Đi sản của Eszter (Chương 3,4,5)

Marai Sandor

  1. III

Bức điện thư mang tin dữ hay tin vui đó đến vào chiều thứ Bảy. Tôi chỉ mơ hồ nhớ về buổi chiều và đêm trước hôm Lajos đến. Không, Nunu đã nói đúng, tôi không sợ Lajos. Có thể sợ người mà ta yêu thương hay thù ghét người chủ tâm thật tử tể hay thật tàn nhẫn, hoặc đểu cáng với ta hay không. Nhưng Lajos không bao giờ đểu cảng với tôi. Và, tử tế cũng không, trong cái ý nghĩa mà các cuốn sách giáo khoa đã giảng giải. Anh là con người đê tiện? Tôi không bao giờ cảm thấy anh là con người như vậy. Nhưng sự thật là anh nói dối; anh nói dối như gió rít với sức mạnh thiên nhiên và sự sảng khoái của nó. Anh biết cách nói dối đủ màu đủ vẻ, không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn anh nói dối là yêu tôi, chỉ tôi thôi. Và sau đó lại lấy Vilma chị gái tôi, làm vợ. Nhưng sau này tôi nhận ra rằng Lajos không chủ ý bày ra tất cả những điều đó; những âm mưu, những ý định khôn ranh và độc ác không bao giờ dẫn dắt anh. Lajos nói rằng anh yêu tôi – và giờ đây tôi cũng không nghi ngờ những lời đó, chỉ có điều anh đã cưới Vilma, có lẽ vì Vilma xinh đẹp hơn hay vì đúng ngày ấy gió Đông thổi, hoặc giả vì Vilma muốn như thế; không bao giờ anh nói ra, vì sao.

Vào cái đêm chúng tôi chờ đợi Lajos trở về – tôi biết, đây là lần cuối cùng trong đời – rất lâu tôi không ngủ, tôi sắp xếp lại những kỷ vật, chuẩn bị cho ngày gặp mặt, và trước khi đi ngủ, đọc những lá thư cũ của Lajos. Giờ đây tôi cũng đinh ninh một cách mê tín – và trong khi đọc những lá thư cũ này tôi lại cảm thấy cái ý niệm mơ hồ trỗi dậy với một sức mạnh đặc biệt thuyết phục – rằng trong con người Lajos có một nguồn năng lượng ẩn náu, giống như muôn vàn dòng suối nhỏ từ những ngọn núi cao đêm ngày luồn lách không phương hướng qua các khe núi rồi tan đi nơi tận cùng thăm thẳm của các hang động, không để lại vết tích. Chẳng ai sử dụng và điều khiển nguồn năng lượng này. Bây giờ khi đọc lại những lá thư của anh vào đêm trước cuộc gặp mặt hãi hùng, tôi sửng sốt trước sự trào dâng cuồn cuộn không mục đích của năng lượng đó. Trong từng lá thư, anh viết cho tôi với một sức mạnh không chỉ cuốn hút một con người – thậm chí một phụ nữ nhạy cảm – mà có lẽ cuốn hút cả một tập thể hay một đám đông lớn. Những điều cần nói của những lá thư không có gì đặc biệt “sâu sắc”, tôi không bao giờ cảm thấy anh có khiếu viết lách, vốn từ sơ sài, giọng văn tuềnh toàng – nhưng cách diễn đạt trong từng dòng chữ, không thể hiểu sai đi được, chỉ có thể là của anh! Lajos luôn viết về một hiện thực tưởng tượng nào đấy, mà anh vừa biết và muốn báo tin ngay cho tôi.

Không bao giờ anh viết về tình cảm của mình, cả những dự định cũng không – Lajos kể về thành phố, nơi anh đang ở. Lối miêu tả sinh động đến nỗi người đọc cảm giác như nhìn thấy được cả những con phố, thấy căn phòng nơi anh ngồi viết thư, nghe thấy tiếng của những người ngày hôm trước nói với anh điều gì đấy thú vị và khôn ngoan, phác một kế hoạch lớn lao đang làm bận bịu đầu óc anh – tất cả được anh thổi vào một luồng sinh khí lồ lộ đến kinh ngạc. Nhưng khốn nỗi – một người đọc ngu ngơ cũng có thể cảm thấy – tất cả những điều này đều không đúng, chính xác hơn, đúng ở một nơi nào đấy, nói cách khác, kiểu như cái thành phố mà Lajos miêu tả bằng sự trung thực của thợ chụp ảnh đó chỉ tồn tại trên mặt trăng. Hiện thực giả dối ấy được anh chăm chút làm sống lại trong các lá thư. Cũng như thế, anh vẽ con người, phơng cảnh một cách trang nghiêm với một sự chải chuốt am tường.

Tôi đọc các lá thư và cảm thấy xúc động. Có lẽ chúng tôi mềm yếu trước anh, tôi nghĩ. Nửa đêm, một con gió nóng ghê gớm lùa quanh nhà; tôi rời khỏi giường đi đóng các cánh cửa sổ lại. Đang lúc nửa đêm, với sự yếu đuối không ghìm nổi của đàn bà, tôi dừng trước tấm gương soi trên chiếc bàn trang điểm một thời của mẹ, ngắm mình thật kỹ. Tôi biết mình vẫn chưa già. Hai mươi năm ít để lại dấu vết trên thân thể tôi bởi sự ưu ái chua chát của số phận. Tôi không phải một phụ nữ xấu xí, nhưng cũng không thuộc loại nhan sắc hấp dẫn đàn ông; đúng hơn là tôi thuộc loại đàn bà khiến đàn ông tôn trọng và dè dặt khi làm quen. Tôi không béo ra, ơn nhờ công việc làm vườn hay nhờ những đặc điểm như chiều cao, sự hài hòa và cân đối của cơ thể mà nom không béo. Tóc tôi bắt đầu lốm đốm bạc mấy năm gần đây; nhưng những sợi tóc bạc chỉ lẫn đâu đó một cách không lộ liễu trong mái tóc vàng óng đặc biệt của tôi. Thời gian đã vẽ những nếp nhăn nho nhỏ xung quanh mắt và miệng tôi; đôi tay tôi không còn như xưa, hơi thô sần vì công việc. Vậy mà tôi vẫn thấy mình như một người đàn bà đang ngóng chờ người tình. Giờ đây, dĩ nhiên tình thế thật nực cười; tôi đã qua tuổi bốn lăm, còn Lajos sống với người khác từ lâu, có lẽ đã đi thêm bước nữa. Những năm gần đây, tôi tuyệt nhiên không có tin tức gì về anh. Thỉnh thoảng tôi đọc thấy tên anh liên quan đến một vụ bê bối chính trị nào đó trên vài tờ báo. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có một ngày những tin tức về anh – hoặc tốt hoặc xấu – bay xa. Nhưng rồi vụ bê bối ồn ào cũng lắng xuống mau chóng; một lần tôi đọc tin anh đấu súng ở đâu đó, trong sân một doanh trại, anh bắn vào không khí và không bị thương! – tất cả những điều này, cuộc đấu súng và cả việc anh không bị thương nữa, thích hợp với anh một cách kỳ lạ. Tôi không biết cả việc anh có bị bệnh gì nghiêm trọng hay không. Số phận anh khác, tôi nghĩ. Rồi tôi đi nằm với những lá thư, kỷ niệm và ý thức chua chát về tuổi trẻ đã trôi đi của mình.

Tôi sẽ nói dối, nếu thú nhận trong giờ phút này tôi cảm thấy mình đặc biệt không may mắn chút nào. Những năm tháng, vâng: hai mươi, hai mươi hai năm trước tôi đã bất hạnh. Nhưng sau đó, cảm giác ấy đông cứng lại trong tôi như máu đông đặc trong vết thương. Cái sức mạnh trói buộc không cho nỗi đau trỗi dậy trong lòng xa lạ đối với tôi. Có những vết thương “thời gian không chữa khỏi”. Tôi biết, tôi vẫn chưa lành bệnh. Chỉ vài năm sau ngày “chia tay” – thật khó tìm được lời chính xác cho tất cả những gì xảy ra giữa Lajos và tôi – những điều không thể chịu đựng nổi ngày càng trở thành tự nhiên hơn, đơn giản hơn. Tôi không cảm thấy cần thiết phải kêu cầu ai đó giúp sức, tôi không cần cảnh sát, bác sĩ hay linh mục. Tôi đã sống theo cách nào đấy… Có ngày, mọi người lại tập trung quanh tôi, những con người khăng khăng cho rằng họ cần đến tôi. Rồi họ muốn hỏi cưới tôi, hai lần; Tibor, người trẻ hơn tôi vài tuổi và Endre, người mà Nunu luôn gọi bằng bác, mặc dù Endre không già hơn Lajos tí nào. Tôi đã dàn xếp trò chơi chung kén kén chọn chọn rủi ro này theo cách nào đó. Những người đàn ông đó trở thành những người bạn tốt. Đêm nay tôi nghĩ rằng cuộc sống nhân hậu đến kỳ lạ hơn là tôi hy vọng.

  1. IV

Sau nửa đêm, Nunu vào phòng tôi. Nhà chúng tôi vẫn chưa có điện – mẹ tôi không chấp nhận phát minh này và tiếp đó, sau khi mẹ mất, chúng tôi vẫn không cho thợ dẫn điện vào nhà vì lý do tằn tiện – vậy nên những lần thăm viếng của Nunu lúc nào cũng như màn trình diễn trên sân khấu. Bây giờ Nunu cũng đứng như thế, ngọn đèn dầu chập chờn trong tay, mái tóc bạc lòa xòa, với tấm áo choàng ban đêm như một thiên thần xuất hiện giữa canh khuya. “Lady Macbeth, – tôi mỉm cười nói. – Mời vào, ngồi xuống đây nào.” Tôi biết trước là tối nay bà sẽ thăm viếng tôi.

Nunu là người họ hàng đảm đương tất cả các vai trò thân thích trong gia đình. Bà đến cách đây ba mươi năm, từ những gia đình di dân luôn đi kèm những truyền thuyết về huyết thống: bà sinh ra từ những mối liên kết họ tộc phức tạp giữa các bà dì và các cô em họ từ thời nguyên thủy, bà đến thăm gia đình vài tuần. Sau đó ở lại luôn, vì bà cần như vậy. Về sau bà vẫn ở lại vì tất cả những người trong thang bậc gia đình đều đã ra đi trước bà, dần dần từng thập kỷ, Nunu tiến về phía trước, như trên bậc thang thâm niên trong một công sở: một ngày nọ, bà chiếm chỗ của bà ngoại, chuyển vào căn phòng trên gác và đảm nhận vai trò của người đã khuất. Sau đó, mẹ mất, rồi Vilma. Một ngày Nunu nhận ra, bà không còn “thay” ai nữa; bà nhận ra bà là người còn lại, là gia đình thực sự.

Thành công của sự thăng tiến phức tạp này không bao giờ xâm chiếm đầu óc bà. Nunu không bao giờ muốn trở thành “người mẹ” đối với tôi. Năm tháng trôi đi, bà càng ít nói hơn, bà tỉnh táo, tỉnh táo một cách nghiệt ngã và khô khan, như thể bà đã nếm đủ mọi điều từ chuyến phiêu lưu của cuộc sống và bà dửng dưng một cách tự chủ như một món đồ gỗ. Lajos từng có lần nói, bà giống y như lớp vecni trên chiếc tủ bằng gỗ dẻ cũ kỹ. Nunu luôn mặc theo một mốt, mùa đông và mùa hè cũng chỉ một bộ quần áo phẳng phiu may từ thứ vải không phải lụa, không phải len tuyết, màu đen, luôn gây cho tôi và những người lạ mặt chút cảm giác trang trọng. Những năm cuối, bà chỉ nói những lời thật cần thiết. Bà không bao giờ nói gì về đời mình. Tôi biết Nunu muốn chia sẻ mọi nỗi âu lo và sầu muộn của tôi; bà âm thầm chia sẻ, sau đó bà lên tiếng như thể chúng tôi đã tranh cãi hàng tháng trời, giận dữ và nóng nảy về cùng một đồ vật, và Nunu, bằng một câu ngắn, đặt dấu chấm hết vào cuối cuộc tranh cãi dai dẳng. Bây giờ cũng thế, ngồi xuống mép giường, bà nói:

– Con đã đem kiểm tra chiếc nhẫn chưa?

Tôi ngồi dậy trên giường, day day tay hai bên thái dương. Tôi biết bà nghĩ gì, tôi cũng biết là bà đúng: không bao giờ chúng tôi nói với nhau về chuyện này, hình như tôi chưa bao giờ cho bà xem chiếc nhẫn mà vẫn biết rốt cuộc bà nói đúng, chiếc nhẫn là giả, tôi đoán không sai. Trong những chuyên như thế Nunu như có ma thuật. Bà nghe nói đến chiếc nhẫn khi nào nhỉ? – tôi tự hỏi; nhưng sau đó tôi gạt câu hỏi đi, vì lẽ dĩ nhiên là Nunu biết hết mọi chuyện liên quan đến ngôi nhà, đến gia đình, bản thân tôi và cuộc đời tôi, đến cả những thứ ẩn náu dưới tầng hầm, trên gác xép hay những uẩn khúc trong cuộc đời chị gái tôi; và cũng như vậy, bà ắt phải biết về chiếc nhẫn. Tôi đã hầu như quên hẳn chuyện chiếc nhẫn, bởi thật phiền toái khi nghĩ đến nó. Dạo Vilma chết, Lajos đã đưa chiếc nhẫn này, món đồ trang sức của bà ngoại, cho tôi. Hạt kim cương kích thước trung bình gắn vào chiếc nhẫn bạch kim này là tài sản duy nhất của gia đình. Tôi không rõ gia đình chúng tôi đã thừa hưởng nó như thế nào – nhưng ngay cả cha tôi, người dễ dàng buông tay từ bỏ mọi đồ vật và của cải cũng nâng niu chiếc nhẫn với sự cẩn trọng đến mê tín. Giống như những viên kim cương trong kho báu của các hoàng gia, những viên Kohinoor, hoặc tương tự, những viên đá quý đã được đưa vào danh mục, không ai nghĩ đến việc kinh doanh mua bán chúng, công việc của chúng là lấp lánh trên những ngón tay hay vầng trán của một thành viên gia đình vào những buổi hội hè của giới quý tộc, với cung cách đó chúng tôi gìn giữ “chiếc nhẫn” qua bốn thế hệ. Tôi không bao giờ để ý đến giá trị của món châu ngọc này. Trong mọi trường hợp, nó vẫn có giá trị đáng kể, nếu không đến mức quý giá như truyền thuyết của gia tộc đã dạy bảo. Chiếc nhẫn truyền từ bà ngoại sang mẹ, sau khi mẹ ra đi, Vilma được nhận nó. Rồi khi Vilma mất, Lajos, trong những giây phút lâm ly thống thiết của mình, đã ấn nó vào tay tôi.

Cảnh tượng đó tôi còn nhớ rõ ràng. Chúng tôi mai táng Vilma vào buổi chiều. Khi trở về nhà từ nghĩa trang, tôi kiệt sức nằm nghỉ trên đivăng trong căn phòng mờ tối. Lajos bước vào phòng, từ đầu đến chân tang tóc – anh mặc tang phục chải chuốt như người lính đóng bộ cho buổi duyệt binh, tôi nhớ anh đã đặt may riêng những chiếc măng sét màu đen cho dịp tang phúng này – rồi anh trao cho tôi chiếc nhẫn cùng vài lời buồn thảm. Tôi quá mệt và bối rối nên cũng không hiểu chính xác những lời của anh; tôi lơ đãng nhìn anh đặt chiếc nhẫn xuống cái bàn con cạnh đivăng, và sau đó, không kháng cự, tôi để anh đeo chiếc nhẫn vào ngón tay và nói những lời nhắc nhở. “Chiếc nhẫn này thuộc về em,” – anh nói giọng hào hiệp và ảm đạm. Mãi sau tôi mới tĩnh trí lại. Chiếc nhẫn là của Vilma, dĩ nhiên; lẽ đương nhiên, chiếc nhẫn sẽ thuộc về con gái người chị đã qua đời của tôi. Nhưng Lajos thuyết phục tôi bằng một sự sắc sảo đặc biệt. Chiếc nhẫn như thế này, anh nói, không là của cải mà là một biểu tượng, nó là vật biểu tượng cho thang bậc trong gia đình. Mẹ và Vilma đã mất, như vậy chiếc nhẫn thuộc về tôi, người con gái lớn nhất. Tôi không thể tranh luận với anh.

Tôi lẳng lặng cất chiếc nhẫn đi. Dĩ nhiên tôi không muốn giữ món đồ vật giá trị này một giây phút nào. Lương tâm và tờ chúc thư – mà tôi để cùng chiếc nhẫn trong tủ đựng áo của tôi – là bằng chứng về việc tôi giữ chiếc nhẫn cho Eva, và thu xếp để Eva nhận được nó sau khi tôi chết. Về sau tôi quyết định sẽ trao nó cho Eva nhân dịp đính hôn hoặc vào lễ cưới khi con bé đi lấy chồng. Chúc thư chỉ định rõ ràng những người thừa hưởng số gia tài ít ỏi của tôi – những đứa con mồ côi của Vilma, với một điều kiện: họ không được bán ngôi nhà và khu vườn khi Nunu còn sống. (Tôi cứ tưởng tượng rằng Nunu sẽ sống rất lâu – tại sao lại không? Không có lý do gì cho Thần Chết, cũng giống như không có nguyên cớ gì khác hơn cho cuộc sống! – và bà sẽ sống lâu hơn tôi sau này. Cảm giác phiêu lưu đó làm tôi thấy lòng mình bình yên.) Tôi cất chiếc nhẫn vì không muốn tranh cãi với Lajos, và vì tôi cảm thấy món đồ đơn giản có giá trị này ngày nào đó có thể trợ giúp cho một người thân của chúng tôi – tôi nghĩ, với số tiền bán chiếc nhẫn, có thể đủ chi trả quần áo tư trang cho một người con gái trẻ – nên nó ở chỗ tôi tốt hơn là trong cái mớ đồ khoa trương vung vãi hỗn độn tự nhiên vây bọc quanh Lajos chẳng khác cỏ dại mọc um tùm ở một miền thiên nhiên thích hợp. Anh sẽ bán đi, sẽ đánh bạc hết, tôi nghĩ; và cái việc anh trao tôi chiếc nhẫn đã làm tôi hơi cảm động. Đến lúc ấy – Chúa ơi, hãy ban sức mạnh để con có thể thành người thành thật! – phải, cái khoảnh khắc khi chúng tôi ròng quan tài chị gái tôi xuống lòng đất đã khơi dậy trong tôi niềm hy vọng, biết đâu điều này sẽ xoay chuyển cuộc đời của Lajos, của những đứa trẻ, có lẽ của tôi nữa, theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chiếc nhẫn sẽ không còn mang ý nghĩa gì nhiều so với toàn bộ cuộc đời… Tôi đã cất chiếc nhẫn đi với những ý nghĩ như thế. Sau này, khi chia tay, tôi mang nó theo cũng vì như vậy, rồi cất giữ nó cùng chúc thư và những kỷ vật của mình.

Trong những năm tháng đó, biết bao lâu không gặp gỡ Lajos, tôi cũng chưa bao giờ xem kỹ chiếc nhẫn, tôi biết chắc trong sự bình thản của kẻ mộng du, chiếc nhẫn là giả.

“Tôi biết”, lời lẽ quái lạ làm sao! Chưa bao giờ tôi cầm chiếc nhẫn trong tay. Tôi e sợ nó. Tôi sợ cả cái nhận thức không bao giờ thốt lên được thành lời ấy. Tôi đã ý thức được tất cả những gì Lajos đụng vào đều đánh mất dáng dấp xác thực của chúng, chúng tan rữa ra thành những nguyên tố và biến hóa như những thỏi kim loại quý trong lò luyện của thầy phù thủy… Tôi đã ý thức được, Lajos có thể làm giả không chỉ những viên đá và kim loại đơn thuần mà cả những con người. Tôi cũng biết rằng một chiếc nhẫn không thể giữ được sự trinh nguyên của nó trong tay Lajos; Vilma mắc bệnh rất lâu, chị tôi không thể trông nom việc gia đình. Lajos sắp đặt mọi thứ trong nhà mà không bị kiểm soát, anh đã tìm thấy chiếc nhẫn… Trong giây phút này, khi Nunu nói ra, tôi biết điều đó là đúng. Lajos đã đánh lừa tôi bằng chiếc nhẫn như đánh lừa với bao thứ khác. Tôi ngồi dậy trên giường, gương mặt tôi có lẽ trắng bệch:

– Nunu đã đem đi xem rồi à?

– Ừ, – Nunu bình tĩnh nói. – Một hôm con vắng nhà và giao chìa khóa cho ta. Ta đã mang đến thợ kim hoàn. Lajos đã tráo chiếc nhẫn bạch kim. Anh ta đổi bằng một thứ kim loại màu trắng kém giá trị. Họ bảo là vàng trắng. Viên đá cũng bị đánh tráo. Vậy đó, chiếc nhẫn mà con gìn giữ bao năm trời chẳng đáng năm xu.

– Không đúng, – tôi nói.

Nunu nhún vai.

– Thôi mà, Eszter! – bà nghiêm giọng trách cứ.

Tôi im lặng nhìn ngọn lửa nến. Dĩ nhiên, nếu Nunu đã nói hẳn là đúng. Và tại sao với chính mình, tôi lại phủ nhận, khi tôi vẫn luôn ngờ ngợ từ xưa, ngay ở khoảnh khắc Lajos trao lại chiếc nhẫn, tôi đã nghi nó là đồ giả. Mọi thứ anh chạm vào đều trở thành đồ giả. Hơi thở của anh mang mùi dịch hạch, tôi nghĩ; tôi nắm tay thành nắm đấm. Không phải vì chiếc nhẫn… đáng kể gì nữa một hay nhiều chiếc nhẫn như thế trong cuộc đời tôi? Tất cả những gì anh chạm vào đều là đồ giả, tôi cho là như vậy. Tôi mông lung suy nghĩ, rồi thốt ra thành lời:

– Có thể, vì tính toán mà anh ấy đã bán đi? Anh ấy sợ sau này bọn trẻ hay ai đó khác sẽ hỏi đến… mà chiếc nhẫn đã bị đánh tráo, anh đưa chiếc nhẫn giả để mọi người tìm nó ở chỗ con? Nếu sau này lộ tẩy ra là nhẫn giả thì mọi người sẽ buộc tội con?…

Tôi vừa nghĩ ngợi vừa tuôn ra thành lời như vẫn quen thói những khi ở bên Nunu. Nếu có ai đó thực sự biết rõ Lajos, thì đó chính là Nunu, người thấu hiểu tim óc anh, mọi ý nghĩ của anh, thậm chí cả những điều ngay chính bản thân anh cũng chưa tường tận. Nunu luôn là nguời công bằng. Bà nói ôn tồn, ráo hoảnh:

– Ta không biết. Có thể lắm. Nhưng như vậy thì đê tiện quá thể. Lajos không phải loại người tính toán như thế đâu. Lajos không bao giờ gây tội ác. Anh ta cũng yêu thương con. Ta không tin là anh ta lại muốn đẩy con vào một sự bẩn thỉu nào đó bằng chiếc nhẫn. Anh ta chỉ bán đi vì cần tiền; sau đó không có gan thú nhận là đã bán. Hừm, anh ta phải làm một cái thay thế. Và anh ta trao cái nhẫn vô giá trị cho con… Vì sao? Vì tính toán? Vì đê tiện? Có thể chỉ vì muốn tỏ ra hào phóng. Cái giây phút nghĩa cả đến thế: sau khi chôn cất Vilma ở nghĩa trang, các con trở về nhà, và anh ta, Lajos, với hành động đầu tiên của mình, trao cái món đáng tiền đáng của duy nhất của gia đình là chiếc nhẫn cho con. Khi con kể lại câu chuyện đẹp đẽ ấy, ta đã ngờ ngợ ngay. Vì thế, sau này ta phải mang chiếc nhẫn đi xem. Của giả.

– Của giả, – bà nói giọng buồn tẻ, máy móc.

Rồi tôi hỏi:

– Tại sao chỉ đến lúc này Nunu mới nói?

Nunu vuốt vuốt lọn tóc bạc trước trán.

– Không cần phải ngay lập tức nói ra tất cả, – bà đáp, giọng gần như ân cần. – Con đã nhận đủ những điều tệ bạc từ Lajos rồi.

Tôi đứng dậy khỏi giường, đến gần tủ tìm chiếc nhẫn trong ngăn kéo chìm. Nunu giúp tôi tìm trong ánh nến chập chờn. Tôi đưa chiếc nhẫn tới gần ngọn nến, nhìn kỹ. Tôi không thạo về đá quý. 

– Con hãy cạo nó vào mặt gương ấy, – Nunu bảo.

Nhưng viên đá không cứa đứt mặt kính. Tôi đeo chiếc nhẫn vào ngón tay mình và ngắm nghía. Viên đá phản chiếu một ánh sáng lạnh lẽo và trống rỗng. Một phiên bản hoàn hảo, chỉ một tay thợ kim hoàn điêu luyện mới có thể làm nổi.

Chúng tôi ngồi hồi lâu ở mép giường, ngắm chiếc nhẫn. Sau đó Nunu hôn trán tôi, thở dài và lặng lẽ đi ra. Còn tôi vẫn ngồi như thế hồi lâu, ngắm nghía chiếc nhẫn giả. Tôi nghĩ đến chuyện Lajos tuy chưa đến, nhưng đã lấy đi nơi tôi một điều gì đó. Có vẻ như anh không thể làm khác đi được. Đó là một định luật, thứ định luật của anh. Định luật khủng khiếp – tôi nghĩ; và bắt đầu rùng mình. Tôi ngủ thiếp đi như thế, sởn da gà, với chiếc nhẫn giả đeo ở ngón tay, tâm trí hôn mê như kẻ sống lâu ngày trong không khí một căn phòng kín bưng, một ngày chợt chao đảo bởi luồng khí nghiệt ngã và dữ dội khi cơn gió xoáy cuộc đời bất ngờ ào tới.

  1. V

Cái ngày Lajos quay trở lại với chúng tôi rơi vào một Chủ nhật cuối tháng Chín. Một ngày ấm áp lạ lùng và trong trẻo màu thủy tinh; những mảng tơ nhện bồng bềnh trôi giữa các lùm cây. Không khí tinh khiết lóng lánh trong trạng thái không chút ẩm ướt, như thứ dung dịch loãng tráng một lớp men thanh tao lên tất cả, tựa hồ mọi sự vật, từ những thứ chập chờn ẩn hiện trên đường chân trời, kể cả bầu trời đều được dùng bút lông phủ lên một lóp sơn nước. Tôi ra vườn từ sáng sớm, cắt hoa thược dược cắm đủ ba bình. Khu vườn của chúng tôi không quá lớn, bao bọc quanh toàn bộ ngôi nhà. Có lẽ vẫn chưa đến tám giờ. Tôi đứng trong khu vườn đẫm sương chìm trong sự tĩnh lặng bao la chợt nghe tiếng trò chuyện ở hàng hiên. Tôi nhận ra tiếng anh trai tôi và Tibor. Họ trò chuyện nho nhỏ, trong buổi sáng yên ắng mọi lời nói của họ vọng rõ lại tai tôi, như thể phát ra từ cái loa vô hình nào đó.

Ban đầu, tôi định đánh tiếng rằng tôi nghe tiếng họ, họ không chỉ có một mình. Nhưng câu đầu tiên, với giọng nói bị bóp nghẹn, đã buộc tôi phải im tiếng. Laci, anh tôi hỏi:

– Tại sao cậu không lấy Eszter?

– Vì cô ấy không muốn đến với tôi, – câu trả lời rành rọt.

Tôi nhận ra giọng của Tibor, tim tôi đập mạnh. Vâng, đúng là anh ấy, Tibor, cái giọng nhỏ nhẹ và bình thản, một sự chân quê hiền lành, man mác buồn, nhẫn nại và công bằng toát ra từ mọi lời nói của anh. Tại sao Laci lại hỏi những điều như thế? – tôi nghĩ, chua xót và hồi hộp. Mọi câu hỏi của anh trai tôi luôn có vẻ cật vấn, kèm theo sự tin cậy và thẳng thắn không khoan nhượng. Laci không chấp nhận những bí mật quanh mình. Nhưng người ta thường muốn cất giữ những bí mật của mình. Người khác sẽ đáp lại câu hỏi này của anh một cách lảng tránh, hoặc phản đối cái kiểu suồng sã đó. Còn Tibor đáp nhẹ nhàng, tường tận và chân tình như thể ai đó vừa hỏi về thời gian biểu của những chuyến tàu hỏa.

– Tại sao cô ấy không muốn đến với cậu? – tôi nghe thấy câu hỏi tấn công của anh trai.

– Vì cô ấy yêu người khác.

– Ai? – vang lên câu hỏi thẳng thừng, tàn nhẫn.

– Lajos.

Rồi họ im lặng. Một tiếng xoẹt diêm, ai đó châm thuốc hút. Trong không gian tĩnh lặng, tôi nghe tiếng Tibor thổi tắt que diêm. Câu hỏi mà tôi chờ đợi đến chính xác như tia chớp sau tiếng sấm. Laci lại hỏi.

– Cậu có biết là Lajos hôm nay sẽ đến đây?

– Tôi biết.

– Anh ta muốn gì ở đây?

– Tôi không biết.

– Anh ta cũng nợ tiền cậu chứ?

– Thôi, bỏ qua đi, – cái giọng buồn nản cất lên. – Lâu rồi. Không còn quan trọng nữa.

– Vì anh ta vẫn nợ tôi, – Laci nói, với sự hãnh diện trẻ con tự khoe khoang. – Anh ta hỏi chiếc đồng hồ vàng của cha tôi. Anh ta bảo tôi cho anh ta mượn một tuần. Từ đó đến nay đã hai mươi năm rồi. Không, hượm đã, hai mươi hai năm. Anh ta chưa bao giờ trả lại. Một lần anh ta lấy đi toàn bộ các cuốn sách Bách khoa toàn thư. Bảo mượn. Chẳng bao giờ tôi nhìn thấy chúng nữa. Một lần khác anh ta hỏi mượn ba trăm korona. Nhưng tôi không đưa, – giọng Laci vang lên với vẻ tự mãn ngây thơ.

Và giọng nói kia, trầm hơn, từ tốn hơn, thờ ơ đáp lại không kiểu cách:

– Cũng chẳng có gì bất hạnh ghê gớm xảy ra nếu cậu cho anh ta mượn.

– Cậu tin thế sao? – Laci ngượng ngùng hỏi. Tôi đứng giữa các luống hoa, và như thể trông thấy gương mặt con nít ửng đỏ, bối rối gượng cười và già nua của anh. – Cậu nghĩ gì, anh ta vẫn yêu Eszter?…

Mãi không nghe thấy câu trả lời. Giờ tôi muốn lên tiếng; nhưng đã muộn. Và trong cái tình cảnh nực cười này, năm tháng trôi đi và bản thân vẫn lẻ loi một mình, vào cái buổi sáng ngóng chờ chuyến viếng thăm của người đàn ông đã lừa dối và cướp đi của cải, đứng dỏng tai nghe lén giữa những luống hoa trong khu vườn của mình, cảnh trí như trong một áng thơ xưa, tại ngôi nhà, nơi không chỉ diễn ra tất cả những điều này và toàn bộ cuộc đời tôi, mà còn là nơi cất giữ những lá thư của Vilma và Lajos, cả chiếc nhẫn giả, điều tôi vẫn luôn luôn hồ nghi nhưng từ đêm qua đã biết chắc chắn, – trong cái tình huống kịch tính như thế, tôi chợt nhận ra câu trả lời cho câu hỏi này, câu hỏi duy nhất mà tôi còn có thể quan tâm, đã đến muộn. Tibor, vị quan tòa có lương tâm, anh cân nhắc lời nói của mình.

– Tôi không biết, – anh nói. – Tôi không biết, – anh nhắc lại khẽ khàng hơn, như đang bàn luận với ai đó. – Những tình yêu vô vọng không trôi đi mất, – cuối cùng anh nói.

Tiếng trò chuyện của hai người khẽ hẳn đi, rồi họ đi vào nhà. Tôi còn nghe thấy họ hỏi tìm tôi. Tôi đặt những bông hoa xuống tảng đá và đi về cuối vườn, đến cạnh giếng nước, ngồi xuống chiếc ghế băng, nơi hai mươi năm trước Lajos ngỏ lời cầu hôn, ấp tay vào trái tim rồi kéo chiếc khăn len che ngực vì lạnh, tôi nhìn ra con đường quốc lộ và bỗng nhiên, không hiểu được câu hỏi của Laci.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: