Dưới ánh sao thu – Under the autumn star (I-II)

Knut Hamsun

I

Hôm qua mặt nước phẳng lặng như gương, và hôm nay cũng vậy. Đợt khí hậu nóng mùa thu trên đảo mới dịu và ấm làm sao! Nhưng không có ánh mặt trời. Đã nhiều năm nay tôi mới biết một sự an bình như vậy. Hai mươi hoặc ba mươi năm, có lẽ; hay có lẽ đó là một cuộc đời khác. Nhưng đôi khi tôi cảm nhận được nó, chắc vậy rồi, vì lúc này tôi đang đi rong khắp chốn, ngâm nga nho nhỏ một giai điệu nhạc; lang thang trong niềm hoan lạc, yêu từng sợi rơm, hòn đá, và thấy như thể chúng cũng quan tâm đáp trả lại tôi. Trong lúc đi trên lối mòn hoang ngập cỏ, băng qua cánh rừng, tim tôi run rẩy vì một niềm vui thoát tục. Tôi hồi nhớ lại một địa điểm ở vùng bờ phía đông biển Caspian, nơi có lần tôi đã đứng. Mọi thứ ở đây đều giống hệt vậy, với mặt nước tĩnh lặng, trầm trọng và xám màu thép như lúc này. Tôi bước qua cánh rừng, xúc động tận tâm can, và rưng rưng nước mắt chỉ vì niềm vui tuyệt đối, và luôn tự nhủ với mình: Thượng đế ở trên cao. Xin có mặt ở đây lần nữa… Như thể tôi đã có mặt ở đó trước kia. Cũng có lẽ tôi từng có mặt ở đó, đến từ một thời gian và vùng đất khác, nơi rừng cây và những con đường mòn cũng y hệt thế này. Có lẽ tôi lúc đó tôi là một cụm hoa, ở giữa khu rừng, hay có lẽ là một con bọ cánh cứng, ngụ cư trong một cây keo nào đó. Và giờ đây tôi đã tới chốn này. Có lẽ tôi từng là một con chim và đã bay suốt chặng đường xa ấy. Hoặc là phần thịt của một thứ quả cây được một thương nhân Ba Tư gửi tới. Nhìn xem, giờ tôi đã cách xa sự hối hả chen chúc của đô thành, cách xa mọi người và những tờ nhật báo; tôi đã chuồn khỏi những thứ đó, vì tiếng gọi đã cất lên với tôi lần nữa từ những con đường cô quạnh, im lìm, nơi tôi thuộc về. “Lần này mọi thứ sẽ đi đúng chỗ,” tôi tự nhủ, và lòng ngập tràn hy vọng. Chao ôi, trước kia tôi đã từng bỏ trốn khỏi thành phố như lần này, rồi sau đó lại quay về. Và lại bỏ trốn lần nữa. Nhưng lần này tôi đã quyết. Tôi sẽ tìm được an bình, với bất cứ giá nào. Và hiện tại tôi đã có một căn phòng trong một ngôi nhà thôn dã tại đây, với cụ Gunhild chăm sóc cho tôi. Đó đây, giữa những hàng thông là những cây thanh lương trà, với những chùm quả chín mọng màu san hô; lúc này những chùm quả đang rơi, chạm mạnh vào mặt đất. Chúng tự gặt hái bản thân và gieo hạt thêm lần nữa, một sự thừa thãi phi thường bị lãng phí hàng năm. Tôi có thể đếm được tới hơn ba trăm chùm quả trên một cây duy nhất. Và rải rác đó đây là những cây hoa vẫn còn đang nở rộ, những sự vật ngoan cố, sẽ không chịu chết, dù thời của chúng đã thật sự trôi qua. Nhưng cả thời của cụ Gunhild cũng đã qua rồi – và bạn có nghĩ rằng bà sẽ chết? Bà tới lui khắp chốn như thể cái chết là một thứ không hề khiến cho bà phải quan tâm. Khi những ngư dân đặt chân lên bãi biển, để sơn lại thuyền hay mạng lại lưới, cụ Gunhild tới đó với đôi mắt đờ đẫn, nhưng với một trí óc sắc sảo không kém một ai để trả giá. “Hôm nay giá cá thu thế nào?” bà hỏi. “Cũng như hôm qua.” “Vậy theo tôi các người cứ giữ lấy nó.” Và cụ Gunhild trở về nhà. Nhưng đám ngư dân biết rằng cụ Gunhild không phải là một trong số những kẻ chỉ vờ vịt bỏ đi; bà từng bỏ về như thế trước kia, quay lên ngôi nhà của mình, không một lần ngoảnh lại. Vì thế, họ gọi bà, “Nè,” và nói rằng hôm nay họ sẽ bán với giá bảy đồng nửa chục, xem bà là một khách hàng kỳ cựu. Và cụ Gunhild mua cá. Những áo quần giặt xong đang phơi trên dây; váy lót đỏ và sơmi xanh dương, và những quần áo lót dày cộm đến phi lý, mọi thứ được kéo sợi và dệt trên đảo bởi những bà cụ già vẫn còn sống sót. Nhưng cũng có những loại quần áo giặt xong khác: những chiếc áo sơmi loại tốt không tay áo, chính cái điều khiến một cơ thể xanh tái đi vì lạnh, và những chiếc áo lót bằng len màu hoa cà có độ dày của một sợi dây đàn. Và những thứ đáng tởm này có mặt ở đó bằng cách nào? Sao nữa, đó là mấy cô con gái, chắc vậy rồi, những nàng thiếu nữ thời hiện đại, đang giúp việc trong thị trấn, và kiếm được những thứ quần áo lòe loẹt này theo cách đó. Phải giặt chúng thật cẩn thận, không thường xuyên quá, và chúng chỉ tồn tại được một tháng. Và sẽ là một cảm giác trần trụi đáng yêu khi những cái lỗ bắt đầu giãn rộng. Nhưng không có kiểu phi lý đó, chẳng hạn, ở đôi giày của cụ Gunhild. Vào những quãng thời gian rỗi rãnh thích hợp, bà tới gặp một trong số các ngư dân, giống bà về tuổi tác và đầu óc, và phần phía trên và đế giày được kỹ lưỡng khâu lại, thêm một lớp mỡ bôi da thuộc hữu hiệu khiến cho nước trở nên bất lực. Tôi từng thấy thứ mỡ đó được đun sôi trên bãi biển; trong đó có mỡ động vật, cũng có cả hắc ín và nhựa thông. Hôm qua, khi đang lười nhát lang thang dọc bãi biển, nhìn những mảnh gỗ trôi dạt, những đống vảy cá và những hòn đá, tôi bắt gặp một mẩu nhỏ của một chiếc đĩa thủy tinh. Tôi không tài nào đoán được nó tới đó bằng cách nào; nhưng vật này dường như là một điều lầm lạc, một sự dối lừa, khi nhìn vào nó. Lẽ nào một ngư dân bất kỳ nào đó đã chèo thuyền tới đây cùng với nó, bỏ nó lại đó và chèo đi? Tôi bỏ mặc nó tại nơi nó nằm, nó dày, bình thường và thô thiển; có lẽ là một mảnh của một cửa sổ xe điện. Thời xưa thủy tinh còn hiếm và có màu lục sẫm. Thượng đế phù hộ cho những ngày xưa cũ, khi một vật gì đó có thể hiếm hoi! Lúc này khói tỏa lên từ những túp lều ngư phủ ở đầu phía nam của đảo. Chiều xuống, và người ta nấu cháo đặc cho buổi tối. Khi xong bữa tối, những người dân tử tế lên giường ngủ, để mai lại thức giấc cùng ánh bình minh. Chỉ có bọn trẻ tuổi và ngốc nghếch là vẫn thơ thẩn từ nhà này sang nhà khác, trì hoãn giờ ngủ nghỉ của chúng, không hề biết đâu là điều tốt nhất cho bản thân chúng.

II

Sáng nay có một người đàn ông đặt chân lên đảo – tới để sơn ngôi nhà. Nhưng cụ Gunhild, thật đã quá già, và phần lớn thời gian đang chết dần mòn vì bệnh gout, bảo anh ta chẻ củi để nấu nướng trong vài hôm trước khi khởi sự. Nhiều lần tôi đã đề nghị được tự tay chẻ số củi đó, nhưng bà nghĩ quần áo của tôi quá tốt, và không cho tôi sờ tới cái rìu vì bất cứ lý do gì. Tay thợ sơn này là một anh chàng thấp bé, dày cơm, với mái tóc đỏ hoe và mày râu nhẵn nhụi. Tôi quan sát anh ta từ sau một ô cửa sổ trong lúc anh ta làm việc, để xem anh ta xử lý cái rìu như thế nào. Thế rồi, khi nhận thấy anh ta đang nói chuyện với chính mình, tôi lẻn ra khỏi nhà để lắng nghe. Nếu anh ta hạ chệch một nhát rìu, anh ta nhẫn nại chấp nhận nó, và không tự làm khó mình; nhưng bất cứ lúc nào anh ta bị va phải đốt ngón tay, anh ta trở nên cáu kỉnh và thốt lên: “Fan! Fansmagt!”[1] – và rồi đột ngột nhìn quanh và bắt đầu ư ử ngâm nga một giai điệu nhạc để che lấp đi những lời nói của mình. Vâng, tôi nhận ra người thợ sơn đó. Chỉ có điều, cái gã ma bùn này chả phải là thợ sơn gì hết, mà là Grindhusen, một trong những gã đàn ông mà tôi từng làm việc chung khi đang làm đường ở Skreia. Tôi bước tới cạnh anh ta, hỏi anh ta có nhớ tôi không, và chúng tôi trò chuyện một lúc. Đã rất nhiều năm từ lúc chúng tôi là thợ sửa chữa đường, Grindhusen và tôi; khi ấy chúng tôi còn là những thanh niên, nhảy múa dọc theo những con đường với những đôi giày thê thảm nhất, và ăn những gì chúng tôi có thể tìm ra miễn là có đủ tiền để trả. Nhưng khi chúng tôi có thừa tiền, sẽ là dịp để khiêu vũ với các cô nàng suốt đêm Thứ bảy, và một đám đông bọn công nhân chúng tôi tới nhập bọn, và cụ già trong nhà bán cà phê cho chúng tôi cho tới lúc hẳn bà đã kiếm được chút tiền còm. Sau đó chúng tôi làm việc cật lực suốt tuần kế tiếp, mong đợi ngày Thứ bảy lại đến. Nhưng Gridhusen, anh ta là một con sói đầu đỏ săn đuổi những nàng con gái. Anh ta có nhớ những ngày xưa ở Skreia chăng? Anh ta nhìn tôi, cẩn thận kiểm tra tôi với vẻ dè dặt, phải mất một hồi tôi mới có thể làm cho anh ta nhớ lại. Vâng, anh ta nhớ khá rõ Skreia. “Còn Anders Fila và ‘Spiralen’ và Petra?” “Người nào?” “Petra – cô gái của anh.” “Phải, tôi nhớ cô ta. Rốt cuộc tôi đã bị cột chặt vào cô ta.” Grindhusen lại xoay sang chẻ củi. “Anh đã bị cột chặt vào cô ta sao?” “Phải, đó là kết thúc của câu chuyện. Phải thế thôi, tôi cho là vậy. Giờ tôi sẽ nói gì nhỉ? Anh đã trở nên khấm khá, qua vẻ ngoài của các thứ.” “Sao chứ? Có phải anh đang nghĩ về bộ quần áo? Chính anh cũng đang mặc bộ quần áo ngày Chủ nhật mà, đúng không?” “Anh đã đổi gì để lấy mấy thứ đang mặc?” “Tôi không nhớ nổi, nhưng chả có gì nhiều. Không thể nói chính xác đó là gì.” Grindhusen nhìn tôi ngạc nhiên và bật cười to. “Gì chứ? Không thể nhớ anh đã trả thứ gì cho họ sao?” Rồi anh ta trở nên nghiêm túc, lắc đầu và bảo: “Không, tôi dám nói là anh không nhớ. Không. Đó là cung cách của anh khi anh có đủ hay thừa tiền.” Cụ Gunhild bước ra khỏi nhà, trông thấy chúng tôi đứng đó cạnh đống củi, đang lãng phí thời gian với cuộc trò chuyện dông dài, bà bảo với Grindhusen tốt hơn anh ta nên bắt đầu sơn. “Vậy ra giờ anh đổi sang nghề thợ sơn à?” Grindhusen không đáp, và tôi thấy rằng tôi đã nói một điều không nên nói trước mặt những người khác.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: