Phúc Lành Của Đất- Growth of the Soil (Chương 7)
Knut Hamsun
Một người đàn ông đi ngược con đường qua dãy đồi. Trời mưa gió; mưa thu đã bắt đầu, nhưng người này không màng tới điều đó, trông anh ta có vẻ vui mừng trong bụng, và đúng thế. Đó là Axel Ström, đang trở về từ thị trấn, từ phiên tòa các thứ. Họ đã phóng thích anh. Phải, một con người hạnh phúc. Đầu tiên là một cỗ máy cắt cỏ và một cỗ máy bừa dành cho anh ở bến tàu, và còn hơn thế, anh được tự do, không phạm tội. Không đóng vai trò nào trong việc giết chết một đứa bé. Phải, mọi chuyện có thể xoay vần thế đó!…
Nhưng những giờ khắc mà anh phải trải qua! Khi đứng đó với tư cách một nhân chứng, con người cần lao trên những cánh đồng này đã biết được những ngày khốn khổ nhất đời mình. Anh chẳng có lợi lộc gì khi làm cho tội lỗi của Barbro có vẻ to tát hơn, và vì lý do đó anh cẩn thận không nói quá nhiều, thậm chí anh đã không nói hết những gì mình biết; mỗi từ đều được cân nhắc, và anh trả lời hầu hết là với hai từ “Phải” và “Không”. Như thế là chưa đủ? Anh có nói thêm về nó hơn những gì đã có không? Ồ, nhưng có những lúc sự việc có vẻ thật sự nghiêm trọng; có những con người của Pháp luật, áo thụng đen và nguy hiểm; chỉ cần với một hai từ, họ có thể dễ dàng lật ngược lại toàn bộ mọi thứ nếu muốn, và phạt tù anh. Nhưng rốt cuộc họ là những con người tử tế, và không hề cố hủy diệt anh. Và, như sự vụ đã diễn ra, còn có những tác động mạnh mẽ để cố giải cứu Barbro, và tất cả những điều đó cũng có lợi cho anh.
Vậy thì anh phải buồn phiền vì cái quái gì nữa chứ?
Bản thân Barbro gần như không cố làm cho mọi chuyện trông tệ hơn mức cần thiết đối với ông chủ cũ, cũng là tình nhân của cô. Anh đã biết những điều kinh khủng về vụ này và một vụ khác sớm hơn cùng loại. Cô không thể là một kẻ ngu xuẩn như thế. Không, Barbro khá thông minh; cô nói một lời tốt đẹp cho Axel, và khai rằng anh không biết gì về việc cô mang thai cho tới sau khi mọi thứ đã xong xuôi. Có lẽ theo cách nào đó anh khác với những người đàn ông khác, và không phải lúc nào họ cũng hòa thuận với nhau, nhưng anh là một người đàn ông lặng lẽ, một người tốt theo mọi cách. Không, đúng là anh đã đào một cái huyệt mới và chôn cái thi hài xuống đó, nhưng đó là rất lâu về sau, bởi lẽ anh nghĩ rằng nơi đầu tiên không được khô ráo, dù thật ra nó khô ráo, và đó chỉ là do cách suy nghĩ kỳ quặc của Axel.
Vậy thì Axel cần gì phải sợ khi Barbro đã tự chuốc lấy mọi trách nhiệm về mình như thế? Còn về phần Barbro, có nhiều thế lực mạnh đang hoạt động.
Phu nhân Heyerdahl đã tham gia vụ án. Bà đã chạy vạy khắp nơi, từ cao đến thấp, không hề ngơi nghỉ, yêu cầu được triệu tập với tư cách một nhân chứng, và đã phát biểu trong tòa án. Khi tới lượt của mình, bà đứng đó trước tất cả bọn họ và thật sự là một đại phu nhân; bà phân tích vấn đề giết trẻ sơ sinh ở mọi khía cạnh, và cho các quan tòa nghe cả một bài diễn thuyết dài về đề tài này. Có vẻ như bà đã được chuẩn y trước để nói những gì muốn nói. Phải, những người này có thể nói hành nói tỏi về Lensmand Heyerdahl phu nhân, nhưng bà có thể phát biểu, và tỏ ra am tường đối với những vấn đề chính trị và xã hội, không còn ngờ gì về điều đó. Thật kỳ diệu khi bà tìm ra đủ từ để nói. Dường như thỉnh thoảng ngài chánh án muốn lái bà trở lại trọng tâm, nhưng có lẽ ông không nỡ cắt ngang, và mặc cho bà tiếp tục. Và vào cuối bài phát biểu, bà tự nguyện đưa ra một hai thông tin hữu ích, và đưa ra một đề xuất khiến cử tọa phải giật mình.
Gạt mọi thuật ngữ pháp lý sang một bên, câu chuyện diễn ra như thế này:
“Phụ nữ chúng tôi,” phu nhân Heyerdahl nói, “là một nửa không may và bị áp bức của nhân loại. Chính đàn ông là người làm ra luật, và phụ nữ chúng tôi không góp được lời nào về vấn đề này. Nhưng đã có người đàn ông nào tự đặt mình vào vị trí của một phụ nữ mang thai chưa? Anh ta có bao giờ cảm thấy sự kinh hoàng của nó, có bao giờ biết những cơn đau khủng khiếp, có bao giờ khóc lớn trong cơn đau đớn của giờ phút đó?
“Trong trường hợp này, một cô hầu gái đã mang thai. Một cô gái chưa kết hôn, và kết quả là cố che giấu tình trạng của mình trong suốt thời kỳ trọng đại đó. Và vì sao cô ta lại tìm cách che đậy nó? Là vì xã hội. Xã hội khinh rẻ một phụ nữ chưa chồng mà có mang. Xã hội không chỉ không hề bảo vệ cô ta mà nó còn ngược đãi cô ta, truy bức cô ta với sự khinh khi rẻ rúng. Tàn bạo! Không một con người nào có trái tim có thể kềm được lòng căm phẫn đối với một tình trạng như thế. Cô gái đó không chỉ sẽ sinh ra đứa bé, một việc mà chính nó cũng đã quá khó khăn, mà cô ta còn bị đối xử như là một tội phạm vì chính cái thực trạng đó. Tôi dám nói rằng sẽ là tốt cho cô gái không may hiện đang bị cáo buộc trước tòa này khi con của cô ra đời do sự cố khi cô bị ngã xuống nước và đã chết đuối. Tốt cho bản thân cô ta và cho đứa bé. Chừng nào xã hội còn duy trì thái độ hiện tại của nó, một người mẹ chưa kết hôn nên được xem là vô tội ngay cả khi cô ta giết chết đứa bé.”
Tới đây người ta nghe thấy có tiếng lẩm bẩm từ ngài chánh án.
“Ở bất kỳ giá nào, việc trừng phạt cô ta chỉ nên có tính hình thức mà thôi,” phu nhân Heyerdahl nói. “Tất cả chúng ta đều đồng ý, dĩ nhiên,” bà nói tiếp, “rằng cuộc sống của đứa bé sơ sinh nên được bảo tồn, nhưng phải chăng không có thứ luật lệ con người đơn giản nào được áp dụng cho người mẹ bất hạnh? Hãy suy nghĩ xem xét những gì cô ta đã trải qua suốt thời gian mang thai, những đau khổ mà cô ta đã chịu đựng khi cố che giấu tình trạng của mình, và suốt thời gian đó không hề biết sẽ dựa dẫm vào đâu cho chính cô ta và đứa bé khi nó chào đời. Không người đàn ông nào có thể tưởng tượng được điều này. Ít nhất đứa bé đã bị giết vì lòng tốt. Người mẹ đã cố ngăn bản thân và đứa trẻ mà cô ta yêu mến khỏi nỗi bất hạnh trong cuộc đời của nó. Sự xấu hổ nhiều hơn mức cô ta có thể chịu đựng, và thế là kế hoạch đã dần dà hình thành trong đầu cô ta, nhằm loại bỏ đi đứa bé. Việc sinh nở diễn ra trong bí mật, và người mẹ trải qua hai mươi bốn giờ trong một tình trạng điên cuồng đến nỗi vào khoảnh khắc giết chết đứa trẻ đơn giản là cô ta không thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Về mặt thực hành, cô ta không hề tự mình thực hiện hành vi đó, cô ta đã hoàn toàn mất trí trong suốt thời gian đó. Với từng cái xương trong người vẫn còn đau nhức sau cuộc sinh nở, cô ta phải tước đi cuộc sống của sinh vật bé nhỏ đó và chôn giấu cái thi hài. Hãy nghĩ xem nỗ lực hay quyết tâm nào đòi hỏi phải có ở đây! Theo lẽ tự nhiên, tất cả chúng ta đều mong ước tất cả trẻ con đều sống sót; chúng ta đau buồn với ý nghĩ rằng có bất kỳ đứa trẻ nào bị kết liễu theo cách đó. Nhưng chính xã hội là kẻ có lỗi trong chuyện đó; lỗi của một xã hội vô hy vọng, nhẫn tâm, buôn bán chuyện giật gân, xấu xa và đầy ác ý, luôn theo dõi để nghiền nát một người mẹ chưa kết hôn bằng mọi phương tiện trong quyền hành của nó!
“Nhưng, thậm chí sau sự đối xử tệ hại đến thế trong bàn tay của xã hội, người mẹ bị ngược đãi vẫn có thể đứng lên trở lại. Thông thường những cô gái này, sau một bước sai lầm, đã được chính thực tế đó dẫn dắt để phát triển những phẩm chất tốt đẹp và cao quý nhất của họ. Quý tòa cứ hỏi những viên giám thị ở những mái ấm tình thương, nơi những bà mẹ chưa kết hôn và con cái họ được tiếp nhận xem có đúng vậy hay không. Và kinh nghiệm đã cho thấy rằng chính những cô gái đó – những kẻ mà xã hội đã buộc họ phải giết chính con ruột của mình – đã trở thành những người vú em giỏi nhất. Chắc chắn đó là một điều quan trọng để tất cả mọi người không trừ một ai phải suy nghĩ tới một cách nghiêm túc, phải không?
“Rồi còn có một phương diện khác của vấn đề. Vì sao người đàn ông được tự do? Người mẹ bị cho là có tội giết trẻ sơ sinh bị tống vào tù và hành hạ, nhưng người bố, kẻ quyến rũ, anh ta không bao giờ bị đụng tới. Song vì anh ta là nguyên do tạo nên sự tồn tại của đứa bé, anh ta là một phần của tội ác; thật sự, phần chia của anh ta trong đó còn lớn hơn của người mẹ; nếu không vì anh ta, hẳn đã không có tội ác đó. Vậy thì vì sao anh ta được tha bổng? Vì pháp luật do những người đàn ông làm ra. Đó là câu trả lời. Sự dã man của những luật pháp do con người tạo ra đó tự nó kêu gào tới đất trời để được can thiệp. Và không thể có sự trợ giúp nào cho đám đàn bà con gái chúng tôi cho tới khi nào chúng tôi được phép có tiếng nói trong những cuộc bầu cử, trong việc tự mình làm ra luật.
“Nhưng,” phu nhân Heyerdahl nói tiếp, “nếu đây là một định mệnh kinh khủng được ban phát cho kẻ có tội – hoặc, chúng ta cứ nói là kẻ có tội hiển nhiên hơn – bà mẹ chưa kết hôn đã giết chết con mình, thì sẽ như thế nào nếu kẻ đó chỉ đơn giản bị ngờ rằng đã thực hiện tội ác, nhưng không hề thực hiện nó? Xã hội sẽ đền bù thiệt hại cho cô ta như thế nào đây? Chẳng có gì! Tôi có thể chứng thực rằng tôi biết cô gái bị cáo buộc ở đây; đã biết cô ta từ khi cô ta còn là một đứa trẻ; cô ta từng làm việc cho tôi, và cha của cô ta là trợ lý của chồng tôi. Phụ nữ chúng tôi dám suy nghĩ và cảm nhận trái hẳn với những lời cáo buộc và những sự ngược đãi của cánh đàn ông; chúng tôi dám có ý kiến của riêng mình. Cô gái này đã bị bắt, bị tước đoạt sự tự do, trước tiên vì bị nghi ngờ đã che đậy việc sinh nở của mình, sau đó là đã giết đứa bé vừa ra đời. Trong đầu tôi không có chút ngờ vực nào rằng cô ta không phạm cả hai tội đó – chính tòa án sẽ tự mình đi tới kết luận hiển nhiên đó. Giấu diếm việc sinh nở – đứa bé chào đời vào giữa ngày hôm đó. Đúng, người mẹ chỉ có một mình vào lúc đó – nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, ai có thể ở đó với cô ta? Địa điểm đó nằm xa xôi giữa nơi rừng rú, kẻ duy nhất trong phạm vi là một người đàn ông – làm sao cô ta có thể gọi người đó tới vào một khoảnh khắc như thế? Bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ bảo với quý vị là không thể – thậm chí không nghĩ tới chuyện đó. Thế rồi người ta tuyên bố là ắt hẳn cô ta đã giết đứa bé sau đó. Nhưng đứa bé chào đời dưới nước – người mẹ bị té xuống một con suối lạnh như băng, và đứa bé lọt lòng. Cô ta đang làm gì cạnh con suối? Cô ta là một người hầu, một nữ nô, phải nói thế, và có những công việc hàng ngày phải thực hiện; cô ta đang nhặt những nhánh bách xù để làm chổi. Và khi băng qua con suối, cô ta bị trượt và té xuống. Và cô ta nằm đó, đứa bé được sinh ra, và bị chết đuối dưới nước.”
