Dưới ánh sao thu – Under the autumn star (Chương XXI, XXII, XXIII)

Knut Hamsun

XXI

Một tối nọ có những vị khách tới nông trại; vì Peter vẫn còn yếu, và người đàn ông còn lại chỉ là một cậu thiếu niên, tôi phải tới và tháo đôi ngựa khỏi xe. Một tiểu thư bước xuống xe. “Có ai ở nhà không?” nàng hỏi. Tiếng bánh xe đã mang những gương mặt tới các ô cửa sổ, đèn được thắp lên trong các căn phòng và các hành lang. Fruen bước ra, cất tiếng gọi: “Phải cô đó không, Elisabeth? Tôi rất vui vì cô đã tới.” Đó là Frøken Elisabeth ở nhà ông mục sư. “Anh ta ở đây à?” nàng hỏi với vẻ ngạc nhiên. “Ai?” Nàng muốn nói về chính tôi. Vậy là nàng đã nhận ra tôi… Hôm sau hai tiểu thư vào rừng gặp chúng tôi. Thoạt tiên tôi e rằng một lời đồn nào đó về một cuộc cưỡi ngựa ban đêm hay về những con ngựa bị mượn đã lan tới nhà ông mục sư, nhưng rồi bình tĩnh lại khi không có ai nhắc tới chuyện đó. “Cái ống nước hoạt động tốt lắm,” Frøken Elisabeth nói. Tôi hài lòng khi nghe nói thế. “Ống nước?” Fruen thắc mắc. “Anh ấy đã đặt một đường cấp nước tới nhà cho chúng tôi. Cả những đường ống trong bếp và trên gác nữa. Chỉ cần mở vòi là xong. Chị nên cho làm nó ở đây.” “Thật vậy à? Anh nghĩ có thể làm việc đó ở đây không?” Tôi đáp: vâng; việc đó khá dễ dàng. “Sao anh không nói với chồng tôi về nó?” “Tôi có nói. Ông ấy bảo ông ấy sẽ xem phu nhân nghĩ thế nào đã.” Một khoảng im lặng lúng túng. Vậy là ông ta đã không nói với nàng về một việc có liên quan rất gần tới nàng. Tôi vội vã phá vỡ sự im lặng, và nói đại: “Dù sao, đã quá muộn để bắt đầu trong năm nay; mùa đông sẽ tới trước khi chúng tôi làm xong. Nhưng mùa xuân tới…” Dường như Fruen đã chú ý trở lại từ một nơi nào đó thật xa. “Ồ, phải, giờ tôi nhớ ra rồi, ông ấy có nói gì đó về nó,” nàng nói. “Chúng tôi đã bàn về nó. Nhưng năm nay quá muộn… Elisabeth, cô có muốn xem họ đốn cây không?” Lúc này chúng tôi dùng một sợi dây thừng để dẫn dắt thân cây ngã đúng hướng. Falkenberg vừa cột sợi dây ở phía trên, và thân cây đứng lắc lư. “Sợi dây đó để làm gì?” “Để làm cho nó ngã đúng hướng,” tôi mở lời. Nhưng Fruen không bận tâm lắng nghe tôi nữa; nàng quay sang Falkenberg và hỏi thẳng gã: “Việc nó ngã hướng nào có quan trọng không?” Falkenberg phải trả lời nàng. “Sao, không, chúng tôi cần lèo lái nó chút xíu, để nó không làm gẫy quá nhiều cây non khi ngã xuống.” “Cô có nhận thấy không,” Fruen nói với cô bạn, “anh ta có một chất giọng thật tuyệt. Anh ta là người biết hát.” Lúc này tôi thấy ghét mình biết bao vì đã nói quá nhiều, thay vì đọc được ý muốn của nàng! Nhưng cuối cùng tôi sẽ cho nàng thấy rằng tôi hiểu ngụ ý đó. Và, ngoài ra, chính Frøken Elisabeth chứ không phải ai khác là người tôi đang yêu; nàng không hay thay đổi thái độ, và cũng xinh đẹp không kém người kia – phải, một ngàn lần xinh hơn. Tôi sẽ tới nhận công việc ở chỗ cha nàng… Lúc này tôi quan tâm, bất cứ khi nào Fruen nói, tới việc đầu tiên nhìn Falkenberg rồi nhìn sang nàng, kềm lại câu đáp của mình như thể sợ phải nói không đúng lượt của mình. Tôi cũng nghĩ rằng nàng bắt đầu cảm thấy hơi hối lỗi khi nhận thấy điều này, vì có lần nàng nói, với một nụ cười khổ sở: “Vâng, vâng, tôi hỏi anh đó.” Nụ cười đó và những lời của nàng… Một cơn lốc hân hoan cuộn trong quả tim tôi; tôi bắt đầu vung rìu với tất cả sức lực có được từ quá trình lao động lâu dài, và tạo nên những nhát rìu sâu, tôi chỉ nghe thấy một từ lúc này lúc khác về những điều họ nói. “Họ muốn tối nay tôi hát cho họ nghe,” Falkenberg nói, khi họ đã ra về. Chiều xuống. Tôi đứng ở ngoài sân, nói chuyện với Đại úy. Chỉ còn ba bốn hôm nữa, công việc đốn gỗ của chúng tôi sẽ kết thúc. “Sau đó các anh sẽ đi đâu?” Đại úy hỏi. “Chúng tôi sẽ tìm việc trên tuyến đường ray.” “Tôi có thể tìm cho các anh việc gì đó để làm ở đây,” Đại úy nói. “Tôi muốn đánh xe xuống đường cái theo một lối khác; con đường quá dốc. Hãy đến xem những gì tôi định nói.” Ông đưa tôi đi vòng qua phía nam ngôi nhà, và chỉ trỏ đường này lối nọ, dù trời đã tối. “Và khi việc đó xong xuôi, và một hai chuyện nhỏ khác, chúng ta sẽ ổn cho tới mùa xuân,” ông nói. “Sau đó sẽ là vụ nước, như anh đã nói. Và ngoài ra, Peter vẫn còn nằm ốm; chúng tôi không thể thu xếp như thế này. Tôi phải có một người khác giúp đỡ.” Đột nhiên chúng tôi nghe thấy Falkenberg đang hát. Có ánh sáng trong phòng khách. Falkenberg đang ở đó, hát theo tiếng đệm dương cầm. Tiếng nhạc lan tới chỗ chúng tôi – cái gã này có một chất giọng nổi bật – và khiến tôi rùng mình ngoài ý muốn. Đại úy giật mình, và nhìn lên cửa sổ. “Không,” ông đột ngột nói; “Nói cho cùng, tôi nghĩ chúng ta cũng nên gác lại việc đánh xe cho tới xuân sau. Anh bảo anh sẽ đốn xong gỗ trong bao lâu?” “Ba hoặc bốn ngày.” “Tốt! Chúng ta sẽ nói thêm ba bốn ngày cho việc đó, rồi kết thúc cho năm nay.” Một quyết định bất ngờ đến lạ lùng. Tôi thầm nghĩ. Và tôi nói lớn: “Không có lý do gì để chúng tôi không làm công việc sửa đường trong mùa đông. Theo nhiều cách, nó sẽ tốt hơn. Có việc nổ mìn, và đưa đất đá lên…” “Vâng, tôi biết… nhưng… à, tôi nghĩ giờ tôi phải vào nhà và nghe bài hát…” Đại úy đi vào nhà. Tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng ông làm như thế vì phép lịch sự, muốn tự mình, như thường lệ, chịu trách nhiệm cho việc tiếp Falkenberg trong phòng khách. Nhưng tôi tưởng tượng rằng ông thích ở lại nói chuyện với tôi hơn. Đó là ý nghĩ của một kẻ hợm hĩnh, và hoàn toàn sai lầm.

XXII

Tôi đã hoàn thành những bộ phận lớn nhất trong cỗ máy, và có thể gắn chúng vào nhau và thử nó. Có một gốc dương lá rung cũ đã bị gió thổi ngã cạnh cầu vào kho thóc; tôi gắn công cụ của mình và đó, và phát hiện ngay rằng cái cưa sẽ hoạt động ổn. Aha, giờ bạn phải nói gì đây? Có một vấn đề cần xử lý! Tôi đã mua một lưỡi cưa lớn và tất cả răng cưa nằm ở phía lưng; những răng cưa này được lắp vào một cái bánh răng để tạo ma sát và được đẩy tới trước bởi cái nhíp. Bản thân cái nhíp được tôi chế ra từ một miếng độn cooc-xê to mà Emma đã cho tôi, nhưng khi kiểm tra lại, nó tỏ ra quá yếu; vì thế tôi chế ra một cái khác từ một lưỡi cưa có bề ngang chỉ sáu li, sau khi đã giũa hết những răng cưa. Tuy nhiên, cái nhíp mới lại quá cứng; tôi phải cố hết sức xoay xở bằng cách cuộn nó lên nửa chừng, và khi nó chạy xuống, lại cuộn lên nửa chừng. Không may là tôi biết quá ít về lý thuyết; đây là một trường hợp mò mẫm ở từng bước, và điều này khiến cho quá trình chậm lại. Ví dụ, cái bánh răng hình nón, tôi thấy nó quá nặng khi đưa nó vào thực hành, và phải nghĩ ra một hệ thống hoàn toàn khác. Hôm tôi gắn cái cưa vào gốc cây là Chủ nhật; bộ phận bằng gỗ mới màu trắng và lưỡi cưa sáng loáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Chẳng bao lâu những gương mặt xuất hiện ở các ô cửa sổ, và chính Đại úy tới. Ông không đáp lại lời chào của tôi, rất đỗi tập trung vào cái máy. “Ờ, anh nghĩ nó sẽ hoạt động ra sao?” Tôi cho nó chạy. “Ái chà, tôi tin là nó sẽ…” Fruen và Frøken Elisabeth bước ra, tất cả các người hầu bước ra, Falkenberg bước ra, và tôi cho họ xem nó hoạt động. Aha, tôi đã nói gì nhỉ? Ngay sau đó, Đại úy nói: “Việc gắn cái máy vào một thân cây sau một cây khác có mất nhiều thời gian không?” “Một phần thời gian sẽ được bù đắp lại nhờ hoạt động dễ dàng hơn. Không cần phải dừng lại nghỉ xả hơi.” “Vì sao không?” “Vì áp lực bên chịu tác động của cái nhíp. Chính cái áp lực đó khiến cho công việc nhọc nhằn nhất.” “Còn phần thời gian còn lại thì sao?” “Tôi sẽ bỏ cách bố trí cuộn này và thay bằng một bàn kẹp, có thể dùng chân để ấn lên. Một cái bàn kẹp có răng để kẹp chặt hơn, và có thể điều chỉnh theo bất cứ kích thước cây nào.” Tôi cho ông xem bản vẽ về cách bố trí bàn kẹp này; tôi chưa có thời gian để chế ra nó. Đại úy tự tay thử qua cái cưa một lượt, cẩn thận lưu ý tới lượng lực cần thiết. Ông nói: “Vấn đề là có quá nặng không khi kéo một cái cưa có chiều rộng gấp đôi một cái cưa bình thường.” “Phải,” Falkenberg đồng ý; “Trông có vẻ như thế.” Mọi người nhìn Falkenberg, rồi nhìn tôi. Giờ đã tới lượt tôi. “Một người đơn độc có để đẩy một chiếc xe tải chở đầy hàng trên đường ray,” tôi nói. “Và ở đây sẽ có hai người đàn ông cưa với lưỡi cưa chạy trên hai cái trục lăn qua những rãnh có tra dầu. Nó dễ hoạt động hơn cách cưa cũ – một người đơn độc có thể làm việc với nó, nếu tình thế bắt buộc.” “Nghe có vẻ như chuyện này không thể xảy ra.” “Được, chúng ta sẽ xem.” Frøken Elisabeth hỏi nửa đùa nửa thật: “Nhưng xin nói cho tôi biết – tôi không hiểu chút gì mấy thứ này, anh biết đó – vì sao cách cưa một thân cây theo lối cũ lại không tốt hơn?” “Anh ta đang cố loại bỏ áp lực bên; đó là một lực cản đối với những thợ cưa,” Đại úy giải thích. “Với một cái cưa như thế này, cô có thể, như anh ta nói, cưa theo chiều ngang với cùng một áp lực cô sẽ dùng tới để cưa bình thường theo chiều thẳng đứng. Nó đơn giản thế này: cô ấn xuống, nhưng áp lực lại chuyển sang hai bên. Nhân tiện,” ông tiếp tục, quay sang tôi, “anh có nghĩ sẽ có một nguy cơ khi ấn xuống hai đầu của lưỡi cưa và tạo ra một đường cắt lồi không?” “Điều đó đã bị loại trừ ngay từ đầu nhờ hai cái trục lăn bên dưới lưỡi cưa.” “Đúng, thứ đó có tác dụng đấy. Còn kế đến là gì?” “Kế đến, không thể tạo một đường cắt lồi với cái máy này ngay cả khi ông muốn. Ông thấy đó, lưỡi cưa có lưng hình chữ T; điều đó khiến cho trên thực tế không thể uốn cong nó.” Tôi hình dung Đại úy đã tự đưa ra một số phản đối chống lại sự kết án của chính mình. Là người biết mọi thứ, ông có thể tự trả lời chúng tốt hơn tôi. Mặt khác, có những điểm ông không chú ý tới, nhưng chúng khiến tôi lo lắng. Một cái máy được mang vác tới lui trong rừng không nên được chế tạo với những cơ cấu mỏng manh. Chẳng hạn, tôi e rằng hai cái rãnh thép có thể dễ dàng bị trầy xước, hoặc bị gẫy, hoặc cong đến nỗi các bánh xe có thể bị kẹt. Không, các rãnh sẽ phải bị loại bỏ, và các bánh xe lắp vào lưng của cái cưa. Nói chung, cái máy của tôi không hoàn hảo mấy… Đại úy bước tới gần Falkenberg và nói: “Tôi muốn anh đánh xe giúp các quý cô vào ngày mai; họ sẽ đi đây đó, và hình như Peter chưa khỏe hẳn. Anh nghĩ anh làm được không?” “Chắc chắn, và sẵn lòng,” Falkenberg đáp. “Frøkenen sẽ trở về nhà,” Đại úy nói, khi ông quay bước. “Anh sẽ phải có mặt lúc sáu giờ.” Falkenberg rất phấn chấn với dấu hiệu tin tưởng đó, và vui vẻ ngụ ý rằng tôi đang ghen với gã. Nói thật lòng, tôi không hề ghen ghét gã vì chuyện đó. Có lẽ tôi hơi tổn thương chút xíu khi thấy bạn tôi được ưa chuộng hơn tôi, nhưng chắc chắn tôi thích ở đây một mình trong sự yên tĩnh của khu rừng hơn là ngồi trên một cỗ xe và đánh xe trong cái lạnh. Falkenberg rất hài lòng với bản thân. “Giờ trông anh tái xanh đi vì ghen,” gã nói. “Tốt hơn anh nên làm chuyện gì đó. Thử dùng chút dầu thầu dầu xem.” Gã bận rộn suốt buổi sáng để chuẩn bị cho chuyến đi, cọ rửa cỗ xe, tra mỡ vào bánh xe, và sau đó giặt bộ dây cương. Tôi giúp gã mấy việc đó. “Tôi không tin là anh có thể đánh một cặp ngựa, thật đó,” tôi nói, cốt chỉ để chọc tức gã. “Nhưng tôi sẽ dạy cho anh một bài học nhỏ trước khi xuất phát, nếu anh thích.” “Anh đón nhận nó quá tệ,” gã đáp. “Thật tội nghiệp khi thấy một người đàn ông có vẻ mặt như thế, khi một liều dầu thầu dầu sẽ giúp anh ta ổn lại.” Lúc nào cũng như thế – trêu cợt và vui đùa với nhau. Chiều hôm đó Đại úy đi ra chỗ tôi. “Tôi không muốn cử anh đi với các quý cô,” ông nói, “vì công việc của anh. Nhưng giờ Frøken Elisabeth bảo cô ta muốn anh đánh xe chứ không phải người kia.” “Tôi à?” “Phải. Vì cô ta biết anh.” “Sao, về chuyện đó, cứ làm như cũ cũng đủ an toàn rồi.” “Anh có phiền khi đi không?” “Không.” “Tốt! Vậy việc đó coi như xong nhé.” Tôi chợt nảy ngay ra ý nghĩ này: “Aha, rốt cuộc các quý cô đã mơ tưởng tới mình, vì mình là một nhà phát minh và chủ nhân của một cái cưa tinh xảo, và ngoại hình không tệ khi mình ăn mặc đàng hoàng – không hề tệ ở bất cứ giá nào.” Nhưng Đại úy giải thích mọi sự với Falkenberg theo một cách hoàn toàn khác hẳn, điều đó khiến tôi thấy chạm tự ái cực kỳ: Frøken Elisabeth muốn tôi đi xuống nhà ông mục sư một lần nữa, để cha nàng có thể cố đưa ra một đề nghị khác về việc nhận tôi làm công ở đó. Nàng đã hứa với ông sẽ làm như thế. Tôi suy nghĩ mãi về lời giải thích này. “Nhưng nếu anh nhận làm ở nhà ông mục sư thì vụ làm ở đường ray của chúng ta kể như xong,” Falkenberg nói. “Tôi sẽ không nhận.” tôi đáp.

XXIII

Tôi khởi hành vào buổi sớm mai với hai quý cô trong một cỗ xe có mui kín. Thoạt tiên trời khá lạnh, và tấm chăn len của tôi trở nên có ích; tôi dùng nó để đắp, khi thì trên gối, khi thì quấn quanh vai. Chúng tôi đi theo con đường mà tôi đã đi lên với Falkenberg, và tôi nhận ra hết nơi này đến nơi khác khi đi ngang qua. Ở đó và ở đó gã đã chỉnh những cây dương cầm; ở đó chúng tôi đã nghe thấy con ngỗng xám bay ngang… Mặt trời ló dạng, và trời trở nên ấm áp hơn; nhiều giờ trôi qua; sau đó, khi tới một ngã tư, các quý cô gõ vào cửa sổ và bảo đã tới giờ ăn. Theo mặt trời, tôi có thể thấy còn quá sớm để các quý cô ăn trưa, dù đã khá đủ đối với tôi, xét tới việc tôi thường ăn với Falkenberg vào buổi trưa. Vì thế tôi đánh xe đi tiếp. “Anh không thể dừng sao? Họ la lên. “Tôi nghĩ… nhìn chung các cô sẽ không ăn cho tới ba giờ…” “Nhưng chúng tôi đói.” Tôi tấp xe vào một bên đường, tháo hai con ngựa ra, cho chúng ăn uống. Phải chăng những kẻ lạ lùng này bố trí giờ ăn của họ theo giờ ăn của tôi? “Værsaagod!” (Không có chi!/ Được thôi!) Nhưng tôi cảm thấy không thể ngồi ăn với họ, vì thế tôi vẫn đứng cạnh hai con ngựa. “Sao?” Fruen nói. “Cám ơn lòng tốt của bà,” tôi nói, và chờ được phục vụ. Họ giúp tôi, cả hai người, như thể họ không bao giờ có thể cho tôi đủ. Tôi khui mấy chai bia, và nhận được một phần chia hào phóng; đây là một cuộc picnic cạnh lề đường – một chuyến du lịch mạo hiểm nho nhỏ trong đời tôi. Và tôi không hề dám nhìn Fruen, vì sợ nàng bị tổn thương. Họ trò chuyện và nói đùa với nhau, thi thoảng với tôi, do lòng tốt, để tôi có thể cảm thấy dễ chịu. Frøken Elisabeth nói: “Ồ, tôi nghĩ ăn ngoài trời thật thú vị. Anh có nghĩ vậy không?” Và ở đây nàng nói De (họ) thay vì Du (anh), như nàng đã nói trước đó. “Cô biết đó, chuyện này không có gì mới đối với anh ta,” Fruen nói; “anh ta ăn trưa ngoài rừng hàng ngày.” Chà, nhưng giọng nói đó của nàng, và đôi mắt của nàng, và vẻ dịu dàng của bàn tay đưa cái cốc về phía tôi… Lẽ ra tới lượt mình tôi cũng có thể nói gì đó – kể cho họ nghe chuyện này chuyện nọ về những điều lạ lùng của thế giới rộng lớn bên ngoài, để giúp vui cho họ; lẽ ra tôi có thể chỉnh lại họ khi họ chuyện gẫu, hoàn toàn không biết gì về cách cưỡi lạc đà hay cách thu hoạch quả trong những vườn nho… Tôi vội vã kết thúc bữa ăn, và đi ra xa. Tôi xách hai cái xô và đi xuống lấy thêm nước cho lũ ngựa, dù không cần thiết. Tôi ngồi xuống cạnh dòng suối và ở lại đó. Một lúc sau Fruen gọi: “Anh phải lên đứng cạnh hai con ngựa; chúng tôi sẽ đi ra xem có thể tìm được vài cây hoa bia dại hay thứ gì đó xinh xắn hay không.” Nhưng khi tôi lên tới họ quyết định rằng mùa hoa bia dại đã qua, và giờ không còn sót lại quả thanh lương trà hoặc những chiếc lá giàu màu sắc nào. “Giờ trong rừng chẳng có gì,” Frøkenen nói, và nàng nói thẳng với tôi một lần nữa: “Chà, ở đây không có nghĩa trang cho anh đi lang thang nhỉ.” “Không có.” “Tôi cho rằng hẳn anh nhớ nó.” Và khi nàng tiếp tục giải thích với Fruen rằng tôi là một con người kỳ lạ, đi lang thang trong những khu nghĩa trang vào ban đêm và gặp gỡ những người chết. Và chính ở đó tôi đã phát minh ra các thứ máy móc. Để có gì đó nói, tôi hỏi thăm về anh chàng Erik trẻ tuổi. Cậu ta đã bị một con ngựa lồng lên quăng xuống đất và bị thương nặng… “Giờ anh ta khá hơn rồi,” Frøkenen nói ngắn gọn – Chị có sẵn sàng để đi tiếp chưa, Lovise?” “Vâng. Chúng ta có thể xuất phát chưa?” “Bất cứ khi nào các cô muốn,” tôi đáp. Và chúng tôi lại đi tiếp. Nhiều giờ trôi qua, mặt trời hạ xuống thấp trên bầu trời, và khí trời lạnh hơn – một đợt giá lạnh trong không khí; sau đó là gió và ướt át, nửa mưa, nửa tuyết. Chúng tôi đi ngang qua nhà thờ phụ, vài cửa tiệm ven đường, và hết nông trại này tới nông trại khác. Rồi có một tiếng gõ trên cửa sổ của cỗ xe. “Có phải đây là chỗ anh đã cưỡi những ngựa mượn đêm nọ không?” Frøkenen nói, cười to. “Ồ, tất cả chúng tôi đều biết chuyện đó, đừng lo!” Và cả hai quý cô rất hưng phấn. Tôi trả lời với một ý nghĩ bất chợt: “Thế mà cha cô vẫn nhận tôi giúp việc cho ông ấy – hay không phải vậy?” “Vâng.” “Trong lúc tôi nghĩ tới việc này, Frøken, làm sao cha cô biết tôi đang làm việc cho Đại úy Falkenberg? Chính cô đã ngạc nhiên khi thấy tôi ở đó.” Nàng suy nghĩ nhanh, liếc sang Fruen và nói: “Tôi đã viết thư về nhà và nói cho họ biết.” Fruen hạ thấp đôi mắt. Với tôi giờ đây, dường như nàng thiếu nữ này đang bịa đặt. Nhưng nàng đưa ra những câu trả lời rất khéo khiến tôi phải ngậm miệng. Tất cả nghe có vẻ khá tự nhiên; nàng viết một lá thư bình thường cho người nhà, và ghi thế này: “Và cha mẹ nghĩ có ai ở đây? Người đã làm những đường ống nước cho chúng ta; giờ anh ta đang đốn gỗ cho Đại úy Falkenberg….” Nhưng khi chúng tôi tới nhà ông mục sư, đã có sẵn một tay giúp việc mới, và đang làm việc – đã có ba tuần trôi qua. Anh ta bước ra để lo cho lũ ngựa. Sau đó, tôi cứ suy nghĩ mãi – vì sao họ chọn tôi đánh xe đưa họ xuống? Có lẽ họ định đối đãi tốt với tôi một chút, để bù đắp lại việc Falkenberg được mời vào phòng khách để hát. Nhưng chắc chắn – họ không hiểu sao, những người này – rằng tôi là một người sắp hoàn thành một thứ máy móc mới, và sẽ không cần tới những điều nhỏ nhặt như thế! Tôi đi quanh quẩn, bực dọc, tức tối và bất mãn với chính mình, dùng bữa trong nhà bếp, nơi Oline chúc phúc tôi vì những đường ống nước, và đi ra chăm sóc cho lũ ngựa của tôi. Tôi lấy tấm chăn và đi tới kho thóc trong bóng tối… Tôi choàng tỉnh khi phát hiện có ai đó đang chạm vào tôi. “Anh không nên nằm ở đây, anh biết đó; trời đang lạnh cóng,” Prestefruen (Phu nhân của ông mục sư) nói. “Đi với tôi, và tôi sẽ chỉ cho anh…” Chúng tôi nói về chuyện đó một lát; tôi không muốn di chuyển, và cuối cùng bà ngồi xuống. Bà là một ngọn lửa – không, một nàng con gái của Tự nhiên. Bên trong người bà đang trỗi lên tiếng nhạc của một điệu vũ mê ly.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: