Di sản của Eszter (Chương 1-2)
Marai Sandor
- I
Tôi không biết Thượng đế còn ban cho tôi những gì nữa? Nhưng trước khi chết, tôi muốn ghi lại câu chuyện đã xảy ra vào cái ngày Lajos đến chỗ tôi lần cuối cùng, và vơ vét nốt mọi của cải.
Ba năm nay, tôi cứ lần lữa việc này. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy, tựa hồ như có một tiếng nói khiến tôi không thể cưỡng lại đang thôi thúc tôi phải viết ra câu chuyện của ngày hôm ấy – và mọi điều tôi biết về Lajos – vì đây là nghĩa vụ phải thực hiện của tôi, tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tiếng nói này không thể hiểu khác đi được. Vì vậy, nhân danh Thượng đế, tôi chấp thuận.
Tôi không còn trẻ, sức khỏe giảm sút, chẳng còn bao lâu tôi sẽ chết. Tôi có còn sợ cái chết nữa hay không?… Cái ngày Chủ nhật đó, khi Lajos tới đây lần cuối cùng đã chữa lành nỗi sợ chết trong tôi. Có lẽ thời gian, thứ không khoan nhượng, có lẽ kỷ niệm, thứ cũng nghiệt ngã như thời gian, hay một sự khoan dung đặc biệt nào đó – mà theo niềm tin tôi được dạy dỗ, đôi khi là một phần của những gì thua thiệt và bướng bỉnh – hoặc nói đơn giản hơn, chính kinh nghiệm và sự từng trải, đã khiến tôi nhìn cái chết một cách bình thản. Cuộc đời đã tặng cho tôi món quà tuyệt vời và sẽ cướp đi một cách hoàn hảo… Tôi còn chờ đợi điều gì nữa? Tôi phải chết, đó là quy luật, và vì tôi đã hoàn tất định mệnh của mình.
Tôi biết, điều này nghe thật to tát, tôi hơi sợ hãi khi nhìn thấy nó được viết ra. Quả là một ngôn từ kiêu ngạo, cần đặt nó đúng vị trí vì một cái gì đó, một lúc nào đó, trước ai đó. Phải rất lâu, tôi mới nhận thức được định mệnh của mình và tuân phục nó kèm theo sự cự tuyệt vô cùng quyết liệt; đúng vậy, trong nỗi hoang mang tôi đã gào lên. Khi ấy tôi cảm thây cái chết có thể là sự cứu rỗi, tôi biết rằng chết là giải thoát và bình yên. Cuộc sống là một cuộc chiến và là nỗi ô nhục. Một cuộc chiến đặc biệt! Ai đã ra lệnh, vì sao ta không thể tránh khỏi nó? Tôi đã làm tất cả để chạy trốn. Nhưng kẻ thù đằng sau tôi. Giờ đây tôi biết rằng không thể khác được; chúng ta bị ràng buộc vào những kẻ thù, còn bọn họ, không thể trốn chạy khỏi ta.
- II
Nếu như tôi muốn trở nên chân thành với lòng mình – còn ý nghĩa nào khác nữa của việc ghi chép này? – tôi cần phải thú thực rằng, trong suốt cuộc đời và những hành động của mình, tôi không tìm thấy dấu vết của sự tức giận Thánh kinh, vâng, cả của tính dứt khoát và lòng cứng rắn, những đức tính mà trước những người xa lạ vẫn biểu thị các quan niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của tôi về thân phận mình và về Lajos. “Phải hoàn tất định mệnh của mình” – những từ ngữ mới đanh thép và hào nhoáng làm sao! Người ta sống… rồi một ngày chợt nhận ra, mình “đã hoàn tất” hay “chưa hoàn tất” định mệnh của mình. Tôi bắt đầu tin rằng những phán quyểt lớn lao của định mệnh, những thứ tạo nên cái nét vạch đặc trưng cho số phận của mỗi chúng ta, kém tự tin hơn nhiều so với điều ta nghĩ khi ngoảnh lại nhìn quá khứ. Tôi, ngày đó, hai mươi năm không gặp gỡ Lajos, cứ ngỡ rằng mình đã được bao bọc kín trong tấm áo giáp trước những kỷ niệm. Rồi một hôm tôi nhận được điện của anh với những lời lẽ như trong một bản nhạc kịch trên sân khấu, với sự độc ác trẻ thơ và vẻ giả dối, như tất cả những gì Lajos đã viết và nói với tôi, cũng như với mọi người cách đây hai mươi năm về trước hay lâu hơn nữa… Giả dối, thật giả dối, sáo rỗng và mơ hồ! – tôi cầm trong tay bức điện, ra vườn tìm Nunu. Dừng lại ở hàng hiên, tôi nói to với Nunu:
– Lajos sẽ quay về!
Tôi không biết giọng của mình như thế nào trong khoảnh khắc ấy. Nhiều khả năng tôi đã không reo lên vì sung sướng. Tôi cất tiếng như một kẻ mộng du bị đánh thức. Cơn mộng du miên man hai mươi năm. Hai mươi năm tôi đã đi đi lại lại bên rìa vực thẳm, bình lặng, thản nhiên, miệng mỉm cười. Giờ đây tôi tỉnh giấc và nhìn thấy thực tại. Tôi không còn mê man nữa. Cuộc sống đã qua, dường như chết lặng nhưng có một cái gì đây trấn an tinh thần. Nunu đang bó những bông hồng. Bà ngước lên nhìn tôi từ phía khu vườn, mắt chớp chớp trong nắng, già dặn và bình thản.
– Hừm, tất nhiên, – bà nói.
Rồi tiếp tục bó hoa. Bà hỏi:
– Khi nào anh ta đến?
– Ngày mai, – tôi trả lời.
– Được rồi, – bà nói. – Chốc nữa tôi phải khóa bộ đĩa bạc lại.
Tôi bật cười. Nhưng Nunu vẫn nghiêm nghị. Lát sau bà ngồi xuống tảng đá cạnh tôi, đọc bức điện thư. “Chúng tôi đi xe ôtô đến,” – Lajos viết. Đại từ số nhiều ngôi thứ nhất, chúng tôi, suy ra anh ta mang theo cả con cái. “Chúng tôi năm người,” – anh ta viết tiếp. Nunu nghĩ đến những con gà, sữa, kem. Hai người kia là ai? – chúng tôi ngầm nghĩ. “Chúng tôi ở lại đến tối,” – bức điện thông báo thêm, tiếp sau đó là sự vung vãi từ ngũ một cách phô trương, những từ ngữ mà Lajos không bao giờ biết tiết kiệm kể cả khi đánh điện tín. “Năm người, – Nunu nói, – đến vào buổi sáng, ở lại đến tối.” Cái miệng già nua, nhợt nhạt của bà mấp máy không tiếng động, bà tính toán, tổng cộng. Bà tính chi phí cho bữa trưa và bữa tối. Sau đó bà nói:
– Ta biết Lajos sẽ quay lại lần nữa. Anh ta không dám quay lại một mình! Phải mang theo sự trợ giúp, là lũ con và những người lạ. Nhưng ở đây chẳng còn gì.
Chúng tôi ngồi trong vườn nhìn nhau. Nunu ngỡ bà biết tất cả về tôi. Có lẽ bà biết sự thật, cái sự thật đơn giản, mà chúng tôi đã quấn chặt bằng biết bao lần vải trong cuộc đời. Cái “biết tất cả” của Nunu luôn ít nhiều động chạm đến lòng tự ái của tôi. Nhưng đối với tôi, bà vô cùng tử tế, tử tế một cách khô khan và minh mẫn! Cuối cùng bao giờ tôi cũng bị khuất phục. Trong cái màn sương ẩm ướt vô hình bao phủ cuộc đời tôi những năm sau này, Nunu là người cầm đèn, là nguồn sáng nhỏ, yếu ớt, mà ta có thể lần mò theo. Tôi biết là bà không suy diễn đến những khả năng nguy hiểm và đáng sợ như tôi, tôi biết rằng bà nói đùa, khi thoạt nghe nội dung bức điện đã thốt lên phải cất bộ đĩa bạc đi vì Lajos sẽ đến. Quá đáng, tôi nghĩ Nunu giễu cợt. Tôi biết Nunu cuối cùng vẫn sẽ khóa bộ đĩa bạc lại, và cả sau đó, khi câu chuyện chẳng phải về bộ đĩa bạc nào, mà là về tất cả, những điều không thể giấu kín, Nunu sẽ có mặt ở đâu đó quanh tôi với chùm chìa khóa, trong bộ quần áo màu đen trang trọng của bà, khuôn mặt nhăn nheo im lìm, đôi mắt chớp chớp cảnh giác. Tôi biết rằng không ai trên thế gian này, kể cả Nunu, có thể cứu vớt được tôi.
Nhưng “biết” tất cả những điều này cũng vô ích; tự nhiên tôi cảm thấy dễ chịu trong lòng, như một kẻ không còn bị mối nguy hiểm nào đe dọa. Tôi nhớ đã nói đùa với Nunu. Chúng tôi ngồi ngoài vườn, lắng nghe tiếng vo vo của bầy ong mật say ngất hương vị mùa thu, thủ thỉ với nhau hồi lâu về Lajos và những đứa trẻ, về Vilma, người chị gái đã mất của tôi. Chúng tôi ngồi trước nhà, dưới ô cửa sổ căn phòng nơi hai mươi năm trước mẹ tôi qua đời. Phía trước mặt là hàng cây bồ đề và tổ ong nuôi của cha; nhưng tổ ong trống rỗng. Nunu không thích tỉ mẩn với những tổ ong, một ngày chúng tôi đã bán hết cả mười tám gia đình ong mật. Tiết trời tháng Chín, không khí êm ả và ấm áp. Chúng tôi ngồi trong sự an toàn quen thuộc, sự an toàn của một con thuyền bị đắm và niềm hạnh phúc không mong cầu. Thế nhưng, tôi nghĩ Lajos còn có thể lấy đi cái gì nữa từ nơi đây?… Bộ đĩa bạc?… Mối ngờ vực nực cười, cái đĩa bạc méo mó thì có đáng giá gì? Rồi tôi nhẩm tính, Lajos đã hơn năm mươi tuổi. Mùa hè năm ấy anh ta năm mươi ba. Mấy cái thìa bạc chẳng giúp anh ta được nhiều hơn; còn nếu anh ta vẫn cần thì cứ việc. Nunu chắc cũng nghĩ vậy. Bà thở dài đứng dậy đi vào nhà, từ bục hàng hiên, bà nói:
– Con đừng ở lâu một mình với anh ta. Hãy mời Laci, bác Endre, Tibor đến ăn trưa, như những Chủ nhật khác, khi các con cùng có mặt và hồn nhiên chọc ghẹo nhau. Lajos luôn sợ bác Endre; ta dám chắc là anh ta còn nợ bác ấy. Có ai mà anh ta không nợ? – bà hỏi rồi bật cười.
– Họ quên cả rồi, – tôi nói và cuời theo.
Tôi đã bảo vệ Lajos. Tôi có thể làm gì được? Lajos là người duy nhất tôi yêu trong cuộc đời mình.