Dưới ánh sao thu – Under the autumn star (Chương VI, VII, VIII)

Knut Hamsun

VI

Ông mục sư nhẫn nại lắng nghe, và không phản đối ý tưởng đó ngay. “Thật thế!” ông nói với một nụ cười. “Sao, có lẽ anh nói đúng. Nhưng việc nầy sẽ tốn bộn tiền. Vì sao chúng ta phải chuốc lấy phiền toái vì nó chứ?” “Từ nhà tới cái giếng mà chúng tôi đã đào là bảy mươi bước. Các cô gái phải đi bảy mươi bước qua bùn lầy và tuyết các thứ trong mùa hè và mùa đông.” “Điều đó đúng, vâng. Nhưng cái cách kia sẽ tiêu tốn một món tiền kinh khủng.” “Không kể tới cái giếng – trong bất cứ trường hợp nào ông cũng phải có nó; toàn bộ việc lắp đặt, công làm và vật liệu, sẽ không hơn hai trăm Kroner,” tôi nói. Ông mục sư có vẻ ngạc nhiên. “Tất cả chỉ thế thôi sao?” “Vâng.” Tôi chờ một lát mỗi lần trước khi trả lời, như thể tôi có bản tính chậm chạp bẩm sinh. Nhưng thật ra tôi đã nghĩ tới mọi việc trước đó rồi. “Nó sẽ rất thuận tiện, điều đó đúng,” ông mục sư trầm ngâm nói. “Và cái chậu nước trong bếp khá choán chỗ.” “Và nó còn đưa nước tới các phòng ngủ nữa.” “Tất cả các phòng ngủ đều ở tầng trên. Tôi e là nó sẽ không có tác dụng ở đó. “Chúng ta có thể đưa các đường ống lên tầng một.” “Anh nghĩ là có thể sao? Lên tới các phòng ngủ? Anh nghĩ là có đủ áp lực cho việc đó hả?” Tới đây tôi chờ lâu hơn bình thường trước khi trả lời, như một gã lừ đừ chậm nghĩ, không thực hiện mọi việc một cách khinh suất. “Tôi nghĩ tôi có thể trả lời với chiều cao của mái nhà,” tôi nói. “Thật thế!” ông mục sư cảm thán. Và lại nói: “Đi và chỉ cho chúng tôi xem nơi anh nghĩ sẽ đào cái giếng.” Chúng tôi đi lên đồi, ông mục sư, tôi, Harald, và tôi cho ông xem dụng cụ của tôi, chỉ cho ông thấy rằng sẽ có thừa áp lực. “Tôi phải bàn với cậu kia về việc này,” ông nói. Nhưng tôi gạt Grindhusen ra ngay lập tức, và bảo: “Grindhusen hả? Anh ta không biết gì về công việc này cả.” Ông mục sư nhìn tôi. “Thật thế ư?” Sau đó chúng tôi đi xuống, ông mục sư như tự nói với mình: “Hoàn toàn đúng, phải. Lấy nước vào mùa đông là một công việc vô tận. Và cả mùa hè nữa, về vấn đề đó. Tôi phải xem mấy người phụ nữ nghĩ thế nào về việc này.” Và ông đi vào nhà. Sau khoảng mười phút, tôi được gọi đi vòng ra mấy bậc thềm trước nhà; lúc này toàn bộ gia đình đang ở đó. “Vậy ra anh là người sắp đưa nước vào nhà?” Fruen[5]nhã nhặn nói. Tôi nhấc mũ ra và cúi chào với một cung cách lừ đừ, nặng nề, và ông mục sư thay tôi đáp: phải, chính là người này. Frøkenen liếc nhìn tôi với vẻ tò mò, rồi bắt đầu nói thì thầm với cậu em trai. Fruen tiếp tục với nhiều câu hỏi – nó có thật sự là một nguồn cung cấp nước như người ta có trong thị trấn, chỉ cần mở vòi nước và đã có sẵn nước? Cả cho các tầng trên? Hai trăm Kroner? “Thật sự, tôi nghĩ ông nên đồng ý,” bà nói với ông chồng. “Bà nghĩ thế à? Được, chúng ta hãy đi lên đỉnh đồi, bàn tính mọi điều xem sao.” Chúng tôi đi lên đồi, tôi dựng cái máy đo lên và để cho họ nhìn qua. “Tuyệt diệu!” Fruen nói. Nhưng Frøkenen không hề nói lời nào. Ông mục sư hỏi: “Nhưng anh có chắc là ở đây có nước không?” Tôi thận trọng trả lời, như một người có phán xét tỉnh táo, rằng đó không phải là một điều có thể đoan chắc trước, nhưng có mọi dấu hiệu của nước. “Những dấu hiệu nào vậy?” Fruen hỏi. “Bản chất của đất. Và bà sẽ nhận ra rằng có liễu và liễu gai mọc quanh đây. Và chúng thích đất ẩm.” Ông mục sư gật đầu và bảo: “Anh ta biết công việc của mình, Marie, bà có thể thấy.” Trên đường trở về, Fruen đi xa tới mức đưa ra một lý luận hoàn toàn không có gì bảo đảm rằng bà có thể xoay xở để giảm bớt một người hầu khi nước đã được dẫn vào nhà. Để không làm bà thất vọng, tôi xen vào: “Ít nhất bà có thể vào mùa hè. Bà có thể tưới cả khu vườn với một cái ống gắn vào vòi và đưa ra ngoài qua cửa sổ tầng hầm.” “Tuyệt diệu!” bà cảm thán. Nhưng tôi không mạo hiểm tới mức nói về việc đưa một đường ống vào chuồng bò. Tôi đã nhận ra rằng với một cái giếng có kích thước gấp đôi, một đường ống phụ băng ngang qua sân, có thể tiết kiệm số người giúp việc vắt sữa ngang vớisố người giúp việc bếp núc trong nhà. Nhưng điều đó sẽ cũng sẽ tăng gần gấp đôi chi phí. Không, việc đưa ra một dự án lớn như thế không khôn ngoan tí nào. Dù sao đi nữa, tôi phải đồng ý chờ cho tới khi Grindhusen trở lại. Ông mục sư bảo ông muốn cân nhắc kỹ.

VII

Thế nên giờ đây tôi phải tự mình nói với Grindhusen, và chuẩn bị tinh thần cho anh trước sự sắp xếp mới. Và để anh không hướng sự ngờ vực vào mình, tôi đổ mọi thứ cho ông mục sư, bảo rằng đó là ý tưởng của ông, nhưng tôi cũng ủng hộ ông. Grindhusen không phản đối; anh nhận ra ngay điều đó có nghĩa là chúng tôi có thêm việc làm, vì trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng phải đào giếng, ngoài ra còn những mương đặt đường ống nữa. May làm sao, vào sáng Thứ hai ông mục sư bước ra và nói nửa đùa nửa thật với Grindhusen: “Người bạn của anh đây và tôi đã quyết định sẽ đào giếng trên đồi, và đưa một đường ống tới nhà. Anh nghĩ sao về việc đó? Một ý tưởng điên rồ?” Grindhusen nghĩ đó là một ý tưởng loại nhất. Nhưng khi chúng tôi bàn bạc và cả ba người cùng đi lên để xem vị trí đào giếng, Grindhusen bắt đầu nghi ngờ tôi dính dáng tới việc này nhiều hơn mức tôi nói. Chúng tôi nên hạ thấp đường ống, anh nói, khi xét tới sương giá… “Một mét ba mươi là khá rồi,” tôi nói. …. và điều đó sẽ tốn một món tiền to. “Bạn anh đây đã nói tất cả chỉ tốn hai trăm Kroner,” ông mục sư trả lời. Grindhusen không biết gì về việc ước đoán, và chỉ có thể nói: “Tốt, tốt, dù sao thì hai trăm Kroner là một khoản tiền lớn.” Tôi nói: “Ở Aabot sẽ ít hơn nhiều khi ông dời đi.” Ông mục sư kinh ngạc nhìn tôi. “Aabot? Nhưng tôi đâu có nghĩ tới việc rời khỏi nơi này,” ôngnói. “Sao, vậy thì ông sẽ sử dụng nó hết công suất. Và có thể ông sẽ tận hưởng nó trong suốt nhiều năm,” tôi nói. Tới đây ông mục sư nhìn tôi chằm chặp, rồi hỏi: “Anh tên gì vậy?” “Knut Pedersen.” “Anh từ đâu đến?” “Từ Nordland.” Nhưng tôi hiểu vì sao ông hỏi, và quyết không nói theo cung cách sách vở đó thêm nữa. Dù sao, cái giếng và đường ống đã được quyết định, và chúng tôi bắt tay vào việc… Những ngày kế tiếp khá vui vẻ. Thoạt tiên tôi hơi lo âu về việc chúng tôi có thể tìm ra nước ở trên đồi hay không, và tôi ngủ không ngon giấc trong vài đêm. Nhưng khi nỗi e sợ đó qua đi, tất cả những gì còn lại là công việc giản đơn, minh bạch. Có đủ nước; sau vài hôm chúng tôi phải dùng xô múc nước ra mỗi buổi sáng. Ở dưới thấp hơn là đất sét, và chẳng bao lâu quần áo của chúng tôi đã trở nên thảm hại vì công việc. Chúng tôi đào một tuần, và tuần kế tiếp thu lượm đá để xây thành giếng. Đây là công việc mà cả hai chúng tôi đã quen thuộc từ những ngày trước ở Skreia. Sau đó, chúng tôi đào tiếp một tuần nữa, tới lúc này chúng tôi đã đào được đủ sâu. Đáy giếng sớm mềm đi đến nỗi chúng tôi phải bắt đầu xây thành ngay, không thì những bức tường đất sét sẽ đổ ập lên đầu chúng tôi. Tuần lại tuần cứ thế trôi qua, với công việc đào và xây. Đó là một cái giếng lớn, và là một công trình đẹp đẽ; ông mục sư rất hài lòng về nó. Grindhusen và tôi bắt đầu hòa hợp với nhau hơn; và khi anh nhận ra tôi không đòi hỏi gì hơn là một khoản tiền công công bằng, dù phần lớn công việc được thực hiện dưới sự hướng dẫn của tôi, anh mong muốn làm một điều gì đó để đền đáp cho tôi, và lưu tâm hơn tới cách xử sự ở bàn ăn của mình. Tôi hoàn toàn không thể ước ao có được một khoảng thời gian hạnh phúc hơn; và chẳng có thứ gì trên đời có thể thuyết phục tôi quay lại cuộc sống thị trấn thêm lần nữa! Vào những chiều tối, tôi đi lang thang trong rừng, hay trong khu nghĩa trang, đọc những câu khắc trên các mộ bia, suy nghĩ tới chuyện này chuyện khác. Tôi cũng tìm kiếm một cái móng tay từ một cái xác nào đó. Tôi muốn có một cái móng tay; đó là một ham thích của tôi, một ý thích bất chợt nhỏ nhoi. Tôi đã tìm được một mẩu rễ bạch dương xinh xắn mà tôi muốn chạm thành một cái tẩu với hình dáng một nắm tay nắm chặt; ngón cái sẽ là cái nắp, và tôi muốn có một cái móng tay để dán vào, làm cho nó đặc biệt giống như thật. Ngón đeo nhẫn sẽ có một chiếc nhẫn nhỏ xíu vòng quanh. Việc suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như thế khiến tâm trí tôi bình thản và thoải mái. Giờ đây tôi không còn vội vã với bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Tôi có thể mộng mơ tùy thích, không có gì khác để làm; những chiều tối là của riêng tôi. Nếu có thể, tôi cũng sẽ tới xem và bày tỏ một cảm giác tôn kính nào đó đối với sự thiêng liêng của nhà thờ và sự kinh khủng của cái chết; tôi vẫn còn một ký ức về sự thần bí từ những ngày mà giờ đây đã tụt lại sau lưng rất xa, và ước gì tôi có thể có chút phần chia sẻ nào trong đó thêm lần nữa. Có lẽ khi tôi tìm được cái móng tay đó, từ những ngôi mộ sẽ phát ra một giọng nói: “Đó là của tôi!” và tôi sẽ buông rơi cái móng tay trong niềm khiếp hãi, rồi co giò bỏ chạy. “Tôi ước gì cái chong chóng trên kia đừng có kêu cọt kẹt như thế,” thỉnh thoảng Gridnhusen lại nói. “Anh sợ à?” “Ồ, không hẳn là sợ; không. Nhưng đôi khi nó mang tới cho anh một cảm giác ghê ghê khi nghĩ tới tất cả những cái xác đang nằm đó rất gần.” Con người hạnh phúc! Một hôm Harald chỉ tôi cách trồng quả thông và những bụi cây nhỏ. Trước kia tôi không biết tới loại công việc này; hồi còn đi học chúng tôi không học thứ này. Nhưng giờ khi đã thấy cách làm, tôi bận bịu trồng cây vào những ngày Chủ nhật; và để đáp lại, tôi dạy cho Harald một hai thứ nho nhỏ mới mẻ đối với lứa tuổi của cậu ta, và chúng tôi trở thành bạn bè.

VIII

Mọi thứ hẳn sẽ tốt đẹp nếu không vì Frøkenen, cô con gái trong nhà. Càng ngày tôi càng ưa thích nàng hơn. Tên của nàng là Elischeba, Elisabeth. Có lẽ không đẹp sắc sảo; nhưng nàng có đôi môi đỏ thắm, và một ánh mắt thiếu nữ biếc xanh buộc người ta phải nhìn thấy vẻ đẹp của nàng. Elischeba, Elisabeth – con của bình minh đầu tiên của cuộc đời, với đôi mắt nhìn xuống cõi trần. Một chiều nọ nàng nói chuyện với chàng trai Erik đến từ Gaard (khu vườn) lân cận, và đôi mắt nàng tràn ngập sự ngọt ngào và một thứ gì đó chín muồi. Với Grindhusen thì mọi việc đều tốt đẹp. Anh đã săn lùng các cô gái hồi còn trẻ, và vẫn còn lượn lờ với cái mũ kéo lệch sang một bên, do thói quen. Nhưng giờ đây anh khá lặng lẽ và thuần tính, có thể nói thế – đó là cung cách của tự nhiên. Nhưng có một số người không theo cung cách tự nhiên và trở nên thuần tính; và rốt cuộc làm sao nó thích hợp với họ? Rồi còn có Elisabeth bé bỏng; và nàng không hề bé nhỏ chút nào, mà cao như mẹ nàng. Và nàng giống mẹ nàng như đúc. Từ hôm Chủ nhật đầu tiên đó, họ không còn mời tôi vào bếp uống cà phê, và tôi tự lo cho mình nếu họ không quan tâm, nhưng tránh xa họ. Tôi vẫn còn xấu hổ khi nhớ lại. Nhưng rồi, cuối cùng, vào giữa tuần, một trong các cô hầu tới với một tin nhắn rằng tôi đừng bỏ vào rừng mỗi chiều Chủ nhật nữa, mà hãy tới uống cà phê với những người còn lại. Chính Fruen đã nói thế. Tốt! Bây giờ tôi có nên mặc bộ đồ đẹp nhất hay không? Không có hại gì, có lẽ, trong việc để cho nàng thiếu nữ đó nhận ra rằng tôi là một kẻ đã chọn cách quay lưng khỏi cuộc sống thành đô, khoác lớp áo ngụy trang của một người giúp việc, vì tôi là một người trong số họ, có thể đưa nước vào một ngôi nhà. Nhưng khi đã mặc đồ xong, tôi cảm thấy bộ quần áo lao động của tôi giờ thích hợp với tôi hơn; tôi lại cởi bộ đồ đẹp nhất ra, và cẩn thận giấu chúng trong giỏ xách. Nhưng, như chuyện đã xảy ra, Frøkenen không phải là người tiếp đón tôi vào chiều Chủ nhật đó, mà là Fruen. Bà trò chuyện với tôi một lúc, và đã trải một mảnh vải trắng bên dưới cốc của tôi. “Cái kiểu ăn trứng của anh có khả năng khiến chúng tôi phải tiêu tốn thêm trước khi chúng tôi ăn xong,” Fruen nói với tiếng cười nhân hậu. “Thằng bé đã ăn hết nửa chục trứng rồi.” Tôi đã dạy Harald cách tuồn một quả trứng đã luộc chín còn vỏ qua cổ một cái bình thon cổ, bằng cách rút bớt không khí bên trong. Đó là thí nghiệm vật lý duy nhất mà tôi biết. “Nhưng cái cách bẻ gãy chiếc que trong hai thòng lọng giấy thì thật sự thú vị,” Fruen nói tiếp. “Bản thân tôi không hiểu loại đó… Nhưng khi nào thì cái giếng hoàn thành?” “Cái giếng đã xong. Mai chúng tôi bắt đầu đào mương.” “Việc đó mất bao lâu?” “Khoảng một tuần. Rồi người thợ có thể tới và đặt các đường ống.” “Không! Thật thế sao?” Tôi nói lời cám ơn rồi bước ra. Fruen có một cách thức mà bà đã duy trì từ nhiều năm trước, không còn ngờ gì nữa; thi thoảng bà lại liếc mắt sang một phía, dù không có chút ranh mãnh nào trong những gì bà nói… Lúc này cánh rừng phô bày một lớp lá vàng ở nơi này nơi khác, mặt đất và không khí bắt đầu tỏa mùi của mùa thu. Hiện chỉ có những cây nấm đang phát triển tối đa, lú lên ở khắp nơi, và nảy nở dày đặc xum xuê trên những nhánh gỗ – nấm sữa, và loại nấm thường, và nấm nâu. Đó đây, một cây nấm độc vươn cao cái mũ nấm lốm đốm, khoe màu đỏ rực một cách không xấu hổ. Một sự vật kỳ diệu! Ở đây nó mọc trên cùng một chỗ với các loại nấm không độc, được bồi bổ bởi cùng loại đất, ánh mặt trời và mưa xuống từ trời như chúng; nó bổ dưỡng và đậm đà, ăn ngon, chỉ trừ việc nó đầy chất muscarin độc hại. Có lần tôi đã nghĩ tới việc bịa ra một câu chuyện cổ hay ho về loài nấm độc, và bảo rằng tôi đã đọc được trong một cuốn sách. Với tôi, luôn là một lạc thú khi ngắm nhìn những loài hoa và côn trùng trong cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng. Khi mặt trời nóng lên chúng sẽ quay lại với sự sống, và tận hưởng trong khoảng một giờ niềm hân hoan cũ; những con ruồi to, mạnh mẽ cũng linh hoạt không kém gì lúc giữa mùa hạ. Ở đây có một loại rệp đất mà tôi chưa từng thấy trước đó – những con vật nhỏ bé màu vàng, không to hơn một dấu phẩy cỡ nhỏ, thế nhưng chúng có thể nhảy một khoảng cách gấp nhiều ngàn lần chiều dài của chúng. Hãy nghĩ tới sức mạnh của một cơ thể trong tỷ lệ kích thước của nó! Có một loài nhện tí hon với bộ phận cản trở giống như một chiếc giáo màu vàng nhạt. Và chiếc giáo nặng tới mức con vật phải trèo ngược đầu lên một cọng cỏ. Và khi gặp một vật chướng ngại mà chiếc giáo không thể vượt qua, nó chỉ đơn giản buông mình thẳng xuống và bắt đầu một cuộc leo trèo khác. Một con nhện-giáo như thế không chỉ là một con nhện mà thôi đâu. Nếu tôi chìa một chiếc lá về phía nó để giúp nó đặt chân lên một cái nền, nó dọ dẫm một lúc trên chiếc lá, và tự nhủ: “Hừm, có gì đó không ổn ở việc này!” và lui trở lại, từ chối bị mắc bẫy trên một cái nền với bất cứ giá nào… Từ mé dưới khu rừng có ai đó gọi tên tôi. Đó là Harald; cậu ta đã bắt đầu một buổi dạy học ngày Chủ nhật với tôi. Cậu ta cho tôi học một bài học trích từ Pontoppidan[6], và lúc này cậu ta đang nghe tôi đọc. Thật xúc động khi giờ đây được dạy về tôn giáo khi lẽ ra tôi phải tự học hồi còn bé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: