toà đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh và cả Lê Ni cũng khai sanh ở đó.- Vâng, nhưng cuối cùng vẫn không phải như một thông lệ.- Tôi rất sung sướng. Quá sung sướng nên tôi cũng muốn Lê Ni được sung sướng như vậy. Không khi nào tôi để cho con tôi lấy một thiếu nữ có nguồn gốc Trung Hoa. Tôi muốn người con gái phải hãnh diện vì thế, nàng phải hiểu rằng ở địa vị một người đàn ông như vậy không gì phong phú bằng, tôi có thể nói ngay với người đàn ông Mỹ nữa.Bà sao hiểu được sự suy luận của tôi. Bà cố gắng, thật đáng thương và tôi càng thấy có thiện cảm với bà. Tôi mong rằng chúng tôi sẽ thành bầu bạn và có thể nói chuyện đàn bà với nhau. Tôi cũng cần có một người bạn gái. Vợ của Mạch hiền lành, nhưng ngu độn, vả nữa nàng hay cãi cọ với chồng luôn. Hai người sống ở phía đồi bên kia, vì con cái đều vắng nhà. Khi tiết trời xấu, tôi lại thấy Mạch càu nhàu: Ỗi! Con mẹ này giết tôi, đã cả bốn mươi năm nay! Và khi tôi mang rau tặng cho bà Mạch, bà cũng than phiền chồng dữ tợn, bướng bỉnh chỉ cạo râu mỗi tuần một bận, về cảnh ngục tù bà phải chịu đựng với chồng trong bốn mươi năm. Nhưng bà Vũ, trái lại là một người đàn bà sung sướng.Giữa lúc này ông Vũ về. Ông là một người mảnh dẻ, đầu sói, mắt xanh biếc. Sau đó tôi được biết ông hiện đang nghỉ thường niên. Ông làm việc trong một sở kế toán ở bang New Jersey.- Tôi là láng giềng của ông bà và không dấu gì ông, tôi tới đây về chuyện con trai và con gái ông bà.Bà Vũ nói giọng đầy ý nghĩa.- Bà Mạc Lê nói chồng bà là người Trung Hoa.Tôi nói lớn:- Không, không, tôi nói với bà chàng là người Mỹ, Mẹ chàng là người Trung Hoa. Bà thuộc một gia đình vọng tộc. Bà chết rồi.Ông Vũ kêu lên:- Trời ơi! Tôi tưởng chưa bao giờ thấy có sự pha trộn như thế này!Hiển nhiên là ông Vũ thấy chướng tai, nhưng ông đâu muốn làm mất lòng tôi. Ông thương tôi mà không biết ăn nói làm sao.Tôi đứng dậy, vẻ vui tươi:- Xin cảm ơn ông bà. Ông bà đừng băn khoăn làm gì, Lê Ni sắp vào đại học và thanh niên tính dễ quên thôi. A Lệ xinh xắn thế làm gì chẳng có nhiều người cầu hỏi.Họ chộp ngay lấy dịp may.Bà Vũ nói vẻ kiêu hãnh:- Cháu được nhiều bạn trai yêu mến lắm.Giữa lúc này A Lệ bước vào. Má nàng đỏ hồng. Nàng mặc chiếc áo dài trắng, cụt tay, vừa ngắn vừa bó sát mình, mà chỉ thiếu nữ xinh đẹp mới dám mặc lối này.A Lệ mỉm cười nói:- Chào bà Mạc Lê.- Tôi chỉ sợ Lê Ni tối qua ở chơi khuya quá. Tôi đã mắng cháu.- Ỗ! Cháu có dư thì giờ để ngủ.Nàng ngồi xuống đi văng, cạnh bố. Ông Vũ quàng tay lên vai con.- Thế nào, con yêu của cha ra sao?- Khá lắm.A Lệ dựa đầu vào vai ông Vũ. Bà Vũ nhìn hai bố con một cách trìu mến. Bà nói khẽ:- Hai cha con thân thiết như cặp bạn.Tình thương yêu của hai người đối với con gái thật cảm động. Họ muốn tôi đi cho khuất, vì họ không muốn nói chuyện với con trước mặt tôi. Cố nhiên tôi xin lỗi đứng dậy, không hề tỏ ra là chúng tôi vừa xếp đặt lại cuộc đời. Chúng tôi ngừng lại một chút ở ngoài hiên, ngắm những bông dã yên thảo trồng ở hai bờ con đường nhỏ và tôi về nhà.Khi Lê Ni xuống ăn bữa chiều, tôi không có dịp nói chuyện cho nó biết cuộc viếng thăm của tôi. Nó ăn vội vàng hấp tấp về buồng thay quần áo. Một vài phút sau, nó chạy lướt qua gian bếp, mặc một chiếc áo sơ mi trắng toát và quần vải.Vừa chạy ra, nó vừa nói:- Chào mẹ.- Chào con.Bát đĩa rửa xong, ông cụ đi ngủ, tôi lên phòng tôi. Tối nay tôi ngủ được. Mặc dù sao, tôi sẵn sàng gặp con tôi vào buổi mai.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: