Dưới ánh sao thu -Under the autumn star (XXVIi, XXVIII, XXIX)
Knut Hamsun
XVII
Tôi đã ở đây hai ngày. Peter đã trở về nhà, nhưng không có gì để nói. “Ở Øvrebø vẫn ổn cả hả?” “Phải, theo tôi biết thì không có gì không ổn.” “Anh có gặp tất cả bọn họ trước khi đi không? Đại úy, Fruen?” “Có.” “Không ai bị ốm chứ?” “Không, sao, ai có thể bị?” ‘Ờ, Falkenberg đã nói gì đó về việc tay anh ta bị thương. Nhưng tôi cho là giờ nó đã ổn.” Trong ngôi nhà này không thoải mái chút nào, dù dường như họ hoàn toàn khấm khá. Cha của Peter là nghị viên, và đã quen ngồi đọc những tờ báo vào buổi tối. Chà, cứ đọc, đọc mãi – cả nhà khổ sở vì chuyện đó, và các cô con gái chán chết được. Khi Peter về nhà, toàn thể gia đình bắt đầu tính toán xem anh ta có nhận đủ tiền công hay chăng, và có nằm nghỉ ốm ở Øvrebø đủ thời gian được phép theo luật định, hoặc “được cung cấp bởi quy chế” theo cách nói của ông nghị viên, cha anh ta, hay chăng. Hôm qua, khi tôi vô tình làm vỡ một cái cửa sổ – một tấm kính nhỏ không đáng giá mấy – đã có những lời thì thầm vô tận về việc đó và những cái liếc mắt không thân thiện vào tôi từ mọi phía; vì thế hôm nay tôi đi lên cửa hàng và mua một tấm kính mới, gắn nó lại đàng hoàng với mát tít. Sau đó ông nghị viên bảo: “Anh không cần bận tâm như thế về một tấm kính.” Nói thật lòng, tôi tới cửa tiệm không chỉ vì chuyện đó; tôi còn mua ba chai rượu vang, để chứng tỏ tôi không quan tâm mấy tới giá của một tấm kính. Tôi cũng mua thêm một cái máy may, để tặng cho các cô gái khi lên đường. Chúng tôi có thể uống rượu vang vào tối nay; ngày mai sẽ là Chủ nhật, và cả bọn chúng tôi đều có thời gian để nằm nướng một chút. Nhưng tôi sẽ lên đường vào sáng Thứ hai. Tuy nhiên, mọi chuyện hóa ra khác hẳn. Hai cô gái đã lẻn lên gác xép, lục lọi ba lô của tôi; cả rượu vang lẫn cái máy may đã đưa vào đầu họ những tưởng tượng; họ hình dung ra đủ chuyện, và bắt đầu tung ra những lời gợi ý. Hãy chờ một chút, tôi nghĩ bụng; thời của mình sẽ đến! Khi chiều xuống tôi ngồi trò chuyện với cả nhà trong phòng khách. Chúng tôi vừa ăn tối xong, và ông chủ nhà đã đeo cặp kính lên để đọc báo. Sau đó có tiếng ai đó ho ở bên ngoài. “Có ai đó đang đi vào,” tôi nói. Các cô gái liếc nhìn nhau và đi ra. Một lát sau họ mở cửa và đưa vào hai cậu thanh niên. “Mời vào và ngồi xuống,” bà vợ nói. Tôi sực nghĩ ra rằng hai cậu nông dân đó đã được mời tới để nếm rượu vang của tôi, và họ là người yêu của hai cô gái. Những cô bé trẻ trung thông minh – mười tám, mười chín tuổi, và đã sẵn sàng làm bất cứ thứ gì. Tốt, nếu họ lăm le nhắm tới món rượu vang này, họ đã lầm to! Không một giọt… Có đôi chuyện dông dài về thời tiết, về cách thức nó không tốt hơn mức người ta mong đợi vào thời điểm này của năm, nhưng thật tiếc là mưa tuyết đã ngăn trở việc cày bừa. Không có chút sự sống nào trong câu chuyện này, và một trong hai cô gái quay sang tôi, bảo rằng tối nay tôi quá lặng lẽ. Sao thế được? “Có lẽ là vì tôi sắp đi,” tôi đáp. “Tôi còn một chặng đường khá xa để đi từ giờ cho tới sáng Thứ hai.” “Vậy có lẽ đêm nay chúng ta nên có một ly chia tay?” Có vài tiếng cười khúc khích với câu này, giống như một cú tấn công xứng đáng vào tôi vì đã giữ lại món rượu vang theo cung cách bủn xỉn đó. Nhưng tôi không quen biết hai cô gái này, và không quan tâm chút nào tới họ, không thì tôi đã hành động khác hẳn. “Ý của cô là gì?” tôi hỏi. “Tôi mua mấy chai rượu này là để mang theo tới một nơi nhất định.” “Và anh sẽ mang nó đi suốt quãng đường đó à?” cô gái hỏi giữa một tràng cười. “Như thể không bao giờ có một cửa tiệm trên đường.” “Tiểu thư quên rằng ngày mai là Chủ nhật, và các cửa tiệm trên đường sẽ đóng cửa,” tôi đáp. Tiếng cười tắt lịm, nhưng tôi có thể thấy cô nàng không còn tỏ vẻ tử tế với tôi vì câu nói thẳng tuột đó. Tôi quay sang bà vợ, và lạnh nhạt hỏi tôi nợ bà ta bao nhiêu tiền cho thời gian tôi ở trọ. Nhưng chắc chắn là không có gì phải vội – sao không thanh toán nó vào ngày mai? Tôi đang vội – cám ơn. Tôi đã ở đây hai ngày – giá tiền là bao nhiêu vậy? Bà ta ngẫm nghĩ hồi lâu; cuối cùng bà ta bước ra ngoài, kéo theo ông chồng để cùng tính toán với nhau. Thấy rằng họ còn ở ngoài khá lâu, tôi đi lên gác xép, thu xếp ba lô sẵn sàng, và mang nó xuống hành lang. Tôi cho là sẽ còn bị bực mình nhiều hơn nữa, nên sẽ lên đường ngay đêm nay. Đây sẽ là một cách ra đi tốt, theo diễn tiến mọi chuyện. Khi tôi quay lại phòng, Peter nói: “Anh không định nói là anh lên đường ngay đêm nay chứ?” “Vâng, tôi sẽ đi.” “Dù sao thì anh không việc gì phải bận tâm tới những lời ngớ ngẩn của các cô gái.” “Herregud, cứ để anh chàng già háp đó đi nếu anh ta muốn,” em gái của anh ta nói. Cuối cùng ông nghị viên và bà vợ quay vào, im lìm một cách cứng cỏi và ngoan cố. Tốt! Và tôi nợ bao nhiêu? Ừm! Họ để cho tôi tự tính lấy. Họ giống hệt nhau – một đám bần tiện và đầy thủ đoạn; tôi cảm thấy ngột ngạt, và lựa ra tờ giấy bạc đầu tiên lọt vào tay, quẳng nó cho người phụ nữ. Thế đã đủ chưa? Ừm! Chắc chắn là kha khá, nhưng vẫn… Và người ta có thể nói là đủ, nhưng… Tôi đã đưa cho bà ta bao nhiêu? Một tờ năm Kroner. Ờ, có lẽ nó chưa đủ. Tôi đưa tay vào túi lần nữa. “Không, mẹ à, đó là một tờ mười Kroner,” Peter nói. “Và thế là quá nhiều rồi; mẹ phải cho lại cho anh ta thứ gì đó.” Người đàn bà lớn tuổi xòe tay ra, nhìn tờ giấy bạc, và tỏ vẻ rất ngạc nhiên. “Sao, đúng thế, mười Kroner, phải… Tôi đã nhìn lầm. Sao, vậy thì nó vừa đủ, và cám ơn nhiều…” Chồng bà ta, trong cơn bối rối, bắt đầu nói với hai cậu trai về điều ông ta đang đọc trong báo; sự cố không hay; bàn tay bị nghiền trong một cái máy đập lúa. Hai cô gái vờ vĩnh không chú ý tới tôi, nhưng suốt buổi ngồi như hai con mèo, với cái cần cổ rụt lại và đôi mắt nheo hẹp như hai lưỡi dao. Không còn gì để ở lại đây nữa – tạm biệt tất cả bọn họ. Người đàn bà lớn tuổi bước ra hành lang và cố lấy lòng tôi. “Giá mà bây giờ anh có thể cho chúng tôi mượn chỉ một chai rượu,” bà ta nói, “đó thật là một sự tốt bụng. Với hai cậu con trai đang ngồi đó các thứ.” “Farvel,” tôi nói cộc lốc, và không muốn nghe thêm gì nữa. Tôi hất ba lô lên vai, một tay xách cái máy may; nó là một vật nặng, và con đường bùn lầy không giúp cho mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, tôi bước đi với một trái tim nhẹ nhõm. Đây là một công việc hoàn toàn khốn khổ, nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng tôi đã hành động hơi đê tiện. Đê tiện ư? Không hề! Tôi tựthành lập một ủy ban nho nhỏ trong đầu, và chỉ ra rằng mấy cô gái quái quỷ đó đã toan tính giúp vui cho người yêu của họ bằng rượu vang của tôi. Được và tốt; nhưng về phần mình, phải chăng ác ý của tôi đối với ý tưởng đó là sự ích kỷ của giống đực? Nếu hai cô gái lạ được mời tới thay vì hai cậu con trai, lẽ nào tôi không khui rượu mà không hề lẩm bẩm một lời? Chắc vậy rồi! Và còn vụ họ gọi tôi là anh chàng già háp; nói cho cùng, điều đó hoàn toàn đúng. Thật sự là tôi già, vì tôi thấy bực mình khi bị cho ra rìa trước hai cu cậu nông dân lạc bước… Nhưng cảm giác tổn thương của tôi dịu lại trong cuộc đi bộ vất vả đó. Cuộc họp của ủy ban được hoãn lại, và tôi lê bước hết giờ này sang giờ khác với gánh nặng ngớ ngẩn của mình – ba chai rượu và cái máy may. Trời êm và có sương mù nhẹ; tôi không thể trông thấy những ánh đèn của một nông trại cho tới khi đã đến thật gần, và sau đó lũ chó nhảy xổ vào tôi, ngăn cản tôi lẻn vào một kho thóc. Đêm ngày càng khuya hơn, tôi mệt mỏi và nản chí, và còn tự làm khổ mình vì lo lắng tới tương lai. Không phải tôi đã lãng phí một đống tiền cho cái thứ vô giá trị nhất hay sao? Tôi phải bán lại cái máy may đó ngay, để gỡ lại chút vốn. Cuối cùng tôi cũng tới một nơi không có chó. Vẫn còn một ánh đèn trong cửa sổ, và không vội vã hơn chút nào, tôi bước tới và hỏi xin ở trọ đêm.
XXVIII
Một cô bé đang ngồi may ở bàn; không có ai khác trong phòng. Khi tôi hỏi xin ở trọ, nó trả lời với vẻ đáng tin cậy và rạng rỡ rằng nó sẽ xem sao, và đi vào một căn phòng nhỏ bên cạnh. Khi nó đi, tôi gọi với theo rằng chỉ cần được ngồi đây cạnh lò sưởi cho tới sáng là tôi đã rất mừng. Giây lát sau cô bé quay vào với bà mẹ. Bà ta vẫn còn đang cài cúc áo. Godkvæld! (Chào buổi tối!) Ở trọ à? Được, được, không có phòng nào để tôi có thể hoàn toàn thoải mái, nhưng rất hân hạnh mời tôi tới phòng ngủ.” Thế còn bản thân họ sẽ ngủ ở đâu? Sao, giờ đã gần sáng rồi, và dù sao cô gái cũng ngồi may ở đó. Cô ta may gì mà phải ngồi suốt đêm thế? Một cái áo mới? Không, chỉ là cái váy ngắn thôi. Cô ta sẽ mặc nó đi lễ nhà thờ vào buổi sáng, nhưng không chịu để cho mẹ mình giúp. Tôi lôi cái máy may ra, và nói đùa rằng một cái váy ít nhiều gì chỉ là một chuyện vặt đối với một vật như thế này. Chờ đó, và tôi sẽ chỉ cho họ thấy. Vậy ra tôi là một người thợ may? Không. Nhưng tôi bán máy may. Tôi lôi mấy tờ hướng dẫn ra, nghiên cứu chúng để xem nó hoạt động thế nào. Cô bé chăm chú lắng nghe; nó còn là một đứa trẻ con, những ngón tay gầy guộc của nó dính đầy thuốc nhuộm xanh lơ trên vải. Có cái gì đó trông thật tội nghiệp ở những ngón tay xanh đó; tôi lôi một chai rượu ra và rót cho tất cả chúng tôi. Sau đó chúng tôi tiếp tục may – tôi với những tờ hướng dẫn và cô bé làm việc với cái máy. Nó rất vui khi thấy cái máy may hoạt động dễ dàng như thế nào, và mắt nó sáng lấp lánh. Nó bao nhiêu tuổi? Mười sáu. Vừa làm lễ thêm sức hồi năm ngoái. Và tên của nó là gì? Olga. Mẹ nó đứng quan sát chúng tôi, và cũng muốn tự tay thử cái máy, nhưng mỗi lần bà tới gần, Olga lại nói: “Cẩn thận mẹ ạ, mẹ sẽ khinh khi nó đấy.” Và khi ống chỉ cần quấn thêm chỉ, và mẹ nó cầm lấy cái suốt một lúc, người con lại một lần nữa sợ rằng nó sẽ bị “khinh khi”.[12] Người đàn bà đặt nồi cà phê lên bếp, và trông chừng ngọn lửa; chẳng bao lâu căn phòng trở nên ấm cúng. Những người dân lẻ loi này hết sức đáng tin cậy và tử tế. Olga cất tiếng cười rộ mỗi khi tôi nói đùa về cái máy. Tôi nhận thấy cả hai người bọn họ không hề hỏi giá của cái máy là bao nhiêu, dù tôi đã bảo là đang đi bán nó. Họ xem nó nằm ngoài tầm tay với của mình. Nhưng họ vẫn có thể tìm được niềm vui khi nhìn nó hoạt động. Tôi gợi ý rằng Olga nên có một cái máy may như thế, xét theo việc cô bé nắm bắt được cách hoạt động của nó ngay tức khắc. Mẹ nó đáp rằng phải chờ cho tới khi nó ra ngoài giúp việc được ít lâu đã. Nó sẽ ra ngoài giúp việc à? Sao, phải, dù sao thì bà ta cũng hy vọng thế. Cả hai cô con gái khác của bà cũng đang giúp việc, và kiếm được kha khá – tạ ơn Trời. Sáng ra, Olga sẽ gặp họ ở nhà thờ. Có một tấm gương nhỏ bị rạn treo trên một trong số các bức tường, trên bức tường khác là một vài bức tranh in rẻ tiền – những bức tranh vẽ những người lính ngồi trên lưng ngựa và những nhân vật hoàng gia với thật nhiều châu báu. Một trong số các bức tranh này đã cũ và sờn. Nó là chân dung của Nữ hoàng Eugenie, và rõ ràng không phải mới mua gần đây. Tôi hỏi nó từ đâu đến. Người phụ nữ tốt bụng không biết. Hẳn là chồng bà đã mua hồi thời còn trẻ. “Ông ta mua nó tại đây hả?” Có khả năng ở Hersæt hơn,nơi ông ta phục vụ khi còn trẻ. Tới nay cũng đến ba mươi năm rồi. Tôi đã có sẵn một kế hoạch nhỏ trong đầu; tôi nói: “Bức tranh đó đáng giá nhiều tiền đấy.” Người phụ nữ nghĩ tôi đang nói đùa với bà, vì thế tôi kiểm tra bức tranh cẩn thận và tuyên bố một cách nhấn mạnh rằng nó không phải là một bức tranh in rẻ tiền – không. Nhưng bà ta hoàn toàn chậm hiểu, và chỉ nói: ờ, tôi đã nghĩ vậy à? Vật này đã được treo ở đó từ khi ngôi nhà được xây dựng. Nhân tiện, nó là của Olga, con bé đã gọi bức tranh là của nó từ lúc nó còn bé xíu. Tôi khoác lên một vẻ mặt hiểu biết, bí ẩn, và hỏi thêm các chi tiết – Hersæt có thể ở đâu? Hersæt nằm ở giáo xứ bên cạnh, cách khoảng tám dặm. Ngài Lendsman[13] sống ở đó… Cà phê đã sẵn sàng, tôi và Olga tạm nghỉ tay. Giờ chỉ còn phải đơm nút nữa thôi. Tôi đề nghị được xem cái áo choàng nó sẽ mặc với cái váy, hóa ra đó chả phải là một cái áo choàng thật sự, mà chỉ là một cái khăn đan trùm đầu. Nhưng nó có một cái áo khoác bỏ đi của một bà chị cho, và cái áo đó sẽ được khoác phía ngoài và che đậy tất cả phần còn lại. Bà mẹ bảo với tôi rằng Olga đang lớn rất nhanh, không việc gì phải mua cho nó một cái áo choàng trong mười hai tháng sắp tới. Olga ngồi may khuy áo và móc áo, và chẳng bao lâu làm xong việc. Sau đó nó có vẻ buồn ngủ, vì thế tôi lên giọng của người có thẩm quyền và ra lệnh cho nó đi ngủ. Mẹ nó cảm thấy cần ngồi đó làm bạn với tôi, dù tôi nói bà nên quay lại giường ngủ. “Mẹ chắc là con nên cám ơn thật đàng hoàng người đàn ông lạ này vì mọi thứ ông ấy đã giúp con, ” bà mẹ nói. Olga tới gần tôi và đưa bàn tay ra để cám ơn tôi, và tôi xoay nó lại, kéo nó băng qua phòng tới cửa phòng ngủ. “Bà cũng nên đi ngủ đi,” tôi nói với mẹ nó. “Tôi không ngồi nói chuyện nữa đâu, vì chính tôi cũng mệt rồi.” Và khi nhìn thấy tôi nằm xuống cạnh lò sưởi, kê cái ba lô bên dưới đầu, bà lắc đầu với một nụ cười và cũng rời khỏi phòng.
XXIX
Ở đây tôi thấy hạnh phúc và thoải mái; đang là buổi sáng; mặt trời rọi vào qua cửa sổ, và cả Olga lẫn mẹ nó là một sự diệu kỳ, với mái tóc đã chảy ốp mượt mà. Sau bữa điểm tâm cùng hai mẹ con, và khá nhiều cốc cà phê, Olga khoác lên người cái váy mới, tấm khăn trùm đầu và cái áo khoác. Chà, thật là một cái áo khoác tuyệt diệu, vẫn còn đủ mép viền, và hai hàng cúc áo, cổ và ống tay áo có đường viền. Nhưng Olga bé nhỏ không vừa với nó chút nào. Không hề! Cô bé chỉ toàn những xương với xẩu, như một chú bê non. “Chúng ta không thể thu hẹp các bên một chút sao?” tôi hỏi. “Còn nhiều thời gian mà.” Nhưng hai mẹ con nhìn nhau và chỉ đáp, hôm nay là Chủ nhật, và không được sử dụng kim hay dao trong ngày đó. Tôi hiểu họ khá rõ, vì hồi còn bé tôi cũng đã nghĩ đúng hệt như thế. Vì vậy tôi thử tìm một cách khác, với một suy nghĩ hơi phóng túng: “Vấn đề sẽ khác khi một cái máy làm việc đó; không có gì nhiều hơn một cỗ xe vô tội chạy ầm ầm trên phố, như có thể xẩy ra trong bất kỳ Chủ nhật nào. Nhưng không; việc này ngoài khả năng của họ. Và dù sao đi nữa, cái áo khoác phải chừa chỗ cho cô bé lớn thêm; trong đôi ba năm nữa nó sẽ trở nên vừa vặn. Tôi suy nghĩ tìm một vật gì đó để dúi vào tay Olga khi nó đi; nhưng tôi không có gì, vì thế tôi cho nó một đồng Kroner bạc, và nó giơ ngay lập tức hai tay ra để cám ơn, và khoe đồng bạc với mẹ, thì thầm rằng nó sẽ đưa đồng tiền cho chị nó khi tới nhà thờ. Đôi mắt nó sáng rực niềm vui khi nghĩ như thế. Và mẹ nó, gần như không ít cảm động hơn chút nào, trả lời rằng phải, có lẽ nó nên… Olga lên đường tới nhà thờ trong cái áo khoác dài, đi xuống đồi với đôi bàn chân lóng nga lóng ngóng. Một cảnh tượng thật dễ thương và phấn khích… Còn bây giờ là Hersæt; nó có phải là một địa điểm lớn? Vâng, một địa điểm lớn xinh đẹp. Tôi ngồi một hồi, mắt hấp háy vì buồn ngủ và tiến hành những cuộc phiêu du trong lĩnh vực từ nguyên học. Hersæt có thể là Herresæte (Thái ấp). Hay có khả năng là một herse (tù trưởng địa phương vào thời cổ) đã từng cai trị tại đây. Và con gái của tù trưởng là thiếu nữ tự hào nhất trong vùng, và chính bản thân Phó vương đã tới cầu hôn nàng. Và năm sau nàng sinh cho ông ta một đứa con trai, người đã trở thành vua… Nói tóm lại, tôi sẽ tới Hersæt. Xét tới việc đi đâu thì cũng như nhau, tôi sẽ tới đó. Có thể tôi sẽ tìm được việc làm ở nhà ngài Lensmand, hoặc luôn có cơ may một điều gì đó xuất hiện; ở bất cứ giá nào, tôi sẽ gặp những người mới. Và sau khi quyết định về Hersæt như vậy rồi, tôi cảm thấy có một mục đích trước mặt tôi. Người phụ nữ tốt bụng đưa tôi vào nằm nghỉ ở giường của bà, vì tôi ngủ gà gật và khờ câm vì thiếu ngủ. Một con nhện xanh xinh đẹp chầm chậm bò trên tường, và tôi nằm quan sát nó cho tới khi ngủ thiếp đi. Vài giờ sau, tôi đột ngột thức giấc, cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn. Người phụ nữ đang nấu ăn. Tôi thu xếp ba lô, trả tiền trọ, và bảo tôi muốn làm một cuộc trao đổi: cái máy may của tôi cho bức tranh của Olga. Người phụ nữ không tài nào tin nổi như từ đầu tới giờ. Không sao đâu, tôi nói; nếu bà hài lòng thì tôi cũng thế. Bức tranh có giá trị; tôi biết mình đang làm gì. Tôi tháo bức tranh khỏi tường, phủi sạch bụi bặm, và thận trọng cuộn nó lại; bức tường lộ ra một khoảnh trống sáng hơn ở chỗ từng treo nó. Rồi tôi lên đường. Người phụ nữ theo tôi ra ngoài: tôi có thể đợi được không, cho tới khi Olga trở về, để cô bé có thể cám ơn tôi? Ồ, tôi chỉ ước gì được vậy! Tôi không thể. Không có thì giờ. Nhắn với cô ấy, nếu có bất cứ điều gì cô ấy không hiểu thì cứ xem những tờ hướng dẫn… Người phụ nữ đứng nhìn theo khi tôi đi. Tôi hiên ngang đi xuống đường, huýt sáo và hài lòng với những gì tôi đã làm. Giờ chỉ phải vác cái ba lô; tôi đã nghỉ ngơi, mặt trời đang chiếu sáng, và con đường đã hơi khô ráo. Tôi cất tiếng hát với sự thỏa mãn về những gì tôi đã làm. Chứng suy nhược thần kinh… Ngày hôm sau tôi tới Hersæt. Thoạt tiên khi đi ngang qua, tôi cảm thấy nó là một địa điểm rất lớn và đẹp; nhưng sau đó khi trò chuyện đôi chút với một trong những nông dân, tôi quyết định thử tìm tới nhà ngài Lensmand. Trước đó tôi từng làm cho những người giàu có – để tôi xem, có Đại úy Falkenberg ở Øvrebø… Ngài Lensmand là một người đàn ông nhỏ bé, vai rộng, với một chòm râu bạc dài và đôi mắt thẫm màu. Ông nói năng cộc cằn, nhưng có đôi mắt nhân hậu; sau đó, tôi nhận ra ông có một tâm hồn vui vẻ, có thể cười to và nói đùa một cách phấn khởi trong mọi lúc. Thỉnh thoảng, ông thường tỏ ra kiêu hãnh về địa vị và sự giàu có của mình, và thích người ta thừa nhận điều đó. “Không, tôi không có việc cho anh. Anh từ đâu tới?” Tôi kể ra vài nơi tôi đã ghé qua gần đây. “Không tiền, tôi cho là vậy, và đi quanh để xin ăn?” Không, tôi không xin ăn; tôi có đủ tiền. “Chà, anh phải đi xa hơn. Tôi chẳng có gì để cho anh làm ở đây; việc cày bừa đã xong. Anh có thể cắt ván để dựng hàng rào không?” “Có thể.” “Ừm. Tốt, tôi không còn sử dụng hàng rào gỗ nữa. Tôi đã rào dây thép. Làm thợ nề được chứ?” “Được.” “Thật đáng tiếc. Ở đây tôi đã có mấy tay thợ nề làm từ nhiều tuần qua; lẽ ra anh có thể có một công việc. Nhưng giờ tất cả đã xong xuôi.” Ông đứng, chọc cây gậy xuống đất. “Vì sao anh tìm tới tôi?” “Mọi người bảo hãy tới nhà ngài Lensmand nếu muốn có việc làm.” “Ồ, vậy hả? Tốt, tôi luôn có một đám đông làm việc này việc khác tại đây – giờ là mấy tay thợ nề. Anh dựng được một cái hàng rào để ngăn chặn lũ gà không? Về chuyện đó, chưa có ma nào trên đời làm nổi, haha!… Anh bảo đã làm cho Đại úy Falkenberg ở Øvrebø hả?” “Phải.” “Anh làm gì ở đó?” “Đốn cây.” “Tôi không biết ông ta – ông ta sống cách xa quá. Nhưng tôi có nghe nói về ông ta. Có giấy tờ gì từ ông ta không?” Tôi cho ông xem những gì Đại úy đã viết. “Đi theo tôi,” ngài Lensmand đột ngột nói. Ông dẫn tôi đi vòng quanh nhà và vào bếp. “Hãy cho người này một bữa ăn ngon lành – anh ta đã đến từ rất xa, và…” Tôi ngồi xuống trong cái nhà bếp rộng lớn, sáng sủa để dùng bữa ăn ngon nhất từng có sau một thời gian dài. Tôi vừa ăn xong thì ngài Lensmand lại bước vào. “Nghe này, anh…” ông nói. Tôi đứng lên ngay tức khắc và đứng thẳng như một cây tên – một chút phép lịch sự mà tôi hình dung chưa hề mất đối với ông. “Không, không, ăn cho xong bữa đi, tiếp tục đi. Xong rồi hả? Chắc chắn? Ờ, tôi đã nghĩ… Đi theo tôi.” Ông đưa tôi ra lều chứa củi. “Anh có thể làm công việc đốn củi; anh nói sao? Tôi có hai người ở đây, nhưng tôi muốn cử một trong hai người đi làm công việc gửi thư mời, vì thế anh phải đi đốn củi với người kia. Anh có thể thấy ở đây có nhiều gỗ, nhưng nằm ở đây không hại gì, không hề có hại. Anh bảo anh có tiền, cho tôi xem nào.” Tôi cho ông xem những tờ giấy bạc mà tôi có. “Tốt. Tôi là một quan chức, anh thấy đó, và phải biết người làm công cho mình. Tôi không cho là anh có bất cứ điều gì không ổn về lương tâm, khi xét tới việc anh đã tìm tới ngài Lensmand, haha! Ờ, như tôi đã nói, hôm nay anh có thể nghỉ ngơi, và bắt đầu đốn củi vào ngày mai.” Tôi bắt tay vào việc chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau, sắp xếp quần áo, giũa cưa và mài lại cái rìu. Tôi không có găng tay, nhưng thời tiết này chưa cần tới găng tay, và tôi không còn thiếu thứ gì. Ngài Lensmand ra gặp tôi nhiều lần, và nói chuyện vu vơ; có lẽ việc trò chuyện với một gã lang thang xa lạ khiến ông thích thú. “Tới đây, Margrethe!” ông gọi bà vợ, khi bà ta đi ngang qua sân; “đây là người làm mới; tôi sẽ cử anh ta đi cưa gỗ.”