Phu nhân Heyerdahl dừng lại. Bà có thể nhìn thấy từ vẻ mặt của quan tòa và cử tọa rằng bà đã phát biểu rất tuyệt vời; cả tòa im phăng phắc, chỉ có Barbro thỉnh thoảng chậm mắt vì thật sự cảm động. Và phu nhân Heyerdahl kết thúc với những lời sau:
“Phụ nữ chúng tôi cũng có một quả tim, một cảm xúc nào đó. Tôi đã phải bỏ lại con của chính mình cho những người lạ chăm sóc để đi suốt quãng đường này và có mặt tại đây với tư cách một nhân chứng đứng về phía cô gái không may đang ngồi đó. Luật pháp của đàn ông không thể ngăn cản phụ nữ tư duy; và tôi nghĩ thế này, rằng cô gái đó đã bị trừng phạt quá đủ không vì một tội ác nào. Hãy tha bổng cô ta, trả lại tự do cho cô ta, và tôi sẽ tự mình chịu trách nhiệm về cô ta. Cô ta sẽ trở thành người vú em tốt nhất tôi từng có.”
Và phu nhân Heyerdahl bước xuống.
Khi đó ngài chánh án nói: “Nhưng tôi nghĩ vừa lúc nãy bà có nói rằng những người vú em tốt nhất là những kẻ đã giết con của họ?”
Ồ, nhưng vị quan tòa không có ý phản bác phu nhân Heyerdahl, không chút nào. Ông là người rất nhân từ, một người đàn ông dịu hiền như một tu sĩ. Sau đó, trong lúc công tố viên đặt một vài câu hỏi với nhân chứng, ông ngồi ghi chép vào mấy tờ giấy.
Vụ án chỉ kéo dài quá trưa chút ít; có không nhiều nhân chứng, và vụ việc khá rõ ràng. Axel Ström ngồi mong đợi kết quả tốt nhất có thể, rồi sự việc hóa ra như thể công tố viên và phu nhân Heyerdahl cùng tiếp tay nhau để gây khó dễ cho anh, vì anh đã chôn cái xác thay vì đi báo tử. Anh bị thẩm vấn khá gay gắt về điểm này, và rất có khả năng cảm thấy tệ hại nếu không nhìn thấy Geissler đang ngồi trong tòa án. Phải, đúng là Geissler đã có mặt. Điều này mang lại lòng can đảm cho Axel, anh không còn cảm thấy mình cô độc trong cuộc chống lại một Pháp luật đã quyết tâm đánh gục anh. Và Geissler gật đầu với anh.
Phải, Geissler đã ra thị trấn. Ông không yêu cầu được triệu tập với tư cách một nhân chứng, nhưng ông đã tới. Ông cũng đã dành ra vài hôm trước khi xử án để tiến hành đôi ba công việc, và ghi lại những gì ông nhớ về lời giải thích của Axel ở Maaneland. Dường như đối với Geissler hầu hết các hồ sơ đều không thỏa đáng; vị Lendsmand Heyerdahl này rõ ràng là một người có đầu óc thiển cận, luôn nỗ lực chứng minh tội đồng lõa về phần của Axel. Đúng là một gã ngu ngốc – ông ta biết gì về cuộc sống giữa rừng hoang khi ông ta chỉ có thể thấy rằng đứa bé là thứ mà Axel đã dựa vào để giữ chân người phụ nữ, người giúp việc của anh ta, ở đó!
Geissler đã nói chuyện với công tố viên, nhưng dường như không cần phải can thiệp ở đó; ông muốn giúp Axel trở lại nông trại và đất đai của anh, nhưng Axel không cần tới sự giúp đỡ, theo vẻ ngoài của các sự việc. Vì vụ án đang diễn biến tốt trong chừng mực có liên quan tới Barbro, và nếu cô được trắng án, khi đó sẽ không còn đặt ra vấn đề tòng phạm. Điều này phụ thuộc vào lời chứng thực của các nhân chứng.
Khi tòa đã nghe lời khai của các nhân chứng – Oline không được triệu tập, chỉ có ngài Lensmand, Axel, các chuyên gia, hai cô gái trong làng – đã tới lúc ngưng xét xử để nghỉ trưa, và Geissler đi lên chỗ của công tố viên một lần nữa. Viên luật sư công tố này có ý kiến rằng tất cả đang diễn ra tốt đẹp đối với cô gái Barbro, và ngày càng tốt hơn. Những lời của phu nhân Heyerdahl rất có trọng lượng. Lúc này tất cả chỉ tùy thuộc vào phán quyết của tòa.
Viên luật sư công tố hỏi: “Ông có quan tâm chút nào tới cô gái đó không?”
“Sao, ở một mức độ nhất định,” Geissler đáp, “hay nói đúng hơn, có lẽ, tới người đàn ông.”
“Cô ta cũng từng giúp việc cho ông?”
“Không, anh ta chưa bao giờ giúp việc cho tôi.”
“Tôi đang nói về cô gái. Chính cô ta mới là người nhận được sự cảm thông của tòa án.”
“Không, cô ta chưa bao giờ giúp việc cho tôi.”
“Người đàn ông – ừm, có vẻ như anh ta không có kết quả tốt mấy,” viên luật sư công tố nói. “Ra ngoài đó và một mình chôn cái xác trong rừng – trông tệ quá, rất tệ.”
“Anh ta muốn chôn cất nó đàng hoàng, tôi cho là vậy,” Geissler nói. “Thoạt tiên nó đã không được chôn cất theo đúng nghĩa chút nào.”
“Chà, dĩ nhiên một người đàn bà không có sức khỏe của một gã đàn ông để đào. Và trong tình trạng của cô ta – hẳn cô ta đã kiệt sức sẵn rồi. Hoàn toàn. Tôi nghĩ chúng ta nên có một cách nhìn nhân đạo hơn về những vụ giết trẻ sơ sinh này nói chung, vào mấy lúc gần đây. Nếu tôi là quan tòa, tôi không bao giờ mạo hiểm kết án cô gái này; và từ những gì diễn ra trong vụ này, tôi sẽ không đánh liều đưa ra yêu cầu kết tội.”
“Rất vui khi nghe thấy điều đó,” Geissler nói, cúi đầu cảm tạ.
Viên luật sư công tố nói tiếp:
“Với tư cách một con người, một cá nhân, thậm chí tôi còn đi xa hơn, và sẽ nói rằng: tôi không bao giờ kết tội một người mẹ đơn thân chưa kết hôn về việc giết con của cô ta.”
“Thật thú vị khi biết rằng công tố viên hoàn toàn đồng ý với những gì phu nhân Heyerdahl đã nói trước tòa lúc nãy.”
“Ồ, phu nhân Heyerdahl… Tuy nhiên, theo tôi, có rất nhiều điều trong những gì bà ta nói. Nói cho cùng, đâu là ích lợi của tất cả những lời kết tội này? Những bà mẹ chưa chồng đã chịu đủ bất hạnh trước đó rồi, và đã bị đẩy xuống rất thấp trong con mắt đánh giá của mọi người bởi thái độ tàn bạo và nhẫn tâm của thế giới – sự trừng phạt nên vừa đủ.”
Cuối cùng, Geissler đứng lên và nói:
“Không ngờ gì nữa. Nhưng còn những đứa trẻ thì sao?”
“Đúng,” viên luật sư công tố nói, “về lũ trẻ con, đó là một chuyện buồn. Tuy nhiên, khi xét tới tất cả mọi khía cạnh, có lẽ thế cũng tốt. Những đứa trẻ vô thừa nhận sẽ trải qua một thời kỳ khó khăn và thường trở nên tồi tệ.”
Có lẽ Geissler cảm thấy có chút ác ý ở con người thừa hành luật pháp béo tốt tự mãn này; ông nói:
“Erasmus từng là con hoang.”
“Erasmus…?”
“Erasmus ở Rotterdam. [12] ”
“Ừm.”
“Và Leonardo cũng thế.”
“Leonardo da Vinci? Thật vậy ư? Chà, dĩ nhiên, có những ngoại lệ, nếu không thì sẽ không có quy luật gì cả. Nhưng trên tổng thể…”
“Chúng ta ban hành những biện pháp bảo vệ đối với thú vật và chim muông,” Geissler nói, “có vẻ khá lạ lùng, phải không, chứ không lo lắng về những trẻ con của chính loài người chúng ta?”
Viên luật sư công tố với tay một cách chậm rãi và đầy phẩm giá về phía một số giấy tờ trên bàn, như một gợi ý rằng ông ta không có thời giờ để tiếp tục cuộc thảo luận. “Vâng,” ông ta nói với vẻ lơ đãng, “vâng, không ngờ gì nữa…”
Geissler bày tỏ lời cảm ơn cho một cuộc chuyện trò rất bổ ích và bước đi.
Ông lại vào ngồi trong tòa, có mặt đúng giờ. Không phải ông không thấy hài lòng, có lẽ, khi cảm nhận được quyền lực của mình; ông đã biết về một mảnh vải bọc cụ thể, cắt ra từ một cái áo sơ mi đàn ông, để mang – chúng ta cứ cho là vài nhánh cây để làm chổi; về thi thể của một đứa trẻ sơ sinh trôi dập dềnh ở cảng Bergen – phải, ông có thể làm cho mọi sự trở nên tệ hại đối với tòa án nếu muốn; một lời nói của ông sẽ có tác động như một ngàn lưỡi kiếm. Nhưng chắc chắn là Geissler không dự định nói ra lời đó vào lúc này trừ phi nó là cần thiết. Mọi chuyện đang diễn ra êm ả mà không cần tới nó; ngay cả viên luật sư công tố cũng đã tuyên bố rằng ông ta đứng về phía bị cáo.
Mọi người vào phòng, và vụ án được tiếp tục xét xử.
Một vở hài kịch thú vị để xem ở một thị trấn nhỏ. Vẻ nghiêm nghị cảnh giác của viên luật sư công tố, lời hùng biện đầy cảm xúc của luật sư biện hộ. Tòa án ngồi lắng nghe những gì đã xảy ra theo đúng bổn phận của mình đối với vụ án của một cô gái tên là Barbro, và cái chết của con cô ta.
Với tất cả những điều đó, nói cho cùng đây không phải là một vấn đề dễ dàng quyết định. Công tố viên là một người trông rất chỉnh tề, và không ngờ gì cũng là một người có tấm lòng nhân hậu, nhưng mới vừa rồi có điều gì đó đã làm cho ông ta khó chịu, hoặc có lẽ ông ta sực nhớ ra rằng ông ta nắm giữ một văn phòng của Nhà nước và buộc phải hành xử từ quan điểm đó. Một điều khó hiểu, nhưng lúc này rõ ràng ông ta không sẵn sàng tỏ ra khoan dung hơn ông ta đã tỏ ra trong suốt buổi sáng; nếu tội ác đã được tiến hành, ông ta nói, đó là một vấn đề nghiêm trọng, và mọi sự trông sẽ rất u ám nếu chúng có thể như thế, và chắc chắn là chúng rất đen tối theo như lời chứng thực mọi người đã nghe thấy từ các nhân chứng. Đó là một vấn đề quan trọng mà tòa phải quyết định. Ông ta muốn tập trung chú ý vào ba điểm: trước hết, trước mặt họ có phải là một vụ che giấu việc sinh nở hay không; điều này có rõ ràng đối với tòa án hay chưa. Ông ta đưa ra vài nhận xét cá nhân về chủ đề này. Điểm thứ hai là miếng vải quấn, một mảnh áo sơ mi – tại sao bị cáo mang theo nó? Có phải là để dùng nó cho một mục đích đã được tiên liệu trước? Ông ta phát triển đề xuất này xa hơn. Quan điểm thứ ba của ông ta là vụ chôn cất có vẻ vội vã và đáng nghi ngờ, không có một lời khai báo nào về cái chết cho giáo sĩ hoặc ngài Lensmand biết. Ở đây, người đàn ông là kẻ phải chịu trách nhiệm chính, và điều quan trọng nhất là tòa án nên đưa ra một kết luận đúng về khía cạnh này. Vì rõ ràng nếu người đàn ông là một tòng phạm, và do đó đã tự mình tiến hành việc chôn cất, khi đó cô gái giúp việc của anh ta ắt đã thực hiện một tội ác trước khi anh ta đồng lõa với nó.
“Hừm,” có ai đó trong tòa thốt lên.
Axel Ström lại cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm. Anh ngẩng lên mà không bắt gặp một cái liếc nhìn nào; tất cả mọi con mắt đều gắn vào viên luật sư công tố đang phát biểu. Nhưng, xa xa phía dưới có Geissler đang ngồi, trông rất đỗi kiêu kỳ, như thể đang bùng nổ với sự vượt trội của mình, môi dưới của ông trề ra, mặt ông hếch lên trần nhà. Sự thờ ơ cực kỳ này đối với không khí trang nghiêm của tòa án, và cái từ “Hừm” được lớn tiếng thốt ra không chút che đậy đó, đã động viên Axel rất nhiều; anh ta cảm thấy mình không còn đơn độc chống chọi với toàn thế giới.
Và giờ đây mọi chuyện lại chuyển sang tốt đẹp. Cuối cùng dường như viên luật sư công tố này nghĩ rằng ông ta đã thực hiện đủ vai trò, đã đạt được mọi thứ khả dĩ theo cách hướng sự ngờ vực và ác cảm về phía người đàn ông; và ông ta dừng lại. Ông ta còn làm nhiều hơn vậy; có thể nói thế, ông ta gần như nhìn quanh mọi người và không yêu cầu kết án. Ông kết thúc bằng cách nói, rất dài dòng, rằng sau lời chứng thực của các nhân chứng trong vụ án, về phần mình ông ta không kêu gọi tòa án kết tội bị cáo.
Điều này là quá đủ, Axel nghĩ – vụ này thật sự đã kết thúc rồi.
Rồi tới lượt của bào chữa viên, một thanh niên đã học luật, và được giao cho vụ án rất vừa ý này. Tự thân giọng nói cũng đã cho thấy quan điểm của anh ta; chưa từng có người nào tin chắc vào việc bảo vệ một cá nhân vô tội hơn anh ta. Thật ra, trước đó phu nhân Heyerdahl đã nhanh miệng hơn anh ta một bước, đã sử dụng nhiều lập luận theo dự tính của anh ta; anh ta khó chịu vì bà đã khai thác chủ đề “xã hội” trước mình – ồ, nhưng bản thân anh ta cũng có thể nói đôi điều gì đó xuất chúng về xã hội. Anh ta bực tức với sự khoan dung sai lầm của ngài chánh án khi không cắt ngang lời phát biểu của bà; bản thân nó đã là một lời bào chữa, một bản tóm tắt hồ sơ vụ án đã chuẩn bị trước – vậy thì còn lại gì cho anh ta nói nữa?
Anh ta bắt đầu từ buổi đầu câu chuyện đời của cô gái Barbro. Bố mẹ cô không khá giả, dù cần cù và khả kính; cô ta phải ra ngoài giúp việc ở lứa tuổi còn rất trẻ, đầu tiên là ở nhà của ngài Lensmand. Sáng hôm đó, tòa án đã nghe những gì bà chủ của cô ta, phu nhân Heyerdahl, nghĩ về cô ta – không ai có thể mong ước có được một lời giới thiệu tốt đẹp hơn thế. Sau đó Barbro chuyển tới Bergen. Tới đây viên luật sư nhấn mạnh vào một văn bản chứng thực cảm động của hai thương gia trẻ từng thuê mướn Barbro ở Bergen – rõ ràng là ở một vị thế đáng tin cậy. Barbro đã trở về nhà làm việc với tư cách là quản gia cho người đàn ông chưa vợ này trong một huyện ngoại ô. Và nỗi bất hạnh của cô ta bắt đầu từ đây.
Cô ta phát hiện ra mình có mang với người đàn ông này. Lời khuyên đầy hiểu biết của bên công tố đã được đưa ra – theo một cung cách tế nhị và đáng quan tâm nhất, có thể nói thế – về vấn đề che đậy việc sinh con. Barbro có cố tình che giấu tình trạng của mình không; cô ta có chối bỏ việc mang thai đứa bé hay không? Hai nhân chứng, các cô gái đến từ làng của cô ta, đã có ý kiến rằng cô ta đang trong tình trạng có thai; nhưng khi họ hỏi cô ta, cô ta không hề chối bỏ điều đó, cô ta chỉ tránh đề cập tới chuyện này.
Theo lẽ tự nhiên, một thiếu nữ có thể làm gì trong một trường hợp như thế ngoài việc lãng tránh nó? Không ai khác hỏi cô ta về chuyện đó. Tới gặp bà chủ và thú nhận à? Cô ta không có bà chủ; chính cô ta là bà chủ ở đó. Cô ta có một ông chủ, tất nhiên, nhưng người ta không mong đợi một cô gái kể cho một người đàn ông nghe về một vấn đề như thế; cô ta đã tự mình vác lấy cây thập ác của mình; không còn ca hát véo con, không còn huýt sáo, mà chỉ lặng im như một tu sĩ dòng Luyện tâm. Che giấu ư? Không, nhưng cô ta đã giữ kín chuyện đó cho riêng mình.
Đứa trẻ chào đời – một cậu bé xinh xắn và khỏe mạnh; đã sống và thở sau khi lọt lòng, nhưng đã bị chết ngạt. Tòa án đã biết về tình huống liên quan tới vụ sinh nở này: nó đã xảy ra dưới nước; người mẹ bị té xuống suối, và đứa trẻ ra đời, nhưng cô ta không có khả năng cứu nó. Cô ta nằm đó, thậm chí không thể đứng lên cho tới một lúc sau đó. Trên thi hài không có dấu vết bạo hành nào; không có gì chỉ ra rằng nó đã bị giết chết một cách cố ý; nó đã chết đuối do tai nạn trong lúc chào đời, chỉ có thế. Một lý giải tự nhiên nhất trên đời.
Người đồng nghiệp hiểu biết của anh ta đã nhắc tới một tấm vải bọc, cho là nó có tính chất bí ẩn, không rõ lý do vì sao cô ta lại mang theo mảnh áo sơ mi đó theo vào hôm đó. Bí mật này khá rõ ràng; cô ta đã mang theo mảnh áo để bọc những nhánh cây bách xù. Hẳn cô ta cũng có thể – cứ cho là vậy – mang theo một cái áo gối; như chuyện đã xảy ra, cô ta mang theo một mảnh áo sơ mi. Một thứ cô ta phải có, trong bất kỳ trường hợp nào; cô ta không thể tay trần mang những nhánh cây. Không, chắc chắn không có cơ sở nào để xem chuyện này là một bí ẩn.
Tuy nhiên, có một điểm không hoàn toàn rõ ràng: bị cáo có được quan tâm đối xử theo đúng đòi hỏi của điều kiện bản thân vào thời điểm đó hay không? Chủ của cô ta có đối xử tử tế với cô ta hay không? Chuyện này cũng tốt cho bản thân anh ta nếu nó là như thế. Bản thân cô gái, qua thẩm vấn, đã nói về người đàn ông với sự vừa ý; và tự thân điều này một lần nữa là chứng cứ về tính cách cao thượng của cô ta. Tương tự, về phần người đàn ông, Axel Ström cũng cố gắng không trút thêm gánh nặng lên vai cô gái trong những lời khai của mình, hoặc đổ lỗi cho cô ta dưới bất kỳ hình thức nào. Trong chuyện này anh ta đã hành động đúng – không nói là khôn ngoan, khi thấy rằng trường hợp của anh ta phụ thuộc rất lớn vào những vấn đề đi cùng với cô ta. Bằng cách đổ lỗi cho cô ta, nếu cô ta bị kết tội, anh ta cũng chuốc lấy tai ương cho chính mình.
Không thể cân nhắc các hồ sơ và lời khai trong vụ án mà không cảm nhận một mối đồng cảm sâu xa đối với cô gái trẻ đang trong tình cảnh bị bỏ rơi này. Thế nhưng không cần phải van cầu lòng thương hại cho cô ta, chỉ cần sự công chính thấu hiểu của con người. Cô ta và ông chủ của mình đang trong tình trạng hứa hôn với nhau, nhưng một sự bất tương đồng về tính khí và những mối quan tâm đã ngăn cản việc kết hôn giữa họ. Cô gái này không thể giao phó tương lai của mình cho một người đàn ông như thế. Đây không phải là một đề tài vui vẻ, nhưng có thể có ích khi quay lại trong giây lát vấn đề của tấm vải bọc đã nói lúc nãy; nên lưu ý rằng cô gái đã mang theo, không phải là một trong những quần áo lót của mình, mà là một trong những cái áo sơ mi của chủ mình. Vấn để nảy sinh ngay lập tức: phải chăng chính người đàn ông đã cung cấp chất liệu cho mục đích đó? Ở đây, thoạt tiên người ta có khuynh hướng nhìn thấy một khả năng, ở bất cứ giá nào, rằng người đàn ông, Axel Ström, đã đóng một vai trò nào đó trong vụ việc.
“Hừm,” ai đó trong tòa án thốt lên. Rất lớn và gay gắt, thật sự, đến độ diễn giả phải dừng lại, và tất cả ngoảnh lại để nhìn xem ai chịu trách nhiệm cho sự cắt ngang đó. Ngài chánh án cau mày.
Nhưng, viên luật sư biện hộ tiếp tục nói, lấy lại tinh thần, về phương diện này, chúng ta cũng có thể an tâm, nhờ vào chính bản thân bị cáo. Có vẻ như rất có lợi cho cô ta khi phân chia tội lỗi ở đây, nhưng cô ta không hề nỗ lực làm như vậy. Cô ta đã hoàn toàn xóa bỏ bất kỳ tội lỗi đồng lõa nào cho Axel Ström từ thực tế rằng cô ta đã lấy áo sơ mi của anh ta thay vì thứ gì đó của mình trên đường tới con suối – nghĩa là trên đường vào rừng để thu lượm nhánh bách xù. Không có một nguyên do nhỏ nhất nào để nghi ngờ sự quả quyết của bị cáo ở điểm này; những lời khai của cô ta đã được thấy là ăn khớp với những sự kiện, và sự tương đồng là chứng cứ cho vụ án về điều này. Nếu người đàn ông đã trao cho cô ta cái áo, cũng có nghĩa là việc giết đứa bé đã được dự tính sẵn – bị cáo, đáng tin như đã chứng tỏ, thậm chí đã không cố trút lên người đàn ông một tội ác chưa bao giờ được thực hiện. Thái độ từ đầu đến cuối của cô ta đều thẳng thắn và cởi mở một cách đáng khen; cô ta không cố trút tội lên những người khác. Có những ví dụ thường xuyên về cảm xúc tế nhị này ở phía bị cáo trước phiên tòa, ví dụ, thực tế rằng cô ta đã cố hết sức quấn đứa bé lại đàng hoàng, và chôn cất nó một cách tươm tất, như ngài Lensmand đã tìm thấy.
Tới đây ngài chánh án xen vào, chỉ là vấn đề hình thức, nhận xét rằng cái mộ mà ngài Lensmand tìm thấy là cái mộ thứ hai – cái mộ mà Axel đã chôn xác chết sau khi lấy nó ra khỏi cái mộ đầu tiên.
“Đúng, đúng là như thế. Tôi xin tiếp nhận sự chỉnh lý,” viên luật sư nói, với tất cả sự kính trọng đúng đắn dành cho ngài chủ tọa phiên tòa. Hoàn toàn đúng. Nhưng… chính Axel đã khai rằng anh ta chỉ mang đứa bé ra khỏi cái mộ này và đặt nó vào cái mộ kia. Và không ngờ gì rằng một người phụ nữ có khả năng quấn bọc một em bé tốt hơn là một người đàn ông – và ai là người giỏi nhất? Chắc chắn là bàn tay dịu dàng của một người mẹ.
Ngài chánh án gật đầu.
Trong bất kỳ trường hợp nào – có khả năng rằng cô gái này – nếu cô ta thuộc dạng người khác – đã chôn đứa bè trần truồng hay chăng? Thậm chí người ta còn có thể đi xa hơn khi nói rằng hẳn cô ta cũng có thể ném nó vào một cái giỏ đựng rác. Cô ta có thể bỏ mặc nó dưới một gốc cây ngoài đất trống, bị đóng băng cho tới chết – nghĩa là, dĩ nhiên, nếu nó chưa chết. Cô ta có thể bỏ nó vào bếp lò khi ở nhà một mình, và thiêu rụi nó. Cô ta có thể mang nó ra con sông ở Sellanraa và ném nó xuống đó. Nhưng người mẹ này không làm chuyện nào trong những điều trên; cô ta cẩn thận quấn nó trong một mảnh vải và chôn cất nó. Và nếu cái thi hài được tìm thấy có quấn bọc cẩn thận khi cái mộ được mở ra, chắc chắn phải là một người đàn bà chứ không phải một người đàn ông đã quấn nó như thế.
Tới đây, viên luật sư bào chữa tiếp tục, việc xác định hình thức tội lỗi nào có thể áp dụng cho cô gái Barbro có liên quan là tùy thuộc vào tòa án. Không còn lại gì nhiều để có thể kết tội cô ta – thật ra, theo ý kiến tư vấn của anh ta, không hề có chứng cứ gì. Trừ phi tòa án tìm ra lý do để kết tội về việc không khai báo về cái chết. Nhưng một lần nữa, ở đây, đứa bé đã chết, và không thể làm được gì sau đó; nơi đó nằm sâu giữa rừng hoang, cách xa chỗ của giáo sĩ hoặc ngài Lensmand nhiều dặm; khá là tự nhiên, chắc chắn thế, khi để cho nó ngủ giấc ngủ muôn đời trong một cái mộ gọn gàng giữa khu rừng. Và nếu chôn nó như thế là một tội ác, vậy thì kẻ có tội nhiều hơn phải là cha đứa bé – có thế nói, khinh tội này chắc chắn là đủ nhẹ để có thể bỏ qua. Thực hành pháp luật hiện đại đang ngày càng có xu hướng nhấn mạnh vào việc cải tạo tội ác hơn là trừng phạt nó. Một hệ thống tìm cách áp dụng sự trừng phạt lên mọi con người đã trở nên lỗi thời – nó là thứ pháp luật báo thù của Kinh Cựu ước, mắt trả mắt và răng trả răng. Tinh thần của thứ luật pháp đó không còn nữa vào thời hiện đại. Luật pháp ngày nay nhân đạo hơn, luôn tìm cách tự điều chỉnh nó theo mức độ của dự định và mục đích phạm tội được thể hiện trong từng vụ án.
Không! Tòa án không bao giờ có thể kết tội cô gái này. Đây không phải là đối tượng của một cuộc xét xử để bảo toàn một sự bổ sung cho con số phạm nhân, mà đúng hơn là để giữ lại cho xã hội một thành viên tốt và hữu ích. Cũng nên lưu ý rằng giờ đây bị cáo đã có một viễn cảnh tương lai nơi cô ta sẽ nằm dưới sự giám sát tốt nhất có thể. Phu nhân Heyerdahl, từ sự hiểu biết thân quen về cô gái, và từ kinh nghiệm làm mẹ quý giá của mình, đã mở rộng cửa nhà mình để đón nhận cô gái; tòa án nên lưu tâm tới gánh nặng trách nhiệm gắn liền với quyết định này, và sẽ kết tội hoặc tha bổng bị cáo. Cuối cùng, anh ta muốn bày tỏ lòng biết ơn tới viên luật sư công tố giàu hiểu biết, người đã quảng đại không đưa ra yêu cầu kết tội – một chứng cứ đẹp đẽ của sự thấu hiểu sâu sắc và nhân từ.
Viên luật sư bào chữa ngồi xuống.
Phần còn lại của phiên tòa không kéo dài lắm. Việc tổng kết chỉ là sự lặp lại cùng một số điểm trước đó, nhìn từ các góc độ khác nhau, một bản tóm lược về hành vi, khô khan, khó hiểu và đáng nể. Nó đã được soạn để tất cả đều thấy hài lòng thỏa dạ; cả hai bên công tố và bào chữa đã chỉ ra những gì tòa án nên cân nhắc, và ngài chánh án thấy công việc của ông khá dễ dàng.
Ánh sáng được thắp lên trong hai ngọn đèn treo trên trần nhà – một thứ ánh sáng khốn khổ, ngài chánh án hầu như không thể đọc được những ghi chép của mình. Ông nghiêm nghị nhắc lại quan điểm rằng cái chết của đứa bé đã không được thông báo theo đúng thể thức cho những người có thẩm quyền – nhưng điều đó, dưới những hoàn cảnh nhất định, nên được xem là bổn phận của người cha hơn là của người mẹ, dựa vào tình trạng yếu ớt của cô ta lúc đó. Khi đó tòa án sẽ phải xác định có trường hợp bất kỳ nào được chứng minh là có liên quan tới việc che giấu việc sinh nở và giết trẻ sơ sinh hay chăng. Tới đây các chứng cứ được tóm lược lại từ đầu tới cuối lần nữa. Rồi tới huấn thị của tòa về ý thức trách nhiệm, mà cả tòa đã nghe trước đó, và cuối cùng, lời nhắc nhở thường xuyên rằng trong trường hợp có nghi ngờ, cán cân công lý được phép nghiêng sang phía có lợi cho bị cáo.
Và giờ đây tất cả đã sáng tỏ và sẵn sàng.
Các quan tòa rời phòng xét xử và đi vào một căn phòng khác. Họ sẽ xem lại tờ giấy có những câu hỏi cụ thể mà một trong số họ cầm theo. Họ rời phòng trong năm phút, sau đó quay lại với một câu trả lời “Không” cho tất cả các câu hỏi.
Không, cô gái Barbro không giết con của cô ta.
Sau đó ngài chủ tọa phiên tòa nói thêm vài lời, và tuyên bố rằng giờ đây Barbro được tự do.
Mọi người rời khỏi phòng xét xử, vở hài kịch đã kết thúc….
Có ai đó nắm lấy cánh tay của Axel StrÖm. Đó là Geissler. “Hừm,” ông nói, “thế là giờ cậu đã qua được vụ này!”
“Phải,” Axel đáp.
“Nhưng họ đã khiến cậu phí mất nhiều thời gian chả vì cái gì cả.”
“Phải,” Axel lại đáp. Nhưng anh đã dần bình thường lại, và sau một lúc anh nói thêm: “Dù sao thì tôi mừng là nó đã không tệ hơn.”
“Không tệ hơn?” Geissler nói. “Ta thích nhìn họ cố gắng xem sao!” Ông nói với sự nhấn mạnh, và Axel nghĩ rằng hẳn Geissler đã làm điều gì đó trong vụ án này; rằng ông ta đã can thiệp vào. Nói cho cùng, có Trời đất biết có phải chính Geissler đã dẫn dắt toàn bộ phiên tòa và đạt được kết quả ông mong muốn hay không. Dù sao thì đó cũng là một bí mật.
Ít nhất Axel cũng hiểu rằng Geissler đã đứng về phía anh từ đầu tới cuối.
Anh nói, giơ tay ra: “Tôi rất cám ơn ông.”
“Vì cái gì?” Geissler hỏi.
“Sao, vì… vì tất cả những chuyện này.”
Geissler ngắn gọn dập tắt nó. “Ta chẳng làm gì hết. Nếu không có rắc rối, bất kỳ điều gì… thì chẳng đáng công.” Nhưng dù sao đi nữa, không phải Geissler không hài lòng, có lẽ, khi được cám ơn; như thể ông đã chờ đợi nó, và giờ nó đã tới. “Bây giờ ta không có thời giờ để đứng chuyện trò. Mai hãy quay lại, được không? Tốt. Vậy thì tạm biệt, và chúc cậu may mắn.” Và ông lững thững băng qua đường.
***
Trên con thuyền quay về nhà, Axel chạm trán ngài Lensmand và vợ của ông ta, Barbro và hai cô gái được mời làm nhân chứng.
“Sao, anh có mừng không khi mọi chuyện hóa ra tốt đẹp như thế?” Phu nhân Heyerdahl hỏi.
Cả ngài Lensmand cũng xen vào một câu: “Đây là vụ án thứ hai loại này mà ta gặp trong lúc ta ở đây – đầu tiên là với Inger ở Sellanraa, và giờ là vụ này. Không, không hay ho gì khi cố ủng hộ loại chuyện thế này – công lý phải ra tay.”
Nhưng chắc chắn là phu nhân Heyerdahl đoán rằng Axel không vui lắm với phát biểu của bà hôm trước, và cố xoa dịu anh, để bù đắp lại chút nào hay chút đó. “Anh có hiểu chứ, dĩ nhiên, vì sao tôi phải nói tất cả những điều đó về anh ngày hôm qua?”
“Ừm, vâng,” Axel đáp.
“Tất nhiên là anh hiểu, tôi biết. Anh không nghĩ là tôi muốn làm cho mọi chuyện thêm khó khăn cho anh chứ. Tôi luôn nghĩ tốt về anh, và tôi không ngại nói ra điều đó.”
“Phải,” Axel đáp, chỉ thế không hơn. Nhưng anh hài lòng và cảm động với những lời nói của bà ta.
“Phải, tôi nghĩ thế đấy,” phu nhân Heyerdahl nói. “Nhưng tôi buộc phải cố gắng chuyển hướng sự buộc tội qua phía anh một chút, không thì Barbro sẽ bị kết án, và cả anh nữa. Tất cả là vì điều tốt nhất, thật sự là vậy.”
“Tôi rất cám ơn sự tử tế của bà,” Axel nói.
“Và chính là tôi chứ không phải ai khác đã đi gặp hết người này sang kẻ khác ở đó, cố làm những gì tôi có thể cho cả hai người. Và anh thấy đó, dĩ nhiên, rằng tất cả chúng tôi phải làm cùng một việc – làm ra vẻ như anh cũng có một phần trách nhiệm, và do thế mà cứu thoát cả hai vào phút chót.”
“Phải,” Axel nói.
“Chắc chắn là không giây phút nào anh tưởng tượng được rằng tôi có ý định làm hại tới anh đấy chứ? Khi tôi luôn nghĩ rất tốt về anh!”
Phải, thật là tốt khi nghe tất cả những câu xuống nước như thế. Ở bất cứ giá nào, Axel cũng xúc động tới độ anh cảm thấy phải làm một điều gì đó, tặng cho phu nhân Heyerdahl thứ này hay thứ khác, bất cứ thứ gì anh có thể tìm ra – một súc thịt, có lẽ, khi mùa thu đã tới. Anh có một con bò đực trẻ…
Phu nhân Heyerdahl đã giữ lời; và đưa Barbro tới sống với mình. Trên boong của con tàu hơi nước, bà cũng chăm sóc cho cô gái, và lo cho cô không quá lạnh, quá đói, bà cũng lưu tâm tới việc không để cho cô có chuyện không hay với người bạn trai đến từ Bergen. Lần đầu tiên nó xảy ra, bà không nói gì, chỉ gọi Barbro tới gặp bà. Nhưng một lát sau đó Barbro lại cặp kè với anh ta, đầu ngã sang một bên, nói giọng Bergen và mỉm cười. Khi đó bà chủ của cô gọi cô tới và bảo:
“Thật đấy, Barbro, lúc này cô không nên tiếp tục như thế giữa đám đàn ông. Hãy nhớ tới những gì cô vừa trải qua, và cô tới từ đâu.”
“Tôi chỉ nói chuyện với anh ta một phút,” Barbro đáp. “Tôi nghe nói anh ta đến từ Bergen.”
Axel không nói gì với cô. Anh để ý thấy hiện giờ cô xanh xao và da dẻ đã trở nên sạch sẽ, có bộ răng tốt hơn. Cô không đeo chiếc nhẫn nào của anh…
Và giờ đây Axel lại một lần nữa lê bước đi lên mảnh đất của mình. Trời mưa gió, nhưng anh vui tận đáy tim; một cái máy cắt cỏ và một cái máy bừa đang nằm dưới bến cảng; anh đã nhìn thấy chúng. Ôi cái ngài Geissler đó! Lúc ở trong thị trấn ông ta không hề nói lời nào về món quà mà ông ta đã gửi. Phải, Geissler, một con người sâu thẳm khôn dò.
[12] Desiderius Erasmus Roterodamus (1466 – 1536), giáo sĩ, nhà nghiên cứu thần học Hà Lan.