Di sản của Eszter (Chương 6,7,8)

Marai Sandor

  1. VI

Nhiều năm về trước, khi Lajos đến với gia đình chúng tôi, Laci là người đầu tiên tiếp đón anh với một tình cảm quý mến nồng nàn. Thời gian đó trong gia đình cả hai người còn đóng vai trò như “những niềm hứa hẹn lớn lao”. Không ai có thể nói hoàn toàn chính xác Lajos và Laci đã “hứa hẹn” điều gì vì sự thật nếu có ai đó lắng nghe câu chuyện của họ thì, chẳng có gì nghi ngờ, họ hứa hẹn rất nhiều. Họ có một tính cách chung, đó là sự thiếu vắng toàn bộ cảm giác về thực tế, là thú mơ mộng viển vông, là sự ép buộc phải dối trá không chủ tâm; tất cả những điều này, với một sức mạnh không thể cưỡng lại thúc đẩy hai người đến gần nhau như những cặp tình nhân. Laci đã hãnh diện đưa Lajos đến với gia đình mình. Nhìn bề ngoài, họ cũng hao hao giống nhau: trên gương mặt của cả hai phảng phất nét lãng mạn của thế kỷ trước, mái tóc quăn của Laci mà tôi luôn ưa thích, Lajos cũng có mái tóc như vậy khiến tôi thiện cảm. Một thời gian họ ăn mặc cùng một kiểu, và cái thị trấn nhỏ xôn xao, xáo động bởi những cuộc phiêu lưu ồn ào, bông lông của họ. Nhưng mọi người đều bỏ qua, vì họ là những chàng trai trẻ đáng yêu và rốt cuộc, họ cũng chẳng phạm phải điều gì ô danh. Họ giống nhau một cách đáng sợ, kể cả tâm hồn lẫn thể xác.

Tình bạn này không mất đi, dù rằng vào những năm họ ở trường đại học đã xuất hiện những xáo trộn bên trong, rồi mọi điều cũng chẳng dừng lại khi Lajos bắt đầu để ý đến tôi, tình bạn đó không sứt mẻ mà thay đổi một cách lạ lùng. Kẻ mù cũng có thể thấy Laci ghen với Lajos một cách nực cười; anh trai tôi làm tất cả để kết nối người bạn với gia đình, nhưng lại nhìn sự tán tỉnh của Lajos bằng con mắt ác cảm. Khi có thể, anh quấy rối chúng tôi vào những lúc ngượng ngùng bên nhau, chế giễu những biểu hiện nhút nhát của mối tình đang chớm nở. Laci ghen tuông nhưng thật ngạc nhiên, hoặc cũng không đến nỗi ngạc nhiên, anh chỉ biểu hiện sự ghen tuông về phía tôi; khi Lajos kết hôn với Vilma, như thể Laci vui hơn lên, anh cư xử với tấm lòng trìu mến nhất, sẵn sàng hy sinh. Trong gia đình, mọi người đều biết tôi là đứa em gái cưng, là “điểm yếu” của Laci. Sau này tôi cũng nghĩ, Laci dành tình cảm mật thiết cho tôi và biểu hiện môi ác cảm về phía Lajos một phần vì sự thay lòng đổi dạ của Lajos. Nhưng cái giả thiết này, tôi không bao giờ có thể chứng minh được, ngay cả cho bản thân mình.

Hai con người giống nhau, hai tính cách gần như tương đồng cùng lúc thi nhau đi tìm tình bạn. Có khoảng thời gian khi Lajos thừa kế một số của cải, hai người đã sống chung trên thủ đô trong một căn hộ lịch sự dành cho những chàng trai chưa vợ, tôi chưa thấy bao giờ nhưng theo lời tả của Laci thì căn hộ này là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của xã hội. Tôi có đủ mọi lý do để có thể nghi ngờ tầm quan trọng của cái đời sống tinh thần của xã hội này. Dù sao chăng nữa, họ sống cùng nhau và có tiền – Lajos trong thời gian đó gần như giàu có và Laci chỉ vì tính tự ái trẻ con mà nhắc đến chiếc đồng hồ vàng và vài trăm đồng bạc bị hỏi mượn, chứ Lajos, vào quãng đời sống dư dật, đã chi tiền cho mọi người, dĩ nhiên cho cả người bạn nối khố của mình nữa – họ chọn ra vài công tử bột lúc nào cũng có sẵn trong cái xã hội vô tư ăn không ngồi rồi cuối thế kỷ, và nếu có thể đánh giá được, họ đã sống một cuộc sống xa rời thực tế. Nhưng không vì thế mà họ truy hoan, phóng đãng. Lajos không bao giờ thích thú rượu chè, Laci thì tránh xa việc đi chơi đêm. Đúng hơn là họ sống trong sự nhàn rỗi cầu kỳ, phù phiếm và rối rắm, sự nhàn rỗi mà người ngoài cuộc dễ nhầm với một lối sống được chọn lựa kỹ càng, chứa đầy những hoạt động có ý thức hoặc lẫn với ngay “cách sống” mới – đây là từ Lajos thích dùng – mà hai chàng trai tài ba đã bắt tay nhau tạo nên. Trên thực tế, họ giả dối và mơ mộng. Nhưng điều này chỉ sau đó rất lâu tôi mới hiểu. Một sự khuấy động ly kỳ đã xâm nhập vào gia đình chúng tôi cùng với Lajos, người bạn mới. Anh quan sát cách giải trí và cuộc sống làng quê của chúng tôi với sự nhẫn nại, biểu hiện bằng cái lắc đầu hiền lành. Chúng tôi cảm thấy ưu thế của anh và trong trạng thái hoảng sợ, chúng tôi cố gắng bù đắp những thiếu sót của mình. Thế là chúng tôi bắt đầu “đọc”, đầu tiên nhất là những tác giả mà tầm quan trọng của họ được Lajos nêu ra cho chúng tôi – chúng tôi “đọc” chăm chỉ và hổ thẹn như thể chuẩn bị cho kỳ thi quyết định của cuộc đời. Sau này chúng tôi hiểu ra, Lajos chưa bao giờ đọc hoặc chỉ đọc lướt qua công trình của những tác giả và triết gia này, thế mà tác phẩm và thế giới tư tưởng của họ được anh nhấn mạnh biết bao, rồi với cái lắc đầu quở trách, anh khêu gợi chú ý của chúng tôi với một sự nghiêm khắc hiền từ làm sao. Bùa mê của anh nhanh chóng tác động đến chúng tôi, như sự hấp dẫn của chợ búa đối với đàn bà. Thương cho mẹ tôi, bà là người đầu tiên sững sờ trong cơn mê hoặc này. Chúng tôi “đọc” không biết chán dưới tác động của Lajos và vì sự kính trọng dành cho anh, rồi chúng tôi “ăn mặc” hoàn toàn khác trước, “sống cuộc sống cộng đồng”, theo một cách nào đó, khác hẳn từ trước đến giờ; và chúng tôi cũng sắm sửa bộ đồ gỗ mới cho ngôi nhà. Tất cả mất một khoản tiền lớn, mà chúng tôi không phải là những người giàu có. Mẹ tôi luôn chờ đón Lajos. Bà chuẩn bị cho những cuộc viếng thăm của anh như chuẩn bị cho một kỳ thi nào đó: bà học thuộc lòng những tác phẩm thời mới của Đức vì có lần anh hạ cố hỏi rằng, chúng tôi có biết những tác phẩm nào đó của một B thuộc thành phố Heidelberg không? Không, chúng tôi làm sao biết được. Chúng tôi bắt đầu nháo nhào đi đọc những khái niệm cao siêu trừu tượng về cuộc sống và cái chết. Cha tôi cũng cố gắng vận động bản thân trong thời gian này. Ông uống ít đi và đặc biệt để ý đến bản thân, và nếu có mặt những vị khách của chúng tôi, thì ông, với cuộc đời buồn tủi, chắp vá chằng chịt của mình, liền lẩn trốn cặp mắt chó visla của Lajos. Những vị khách, anh trai tôi và Lajos, thăm viếng chúng tôi vào tất cả những ngày cuối tuần.

Những lúc ấy, ngôi nhà tràn ngập đám người ồn ào. Căn phòng dùng để chuyện trò trước đó, bỗng chốc biến thành một cái gì đấy kiểu như “phòng khách”, nơi Lajos đón tiếp những vị khách đáng quan tâm của thành phố; những con người mà từ trước đến giờ đối với chúng tôi, chính xác hơn là khả nghi, chứ không phải đáng quan tâm, vâng, họ là những nhân vật mà trước đấy không bao giờ chúng tôi tiếp đón. Giờ đây họ nhận được giấy phép ra vào tự do. Cha tôi, trong cái áo choàng sờn bạc và với sự thân thiện cổ lỗ sĩ của người, ngượng nghịu đi qua đi lại vu vơ giữa các vị khách cuối tuần – đến chiếc tẩu thuốc ông cũng không dám châm hút trong những ngày này… Còn Lajos thì tiếp nhận, lắng nghe, chỉ trích hay gật gù bằng cái liếc mắt, rồi khen ngợi, tâng bốc điều gì đó lên chín tầng mây hay nhấn chìm xuống đáy địa ngục. Mọi chuyện diễn ra như thế trong ba năm trời.

Họ, anh trai tôi và người bạn kỳ lạ của anh, không phải là những chàng trai thô lỗ, suốt ngày chè chén say sưa. Cuối năm đầu tiên, người lạ cũng nhận ra là, Laci cũng rơi vào mối quan hệ lệ thuộc với Lajos như mẹ tôi, chị gái Vilma và sau này, cả bản thân tôi. Giờ đây tôi có thể nói mình là người tỉnh táo và chống chọi được lâu nhất sự hấp dẫn ác quỷ ấy; nhưng tại sao tôi lại tâng bốc mình với niềm vui chiến thắng nhỏ nhoi này? Vâng, từ những khoảnh khắc đầu tiên tôi đã “thấy” Lajos: nhưng tôi có vội vã đón nhận lòng tốt của anh một cách tham lam và mù quáng hay không? Anh thật dịu dàng và đứng đắn. Như chúng tôi nhận thấy không lâu sau đó, anh cùng với Laci bỏ dở việc học hành trên trường đại học; anh nói – tôi nhớ những lời của anh, vào một buổi chiều tà, anh đứng bên cửa sổ, lọn tóc quăn rủ trên vầng trán, và như người đang liều mình cho một sự hy sinh lớn lao, những lời của anh vang lên một cách cam chịu: – “Anh cần phải đánh đổi sự cô đơn yên ổn và hậu hĩ của văn phòng làm việc bằng những cơ hội đầy hiểm nguy và sôi động của đấu trường loài người”. Anh luôn nói với một giọng như thế, tựa hồ anh đọc trong sách. Lời tuyên bố này làm tôi thấy xốn xang và hoang mang trong lòng. Tôi cảm thấy Lajos, vì một mục đích to lớn nhưng không rõ rệt nào đấy, đành rũ bỏ sự nghiệp của mình, vì ai hoặc một nhóm người nào đó – có thể, vì loài người – sẽ tiếp tục chiến đấu không bằng tri thức, mà bằng phương tiện của cuộc chiến ngày thường. Sự hy sinh này khiến tôi lo lắng, vì trong gia đình chúng tôi, mọi người thích hơn nếu các chàng trai học hành xong xuôi trước khi bước vào “đấu trường loài người”. Nhưng tôi tin Lajos, con đường của anh khác, và những công cụ của anh đặc biệt. Tất nhiên, Laci lập tức đi theo anh trên con đường đã chọn đó. Vào năm thứ ba, họ bỏ học. Lúc đó tôi vẫn còn là một cô bé. Sau một thời gian, Laci quay trở về “thế giới tinh thần”; với số tiền vay mượn cuối cùng bằng thế chấp của gia đình, anh mở hiệu buôn bán sách trong thành phố. Sau những dự định hăng hái ban đầu, anh sống qua ngày đoạn tháng bằng việc bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Bước đi này của Laci đã bị Lajos thẳng thừng phê phán. Nhưng sau đó, khi chúng tôi bị cuốn hút vào chính trị, anh bặt tin.

Về quan điểm chính trị của Lajos, tôi không bao giờ biết chính xác. Tibor, người tôi nhiều lần gặng hỏi về các quan điểm này, nói Lajos không có bất kỳ một hình dung chính trị nào, đơn giản anh là con người nghiêng ngả, và chỉ tìm kiếm phiêu lưu ở những nơi người ta chia sẻ quyền lực. Lời buộc tội này có thể đúng; nhưng không hoàn toàn chính xác. Lajos có thể xả thân vì loài người hoặc vì lý tưởng của nhân loại – bởi anh luôn yêu quý lý tưởng hơn thực tế, có thể vì lý tưởng không nguy hiểm bằng và dễ mặc cả hơn – khi “tìm kiếm phiêu lưu” chính trị, anh sẵn sàng liều mạng, không hoàn toàn vì chiến lợi phẩm mà vì cái không khí hăm hở của cuộc phiêu lưu, anh hoàn toàn cảm nhận được và đau đớn vì cảm hứng thiêng liêng đó. Lajos, với tôi, bắt đầu bằng sự giả dối, sau đó giữa những cơn giả dối, anh chìm đắm và khóc than cho bản thân; rồi với cặp mắt đẫm lệ, anh tiếp tục nói dối, sau cùng, mọi người ngã ngửa khi anh nói thật, chân thành như lúc nói dối… Cái khả năng này của Lajos, dĩ nhiên không ngăn cản anh tự xưng là người tiên phong của các đảng cực đoan, có chính kiến đối lập nhau trong thập kỷ vừa qua; cho dù sau một thời gian ngắn, anh được mời ra khỏi tất cả các đảng. Laci may mắn không theo Lajos trên con đường này. Anh trai tôi ở lại với “thế giới tinh thần” của mình, với mùi ẩm mốc của bút chì, thước kẻ và những cuốn sách giáo khoa in tai lừa trên bìa. Nhưng Lajos trôi dạt giữa các hiểm họa; không ai gọi đích danh các “hiểm họa” này, chúng tôi chỉ nghĩ về anh từ xa như về một con người sống ở miền đất đầy bão tố, sấm sét, nơi gần với cơn giận dữ của Thượng đế.

Khi Vilma mất, chúng tôi chia ly, Lajos tách ra khỏi tầm nhìn của gia đình. Rồi tôi quay về nhà, nơi ẩn náu cuối cùng, nghèo khó. Tại đây không có gì đợi tôi, chỉ có chỗ nằm và bánh mì khô. Nhưng, ai trở về từ cơn bão đều sẽ hạnh phúc nếu trên đầu còn có một mái che.

  1. VII

Cái mái chở che này – thời kỳ đầu – khá lụp xụp. Khi cha tôi qua đời, Tibor và Endre, những người bạn của chúng tôi đã xem xét lại kỹ lưỡng tài sản của gia đình. Endre là công chứng viên của thị trấn buộc phải tham gia cuộc kiểm định này. Tình trạng vật chất của chúng tôi thời gian đầu tiên có vẻ tuyệt vọng. Lajos, qua vô vàn ống dẫn nhỏ như sợi tóc, vô hình, đã hút mất từ gia đình những gì ít ỏi còn lại sau những biến động cuối cùng: công việc làm ăn thua kém và lụn bại của cha, cú ngã bệnh của mẹ, Vilma lấy chồng rồi mất, Laci mở cửa hàng. Lúc không thể moi thêm đồng tiền mới nào nữa, từ căn nhà cổ, Lajos khuân đồ đạc đi, – làm “kỷ niệm”, như anh nói với vẻ hiếu kỳ và thú vui sưu tầm của một đứa trẻ. Sau này, đôi khi tôi bảo vệ anh trước Endre và Tibor. “Anh ấy chỉ bày trò thôi mà, – tôi bảo khi họ lên án anh. – Trong tính cách của anh ấy có cái gì đấy trẻ con. Anh ấy thích bày trò.” Nhưng những lúc đó, Endre cáu kỉnh phản đối. Trẻ con, chúng chơi với những con tàu bé nhỏ hoặc với những viên bi ve màu, anh nói một cách bực bội; còn Lajos “vĩnh viễn” là trẻ con, một đứa trẻ thích nhất trò chơi với những tấm ngân phiếu. Anh không nói, nhưng có thể cảm nhận rằng, anh không coi những tấm ngân phiếu của Lajos là thứ đồ chơi trong sáng và vô hại. Của đáng tội, sau khi cha mất, bỗng dưng lòi đâu ra các tấm ngân phiếu được cho là do cha tôi ký cho Lajos; nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ sự xác thực của những chữ ký. Rồi những tấm ngân phiếu đó cũng bị biển thủ như bao thứ khác trong sự phá sản toàn diện.

Khi tôi nhận ra rằng, mình không còn người nào nữa trên thế gian này – ngoài Nunu, người tôi chung sống trong một liên minh đặc biệt, như loài tầm gửi và thân cây, có điều chúng tôi không biết ai là thân cây ai là tầm gửi? – Endre và Tibor cố vớt vát lại cho tôi một thứ gì đó khỏi cái dòng suy tàn đang chảy hàng ngày. Thời gian này, Tibor muốn hỏi cưới tôi. Lúc đó tôi ấp úng từ chối; nhưng tôi không nói ra lý do thật sự của mình. Tôi vẫn âm thầm ngóng chờ Lajos, chờ mong tin tức, lời nhắn hoặc có thể một phép màu gì đó. Xung quanh Lajos như có sự diệu kỳ bao bọc: tôi không cảm thấy vô lý nếu phép màu xảy ra, rằng một ngày anh sẽ xuất hiện, có thể một cách rất nghệ sĩ, kiểu như ca sĩ thiên tài Lohengrin, và một điệu ca thánh thót nào đó cất lên. Sau ngày chúng tôi chia tay nhau, anh biến mất thật đáng kinh ngạc, tựa như anh chụp lên đầu mình một cái mũ sương mù. Nhiều năm, tôi không nghe tin về anh.

Chúng tôi không còn gì, trong tay chỉ trơ trọi ngôi nhà và khu vườn. Ngôi nhà đã bị thế chấp vì một khoản nợ nhỏ. Tôi luôn đinh ninh rằng mình kiên nhẫn, bướng bỉnh và có đầu óc thực tế. Nhưng trong khoảnh khắc, khi chỉ còn lại một mình, tôi đã phải nhận ra rằng, tôi sống ở nơi nào đó, giữa những đám mây chứa đựng vô vàn những tia chớp hiểm họa, và tôi biết quá ít sự thật và những điều chắc chắn về cái thực tại trần trụi của cuộc sống trần gian. Nunu nói khu vườn và ngôi nhà là đủ cho chúng tôi. Đến nay tôi vẫn không hiểu “đủ” là thế nào? Đúng, khu vườn khá rộng, đầy cây ăn quả, Nunu đã tống khứ toàn bộ những khóm hoa hòe hoa sói lòe loẹt, rồi đập bỏ các lối đi vòng vèo đắp bằng đất sét đỏ, và đày biệt xứ cái thác nước giả cầu kỳ cùng các tảng đá có rêu phủ xanh rì, bà tham lam tận dụng từng mẩu đất chỉ nhỏ bằng bàn chân với sự chăm chú linh lợi, giống như người ta nâng niu trân trọng đất đai và vườn tược ở những vùng đất toàn sỏi và đá, nơi mà mỗi mét vuông đất trồng trọt đều được quây bằng những tảng đá với mục đích chống lại sự xâm nhập của gió bão và kẻ lạ. Khu vườn này là tất cả những gì còn sót lại. Endre và Tibor, suốt một thời gian dài lúc nào cũng khuyên chúng tôi hãy cho thuê vài phòng và phục vụ khách trọ để tăng thu nhập. Kế hoạch đó không thành, vì Nunu không chấp nhận. Bà không phản ứng, cũng chẳng giải thích vì sao, chỉ qua những lời nói, đúng hơn qua sự im lặng của Nunu: bà không muốn tiếp nhận người lạ vào nhà. Nunu thu xếp, “giải quyết” theo cách khác, không giống cách mà người ta chờ đợi. Hai người đàn bà cô quạnh, không trông mong vào đâu được, như bình thường có thể mở xưởng may vá hay nấu nướng gì đó, hoặc tỉ mẩn với công việc chân tay, nhưng Nunu không nghĩ đến những điều như vậy. Sau một thời gian khá lâu, bà mới cho phép tôi mở lớp học dương cầm cho dăm ba đứa trẻ của vài gia đình quen biết.

Nhờ cách nào đó chúng tôi đã sống… Bây giờ tôi hiểu, ngôi nhà che chở chúng tôi và khu vườn là tất cả những gì mà người cha có số phận long đong tội nghiệp của tôi để lại, đã cưu mang chúng tôi. Nó là thứ của cải còn sót lại, nó nuôi sống chúng tôi. Ngôi nhà che chở trên đầu chúng tôi; và như thế, cho dù đã bị tước đoạt mất nhiều, chỉ còn lại vài thứ đồ gỗ cũ kỹ, nó là tổ ấm của chúng tôi. Khu vườn cho đồ ăn thức uống hàng ngày, không nhiều không ít, đủ số lượng cần thiết cho những kẻ đắm thuyền. Khu vườn, bằng cách nào đó, sinh sôi nảy nở xung quanh chúng tôi, có lẽ bởi chúng tôi đã dồn tất cả sức lực và niềm hy vọng vào nó. Đôi khi khu vườn có vẻ như một trang trại màu mỡ thực sự, nếu ai đó gieo cuộc đời mình xuống đây, người đó có thể vui sống trọn đời, mà không phải lo nghĩ gì cả. Một hôm, Nunu đi đến quyết định liều lĩnh, bà ươm hạnh nhân lên diện tích một sào rưỡi đất xốp cuối vườn. Vườn hạnh nhân rủ lá, cánh tay bí mật ban phát manna cho những kẻ đói khát. Hàng năm, vườn hạnh nhân đơm trái sum suê, Nunu thu hoạch một cách kín đáo, trịnh trọng; chúng tôi sống yên ổn bằng tiền bán hạnh nhân, trả nợ dần, thỉnh thoảng còn đưa Laci ít tiền. Rất lâu tôi không hiểu điều này; Nunu chỉ mỉm cười và im lặng. Đôi khi tôi dừng lại trước rừng hạnh nhân, ngắm mê mẩn. Tựa hồ phép màu đã xảy ra, với đất đai và cuộc sống. Có ai đó đang che chở chúng tôi! – tôi cảm thấy điều này.

Vườn hạnh nhân là ý tưởng của cha tôi; nhưng đến khi thực hiện nó, ông đã mệt mỏi. Mười năm về trước, ông nói đất xốp cuối vườn thích hợp với hạnh nhân. Cha tôi không quan tâm tới những cơ hội của cuộc đời, trong con mắt người lạ, ông là người đã để trôi tuột đi, đã làm tiêu tán số tài sản ít ỏi của gia đình. Tuy vậy, sau khi ông qua đời, chúng tôi nhận ra rằng cha tôi, với cái kiểu chẳng mấy khi cất lời và những mặc cảm riêng, lại là người chu tất, để lại mọi thứ cho chúng tôi: ngôi nhà bị thế chấp không phải do cha, mà do mẹ, bà làm theo yêu cầu của Lajos, và khu vườn được ông giữ cho chúng tôi đến tận phút cuối cùng, ông là người phản đối việc chuyển nhà đi nơi khác. Còn lại một mình với Nunu, tôi không có việc gì khác, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong khu vườn, thứ tài sản cha để lại. Chúng tôi tu sửa ngôi nhà với sự giúp đỡ của Endre, bác giúp chúng tôi vay có thế chấp một món tiền với lãi suất thấp. Những điều này xảy ra, không hoạch định, không cả ý đồ và mục đích cụ thể. Một ngày, chúng tôi nhận ra rằng trên đầu mình có mái nhà hứng nắng che mưa, rằng đôi khi tôi có thể mua cho mình tấm vải đủ may một bộ quần áo, Laci mượn được những cuốn sách cần thiết, và rằng nỗi cô đơn, khi chúng tôi tự ái kéo nhau ẩn mình vào sau cơn suy sụp như con thú bị thương thu mình vào hốc, đã tan biến: chúng tôi có những người bạn; vào các tối Chủ nhật, ngôi nhà náo nhiệt tiếng chuyện trò của những người đàn ông, họ khiến chúng tôi, Nunu và tôi, thích nghi với thế giới bên ngoài, họ chia sẻ góc ấm áp trong thế giới tâm hồn họ, nơi chúng tôi có thể yên ổn, không bị phiền nhiễu. Cuộc đời không đáng tuyệt vọng, không phải không thể chịu đựng nổi, như tôi hằng tưởng tượng. Cuộc sống của chúng tôi dần dần ngập tràn những sự kiện mới mẻ: có thêm những người bạn, đúng, cả những kẻ ghen ăn tức ở nữa, như bà mẹ Tibor, bà ta cấm anh, như cô vọ Endre cấm Endre, không được đến với chúng tôi, với sự ghen tuông vô cớ và nực cười. Đôi khi, cuộc sinh tồn này, cả trong nhà và ngoài vườn cây, như một cuộc sống đích thực, có mục đích, và nhiệm vụ bên trong của nó. Chỉ tiếc là nó không có ý nghĩa gì lớn; nó có thể kéo dài như thế vài thập kỷ, tôi sẽ không phản đối, nếu người ta ra lệnh cho tôi phải từ bỏ nó ngay ngày mai. Đó là một cuộc đời bằng phẳng và không hiểm nghèo. Lajos dùng Nietzsche ra lệnh cho chúng tôi phải sống một cách nguy hiểm. Bản thân anh sợ nguy hiểm; anh bước vào những cuộc phiêu lưu chính trị, cũng như tình cảm, với những lời to tát và đầy vũ khí bí mật – những dối trá được chuẩn bị trước, trong túi cất giấu đủ lời hoa mỹ và những lá thư mang nội dung bê bối của các đối thủ. Nhưng cuộc đời của tôi chỉ “nguy hiểm” một thời gian, khi ở gần Lajos. Giờ đây, khi mối nguy hiểm này đã qua đi, tôi nhận ra rằng không còn gì nữa; tôi nhận ra rằng nỗi nguy hiểm này là ý nghĩa chân chính và duy nhất của cuộc sống.

1. VIII

Tôi đi vào nhà, cắm những bông thược dược vừa hái vào lọ, rồi ngồi xuống với khách khứa ngoài hàng hiên. Laci trốn về nhà vào tất cả các Chủ nhật để dùng bữa điểm tâm với chúng tôi. Những khi đó, chúng tôi dọn riêng bữa sáng cho anh ở ngoài hàng hiên, hoặc những hôm thời tiết xấu – trong căn phòng một thời dành cho lũ trẻ chúng tôi, bây giờ được dùng làm nơi tiếp khách, hoặc để hàn huyên. Chúng tôi dọn lên bàn những chiếc chén cổ và bộ thìa dĩa bạc Anh quốc. Laci rót sữa vào tách cà phê của mình từ chiếc bình bạc do một người bà con mộc mạc và nhiệt tình tặng riêng nhân ngày lễ rửa tội của anh năm mươi hai năm trước. Tên anh khắc loằng ngoằng bên ngoài chiếc bình. Họ ngồi ngoài hàng hiên, Tibor bập bập tẩu thuốc và bối rối nhìn khu vườn. Laci ăn đầy miệng, như hồi còn trẻ con; những bữa điểm tâm ngày Chủ nhật này anh không muốn bỏ qua, như thể chúng gợi cho anh nhớ đến những kỷ niệm thời thơ ấu của mình.

– Anh ta cũng viết cho cả Endre nữa, – Laci nói, miệng đầy thức ăn.

– Anh ấy viết gì? – tôi sửng sốt.

– Anh ta viết là Endre cần có mặt, đừng đi đâu ngày hôm nay, vì anh ta cần đến Endre.

– Cần đến Endre? – tôi hỏi và mỉm cười.

– Tibor, có đúng thế không? – Laci hỏi, vì anh luôn cần đến người làm chứng tín nhiệm này. Laci không tin vào những tuyên bố của mình.

– Đúng, đúng thế, – Tibor bực dọc nói. – Anh ta muốn cái gì đấy. Có thể, – anh nói, gương mặt sáng lên, như người vừa tìm ra lời giải đáp phù hợp và đúng đắn duy nhất cho câu hỏi này, – có thể anh ta muốn thanh toán hết nợ nần của mình.

Chúng tôi suy nghĩ. Tôi muốn tin Lajos, và giờ đây, khi Tibor nói ra cái giả thiết này, chính tôi cũng không cảm thấy vô lý. Cùng lúc niềm vui và niềm tin cuồng nhiệt trào dâng trong tôi. Dĩ nhiên rồi, nếu sau hai mươi năm anh ấy quay trở lại! Anh đến đây, nơi mà – tại sao chúng tôi lại tô vẽ cho anh nhỉ? – anh nợ tất cả mọi người không thứ này thì thứ nọ, tiền bạc, những lời hứa, lời thề thốt! Anh đến đây, nơi mọi cuộc gặp gỡ là cực hình, đau thương và căng thẳng đối với anh: anh quay lại để đối mặt với quá khứ, để thực hiện những lời đã hứa! Sức mạnh gì, niềm hy vọng gì bừng sáng trong tôi? Bỗng nhiên tôi không sợ cuộc gặp gỡ này nữa. Con người, với hàng chục năm ngăn cách, không quay lại nơi người ta từng thất bại. Anh chuẩn bị cho chuyến đi này đã lâu! – tôi ngẫm nghĩ với cảm giác chia sẻ. Anh chuẩn bị đã lâu, ai biết được anh phải lặn lội qua biết bao mê cung, vực thẳm như thế nào trước khi đi đến quyết định. Bỗng chốc tôi bừng tỉnh. Niềm hy vọng mãnh liệt bác bỏ mọi linh cảm hẹp hòi và tỉnh táo, sáng tỏ như vầng dương đang lên, và mọi điều xảy đến với Lajos đã xóa tan tất cả hoài nghi trong tôi. Lajos sẽ đến, cùng lũ trẻ, anh đang trên đường đến với tôi. Và chúng tôi, những người hiểu anh, biết những điểm yếu của anh, chúng tôi cần chuẩn bị cho một cuộc thanh toán, khi Lajos hoàn trả cho mọi người những gì anh mắc nợ: những lời hứa và những tờ ghi nợ! Nunu xuất hiện im lìm trên ngưỡng cửa, hai tay khoanh trước tạp dề, lắng nghe cuộc tranh luận của chúng tôi, rồi lặng lẽ xen vào:

– Endre nhắn sẽ sang ngay. Bác ấy bảo Lajos mời bác đến đây với tư cách người của chính quyền.

Thông báo này khiến mọi hy vọng trong tôi càng bùng lên mạnh mẽ. Lajos cần công chứng viên! Chúng tôi chuyện trò lan man. Laci khích động kể đi kể lại rằng mọi người trong phố đã biết tin Lajos quay trở lại. Đêm qua, tại quán cà phê, một bác thợ may bước đến bàn Laci và nhắc đến mấy tờ hóa đơn cũ, hóa đơn may quần áo chưa thanh toán của Lajos. Một nhân viên thành phố kể về những chiếc ghế bêtông, theo gợi ý của Lajos, thành phố đã đặt làm; đã nộp tiền đặt cọc cho Lajos, nhưng từ đó đến nay chưa thấy mang ghế đến. Bây giờ, những tin tức đó không làm tổn thương kỷ niệm của tôi. Quá khứ của Lajos đầy rẫy những việc làm và những lời hứa hẹn nông nổi như thế. Giờ đây tôi coi tất cả những việc đó là trò lông bông con trẻ. Những giai đoạn khó khăn của cuộc sống đã trôi qua; Lajos đã qua tuổi năm mươi, anh không bỡn cợt với lời nói của mình nữa, anh chịu trách nhiệm với quá khứ, anh đang trên đường đến với chúng tôi. Tôi về phòng thay một bộ quần áo tươm tất. Laci mơ màng:

– Anh ta luôn xin một thứ gì đó. Cậu còn nhớ không, Tibor, lần cuối cùng cậu gặp anh ta, sau trận cãi cọ gay gắt ấy, lúc đó cậu nói thẳng anh ta là người không có tư cách, cậu kể ra một loạt những tội lỗi của anh ta, tất cả những tội lỗi mà anh ta đã gây ra cho gia đình và bạn bè, cậu bảo anh ta là tên bần tiện cuối cùng: anh ta đã khóc, sau đó ôm lấy tất cả mọi người, và xin tiền từ biệt của cậu? Một trăm hay hai trăm? Cậu nhớ chứ?

– Tôi không nhớ, – Tibor nói, khổ sở và ngượng nghịu.

– Cậu phải nhớ! – Laci thét lên. – Khi cậu không đưa tiền, anh ta bỏ chạy, run lẩy bẩy, như kẻ đi vào cõi chết. Chúng ta đã đứng đây, cũng tại khu vườn này, chỉ trẻ hơn mười tuổi, và nói chuyện về Lajos. Nhưng đến cổng, anh ta quay lại, nhỏ nhẹ, bình tĩnh nài nỉ xin hai mươi đồng – “ít tiền lẻ”, anh ta nói như vậy – vì không có tiền mua vé tàu! Cậu đã cho. Chua từng có ai như thế! – Laci hồ hởi nói; rồi tiếp tục ăn.

– Tôi đã cho, tôi đã đưa, – Tibor lúng búng nói. – Tại sao lại không? Tôi không bao giờ hiểu, tại sao người ta không cho, nếu có? Đối với Lajos, đó không phải là điều quan trọng nhất. – Tibor trầm ngâm nói, ngước mắt lơ đãng nhìn trần nhà.

– Tiền không quan trọng đối với Lajos? – Laci thật sự sửng sốt. – Như thể cậu nói: máu không quan trọng với chó sói.

– Cậu không hiểu, – Tibor nói và đỏ mặt. Anh luôn đỏ mặt khi phải vật lộn với vai trò của vị quan tòa, người giam giữ và kết án; anh cần phải nói sự thật, cả khi biết rằng sự thật ấy không đồng nghĩa với cái công thức sự thật mà mọi người vẫn tin, và chính bản thân anh, vị quan tòa, đã tuyên thệ với nó. – Cậu không hiểu, – anh bướng bỉnh nhắc lại. – Tôi suy nghĩ rất nhiều về Lajos. Ý đồ là tất cả. Ý đồ của Lajos không bẩn thỉu. Tôi biết một trường hợp… một lần, trong cuộc giải trí, anh ấy mượn tiền, một khoản tiền lớn… và vô tình tôi biết, số tiền đó, chưa hề suy suyển, anh ấy đã đưa cho một nhân viên đang gặp hoạn nạn của tôi vào sáng hôm sau. Khoan đã, tôi chưa nói hết. Dĩ nhiên, đó không phải là một hành động anh hùng, khi đem của người làm phúc ta. Nhưng ngay lúc ấy, bản thân Lajos rất cần tiền, vì những tấm ngân phiếu của anh ấy đã hết hạn, nói thế nào nhỉ, những tấm ngân phiếu hối thúc. Số tiền đó, anh ấy hỏi mượn với cái đầu ngấm men rượu, hôm sau tình táo rồi liền thản nhiên đưa cho một người lạ, trong khi chúng có thể cũng giúp được gì đấy cho anh ấy. Cậu hiểu chứ?

– Không, – Laci thật thà nói.

– Tôi nghĩ, tôi hiểu. – Tibor đáp; sau đó, như thường lệ, như thể hối hận vì những lời nói của mình, Tibor bướng bỉnh im lặng.

Nunu còn nói:

– Các con hãy cẩn thận, anh ta đến vì tiền. Nhưng cẩn thận cũng vô ích. Tibor thể nào cũng sẽ cho tiền.

– Không, tôi không cho thêm nữa đâu. – Tibor nói, vừa cười vừa lắc đầu.

Nunu nhún vai: 

– Sao lại không. Giống như hồi trưóc ấy. Một ít. Hai mươi đồng, một lần nữa. Sẽ phải cho.

– Nhưng tại sao, Nunu? – Laci kinh ngạc và ghen tức hỏi.

– Vì anh ta mạnh hơn. – Nunu dửng dưng nói. Rồi quay xuống nhà bếp.

Khi thay đồ, đứng trước gương, tôi đứng không vững; đây chính là hình ảnh của tôi. Tôi nhìn thấy mình trong quá khứ, nhưng mạnh mẽ như thể con người ấy đang ở trong thực tại này. Khu vườn hiện lên trước mắt tôi, cũng khu vườn này, nơi giờ đây chúng tôi đang đợi Lajos – hai mươi năm trước, chúng tôi từng đứng dưới tán lá cây bạch lạp, trái tim đầy hoang mang và giận dữ. Những lời nặng nề, xúc phạm vang lên. Bấy giờ là mùa thu, cuối tháng Chín. Mùi hương ngào ngạt và ẩm ướt. Chúng tôi, hai mươi năm trước, họ hàng, bạn bè và những người quen, Lajos, như tên trộm bị bắt quả tang, đứng giữa chúng tôi. Anh bình thản, mắt chớp chớp, thỉnh thoảng nhấc kính lau một cách tỉ mẩn. Anh cô độc giữa bầu không khí nung nấu, với cái vẻ bình thản, như một kẻ biết rằng mình đã thua cuộc, mọi chuyện đã bại lộ giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng còn làm được gì khác nữa, ngoài kiên nhẫn chờ đợi lời tuyên án. Thế rồi Lajos biến mất. Chúng tôi tiếp tục sống, một cuộc sống máy móc, như những hình nhân uể oải, mềm oặt. Tựa hồ như chúng tôi chỉ tồn tại một cách tượng trưng: cuộc sống thực sự của chúng tôi phải là chiến đấu, mà là đương đầu với Lajos kia.

Giờ đây tôi nhìn thấy Lajos, giữa bầu không khí năm xưa, trong khu vườn cũ: tất cả sống động trong những xúc cảm ngày ấy. Tôi mặc bộ áo váy màu tím. Như thể khoác lên mình bộ trang phục xưa kia, một bộ đồ hóa trang của cuộc sống. Tôi cảm thấy, tất cả những điều đó, những biểu hiện của một con người – cái sức mạnh và cá tính đó – gây ấn tượng đặc biệt với các đối thủ. Tất cả chúng tôi phụ thuộc vào anh, chúng tôi liên minh chống lại anh, giờ đây, khi anh đến gần, chúng tôi sống kiểu khác, hồi hộp hơn, bị đe dọa hơn. Tôi đứng giữa phòng với những cảm xúc như thế, trong bộ trang phục ngày xưa, trước tấm gương. Lajos đưa những năm tháng xa xưa trở về và khiến cuộc đời mang dấu ấn phi thời gian. Tôi biết, anh không hề thay đổi. Tôi biết, Nunu đúng. Tôi biết, chúng tôi không thể chống lại anh. Cùng lúc, tôi cũng biết, tôi chẳng hiểu cuộc đời thật sự, kể cả cuộc đời mình và những người khác. Tôi chỉ nhìn cuộc đời qua Lajos – đúng vậy, qua một Lajos dối trá. Những người quen đã đến chật khu vườn. Đâu đó vang lên tiếng còi ôtô. Tôi bỗng thanh thản lạ lùng; tôi biết Lajos đã đến vì anh không thể làm khác được, và chúng tôi sẽ tiếp anh, vì không làm khác được. Tất cả thật kinh hoàng, phiền toái và không thể lần lữa được nữa.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: