Di sản của Eszter (Chương 9,10,11)

Marai Sandor

  1. IX

Thực tại, cái điều kỳ diệu đó, như gáo nước lạnh dội xuống khiến tôi bừng tình. Lajos đã đến, ngày ấy bắt đầu, ngày Lajos đến thăm, Tibor, Laci và Endre sẽ kể đi kể lại cho đến giờ chót của cuộc đời, với những lời nói bị thay đổi, những kỷ niệm bị tô vẽ, những hình ảnh của hiện thực bị trích dẫn và phủ nhận. Tôi muốn kể lại, một cách trung thực, câu chuyện xảy ra hôm đó. Rất lâu sau, tôi mới hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc viếng thăm. Nó mở đầu như màn trình diễn của một gánh xiếc rong. Và kết thúc – không, tôi không thể so sánh đoạn kết, sự ra đi của Lajos với cái gì được. Nó đã kết thúc một cách giản dị. Lajos ra đi, ngày kết thúc, một phần của cuộc sống đã kết thúc. Chúng tôi tiếp tục sống.

Lajos đến với một đoàn hộ tống thật sự. Thậm chí chiếc ôtô đỗ trước ngôi nhà cũng thu hút sự chú ý của nhiều người trong phố. Chiếc xe màu đỏ và cực to, như một chiếc xe buýt chở khách. Từ trong xe, sau này tôi nghe kể lại – vì tôi đã quên không chứng kiến cái khoảnh khắc Lajos đến, khoảnh khắc chờ đợi nhọc nhằn ấy, tôi chỉ có thể lắp ghép những mảnh nhỏ của bức tranh hiện thực dựa vào lời kể không đầu đuôi của Laci và những tô vẽ thận trọng của Tibor mà thôi – từ trên xe bước xuống, đầu tiên là một gã con trai xa lạ, ăn mặc đặc biệt kiểu cách, ôm một con chó có bộ lông màu vàng và cái đầu giống đầu sư tử trên cánh tay. Đó là một giống chó quý của Tây Tạng, dữ và thích cắn. Tiếp theo là một người đàn bà đứng tuổi, trang điểm và ăn mặc trẻ trung, mặc măngtô da, rồi đến Eva, Gabor, sau cùng, bên cạnh tài xế, là Lajos. Họ đến, làm bối rối những người chờ đợi; không ai vội vã bước tới chào họ. Mọi người đứng trong vườn, nhìn chiếc xe đỏ, không động đậy. Lajos nói gì đó với tài xế, rồi bước vào vườn, nhìn quanh, nhận ra Tibor, rồi không một lời chào, anh ngỏ ý:

– Tibor, cho tôi mượn hai mươi đồng. Tài xế cần mua xăng, nhưng tôi không có tiền lẻ.

Vì Lajos nói chính xác những gì người ta chờ đợi ở anh vào giây phút này, nên không ai phản đối; như bị thôi miên, trong khu vườn, nơi hai mươi năm trước đây họ nhìn thấy Lajos lần cuối, dưới bóng cây bạch lạp, trong diện mạo như thế; và bởi anh chào mọi người cũng với những lời như khi chia tay, ai cũng hiểu, trong mọi chuyện có một quy luật gì đó đã định sẵn; và họ im lặng. Tibor lẳng lặng đưa tiền cho Lajos. Họ cứ đứng như thế hồi lâu, như các nhân vật trong một vở kịch câm. Lajos đưa tiền cho tài xế, quay lại khu vườn, giới thiệu những người mới đến cho chủ nhà. Khởi đầu là như vậy.

Sau này, nhiều khi tôi ngẫm nghĩ, liệu có hay không trong mọi chuyện, một cái gì đó đã được dàn dựng, một cái gì đó mang hơi hướng của sân khấu? Tôi tin rằng, có; chỉ có điều, cái hơi hướng sân khấu này là vô thức. Nói cách khác, lẽ ra Lajos không thể gây ảnh hưởng được; lẽ ra người ta phải tống khứ anh ta ở bất cứ nơi nào, như một tên cờ gian bạc lận, hay như một tay hề rẻ tiền, mà một thời gian, có thế vì mua vui, có thể vì khiêu khích quá trớn đã được chấp nhận, nhưng rốt cuộc làm người ta phát ngấy, phải quay mặt đi vì nhàm chán mọi ý đồ và mánh lới nhà nghề. Nhưng với Lajos, không ai quay lưng lại được, vì những dàn xếp vụn vặt của anh luôn gây bất ngờ, khiến chính anh cũng cảm thấy thú vị, anh không chuẩn bị trước, nhưng trong thời khắc điểm đỉnh của sự việc, anh sẵn sàng mỉm cười trầm trồ và vỗ tay tự thán phục. Lajos thường ngâm một đoạn thơ trong kịch của Shakespeare, bắt đầu bằng câu: “Đời là một màn kịch.” Anh đóng vai trong màn kịch này, luôn luôn đóng vai chính, trong những cảnh hay ho nhất, không cần học thuộc lòng lời thoại. Giờ đây, trong giây phút cập bến, anh vui sướng dàn dựng, diễn xuất và ngâm thơ. Anh giới thiệu các con mình với những cử chỉ rất kịch và khó hiểu, như thể chúng là những đứa trẻ mồ côi.

Ngay từ những lời đầu tiên, bản án đã vang lên, bản án và lời chỉ trích. Đây, những trẻ mồ côi! – anh nói về hai đứa con với Tibor và Laci. Hai đứa trẻ mà thực ra giờ đây đã thành hai người lớn, Gabor là một kỹ sư đã tốt nghiệp, béo tốt, vụng về, mắt chớp chớp và nhút nhát, còn Eva là một thiếu nữ, rất thành thị, trong bộ đồ thể thao mốt nhất, cổ quấn khăn lông lủng lẳng hai cái đầu cáo, hơi khinh khỉnh với nụ cười mệt mỏi, phụng phịu. Đây, lũ trẻ mồ côi! – khi giới thiệu các con của Vilma, cái nhìn và cử chỉ của Lajos như có ý nói, những đứa bé nửa mồ côi này, đã chiến thắng âm mưu của số phận, đã trưởng thành và lành lặn trở về quê hương sau một thời gian xa cách. Tôi thấy thật khó giải thích điều này. Chúng tôi bối rối đối diện với lũ trẻ mồ côi, mắt nhìn xuống. Lajos nói về từng đứa, thẳng thắn và đầy đủ, như thể nhặt được chúng ở ngoài đường, những đứa trẻ cầu bơ cầu bất, bị Thượng đế và loài người bỏ rơi, như thể ở đây, trong ngôi nhà này, một ai đó – Tibor hoặc Nunu, hay chính tôi – chính là những người phải gánh trách nhiệm vì số phận của chúng. Không có lời kết án rõ ràng, nhưng từ giây phút đầu tiên, cái giọng điệu đó đã vang lên, khi anh giới thiệu Eva và Gabor. Điều kỳ lạ nhất là tất cả chúng tôi đều cảm thấy, tại nơi đây, giữa khu vườn này, chúng tôi là những kẻ phần nào phải chịu trách nhiệm về những con người từ tận mặt trăng rơi xuống cuộc đời chúng tôi, hai đứa trẻ bảnh bao, chải chuốt, có vẻ khôn ngoan và được giáo dục một cách đáng ngờ – một thứ trách nhiệm theo ý nghĩa thông thường, như thể chúng tôi đã không chia cơm sẻ áo và dành tình cảm của mình cho một người hoan nạn cần được giúp đỡ. Hai đứa trẻ mồ côi bình thản và chờ đợi, như đã quá quen với những dàn dựng của Lajos, chúng biết, những tiết mục như thế không thể tránh khỏi, cần phải chờ đến hết chương trình và vỗ tay. Lajos, sau phút nghỉ cố ý, khi chúng tôi tràn ngập ý thức phạm lỗi bởi “những đứa trẻ mô côi”, hắng giọng hai cái, theo thói quen cũ, anh nhanh chóng bắt đầu màn ảo thuật.

Những màn biểu diễn này đã choán hết buổi sáng. Anh say sưa làm việc; có thể nhận thấy, anh nỗ lực hết mình và dốc tất cả tài năng, những gì có thể dốc ra được, với toàn bộ trái tim, với những giọt nước mắt thật, những nụ hôn cháy bỏng, với khả năng hồi tưởng đáng khâm phục, anh trình diễn thật ngoạn mục từng màn kịch. Tài năng của anh làm lu mờ mọi con mắt. Kể cả Nunu. Trong tiếng đồng hồ đầu tiên, chẳng ai trong chúng tôi thốt lên được câu nào. Chúng tôi nín thở theo những màn diễn của anh. Lajos hôn Nunu, hai lần bên phải, bên trái, rồi rút từ trong ví của mình lá thư của ngài quốc vụ khanh; vị quan chức cấp cao thông báo cho Lajos, bạn hữu của ngài, ngài đã nhận được lá thư mà anh thúc giục cất nhắc Nunu lên làm sếp trưởng bưu điện thành phố, ngài hứa sẽ vận động để đáp ứng đề nghị này. Chính tôi cũng nhìn thấy lá thư; được viết trên thứ giấy chính thức, có đóng dấu và dán tem bạc, một dòng chữ nổi trên góc trái của lá thư: “Quốc vụ khanh”. Lá thư có thật và là bản gốc. Như vậỵ, Lajos đã làm một cái gì đấy cho Nunu. Chỉ có điều, không ai nói gì về việc Lajos hứa vụ xin xỏ này cho Nunu cách đây đã mười lăm năm, cũng chẳng ai lên tiếng là Nunu đã gần bảy mươi, bà đã quên từ lâu giấc mộng ở sở bưu điện, với cái tuổi của bà, Nunu không còn phù hợp với công việc này nữa, không thể giao phó cho bà một chức vụ đầy trách nhiệm như vậy, Lajos cũng đã muộn với công việc cao cả này; nói chính xác, anh đã muộn mười lăm năm. Điều này, giờ chẳng ai nghĩ tới. Chúng tôi vây quanh họ, Lajos và Nunu, với những cặp mắt lấp lánh, nhẹ nhõm và hân hoan. Tibor hãnh diện nhìn quanh, đôi mắt kính sáng lấp loáng hài lòng: “Thấy chưa, chúng ta lầm to! Lajos vẫn giữ lời hứa đấy chứ!” – ánh mắt anh nói lên như thế. Laci cười bối rối; có thể thấy, anh trai tôi cũng đang hãnh diện về Lajos. Nunu khóc. Ba mươi năm ròng Nunu là nhân viên quèn ở một bưu cục chốn quê nhà, trên miền Cao nguyên. Ba mươi năm ao ước vô vọng được tuyển vào biên chế chính thức; đến khi niềm hy vọng của bà tan tành theo năm tháng, bà mới chuyển đến với chúng tôi, giã từ hẳn những giấc mộng công danh. Thế mà bây giờ, nghẹn ngào xúc động, bà đọc những dòng thư có nhắc đến tên mình; ngài quốc vụ không hứa hẹn gì chắc chắn, chỉ gieo một tia hy vọng là sẽ quan tâm đến việc của Nunu, và “xem xét các khả năng”. Không có một khả năng thực tế nào. Nhưng Nunu vẫn khóc, và nói khe khẽ:

– Lajos bé bỏng của ta, cảm ơn con. Có lẽ muộn mất rồi. Nhưng ta rất sung sướng.

– Không muộn, – Lajos nói. – Rồi Nunu sẽ thấy, không muộn.

Anh hào phóng nói, như một người ngang vai phải lứa không chỉ với ngài quốc vụ khanh, mà còn với cả Thượng đế, và có thể thu xếp bất kỳ việc gì, kể cả liên quan đến tuổi già và cái chết.

Chúng tôi sững sờ im lặng.

Sau đó mọi người chuyện trò huyên thuyên, bác Endre đến, bối rối đứng bên tảng đá một cách ý tứ, như một người vốn không chủ ý đến mà là bị Lajos khẩn nài quá, với tư cách “người của chính quyền”. Lajos sắp xếp. Anh tự giới thiệu, xếp đặt mọi người chụp ảnh chung, ứng khẩu những màn diễn nhỏ, những cảnh hội ngộ, tay bắt mặt mừng, giờ thì không còn hờn giận gì nữa nhé, hãy làm lành với nhau đi – tất cả, ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc viếng thăm, bằng những câu nói nửa chừng, anh giấu nhẹm đi sau cái không khí hoan hỉ và lóng ngóng của việc xếp hàng chụp ảnh chung; ai cũng ngoan ngoãn nghe lời anh, chúng tôi mỉm cười ngượng nghịu, cả bác Endre nữa; bác ôm dưới nách một cái cặp đựng những thứ gì bên trong không bao giờ chúng tôi biết được, có thể việc mang theo nó chỉ có ý nghĩa tuọng trưng, ý nói không phải tự bác muốn đến đây mà chỉ là việc thực thi nhiệm vụ thôi. Có thể nhìn thấy niềm vui trên gương mặt mọi người, niềm vui vì gặp gỡ Lajos, vì sự hiện diện của chính mình tại đây. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên, nếu đám đông tụ tập bên trong hàng rào kia đột nhiên cùng cất tiếng hát. Một trạng thái huyên náo như cơn lũ ùa đến chúng tôi trong cơn hưng phấn trào dâng đã xóa nhòa đi tất cả những chi tiết cụ thể. Khi hoàng hôn xuống, ai nấy phần nào hoàn hồn, chúng tôi sững sờ nhìn nhau như những khán giả bị thôi miên bởi màn ảo thuật của một đạo sĩ Ấn Độ; ông thầy tu tung sợi dây thừng lên không trung, bám vào đấy leo lên, rồi biến mất trong những tầng mây trước con mắt ngạc nhiên của chúng tôi. Tất cả nhìn lên trời tìm kiểm; rồi kinh ngạc nhận ra, ông ta vẫn đang uốn éo trước mặt chúng tôi, trên mặt đất, và quay những chiếc đĩa.

  1. X

Nunu bày bàn điểm tâm, khách khứa ngồi ngoài hàng hiên, lại chào hỏi nhau và dùng bữa một cách không thoải mái. Mọi người đều cảm thấy, chỉ sức mạnh ma quái của Lajos mới khiến sự gượng gạo này tan biến. Như thể mọi ngôn từ, mọi câu nói đều thuộc về những vai kịch. Mỗi giờ đồng hồ đều là một sự sắp đặt; “màn một”: ăn sáng, muộn hơn “thăm vườn”. Đôi khi, với con mắt đạo diễn, Lajos phát hiện ra không khí ỉu xìu ở một nhóm nào đó, anh vỗ tay và khơi nhịp. Nhưng cuối cùng, anh bỏ mặc họ để ở lại một mình với tôi ngoài vườn. Laci vẫn đang phấn khích, vừa ăn vừa trò chuyện, anh trai tôi hoàn toàn để cho niềm vui cuốn mình đi, bởi Laci là người đầu tiên lập tức bị khuất phục, anh đã quên hết mọi hồ nghi, sung sướng tắm mình trong ánh hào quang của bạn, trong sự hiện diện của Lajos. Câu nói đầu tiên Lajos thốt lên khi quay sang tôi là:

– Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết tất cả.

Tim tôi đập dồn hồi hộp. Tôi không trả lời. Tôi đứng đối mặt anh, dưới tán bạch lạp, cạnh tảng đá, nơi anh từng nói dối vô sô lần, và ngắm kỹ anh.

Lajos có vẻ buồn. Nỗi buồn của một tay phó nháy, hoặc một chính trị gia về già không theo kịp thời gian chẳng học được thêm mưu mẹo gì, đành dừng lại với những thói quen cũ kỹ, cổ hủ. Hoặc có vẻ gì đó của một tay nuôi dạy thú về già không còn uy phong với lũ thú dữ nữa. Trang phục của anh cũng cổ lỗ sĩ một cách đặc biệt: như một nguời đua đòi theo thời trang, nhưng bị một thứ gì đó từ bên trong ngăn cản khiến không thể trở nên sang trọng, họp mốt như mong muốn. Cổ anh thắt chiếc cà vạt lòe loẹt, đối nghịch với màu quần áo, tính cách anh và thời tiết. Quần áo anh màu sáng, rộng thùng thình, theo thời trang của các diễn viên nuớc ngoài trên những tấm bưu ảnh. Tất cả đều mới, và được lựa chọn không theo một gu gì, kể cả giày và mũ. Có chút gì bất lực ở đó. Lòng tôi se lại. Có lẽ, nếu anh đến với vẻ tàn tạ, bơ phờ và tuyệt vọng, thì tôi đã không ái ngại trước ấn tượng về sự rẻ tiền này bởi ý nghĩ thân phận của anh chỉ đến thế. Nhưng dáng vẻ thô thiển đáng hổ thẹn và tuyệt vọng này khiến tôi chạnh lòng. Tôi nhìn Lajos và chợt thấy thương xót.

– Ngồi xuống đi, Lajos! – tôi nói. – Anh muốn gì ở tôi?

Tôi cảm thấy bình tĩnh và thiện cảm. Tôi không còn sợ anh nữa. Con người này đã thất thế, tôi nghĩ, không cảm thấy hả dạ vì thế, chỉ thương hại, một cách sâu sắc và nhục nhã. Như thể tôi phát hiện ra, anh nhuộm tóc hay làm một điều gì đó khác cũng lố bịch tương tự: bởi quá khứ và hiện tại, tôi những muốn quở trách anh thành thực nhưng không hề nghiêm khắc. Cùng lúc, tôi cảm thấy mình già dặn hơn, từng trải hơn rất nhiều; Lajos đã dừng trưởng thành ở đâu đó, năm tháng trôi qua, anh vẫn chôn chân vào lối sống phóng túng, tuy không đặc biệt nguy hiểm, nhưng có lẽ đáng buồn hơn –là chẳng có mục đích gì đặc biệt hơn. Đôi mắt của anh vẫn lơ đãng và trong suốt một màu xám, như lần cuối cùng tôi gặp anh. Anh hút thuốc bằng tẩu – bàn tay nổi gân xanh già nua nom rõ, những ngón tay run run – ánh mắt chăm chú, bình thản và thẳng thắn, như một kẻ hiểu rõ rằng mọi sự giả dối đều vô ích và không có lợi lộc gì, tôi đã biết tỏng các trò diễn và mọi mưu mẹo của anh, dù anh có nói gì đi nữa thì đến cuối cùng anh cũng phải có lời đáp, bằng lời hay không bằng lời, ngay lúc này đây, chỉ một lần, nhưng phải là sự thật… Tất nhiên, anh bắt đầu bằng sự giả dối:

– Anh muốn giải quyết tất cả mọi việc, – anh nhắc lại một cách máy móc.

– Anh muốn giải quyết cái gì?

Tôi nhìn vào mắt anh và bật cười. Không có gì nghiêm chỉnh cả! – tôi nghĩ. Sau một quãng thời gian, không thể “giải quyết được” gì giữa con người với nhau; trong khoảnh khắc chúng tôi ngồi bốn tảng đá, tôi đã hiểu sự thật tuyệt vọng này. Con người sống, chắp vá, sửa chữa, gây dựng và đôi khi tàn phá cuộc đời mình; năm tháng trôi qua, họ nhận ra rằng cả những gì sinh ra từ lỗi lầm và sự vô tình đã kết thành một khối không thể cải tạo được. Lajos đã không thể làm gì được tại đây. Khi một người trở về từ quá khứ, tuyên bố một cách cảm động, sẽ giải quyết “tất cả”, ý định này chỉ có thể bị thương hại và nực cười; thòi gian đã “dàn xếp” tất cả, bằng cách riêng, cách duy nhất có thể của nó. Tôi trả lời anh:

– Thôi mà, Lajos. Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều vui vì được gặp… những đứa trẻ, cả anh nữa. Chúng tôi không được biết những dự định của anh, chúng tôi rất vui được gặp anh. Chúng ta đừng nói về quá khứ. Anh không nợ ai bất kỳ cái gì.

Vừa nói xong, tôi nhận ra, tôi đã để cho sự hăng hái nhất thời cuốn đi; tôi đã thốt ra “những lời đầu tiên” thực sự giả dối. Chỉ có kẻ bốc đồng và khoác lác mới khẳng định quá khứ không còn nữa, và Lajos “không còn nợ ai bất kỳ cái gì”. Cả hai đều cảm thấy như thế thật giả dối, và ngây người ngắm những hòn sỏi dưới chân. Vậy là chúng tôi bắt đầu nói với nhau, cao giọng quá mức, rít lên, và giá dối. Tôi nhận ra, mình bắt đầu tranh luận, chẳng đâu vào đâu, với những lời lẽ và cảm xúc thực sự khó bề kìm hãm:

– Có thể, không phải vì thế mà anh quay lại, – tôi cố nói nhỏ, e ngại khi cuộc trò chuyện ở hàng hiên bớt rôm rả, người ta có thể để ý và nghe thấy tiếng mình.

– Không, – Lajos nói và ho lên một tiếng. – Anh đến không phải chỉ vì việc ấy. Eszter, anh cần phải nói chuyện với em một lần nữa trong cuộc đời.

– Không còn gì nữa, – tôi nói, với vẻ can đảm và thờ ơ.

– Anh không cần gì cả, – Lajos đáp không chút tự ái. – Lúc này điều anh muốn là vì em. Em nghe đây, hai mươi năm đã trôi qua, hai mươi năm! Không còn nhiều hai mươi năm nữa trong cuộc đời; có lẽ đây là lần cuối cùng. Sau hai mươi năm, tất cả đã trở nên sáng tỏ, rõ ràng và dễ hiểu hơn. Anh biết điều gì đã xảy ra, và cũng biết vì sao nó xảy ra.

– Việc này thật đáng ghét, – tôi nói, giọng khản đặc. – Đáng ghét và nực cười. Chúng ta ngồi đây, những người một lúc nào đó từng liên quan đến nhau, và chúng ta nói chuyện về tương lai. Không, Lajos ạ, tôi đã hiểu, không có bất kỳ tương lai nào cho chúng ta. Hãy quay trở về mặt đất. Có một điều mà anh không biết, một sự kiêu hãnh khiêm nhường riêng của sự tồn tại mà thôi. Làm tổn thương nhau thế đã đủ. Nhắc lại quá khứ là xúc phạm. Anh muốn gì vậy? Anh nghĩ gì vậy? Có ai lấy làm lạ không? Đột nhiên, anh tụ tập mọi người, rồi anh xuất hiện, đĩnh đạc, với những lời xưa cũ, cứ như lời Chúa tự trên trời vậy… nhưng ở đây, ai cũng biết rồi. Chúng tôi đều biết cả, anh bạn ạ.

Tôi nói thong thả, với vẻ trịnh trọng nực cười, mỗi lời đều có vẻ tự tin, như đã cần nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Thực ra, dĩ nhiên tôi không nghĩ chín chắn được gì. Tôi không phút nào tin “có thể giải quyết được” điều gì ở đây, tôi không ao ước gục vào Lajos, và cũng không muốn tranh cãi. Tôi muốn gì đây? Tôi muốn thờ ơ với mọi thứ. Anh đang ở đây, anh đã đến đây, sự kiện này là một cái gì đó đặc biệt tất yếu của cuộc đời, anh đang muốn một cái gì đó, đang nghĩ nát óc để đạt được nó, nhưng rồi anh cũng sẽ ra đi, và chúng tôi sẽ lại sống như những ngày xưa cũ. Quyền lực của anh với tôi đã chấm dứt! – tôi cứ nghĩ như vậy, và bình thản nhìn anh một cách thân thiện. Nhưng đồng thời, tôi lại nhận ra trong lòng mình đang trỗi dậy ngay từ lúc khởi đầu cuộc trò chuyện của chúng tôi, những cảm xúc lẫn lộn nhưng không có sự “dửng dưng”; tôi nhận ra, thứ cảm xúc tràn ngập trong những lời tôi nói với Lajos, là dấu hiệu của một mối quan hệ không cầu kỳ, ủy mị, hay chất chứa những mơ mộng hư ảo của ánh trăng trong dĩ vãng. Chúng tôi trò chuyện về thực tại. Và như thể, sau bao nhiêu sương khói mịt mờ, chúng tôi cần phải bấu víu vào thực tại, tôi trả lời rất nhanh, không lựa chọn từ ngữ:

– Anh không thể cho tôi cái gì được nữa. Anh đã lấy đi tất cả, anh đã tàn phá tất cả.

Anh đáp, đúng như tôi chờ đợi:

– Phải.

Rồi bình thản nhìn tôi bằng đôi mắt xám trong veo; và ngó mông lung phía trước. Lời lẽ của anh có một vẻ thơ ngây, gần như vui sướng, như thể đã được khen ngợi ở một kỳ thi. Tôi rùng mình. Con người này là loại người gì? Anh mới điềm tĩnh làm sao; giờ anh nhìn quanh, kiểm tra ngôi nhà, tự nhiên như một kiến trúc sư. Sau đó, anh bắt đầu kể lể:

– Mẹ em mất trong căn phòng trên gác, phía sau cánh cửa chớp kia.

– Không đúng, – tôi sửng sốt. – Mẹ mất ở dưới, trong phòng khách, giờ là phòng của Nunu.

– Hay nhỉ, – anh nói. – Anh quên mất.

Sau đó, anh ném điếu thuốc và đứng dậy đi loanh quanh. Anh bước đến sát tường nhà, đưa tay sở những viên gạch, rồi lắc đầu.

– Hơi ẩm ướt, – anh lơ đãng chê bai.

– Năm ngoái chúng tôi đã tu sửa, – tôi nói, chưa hết sửng sốt.

Lajos trở lại, nhìn sâu vào mắt tôi. Anh im lặng hồi lâu. Chúng tôi nhìn nhau, mắt hơi cụp xuống, chăm chú và tò mò. Vẻ mặt Lajos nghiêm nghị và hết sức thân ái.

– Eszter, một câu hỏi thôi, – anh nói nhỏ, giọng nghiêm trang. – Duy nhất một câu hỏi thôi.

Tôi nhắm mắt, toàn thân nóng bừng, ngây ngất. Cơn choáng váng chỉ xuất hiện trong vài giây. Theo phản xạ tự vệ, tôi giơ tay ra phía trước. “Bây giờ anh ấy sẽ hỏi, – tôi nghĩ. – Chúa ơi, bây giờ anh ấy sẽ hỏi. Cái gì nhỉ? Có thể là, tại sao lại xảy ra mọi cơ sự ấy? Có thể, tôi là kẻ hèn nhát? Không, đây là lúc phải trả lời anh!” Tôi hít một hơi thật sâu và nhìn anh, sẵn sàng trả lời.

– Em nói đi, Eszter, – anh hỏi nhẹ nhàng, giọng ấm áp, – ngôi nhà này vẫn chưa bị thế chấp đấy chứ?

  1. XI

Những sự kiện của buổi sáng, ít nhất là tất cả những gì diễn ra sau câu nói này đã mờ đi trong tâm trí tôi. Đúng lúc đó, bác Endre bước đến chỗ chúng tôi. Lajos lúng túng và bắt đầu lên giọng ba hoa. Như một kẻ muốn át đi nỗi sợ hãi của mình, với một sự thân thiện giả tạo và vẻ ngạo mạn rỗng tuếch, nhưng tất cả không mảy may có tác động gì với bác Endre. Lajos bả lả “Ông bạn già của tôi ơi”, rồi khoác tay bác ta và kể một thôi một hồi những câu chuyện tếu táo. Anh cư xử hoàn toàn như một người khách được đón chào nồng nhiệt, một vị thượng khách của gia đình. Endre điềm nhiên lắng nghe Lajos. Endre là người duy nhất Lajos e dè trên thế gian này vì bác không bị mê hoặc bởi những trò ảo thuật của Lajos. Bằng cách nào đấy, tự sâu thẳm trong lòng bác dửng dưng trước cái vẻ hào nhoáng và cuốn hút của Lajos, những thứ Lajos vẫn tin có thể vây bủa bất cứ ai, bất cứ thứ gì, kể cả lũ súc vật và các món đồ vô tri vô giác. Endre chăm chú lắng nghe Lajos, như một người đã quá hiểu những bí mật, những lớp lang của trò ảo thuật, và chẳng hề kinh ngạc nếu Lajos có từ từ moi trong chiếc mũ phớt của anh một lá cờ, hay bất thình lình phù phép khiến lẵng quả trên bàn biến mất. Bác nghe Lajos nói với một sự chăm chú thuần túy công việc; không một chút ác ý, hầu như thực sự quan tâm. Có cảm giác như sau khi nghe xong xuôi bác sẽ thốt lên: “Ờ, thế anh còn biết gì nữa nào?” Còn Lajos, sau mỗi trò diễn, đều ngưng lại một chút, liếc nhanh theo dõi bác Endre với vẻ cảnh giác.

Cuộc đối đầu này, có lẽ chỉ tôi nhìn thấy; Tibor và Laci thì ngây ngất thán phục những trò diễn khéo léo. Sau này, tôi được biết, Eva cũng nhận ra sự lúng túng của Lajos. Có vẻ như Endre biết một sự thật đơn giản và không thể phủ nhận có thể dồn Lajos vào chân tường bất cứ lúc nào. Nhưng bác không có ý định giễu cợt Lajos và cũng chẳng tỏ ra lạnh nhạt.

– À, Lajos, cậu đã đến? – bác nói; rồi họ bắt tay nhau.

Tất cả chỉ có thế. Lajos lúng túng cười. Dĩ nhiên anh sẽ hoạt bát hơn, nếu không có kẻ làm chứng cho những phút cuối của cuộc gặp gỡ. Nhưng nói cho cùng, chính anh đã mời bác ta đến với “tư cách người của chính quyền”, theo như chúng tôi biết. Anh đã gửi thư đảm bảo cho Endre, yêu cầu bác không được đi đâu xa vào ngày này, anh muốn nói chuyện với bác. Endre đến, lá thư mời của Lajos đút trong túi quần, to béo, điềm nhiên đứng giữa khu vườn, kiên nhẫn chớp chớp mắt vẻ hiền lành và nhã nhặn nghe Lajos nói, nhưng từ con người bác vẫn toát ra cái vẻ khiến đối phương không thể tự tin, giống như một người đang ngần ngại chưa sử dụng quyền lực của mình, vì bác biết, chỉ cần liếc mắt, hoặc giơ ngón tay trỏ lên, là Lajos sẽ im bặt, cúp đuôi và thôi làm trò ngay. Thế nhưng Lajos vẫn cần đến công chứng viên phiền toái này. Như một kẻ đã cân nhắc rất lâu, rốt cuộc vẫn phải liều mình đương đầu với thực tại – đối với Lajos, Endre là một thực tại, là một công chứng viên và vị quan tòa không thể né tránh, ngoan cố và khắc nghiệt, mà những trò ma mãnh của anh vô tác dụng. Cuối cùng anh nói: “Nào, chúng ta hãy làm cho xong chuyện đi.” Cách xử sự của Lajos với bác Endre vậy đấy.

Endre mới già đi khoảng ba bốn năm gần đây. Bản tính khắc khổ tự nhiên, vẻ xa cách bên ngoài cũng như nghề nghiệp và cái kiểu điều khiển người khác bằng ánh nhìn của bác khiến người lạ hơi e sợ khó gần. Tuy nhiên Endre không phải con người lạnh lùng mà khá hào hiệp, có điều hơi vụng về và cục mịch; khi tiếp xúc với bác, người ta như tự nhìn thấu tâm địa mình, như thể bác ta tường tận những tội lỗi gì đó của thiên hạ mà cứ khư khư không tiết lộ.

Bây giờ cũng vậy, bác nhìn Lajos, như người đã biết hết tất cả nhưng thâm tâm không có ý định kết tội hay tha thứ. Cái câu “À, Lajos” mà bác dùng để chào sau hai mươi năm, không phải hạ cố cũng không có vẻ ngạo mạn hay nghiêm khắc, nhưng tôi vẫn có cảm giác khiến Lajos trở nên nao núng, anh bối rối đưa mắt nhìn quanh rồi rút khăn lau trán. Và cung cách như vậy diễn ra trong suốt cuộc chuyện trò mà tôi đoán là về thời cuộc hoặc chuyện mùa màng. Sau đó Endre nhún vai, như người đã thấy và nghe đủ, bác ngồi xuống tảng đá, tay chắp trước bụng với dáng vẻ của một người đứng tuổi. Cho đến sẩm tối, khi thảo văn bản tôi ủy quyền cho Lajos được phép bán ngôi nhà, bác không nói thêm một lời nào nữa với vị khách.

Dĩ nhiên mọi người trong chúng tôi đều biết, Lajos đang rắp tâm phá hoại cuộc sống của tôi, chính xác hơn, của Nunu, và sự bình an trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Ngôi nhà vẫn đứng đây che chở chúng tôi dù thời gian đã phần nào phủ nét tiều tụy lên hình hài của nó, nhưng nhìn chung nó vẫn còn đủ vững chãi; ngôi nhà là gia sản đáng giá cuối cùng mà Lajos vẫn chưa lấy đi, và giờ đây anh đã đến vì nó. Trong cái khoảnh khắc nhận được bức điện thư của Lajos, tôi đã biết, anh đến vì ngôi nhà; những linh cảm như thế không định hình thành những ý nghĩ rõ rệt, nhưng người ta vẫn nhận biết được. Tôi hão huyền đánh lừa bản thân mình đến tận phút cuối. Endre và Tibor cũng biết. Sau này, tất cả chúng tôi đều kinh ngạc vì đã đầu hàng Lajos một cách thật dễ dàng, không một chút kháng cự – và chúng tôi tự an ủi rằng trong cuộc đời không tồn tại những giải pháp nửa vời, cái điều đã khởi sự từ lâu, mười lăm năm trước, nay cần được kết thúc. Lajos cũng biết vậy. Anh đánh giá ngôi nhà hơi ẩm thấp, nhưng nói sang chuyện khác liền ngay đó như một người đã giải quyết xong việc quan trọng nhất, còn về những chi tiết vụn vặt khác thì không đáng phí lời. Tibor và Laci thấp thỏm đứng quanh anh. Muộn hơn chút nữa, trước bữa trưa, một người thợ may đến, ông là thợ may cũ của Lajos, và với vẻ hơi ngượng ngùng , ông cúi mình chìa một cái hóa đơn hai mươi lăm năm trước. Lajos ôm người thợ may, rồi đuổi khéo ông ta về. Những người đàn ông uống rượu thuốc, trò chuyện râm ran và cười ha hả không dứt với những câu chuyện khôi hài của Lajos. Chúng tôi dùng bữa trưa trong bầu không khí rất vui vẻ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: