Anna Karenina (Quyển 8 – Chương 16-18)
Anna Karenina
Leo Tolstoy
Chương 16
Vốn sành môn biện chứng, Xergei Ivanovich không đối đáp lại mà đặt vấn đề tranh luận sang một lĩnh vực khác.
– Nếu chú muốn dùng số học để đo tinh thần nhân dân thì tất nhiên rất khó đấy. Ngay cả phổ thông đầu phiếu, vốn không thể áp dụng ở nước ta, cũng không nói lên được ý chí nhân dân; nhưng vẫn có những phương pháp đánh giá khác. Người ta cảm thấy cái đó trong không khí, bằng trái tim. Tôi chưa cần nói đến những đợt sóng ngầm làm chuyển động lớp nước tù váng trong biển cả nhân dân và sờ sờ trước mắt con người thiển cận nhất. Chú thử nhìn vào cái “xã hội” theo nghĩa hẹp nhất mà xem. Những bè phái khác nhau nhất của giới trí thức đã hoà hợp với nhau. Tất cả sự bất đồng ý kiến đều biến mất, mọi báo chí đều nói giống nhau, mọi người đều ý thức được cái lực lượng cơ bản chi phối và lôi cuốn họ cùng đi về một hướng.
– Cái ấy thì đúng đấy, tất cả báo chí đều nói giống nhau, – lão quận công nói. – Quả đúng thế thật. Giống hệt như cóc nhái trước cơn dông ấy. Chúng khiến người ta không còn nghe thấy gì được nữa.
– Cóc nhái hay không thì tôi cũng không phải là chủ nhiệm báo và cũng không có ý định bào chữa cho họ. Tôi muốn nói đến sự thống nhất ý kiến trong giới trí thức, – Xergei Ivanovich quay lại nói với em trai. Levin định đáp lại nhưng lão quận công đã cướp lời.
– Về sự thống nhất đó thì còn nhiều cái phải bàn lắm, – lão quận công nói. – Ông biết con rể tôi là Stepan Ackađich đấy. Anh ta vừa mới nhận chức uỷ viên của một cái uỷ ban gì đó tôi không biết. Thực sự, anh ta không phải làm gì cả (Đôly ạ, cái đó chẳng phải là điều bí mật gì đâu)mà vẫn được lĩnh tám nghìn rúp tiền lương. Ông cứ thử xem, ông cứ đi hỏi xem hoạt động của anh ta có lợi ích gì không, anh ta sẽ chứng minh cho ông thấy hoạt động đó vô cùng ích lợi. Mà anh ta vốn là người lương thiện, nhưng làm sao mà lại không tin ở sự ích lợi của tám nghìn rúp kia chứ?
– Phải, anh ấy có nhờ tôi nhắn Đarya Alecxandrovna là đã nhận chức vụ đó rồi, – Xergei Ivanovich nói, giọng bất bình, ông thấy câu lí sự lan man của lão quận công thật lạc đề.
– Sự nhất trí của báo chí cũng vậy thôi. Tôi đã được giải thích về điều đó: mỗi khi có chiến tranh, lợi nhuận của họ đều tăng gấp đôi. Làm sao lại không đề cao vận mệnh nhân dân, tình huynh đệ Xlav và… trăm thứ bà rằn khác nữa?
– Có rất nhiều tờ báo tôi không ưa, nhưng nói vậy là bất công, Xergei Ivanovich nói.
– Chỉ cần đưa ra một điều kiện duy nhất thôi, – lão quận công tiếp tục nói. Hồi chiến tranh với Phổ, Anfôngxơ Kar đã nói rất chí lí: “Các ngài cho chiến tranh là không thể tránh được à? Tốt lắm. Vậy tất cả những ai ủng hộ chiến tranh hãy họp lại thành một binh đoàn đặc biệt ở tiền duyên và hãy dẫn đầu xung phong lên xem”.
– Thế thì các nhà báo sẽ đẹp mặt nhỉ! – Katavaxov nói và phá lên cười ầm ĩ. Ông hình dung một vài biên tập viên ông quen biết, trong cái binh đoàn ưu tú đó.
– Thế thì họ sẽ tháo chạy và làm vướng chân người khác, – Đôly nói.
– Nếu tháo chạy thì đằng sau đã có sẵn súng liên thanh hoặc lính cô dắc cầm roi để dẫn họ trở về vị trí, – lão quận công nói.
– Xin lỗi quận công, câu nói đùa đó thật không hay ho gì, – Xergei Ivanovich nói.
– Đó không phải là nói đùa… – Levin định nói, nhưng ông anh đã ngắt lời.
– Mỗi thành viên của xã hội đều có bổn phận riêng phải làm tròn, – ông nói. – Những người làm việc trí óc hoàn thành nhiệm vụ bằng cách biểu đạt dư luận quần chúng. Sự phản ánh toàn vẹn và nhất trí dư luận quần chúng là hiện tượng đáng mừng và phải thừa nhận đó là công lao của giới báo chí. Giá trước đây hai mươi năm, hẳn chúng ta phải im lặng đấy, còn bây giờ thì khác, người ta nghe thấy tiếng nói nhân dân Nga sẵn sàng vùng lên muôn người như một và sẵn sàng hi sinh cho những người anh em bị áp bức; đó là một bước tiến lớn và một sự biểu dương lực lượng.
– Xin lỗi, nhưng đây không phải chỉ là vấn đề hi sinh, là là việc giết những người Thổ, Levin rụt rè nói. Nhân dân tự quên mình và vui lòng hi sinh cho những người anh em bị áp bức; đó là một bước tiến lớn và một sự biểu dương lực lượng.
– Xin lỗi, nhưng đây không phải chỉ là vấn đề hi sinh, mà là việc giết những người Thổ, – Levin rụt rè nói. Nhân dân tự quên mình và vui lòng hi sinh mọi thứ khi linh hồn mình bị đe doạ nhưng không phải nhằm mục đích sát nhân, – chàng nói thêm, bất giác gắn cuộc nói chuyện với những tư tưởng đang làm chàng bận tâm.
– Cho linh hồn à? Anh cũng biết đó thực là một danh từ khó hiểu đối với một nhà khoa học tự nhiên. Linh hồn là cái gì kia chứ? – Katavaxov mỉm cười nói.
– Cứ làm như anh không biết ấy!
– Xin thề là tôi không hề có ý niệm gì về cái đó! – Katavaxov nói và cười vang.
– “Ta đến đây không phải để đem lại hoà bình, mà là mang gươm tới!”, Chúa Jesu nói vậy, – đến lượt Xergei Ivanovich đối đáp, dẫn đúng đoạn kinh Phúc âm xưa nay thường làm Levin bối rối hơn mọi đoạn khác, mà lại coi như dẫn ra câu dễ hiểu nhất đời.
– Đúng thế, – ông lão gác vườn ong đứng bên cạnh nhắc lại, để trả lời một cái nhìn tình cờ hướng vào lão.
– Thế là anh thua rồi, bố trẻ ạ, đại bại rồi nhé, – Katavaxov vui vẻ kêu lên.
Levin đỏ mặt tức tối, không phải vì thua mà vì đã để bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận.
“Mình tranh cãi với họ làm gì cho mất thì giờ, chàng thầm nghĩ: họ có bộ áo giáp không sao đâm thủng được, còn mình thì lại ở trần”.
Chàng thấy không tài nào thuyết phục nổi ông anh và Katavaxov, chàng không thể nào cùng chung quan điểm với họ được. Điều họ chủ trương lại chính là sự kiêu ngạo trí tuệ đã suýt làm hỏng chàng. Chàng không thừa nhận một dúm người, trong số đó có ông anh chàng, chỉ dựa vào những lời của vài trăm tình nguyện quân ba hoa đã tới thủ đô, xưng xưng tự cho mình có quyền cùng với báo chí nhận là đại biểu cho ý chí và tư tưởng của nhân dân, mà họ khẳng định là phải biểu lộ bằng sự phục thù và sát nhân. Chàng không thể thừa nhận điều đó, vì chưa bao giờ chàng thấy những tư tưởng đó bộc lộ trong nhân dân là lớp người chàng đang chung sống, cũng như trong bản thân chàng (mà chàng thì không thể không tự coi mình là bộ phận khăng khít của nhân dân Nga) và nhất là vì, chẳng khác gì nhân dân, chàng không hiểu và không thể hiểu lợi ích công cộng là cái gì; trái lại, chàng đinh ninh rằng người ta chỉ có thể đạt tới lợi ích công cộng đó bằng cách nghiêm chỉnh tuân theo quy luật điều thiện đã bày ra trước mắt mọi người; cho nên chàng không có tâm địa nào mong muốn hoặc tuyên truyền chiến tranh dù mục đích của nó có tính chất đại diện đến đâu chăng nữa. Chàng hoà chung tiếng nói với ông lão Mikhailich và nhân dân, biểu đạt tư tưởng mình trong câu chuyện truyền thuyết về việc những bộ lạc Xlav kêu gọi người Varegơ(1): “Các người hãy là quốc vương của chúng tôi và cai trị chúng tôi. Chúng tôi vui sướng hứa sẽ hoàn toàn tuân theo các người. Mọi công việc, mọi nhục nhằn, mọi hi sinh, chúng tôi xin gánh hết: nhưng chúng tôi sẽ không phải là người phán xét và quyết định”. Và bây giờ, theo Xergei Ivanovich, nhân dân lại chịu từ bỏ một quyền lợi đã đánh đổi bằng cái giá đắt như vậy hay sao?
Chàng còn muốn nói thêm rằng nếu dư luận quần chúng là vị quan toà không thể sai lầm thì Cách mạng và Công xã cũng sẽ hợp pháp như phong trào ủng hộ người Xlav. Nhưng đó chỉ là loại ý kiến không giải quyết được gì cả. Điểm duy nhất chàng biết chắc chắn là lúc này cuộc tranh luận đang làm Xergei Ivanovich bực tức: vậy tốt hơn hết là không tranh luận nữa. Cho nên Levin thấy im đi là hơn: chàng nhắc các vị khách đề phòng đám mây đang kéo lại và khuyên họ nên trở về trước cơn mưa.
Chương 17
Lão quận công và Xergei Ivanovich trèo lên xe về trước; những người khác rảo bước đi bộ trở về.
Những đám mây từ màu đen biến sang trắng bay tới rất mau nên họ càng phải rảo bước để về kịp nhà trước cơn dông. Những đám mây thấp và đen kịt như bồ hóng bay vun vút trên bầu trời. Nhà chỉ còn cách độ hai trăm bước, nhưng gió đã nổi lên và cơn mưa rào có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
Lũ trẻ chạy trước và reo vang vừa thích vừa sợ. Đarya Alecxandrovna, vất vả đánh vật với chiếc váy cứ quấn chặt vào chân, bà không đi mà cứ chạy, mắt không rời lũ trẻ. Tốp đàn ông bước từng bước dài, vừa đi vừa giữ mũ. Họ về tới thềm nhà thì một giọt nước mưa to tướng rơi bộp xuống rìa ống máng. Lũ trẻ, theo sau là người lớn, chuyện trò ríu rít chạy ùa vào chỗ trú mưa.
– Ecaterina Alecxandrovna đâu rồi! – Levin đứng trong tiền sảnh hỏi Agafia Mikhailovna đang bê một chồng khăn chùm và vải choàng đến cho họ.
– Bọn tôi tưởng mợ cùng đi với cậu, – bà ta nói.
– Thế còn Mitia đâu?
– Chắc ở trong rừng Kôlốc. Chị vú cùng đi với mợ và em.
Levin cầm lấy một tấm vải choàng và chạy về phía khu rừng. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, mặt trời đã khuất sau đám mây và bầu trời tối sầm lại như có nhật thực. Gió thổi lồng lộn như muốn giành phần thắng cuối cùng, một mực cản bước Levin, bứt lá, hoa bồ đề và vặt trụi những cành bạch dương trắng bạc nom đến lạ mắt: dạ hợp, hoa, bụi rậm, cỏ và ngọn cây cao, tất cả đều uốn rạp về một phía. Những cô gái đang làm ngoài vườn kêu the thé chạy vào trú dưới mái nhà phụ. Màn mưa rào trắng xoá đã che phủ khu rừng rậm đằng xa cùng nửa cánh đồng và tiến rất nhanh lại khóm rừng nhỏ Kôlốc. Cơn mưa nhỏ hạt làm bầu không khí đượm ẩm ướt.
Đầu chúi về đằng trước và vật lộn với cơn dông tố đang muốn dứt tấm vải choàng khỏi người, Levin tới ven rừng và vừa thoáng thấy một chấm trắng sau một cây sồi thì bất thần một luồng sáng chói loà cháy bùng khắp mặt đất; đồng thời, chàng có cảm gác vòm trời đổ sụp trên đầu. Loá mắt vì ánh chớp, lát sau chàng mới mở mắt ra được và kinh hãi thấy, qua màn mưa dày đặc ngăn cách chàng với khu rừng, ngọn cây sồi xanh tươi thân thuộc đã thay đổi thế một cách kì lạ. “Chắc sét đánh trúng rồi!”, Levin tự nhủ; cùng lúc đó ngọn cây biến mất giữa vòm lá và rơi ầm xuống đất.
Ánh chớp, tiếng sét và cái giá rét xâm chiếm cơ thể hoà lại thành một cảm giác hãi hùng duy nhất đối với Levin.
– Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa đừng để nó đổ xuống hai mẹ con! – chàng thì thầm.
Và, mặc dù lập tức thấy lời cầu nguyện thật vô lí vì cây đã đổ rồi, chàng vẫn nhắc lại, cảm thấy mình không thể làm cách nào hơn.
Chàng chạy tới chỗ Kitty thường hay đến nhưng không thấy nàng. Nàng đang ở đầu khu rừng đằng kia, trú dưới một gốc cây bồ đề già và đang gọi chàng. Hai bóng người, mặc quần áo sẫm (trước khi đi, họ đều mặc áo dài màu tươi) đang cúi xuống với dáng điệu che chở. Đó là Kitty và chị vú nuôi. Khi Levin tới chỗ họ thì trời tạnh mưa và mặt trời lại lấp lánh. Gấu váy chị vú hãy còn khô nhưng áo Kitty thì ướt sạch, dán chặt vào người. Mặc dầu đã tạnh mưa, họ vẫn đứng nguyên trong tư thế khi cơn dông nổi lên: cả hai đều cúi xuống cái xe nôi nhỏ có che dù xanh.
– Còn sống cả chứ? Nguyên lành chứ? Đội ơn Chúa! – Levin nói, lội bì bõm trong dòng nước đang tiếp tục chảy nốt. Đôi giày cao cổ của chàng sũng nước.
Khuôn mặt đỏ bừng và ướt đầm đìa của Kitty quay lại phía chàng và rụt rè mỉm cười dưới chiếc mũ dúm dó.
– Em thật không biết xấu hổ! Làm sao mà lại dại dột đến thế được! – chàng giận dữ nói.
– Em thề với mình rằng không phải lỗi tại em. Đúng lúc em định đi về thì chú ta lại bĩnh ra. Thế là phải thay tã, và chúng em vừa định…- Kitty bắt đầu thanh minh.
Mitia đang ngủ: nó không bị giọt mưa nào rơi vào người.
– Đội ơn Chúa! Anh cũng chẳng hiểu mình nói gì nữa! Họ cuốn tã lót thành một gói: chị vú nuôi ẵm đứa trẻ về.
Levin bước đi cạnh vợ: ngượng vì trót phát cáu, chàng len lén nắm tay vợ không để chị vú nuôi trông thấy.
Chương 18
Cả ngày hôm đó, trong các cuộc trò chuyện về mọi vấn đề khác nhau mà có thể nói, chàng chỉ tham gia bằng bề mặt của trí tuệ, Levin luôn luôn có một cảm giác viên mãn về tâm hồn khiến chàng vui sướng, mặc dầu chàng đang thất vọng vì cuộc sống bên trong chưa đổi mới.
Sau trận mưa, trời ướt át quá không đi dạo chơi được: hơn nữa, những đám mây dông chưa biến khỏi chân trời, vẫn lởn vởn đây đó, vừa ầm ì nổi sấm, vừa kéo đen kịt góc trời. Mọi người đều ở nhà suốt thời gian còn lại trong ngày.
Họ không tranh luận nữa: sau bữa trưa, ai nấy đều vui vẻ.
Katavaxov làm vui các bà bằng những chuyện dí dỏm độc đáo bao giờ cũng khiến người nghe mê thích khi gặp ông lần đầu; sau đó, được Xergei Ivanovich khêu gợi, ông kể cho mọi người nghe những nhận xét lí thú về sự khác nhau về tính cách và cả diện mạo giữa ruồi đực và ruồi cái. Xergei Ivanovich cũng rất vui vẻ và trong khi uống trà, theo lời khẩn khoản của em trai, ông trình bày quan điểm riêng đối với triển vọng của vấn đề Đông phương một cách rất thông minh và giản dị khiến ai nấy đều lắng tai chăm chú nghe.
Chỉ có mình Kitty không nghe được đến cuối; họ gọi nàng đi tắm cho Mitia.
Kitty đi được vài phút thì có người đến mời Levin sang buồng trẻ. Chàng đặt ly trà xuống, bực mình vì phải bỏ dở câu chuyện lí thú nhưng đồng thời, đâm lo vì thường chàng chỉ được triệu đến trong trường hợp nghiêm trọng.
Nhưng mặc dầu rất quan tâm đến cái kế hoạch tân kì của Xergei Ivanovich chủ trương rằng, cùng với nước Nga, việc giải phóng bốn mươi triệu người Xlav sẽ mở ra một kỉ nguyên lịch sử mới, coi đó là một cái gì hoàn toàn mới mẻ đối với mình, mặc dầu băn khoăn, lo lắng không hiểu tại sao lại phải gọi chàng, sau khi rời phòng khách và còn có một mình, chàng lại lập tức nhớ tới những tư tưởng hồi sáng. Và tất cả những nhận định kia về tầm quan trọng của yếu tố Xlav trong lịch sử thế giới đem so sánh với cái đang diễn biến trong tâm hồn chàng bỗng trở nên vô nghĩa đến nỗi chàng lập tức quên phắt hết và lại đắm mình trong tâm trạng cũ.
Chàng không cố gắng ôn lại quá trình diễn biến tư tưởng như trước nữa (cái đó không cần thiết). Ngay từ đầu, chàng đi thẳng vào giữa cái tình cảm đang dẫn dắt chàng, gắn liền với tư tưởng, và bắt gặp nó ở đáy tâm hồn, lúc này càng mãnh liệt và xác thực hơn trước. Ngày xưa, mỗi lần chớm thấy tâm hồn có chiều hướng nguôi dịu là chàng lại phải đi ngược lại tất cả quá trình tư tưởng để đạt tới tình cảm đó. Bây giờ thì khác hẳn. Ngược lại với trước kia, chính tình cảm vui sướng và thanh thản lại mạnh hơn: tư tưởng về sau mới đến.
Chàng vừa đi qua sân thượng, vừa nhìn hai ngôi sao mới mọc trên bầu trời sẩm tối và đột nhiên nhớ lại: “Phải, khi nhìnlên trời, mình đã nghĩ cái vòm mình trông thấy không phải là ảo giác; nhưng bên cạnh đó, có một cái gì mình chưa nghĩ cho đến cùng, có một cái gì mình còn tự che giấu, chàng nhủ thầm. Dù sao, đó cũng không thể là một phản bác. Chỉ cần suy nghĩ kĩ là mọi cái sẽ sáng tỏ!”.
Mãi đến khi bước chân vào phòng trẻ, chàng mới sực nhớ ra cái điều chàng vẫn tự giấu mình. Điều đó tóm lại là thế này: nếu bằng chứng chủ yếu về sự tồn tại của Chúa là ở chỗ Người đã phát hiện cho ai nấy đều thấy sự tồn tại của điều thiện thì tại sao phát hiện đó lại chỉ giới hạn trong phạm vi Giáo hội Cơ đốc? Các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo cũng truyền bá và làm điều thiện, vậy tín ngưỡng của họ liên quan thế nào với phát hiện đó?
Chàng thấy hình như mình đã có cách giải đáp cho vấn đề đó; nhưng chàng chưa kịp diễn đạt thì đã bước vào phòng trẻ. Kitty xắn tay áo đứng cạnh bồn tắm, cúi xuống đứa bé đang vầy nước trong bồn. Nghe thấy tiếng chân chồng, nàng quay lại và mỉm cười ra hiệu cho chàng đến cạnh. Một tay nàng đỡ lấy đầu đứa bé bụ bẫm nằm ngửa lềnh bềnh trên mặt nước, hai cẳng chân giạng ra, còn tay kia cầm cái bọt bể lớn kì lên người nó với một động tác đều đặn.
– Anh xem này, anh xem này, – nàng nói, khi chàng tới bên cạnh, – Agafia Mikhailovna nói đúng đấy: nó nhận ra chúng mình rồi.
Sự kiện là như vậy đấy. Mitia nhận ra tất cả những người thân và lần này thì rành rành không nghi ngờ gì được.
Khi Levin đến gần bồn tắm, họ bèn thí nghiệm cho chàng xem và rất thành công. Chị nấu bếp, được gọi đến cốt để thử, cúi xuống đứa bé: nó liền cau mày và lắc đầu không nhận. Nhưng khi Kitty ghé mặt mình sát mặt nó, nó liền mỉm cười, đôi bàn tay xinh xinh níu chặt lấy cái bọt bể và chụm môi phát ra một thứ tiếng rất ngộ ra chiều hài lòng, đến nỗi không những Kitty và chị vú nuôi mà cả Levin cũng thích mê đi.
Đứa bé được nhấc bổng lên bằng một tay, được dội nước, quấn khăn, lau khô và sau đó, khi nó la, được trao cho mẹ.
– Em rất mừng thấy anh bắt đầu yêu con, – Kitty nói khi đã ôm con vào lòng, ngồi yên ổn vào chỗ thường ngày.
– Em rất mừng. Dạo nọ, em đã bắt đầu buồn phiền vì thấy anh bảo không có chút tình cảm nào với nó.
– Không, anh có nói thế đâu nhỉ? Anh chỉ nói là anh thất vọng.
– Thế nào, con làm anh thất vọng à?
– Không phải nó làm anh thất vọng mà là anh chờ đợi nhiều hơn thế. Anh tưởng trong lòng sẽ đột nhiên nở bừng một tình cảm mới mẻ và êm dịu. Nhưng đáng lẽ thế thì anh chỉ cảm thấy thương hại và ghê ghê.
Nàng vừa chăm chú nghe, vừa nhìn chàng qua phía trên đứa bé và đeo lại những chiếc nhẫn tháo ra lúc nãy để tắm cho Mittya.
– Và nhất là, anh thấy sợ hãi và thương hại nhiều hơn vui thích. Hôm nay, sau mẻ sợ lúc nổi dông, anh mới hiểu anh yêu con vô cùng.
Kitty mỉm cười rạng rỡ.
– Lúc đó anh sợ lắm phải không? – nàng nói.
– Em cũng thế, nhưng bây giờ việc qua rồi, em lại càng sợ hơn. Em sẽ đi coi lại cấy sồi. Và anh đối với anh Xergei Ivanovich niềm nở biết mấy, những lúc anh muốn thế… Anh ra tiếp họ đi. Tắm cho con xong, ở đây ngột ngạt lắm…
Vừa ra khỏi phòng, Levin liền nhớ lại cái ý nghĩ chàng chưa kịp đào sâu triệt để.
Đáng lẽ sang phòng khách đang văng vẳng tiếng trò chuyện, chàng lại dừng lại ngoài sân thượng và tựa khuỷu tay vào lan can, ngắm nhìn trời.
Lúc này, trời đã tối hẳn: phía nam, bầu trời quang đãng, mây tụ lại phía đối diện. Từ đó, loé lên những tia chớp lẫn tiếng sấm.
Levin lắng nghe nước mưa từ vòm lá bồ đề rỏ giọt đều đặn và ngắm nhìn ba ngôi sao họp thành hình tam giác quen thuộc cùng dòng Ngân hà vắt ngang ở giữa. Mỗi lần chớp, dòng Ngân hà và những ngôi sao sáng nhất biến mất, nhưng khi tắt ánh chớp, chúng lại xuất hiện nguyên chỗ cũ, như do một bàn tay khéo léo tung ra.
“Sao, cái gì đã làm lòng mình bối rối?”, Levin nghĩ thầm, cảm thấy trước là câu giải đáp mối hoài nghi đã sẵn có trong tâm hồn, mặc dầu chưa biết cụ thể nó ra sao.
“Phải, sự biểu thị hiển nhiên và chắc chắn duy nhất của ý Chúa là quy luật điều thiện, đã phơi bày cho mọi người thấy và ta cũng cảm thấy nó trong ta. Dù muốn hay không, ta đã liên kết với tất cả những người thừa nhận nó, họp thành đoàn thể tín đồ gọi là Giáo hội. Nhưng còn người Do Thái, người Hồi giáo, Khổng giáo, Phật giáo, họ là ai? Chàng tự hỏi, trở lại vấn đề gây cấn đối với mình. Có thể nào hàng trăm triệu người lại bị tước đoạt mất cái hạnh phúc tối cao mà thiếu nó thì cuộc đời sẽ không có ý nghĩa gì?” Chàng triền miên trong mộng tưởng nhưng rồi lập tức bừng tỉnh.
“Nhưng mình thắc mắc về cái gì đây nhỉ? Chàng thầm nghĩ. Về quan hệ giữa mọi tín ngưỡng của nhân loại với ý Chúa! Mình muốn hiểu thấu điều Chúa vạch ra cho toàn vũ trụ cùng tất cả những đám tinh vân. Mình làm gì vậy? Một nhận thức không thể nào lĩnh hội bằng lí trí, thế mà mình cứ khăng khăng tìm cách diễn đạt nó bằng danh từ và lí trí”.
“Mình thừa biết những ngôi sao không chuyển động, chàng vừa tiếp tục suy nghĩ, vừa nhìn một hành tinh sáng chói lúc này đã di chuyển vị trí phía trên cành cao nhất của một cây bạch dương. Tuy nhiên, khi nhìn sự vận động của các ngôi sao, mình vẫn không hình dung nổi trái đất xoay tròn và vẫn có lí khi bảo là các ngôi sao đang chuyển động.
“Những nhà thiên văn học liệu có thể hiểu nổi hoặc tính toán ra bất cứ cái gì không, nếu họ tính đến cả những vận động đa dạng và phức tạp của trái đất? Tất cả những kết luận kì diệu của họ về những khoảng cách, trọng lượng, về những sự vận động và chu chuyển của các thiên thể đều chỉ căn cứ trên sự vận động bề ngoài của các tinh tú xoay quanh một quả địa cầu bất động, trước sau vẫn chỉ là sự vận động giờ đây đang bày ra trước mặt hàng triệu người trải qua các thế kỉ, cái sự vận động bao giờ cũng có thể kiểm tra được ấy. Và cũng như những kết luận của các nhà thiên văn học sẽ trở nên hão huyền và lung lay nếu không dựa trên sự quan sát một bầu trời có thể trông thấy được từ một kinh tuyến duy nhất và một đường chân trời duy nhất, những kết luận của ta cũng sẽ hão huyền và lung lay như vậy nếu không dựa trên nhận thức về điều thiện trước sau như một đối với mọi người, cái nhận thức do đạo Cơ đốc vạch ra cho ta mà bao giờ cũng có thể kiểm tra ở trong tâm hồn ta được. Còn vấn đề những tín ngưỡng khác và mối liên hệ của chúng với ý Chúa, ta không có quyền và không có khả năng giải quyết”.
– Mình vẫn còn đứng đây à? – tiếng Kitty đột nhiên vang lên, nàng đi về phòng khách. – Không có chuyện gì làm mình buồn đấy chứ? nàng nói và chăm chú ngắm khuôn mặt chàng dưới ánh sao.
Nhưng hẳn nàng sẽ không thể nhận thấy sắc diện chàng nếu không có một tia chớp loé lên. Nàng liền trông rõ cả khuôn mặt chàng và thấy chồng bình tĩnh và vui sướng, nàng liền mỉm cười.
“Nàng hiểu đấy, chàng thầm nghĩ, nàng biết mình đang nghĩ gì. Có nên nói với nàng không nhỉ? ừ, mình nói cho nàng biết đây”. Nhưng chàng vừa toan mở miệng thì nàng đã lên tiếng.
– Này, Koxtia! Mình giúp em một việc nhé, – nàng nói. – Mình lại buồng đằng góc và xem họ thu xếp chỗ nghỉ của Xergei Ivanovich thế nào. Em làm việc đó không tiện. Không biết họ đã đưa bồn rửa mặt vào phòng anh ấy chưa?
– Được, anh đi đây, – Levin nói, đứng thẳng người lên và hôn nàng.
“Không, tốt hơn là không nên nói gì, chàng thầm nghĩ khi nàng đi rồi. Đây là một điều bí mật, nó chỉ cần thiết và quan trọng đối với riêng mình, và không thể diễn đạt bằng lời được.
“Tình cảm mới mẻ này cũng không làm mình thay đổi, không làm mình sung sướng hơn, cũng không đột nhiên chiếu sáng lòng mình, như mình hằng hi vọng. Cũng như tình cảm của mình đối với con vậy. Cả trong việc đó, cũng không có gì là đột ngột cả. Nhưng lòng tín ngưỡng, hay có khi cũng chẳng phải là lòng tín ngưỡng cũng nên, mình cũng chẳng biết đó là gì, có điều là tình cảm đó thông qua đau khổ đã len vào tâm hồn mình lúc nào không biết và sẽ bắt rễ vững chắc trong đó.
“Mình sẽ tiếp tục cáu kỉnh với gã xà ích Ivan, tiếp tục tranh luận, phát biểu ý kiến không đúng lúc; giữa chốn thánh thất thâm nghiêm nhất của tâm hồn mình và tâm hồn kẻ khác, ngay cả của vợ mình nữa, bao giờ cũng có một bức tường ngăn cách; mình sẽ tiếp tục đổ tại nàng khiến mình lo sợ, rồi lại hối hận về việc đó, tiếp tục cầu nguyện mà không hiểu được bằng lí trí vì sao mình cầu nguyện. Nhưng bất luận mọi điều có thể xảy đến, đời mình, cả cuộc đời mình, từng giây, từng phút, từ nay không còn trống rỗng vô nghĩa nữa, mình đã thấy được một ý nghĩa hiển nhiên và có thể đưa vào làm cho cuộc sống trọn vẹn: ý nghĩa của điều thiện”.
HẾT